Truyện ngắn của Trần ngọc Dương
Lúc tỉnh dậy, thấy Hòa chăm chú đọc tờ giấy cũ đã ố vàng, nhàu nát của mình, Thanh giơ tay:
- Cậu cho xin lại bức thư, mình đang định mang nó đi ép plastic.
Dường như nhận ra vẻ kinh ngạc trên khuôn mặt của Hòa khi trao lại tờ giấy, Thanh vội giải thích:
- Với người khác, nó chỉ là tờ giấy lộn. Còn đối với mình, đây là một vật vô giá!
Hòa tò mò hỏi lại:
- Là vật vô giá?
Thấy Thanh gật đầu khẳng định. Hòa thắc mắc:
- mà mai Hà là ai vậy?
- một đồng đội cũ!
- Sao em chưa thấy anh nhắc đến người ấy bao giờ!
Thanh ngần ngừ:
- Vậy là cậu đã đọc hết bức thư?
Thanh trầm ngâm khi nhận lại bức thư. một lúc sau, anh tiếp tục bày tỏ:
- mình đã thuộc lòng những gì ghi trong đó!
Hòa ngạc nhiên:
- Anh đã nhớ như in cả bức thư mà vẫn còn muốn đọc lại?
- mình đọc lại nó trước khi đến thăm cô ấy!
- Đến thăm chị mai Hà?
Chẳng đợi Thanh trả lời. Hòa phân bua:
- Em về phòng, đã thấy anh đang nằm thiếp đi trên giường với khuôn mặt đầm đìa nước mắt. Còn bức thư được để trên ngực. Đầu tiên em không định đọc! Nhưng đúng lúc đó, lá thư bị gió quạt thổi bay thốc về phía em. Em đã cầm đặt nó vào vị trí cũ. Không hiểu tại sao, tờ giấy ấy lại bay trở lại bám dính vào người em. Cứ như thế đến lần thứ ba, em mới tò mò giở xem. Lúc đầu em chỉ đưa mắt lướt qua, coi ở đấy ghi điều chi. Rồi chẳng biết sao em lại bị cuốn hút vào những gì được thấy. Em đọc hết bức thư lúc nào chẳng hay. Cho em xin lỗi, đã đọc nó khi chưa được sự cho phép của anh.
- Không sao đâu!
Hòa thành thật:
- Thú thật, đây là lần đầu tiên em được nhìn thấy những giọt nước mắt đọng trên khuôn mặt của anh.
Thanh giãi bày:
- Cho đến tận bây giờ, tôi cũng chẳng biết mai Hà có phải là tên thật của cô ấy hay không nữa!
Hòa ngạc nhiên:
- Sao vậy?
Thanh phân bua:
- Bản thân tôi cũng thế! Ngày ấy do yêu cầu công tác, hầu như tất cả những người trong đơn vị của tôi phải mang một bí danh.
- Trong chiến tranh chống mỹ, anh ở bộ phận nào?
- Tôi ở nhiều đơn vị lắm.
- Ý em muốn hỏi là ngày quân ta làm chủ Sài Gòn, anh ở đơn vị nào?
- Đơn vị tôi công tác lâu nhất cho tới tận ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, trực thuộc lực lượng An ninh của R!
Hòa ngần ngừ:
- Vừa nãy, trong mơ anh đã thấy gì mà nước mắt trào ra dữ vậy?
Thanh thành thật:
- Tôi đã gặp Mai Hà! Nhưng tôi không tài nào nhìn rõ được khuôn mặt của cô ấy!
- Hầu như trong trạng thái mơ màng, ai cũng đều bị như vậy cả.
- Tôi chỉ thấy một bóng hình mờ ảo. Nhưng tôi chắc chắn đấy là Mai Hà!
- Anh tin vào điều đó?
- Ánh mắt của cô ấy thì lẫn vào đâu được!
- Anh nhận ra chị ấy qua đôi mắt?
- Chẳng hiểu tại sao cho đến tận hôm nay, bao giờ Mai Hà cũng vẫn nhìn tôi như vậy.
- Anh buồn vì không nhận ra khuôn mặt của người ta?
Thanh trải lòng mình. Còn Hòa lặng im đưa cho người kể chuyện chén trà mới pha. Ngay từ những phút giây đầu tiên, anh đã bị cuốn hút vào câu chuyện của người bạn đường trong chuyến đi xuyên Việt lần này. Hòa không khỏi ngạc nhiên vì những điều mới biết về Thanh. mặc dù đã nhiều năm Hoà làm việc cùng Thanh, song giống như nhận xét của mọi người trong cơ quan: Trong công việc chuyên môn, Thanh rất chu đáo. Còn với cuộc sống riêng tư, Thanh khá khép kín, không hoà nhập với mọi người xung quanh. Lúc chuyến đi xuyên Việt do cơ quan tổ chức được tiến hành, Hòa không khỏi ái ngại khi nhận được thông báo của đoàn trưởng: Anh sẽ được ghép ở chung phòng với Thanh trong suốt chuyến đi. Đến Sài Gòn, Hoà càng ngỡ ngàng khi biết Thanh cũng giống mình: Xin tách khỏi đoàn tham quan, để giải quyết việc riêng.
***
... Mình được biên chế về một biệt đội thuộc lực lượng An ninh của R. mà không, dạo đó mình chỉ biết đấy là một bộ phận làm nhiệm vụ đặc biệt gồm ba người, do Mai Hà làm đội trưởng. Mỗi khi nhận được mệnh lệnh từ cấp trên, biệt đội của mình phải tuyệt đối chấp hành. Không được hỏi, cũng chẳng có quyền tìm hiểu lý do, ngay cả biện pháp thực hiện cũng chủ yếu do cấp trên vạch ra. Các thành viên trong biệt đội lại phải hoàn toàn bí mật với nhau về đời tư. Mọi người chỉ được biết về nhau qua những thông tin rất hạn hẹp. Như mình được đào tạo bài bản, chính quy thuộc binh chủng Đặc công ngoài Bắc vào. Đồng chí Nam trưởng thành từ phong trào Đồng khởi. Còn Mai Hà, thuộc lực lượng học sinh, sinh viên ra bưng biền từ sau Tết Mậu Thân. