Tin chú Tư ốm nặng khiến ông Cả trằn trọc mãi không ngủ. Ông mong trời mau sáng để sớm mai đi Hà Cối thăm Tư. Người điện về báo cho ông tin dữ này là Năm, em trai út hiện sống cùng Tư nơi đất khách quê người. Ốm đau đến mức phải điện về, chắc Tư đang lâm bệnh nặng lắm!
Hết nghiêng sang phải lại nghiêng trái, ông thấy khắp thân mình nhức mỏi, tay tê bì, các khớp xương như có đàn kiến vô hình bò bên trong. Đường ra Hà Cối mấy trăm cây số, không biết mình có đặng nổi không? Hai mươi năm mình đã không ra đó, nơi ấy bây giờ ra sao nhỉ?
Bụng sôi, đói cồn cào, miệng đắng, ông dậy bật điện, lấy nước súc miệng, nhìn đồng hồ chưa đến ba giờ sáng. Gà trống nhà ai vừa cất tiếng khơi mào cho đồng loại gần xa đua nhau gáy. Tiếng xì hơi từ lò đúc gang ở đầu làng vừa phát ra. Sáng mai tha hồ mà lau bụi! Ông vạch túi hành trang kiểm lại xem mình còn thiếu gì không. Một hộp sâm Hàn cháu nội biếu ông chưa dùng đến, nay đem làm quà cho chú Tư. Bộ quần áo được đứa cháu gái là phẳng phiu gấp nếp. Tối qua, con bé còn mua cho ông mấy chai nước lọc, hai ổ bánh mỳ kèm khoanh giò, sợ ông đói như chuyến đi hồi nọ.
Thấy còn sớm, ông tắt đèn, lên giường, khép mi mắt cay xè, vắt tay lên trán nghĩ miên man. Bốn mươi năm trước, hai anh em Tư, Năm cùng nhiều hộ dân trong làng xung phong đi Hà Cối xây dựng kinh tế mới. Khi ấy Tư hai con còn nhỏ, Năm vừa cưới vợ, vừa được chia đất cho ở riêng. Hai cụ thân sinh ra ông nghèo, gia tài để lại một căn nhà ba gian lợp ngói xi măng với ba sào vườn - đất hương hỏa tổ tiên để lại. Cụ là trưởng họ, trước khi mất đã di chúc hiến hai trăm mét đất để xây từ đường thờ Tổ họ, còn lại chia đều cho bốn ông, mỗi ông được hơn hai trăm mét vuông.
Ông phản đối việc Tư, Năm đi Hà Cối. Chú Hai liệt sỹ, còn lại bốn anh em, ông muốn tất cả quần tụ trên đất Tổ. Vừa là trưởng họ, vừa "quyền huynh thế phụ", ông cố ngăn cản hai em mà chẳng được. Tư bảo ở quê, mỗi nhà chỉ có hơn hai trăm mét đất, đời mình còn ở được, nhưng đến đời con, đời cháu chắt của mình, đất phải chia ra, mỗi người được bao nhiêu mét vuông? Chi bằng ra Hà Cối đất rộng người thưa, phần đất Tư, Năm dành lại cả cho hai anh sử dụng. Giờ nghĩ lại mới thấy Tư nói đúng. Tính cả đất của Tư để lại, ông được hơn bốn trăm mét vuông. Trừ vợ chồng thằng trưởng hiện đang ở cùng ông, hai đứa sau được ông chia hai suất, mỗi suất chỉ hơn trăm mét vuông. Chúng làm nhà ống, liền vách liền tường như nhà phố, sân bé tí xíu, dựng vài cái xe máy đã chật. Có lẽ đến đời con cháu nó muốn ở tại đất ông cha để lại, chúng phải xây chung cư cao tầng vì người sinh, đất có đẻ được đâu! Sau bốn mươi năm, nhà ở làng này đã ken dày, đâu còn nhà vườn thoáng mát như xưa nữa! Lắm nhà chẳng có đất trồng rau, muốn ăn phải bỏ tiền ra chợ, mà tiền ở quê đâu dễ kiếm. Chú Tư biết trước sự này chăng?
Nhớ khi mình lỡ miệng "nghèo đói quê cha hơn đại gia quê người!", Tư chê cười mình là lạc hậu. Mình lo "sảy nhà ra thất nghiệp", Tư quả quyết rằng "người ta sống được, chúng em cũng sống được!". Ông đành chịu thua, cùng Ba chu cấp cho Tư, Năm mỗi đứa tạ thóc và mấy con gà giống, ngậm ngùi tiễn em ra Hà Cối lập nghiệp. Giá như Tư ở lại quê nhà, ông đã có chỗ dựa mỗi khi lo việc nhà, việc họ và khi ốm đau đâu phải đi xa thăm nó thế này!
Trong bốn anh em, ông thấy chú Tư thông thái nhất. Hồi sắp xây từ đường thờ Tổ họ, ông điện Tư về. Ông định cửa xoay về hướng Đông-Nam thì Tư bảo "xoay hướng Tây-Nam mới hợp phong thủy". Ông chọn mùng Hai tháng Năm làm lễ khởi công xây móng thì Tư bảo ông là trưởng họ, ngày khởi công phải theo tuổi của ông. Ông mệnh Kim, chọn tháng Năm sẽ hại vợ, hại con, chọn tháng Sáu mới đại cát đại lợi. Sau khi Tư đi, ông mời thầy về xem. Thầy nói y chang như Tư nói. Từ đó, việc xây từ đường có gì vướng mắc, ông đều điện hỏi Tư, mặc dù họ hàng nhà ông đã lập ra cái Ban quản lý công trình gồm hơn chục thành viên do ông làm Trưởng ban. Thợ đang xây móng thì Tư về, mang theo số tiền của những người xa quê đóng góp xây từ đường. Tư yêu cầu thợ tháo dỡ bức móng tường hồi xây lại trước mặt đủ các thành viên trong Ban. Tư quả quyết rằng thợ xây ẩu, chỉ xếp đá khan, trám hồ vữa bên ngoài, trông đẹp mắt nhưng bên trong khe đá rỗng, đá không có hồ vữa liên kết, sau xây tường lên dễ đổ tường. Mọi người xúm lại kiểm tra thì quả vậy. Việc của Tư tuy tốt, nhưng vô hình chung đã làm bỉ mặt các thành viên trong Ban.
Có lẽ vì thế mà ngày khánh thành từ đường, trước mặt đông đủ các quan khách, họ hàng, có vị đã đứng lên chỉ trích Tư và "cả lũ xa quê bất hiếu, mải kiếm cơm quên hết cả Tổ Tiên". Có người văn hoa: "Cáo chết ba năm vẫn còn biết quay đầu về núi, huống chi đây là những con người", "cây kia ăn quả ai trồng / Sông kia uống nước hỏi dòng từ đâu?". Tư nén giận, phân bua: Vì đường sá xa xôi cách trở, đi lại khó khăn, cuộc sống mưu sinh khiến những người xa quê không về họp mặt được đông đủ trong những ngày việc họ, nhưng Tổ Tiên vẫn luôn ở trong lòng! Tư nói: Với những người xa quê, ban đầu nơi ở chỉ là "đất khách quê người", song ở lâu rồi sẽ trở thành Quê Hương. Con đâu, cha mẹ đấy. Con cháu của Tổ ở nơi nào thì đất Tổ sẽ vươn ra tới đó!
Đám người xa quê đồng loạt vỗ tay khiến cho cả rạp vỗ tay theo. Tuy vậy, ông chỉ đồng ý với Tư một nửa. Còn nửa kia ông nghĩ Tư biện bạch. Bực nhất từ sau ngày khánh thành từ đường, vào ngày giỗ Tổ, Tư chỉ cử người về đại diện. Lượt đầu là bố con chú Năm, sau đến lượt nhà khác. Mấy người thành kiến với Tư lại được dịp bôi xấu, trách ông "không biết dạy bảo em". Ông điện hỏi, Tư bảo muốn mọi người lần lượt được về quê "vấn tổ tầm tông", không chỉ riêng Tư độc quyền về. Ông biết Tư làm bất cứ việc gì cũng đều suy xét rất cẩn thận, nhưng mấy năm nay Tư rất ít về quê. Chắc họ hàng có điều gì làm Tư phật ý chăng, hay vì mang bệnh, Tư giấu mình? Ông thiếp đi từ lúc nào không biết.
Tiếng đập cửa, ông giật mình tỉnh giấc. Tiếng ông Ba gọi "bác Cả" hối thúc. Ông hắng giọng, cốt để Ba không gọi tiếp nữa rồi gượng ngồi dậy ra mở cửa. Mới có năm giờ, trời đã sáng. Hai ông ăn nhẹ, lên hai xe máy để hai thằng cháu đưa ra "đường cái" đón xe khách. Đợi khoảng mười phút thì xe tới.
- Hai cụ đi đâu? - Lơ xe mở cửa, xuống xe, hỏi.
- Chúng tôi đi Hà Cối! - Ông Ba đáp.
- Hà Cối là đâu nhỉ?
- Là Hải Hà, trước gọi là Hà Cối! - Có tiếng đàn ông trên xe đáp xuống.
- Hải Hà à? Mời hai cụ lên xe!
Lơ xe xếp hai ông ngồi ở hàng ghế đầu, ngay sau ghế lái xe và cất túi xách của hai ông lên giá. Ghế rộng, xe mát, đường êm, tiếng nhạc du dương làm vợi bớt tiếng ồn của động cơ ô tô. Ông gật đầu chào, bắt chuyện với người đàn ông tóc hoa râm đeo kính trắng ngồi cạnh. Qua thăm hỏi, ông biết ông này ở tỉnh bên, cách nhà ông bảy, tám mươi cây số. Ông ta ít hơn ông mười tuổi. Ông ra chỗ con ở Hải Hà. Ông vốn là cựu kỹ sư nông nghiệp, từng làm ở Sở Nông nghiệp Quảng Ninh, được "tăng cường" ra Hà Cối hồi "bảy chín" (1979), nghỉ hưu thì về sống ở quê. Ông để lại mấy héc-ta đất đồi, hiện con cháu ông làm trang trại trồng chè, bưởi, cam, nhãn, vải... Ông ra tư vấn kỹ thuật chiết ghép, lai tạo cây ăn quả lấy giống từ Hưng Yên, Hải Dương.
Viên kỹ sư vanh vách kể cho mọi người trên xe nghe nhiều chuyện về Hải Hà. Bốn mươi năm trước, xã Mã Tế Nam - nơi con ông đang ở - đã được đổi tên là Quảng Thành, xã Tấn Mài là Quảng Đức, xã Trúc Bài Sơn là Quảng Sơn, xã Lăng Khê là Quảng Thịnh, xã Lập Mã là Quảng Thắng, xã Mã Tế Nùng là Quảng Minh, xã Hà Cối Nùng là Quảng Chính, xã Đại Lai là Quảng Phong, xã Đại Điền Nam là Quảng Điền, xã Đại Điền Nùng là Quảng Long, xã Hà Cối Nam là Quảng Trung, thị trấn Hà Cối là thị trấn Quảng Hà. Huyện Hà Cối xưa đổi tên là Hải Hà từ "tám mốt" (1981). Té ra, người trả lời lơ xe thay cho mình ban nãy chính là kỹ sư nông nghiệp này! - Ông nghĩ. Viên kỹ sư kể tiếp về chiến dịch "nạn kiều" hồi "bảy chín" do phía nước láng giềng gây ra với ba đợt người Hoa bỏ về nước khiến Hà Cối gặp rất nhiều khó khăn; chuyện "bành trướng" kéo quân sang xâm lược, chiến sự diễn ra rất khốc liệt; chuyện hàng trăm hộ gia đình từ Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên ra Hà Cối bổ sung lao động cho các xã có người Hoa bỏ về nước; những năm đầu, "dân kinh tế mới" gặp rất nhiều khó khăn... Ông nghe chăm chú, nuốt từng lời.
Chuyện vãn, ông lặng nhìn qua cửa kính trước xe. Mặt đường láng bóng, hơi nước bốc lên dưới nắng hè, những vạch kẻ phân luồng xe thẳng căng trắng lốp. Bên ngoài, dây văng cây cầu lướt qua cửa thành xe, mặt Vịnh nước lung linh dưới nắng, những dãy phố cao tầng, vườn hoa ở Hạ Long, Cẩm Phả, những dải đồi phủ kín cây xanh... lần lượt hiện ra, chạy về phía sau xe giống như một cuốn phim phong cảnh.
Ông rùng mình nhớ lại chuyến đi ra Hà Cối khi xưa, phơi nắng chờ xe hàng giờ bên đường nhựa không một bóng cây, hơi nóng mặt đường phả vào mặt khiến cho ông muốn xỉu. Bước lên trên xe chật cứng người, ông buộc phải ngồi trên bao sắn bao khoai giữa đám hành khách nhễ mồ hôi, thà chịu đày nắng được ngồi cạnh cửa xe cho thoáng còn hạnh phúc hơn ngồi giữa xe hôi hám nóng như rang. Đoạn từ Mông Dương ra Hà Cối, xe già nua lết bánh trên mặt đường rặt ổ gà, khúc cua, lúc nghiêng phải, khi người dồn sang trái. Gặp dốc, xe ì ạch bò lên. Qua đỉnh dốc, xe tắt máy thả phanh trôi xuống. Đường hẹp. Mỗi khi tránh xe đi ngược chiều, nó dạt sang phải để nhường đường, lốp mòn lậc khậc lăn trên đá vệ đường khiến cho hành khách nảy tưng tưng. Đến Hà Cối gần trọn một ngày đường, cổ cháy khát, bụng đói meo, bói không đâu ra quán cơm quán nước...
Xe dập dềnh đi như võng đưa, ông ngủ thiếp trong lời ca tiếng nhạc.
- Hai cụ đến chỗ nào ở Hải Hà? - Lái xe hỏi. Ông giật mình, tỉnh giấc.
- Em tôi đón ở Bưu điện huyện! - Ông Ba trả lời.
Qua mấy con dốc thoải, những đồi cây, vườn chè, xe lọt vào một dãy phố dài thì dừng. "Bưu điện Hải Hà đây!" - Lái xe quay lại báo. Ông Cả, ông Ba chào viên kỹ sư và mọi người, xuống xe. Xe rồ máy lao đi. Núp dưới bóng cây trên hè, ông Cả rút điện thoại gọi Năm. Vẫn chưa đến mười một giờ trưa. "Đồ ăn trong túi ế mất rồi Ba ạ!" - Ông cười, lấy ra chai nước hai ông uống. Có chiếc xe con màu ghi lăn bánh tới. Cậu thanh niên trong xe ra mở cửa, cúi chào: "Cháu trân trọng mời hai ông lên xe!". Hai ông nhìn nhau nghi ngại. Chỉ đến khi nghe cậu ta giới thiệu "cháu được ông Năm cho đi đón" thì hai ông mới vui vẻ lên xe.
Đoạn từ quốc lộ 18A vào nhà chú Tư thênh thang rộng bốn làn đường thảm nhựa. Khi xe rẽ phải quặt vào đường bê-tông, ông ngỡ ngàng khi không còn thấy con đường nền đất đá gập ghềnh nhỏ hẹp, nắng bụi, mưa lầy; những ngôi nhà xây gạch đất hoặc trình tường bằng đất, lợp ngói âm dương mốc thếch. Giờ toàn nhà tường gạch xây, ngói đỏ, nhiều nhà lên hai tầng. Những ruộng lúa chín vàng, trường học khang trang, những vườn cây xanh sai trĩu quả... Bây giờ đổi thay so với trước quá nhiều! "Nông thôn mới" đây chăng?
Xe dừng trước cổng một ngôi nhà dựng rạp ở sân. Thoáng thấy ở đó có nhiều người nhốn nháo. Chưa thấy trống kèn. Chắc đợi giờ Mùi , đợi lúc mình đến mới khâm liệm! - Ông nghĩ, liền quay sang Ba, lắc đầu, nghẹn giọng: "Ta ra muộn mất rồi!". Họ nhìn nhau, khóe mắt ngân ngấn lệ.
Cửa xe mở, hai ông vội nhoài ra, bước chuệnh choạng tưởng chừng muốn ngã, may được cậu lái xe đỡ kịp. Cả hai dụi mắt. Trước mặt hai ông là Tư, Năm. Ông Cả nhào ôm Tư, tay đấm thùm thụp vào ngực em, cười mếu: "Thế mà tao cứ tưởng...!". Ông dứ dứ ngón tay về phía Năm: "Mày... mày nhớ đấy!". Cả bốn anh em ông cùng cười. Mấy cháu gái cầm ô che các ông vào rạp không hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Ông lại ngỡ ngàng hơn khi thấy tất cả mọi người trong rạp đều đứng dậy, đồng loạt vỗ tay, cho đến khi cả bốn ông đứng hẳn trên thềm hiên nhà, tiếng pháo tay mới dứt.
Ông đứng như pho tượng, nhìn khắp lượt mọi người trên sân - những "giọt máu đào" dòng họ ông. Những vẻ mặt rạng ngời, những nụ cười, những ánh mắt thân thương vừa lạ vừa quen đang hướng cả về ông khiến ông không nói được lên lời. Mãi đên khi Ba nhắc "bác phát biểu đi!", ông cũng chỉ nói được vài câu: "Chào mọi người! Tôi rất mừng vì đã được ra đây! Chúc cả nhà ta luôn mạnh khỏe, đoàn kết và phát đạt! Xin cảm ơn tất cả!". Một tràng pháo tay lại nổ rang.
Ông Tư đưa hai anh vào nhà rửa mặt cho tỉnh táo rồi ra ngoài rạp dùng cơm trưa. Nhiều ông bà đến xúm lại, vây quanh. Hai ông nhận ra họ là những người xưa từng sống ở quê hoặc đã từng về quê giỗ Tổ. Tiếng cười nói râm ran quây quanh ông. Ngoài trời nắng nhưng trong rạp mát vì có máy xì hơi nước gắn quanh phun hết cỡ. Hơn hai mươi mâm cỗ được bày ra, già trẻ ngồi ăn quây kín rạp. Chú Tư nói hôm nay chủ nhật, các cháu ở đây đều được nghỉ; trai, gái, rể, dâu trong gia tộc ở Hải Hà họp mặt, trước để đón mời cơm hai bác, sau để liên hoan đại gia đình.
Tiệc xong, mọi người thu dọn rồi về nghỉ. Ông Cả, ông Ba cũng đi nằm. Lúc này ông mới thấy mỏi mệt. Dù đường êm xe tốt, mấy giờ liền ngồi xe quả là không thú lắm với người già. Trong ông gợn nên niềm thông cảm đối với những người xa quê những chuyến họ ngồi xe về quê lo việc nhà, việc họ.
Khoảng ba giờ chiều, ông trở dậy. Cái mệt biến đi đâu hết cả. Không khí ở đây thoáng đãng trong lành, không lẫn bụi lò luyện gang như ở quê đã giúp mình mau lấy lại sức chăng? - Ông nghĩ. Ngoài sân, đám thanh niên bật nhạc sập sình, quây quần hát múa. Đám người tuổi cao từ các nhà bên kéo sang trò chuyện rồi đưa ông Cả, ông Ba đi thăm ngôi nhà gỗ kẻ truyền vừa dựng. Ngôi nhà gồm ba gian hai chái, kèo cột, rui hoành, bộ cửa bức bàn toàn gỗ lim, mái lợp ngói vảy, ở cạnh khuôn viên nhà ông Tư. Đám thợ đang lát sân bằng gạch gốm Bát Tràng.
Công trình "từ đường" giống như một tác phẩm nghệ thuật. Cánh cửa chạm mai - lan - cúc- trúc. Các cấu kiện gỗ bóng láng màu cánh gián, cân đối, hài hòa. Các hàng cột lớn và thẳng tắp được đặt trên những phiến đá chân tảng chạm cánh sen. Các bộ vì kèo được chạm khắc hoa văn mềm mại và tinh xảo khiến ông Cả, ông Ba nhớ đến những mảng chạm khắc gỗ tôn trí trên các vì kèo ngôi đình cổ ở làng. Gian giữa đặt bộ hương án thờ sơn son thiếp vàng, trên đặt bát hương, chân đèn, đồ thờ bằng đồng sáng loáng. Phía trên ban thờ treo một bức đại tự dài gần suốt gian nhà sơn son thiếp vàng chạm bốn chữ "Quang Tiền Dụ Hậu" nghĩa là "làm rạng rỡ đời trước, nêu gương sáng đời sau". Bốn cột ở hai bên ban thờ treo đôi câu đối chạm chữ Việt: "Noi gương tiên tổ, truyền thống anh hùng muôn thuở thịnh / Nối nghiệp ông cha, phát huy khí thế vạn đời vinh" và "Năm tháng yên vui nhờ phúc ấm / Sớm hôm cần kiệm dựng cơ đồ". Đầu hồi tường bên phải treo một bức phông lớn in cây gia hệ chi họ ở Hải Hà có nguồn cội từ Tổ họ ở quê; một bản tộc ước, một bản đề danh những người thành đạt; bảng ghi học sinh, sinh viên giỏi, những người có bằng cấp cử nhân, thạc sỹ; tấm bia đá khắc ghi những người có đóng góp lớn xây dựng từ đường. Việc họ ở đây được làm bài bản hơn quê nhiều. Mình phải học Hải Hà mới được! - Ông nghĩ.
Chú Tư khoe "bốn mươi năm qua, năm nào cũng thế, cứ vào ngày giỗ Tổ họ ở quê thì ở Hải Hà cũng làm lễ cúng Tổ. Khi em về quê thì Năm chủ trì thay". Thì ra Tư ít về quê vào ngày giỗ Tổ và vào ngày đó, Hải Hà chỉ cử đại diện về quê là bởi lý do này! - Ông nghĩ và nghe Tư kể tiếp: Sau ngày khánh thành nhà thờ Tổ ở quê, chúng em họp lại xây một ngôi từ đường thờ vọng Tổ Tiên. Công trình nay sắp được khánh thành.
Tư xin lỗi hai anh vì đã cho Năm báo Tư ốm nặng để lừa hai anh ra Hải Hà vì đã nhiều lần Tư mời hai anh ra đây chơi mà chẳng được. Tư bảo rằng: Chỉ khi nào đặt chân đến Hải Hà, hai anh mới hiểu được tấm lòng người xa quê luôn hướng về Quê Cha Đất Tổ, giữ được gia phong, truyền thống Ông Cha mình; hai anh mới có thể cảm thông với những người xa quê khi họ không về thăm cố hương được thường xuyên. Chỉ đến khi ra khỏi lũy tre làng và càng đi xa, mới thấy đời này rộng lớn và thật đẹp, lòng mình bao dung, rộng mở hơn!
Ông Cả nhìn Tư:
- Khi trước, anh cứ tưởng các chú ở đây chỉ mải mê làm giàu quên gốc gác họ hàng. Đến đây mới thấy không phải vậy! Và chỉ đến đây, anh mới thấy chú Tư nói đúng: Con cháu của Tổ ở nơi nào, nơi ấy sẽ trở thành Đất Tổ! Từ nay, các chú vẫn cử đại diện về quê cúng Tổ hằng năm theo lệ cũ. Mọi nhà vẫn cúng Tổ ở đây. Hôm nào khánh thành nhà Tổ nhỉ? - Ông hỏi.
- Hai mươi tháng sau ạ! - Tư đáp.
- Anh sẽ về báo cho họ hàng ở quê. Trước hôm khánh thành, các chú phải về quê kính cáo Tổ Tiên, xin được rước chân nhang về thờ. Ngày Hai mươi tháng tới, các chú làm thêm mười mâm cỗ để tiếp bà con họ hàng từ quê ra! - Ông Cả hạ giọng: - Có điều... từ rày trở đi, những việc lớn thế này các chú phải nói cho anh biết trước; những người ở quê và người xa quê năng qua lại với nhau, để khỏi hiểu lầm, thông cảm với nhau hơn! Hơn nữa ngoài giữ được gia phong của Tổ tiên các em ông và những người trong dòng họ đã làm được một việc lớn hơn đó là góp phần bảo vệ vùng đất biên cương của Tổ quốc.
Ông thắp hương, hướng lên ban thờ Tổ, hai tay chắp run run trước ngực. Mọi người xếp hàng, chắp tay đứng sau ông. Trong làn khói hương phảng phất bay, ông thấy linh Tổ hiển hiện về, vui cùng cháu con ngày họp mặt.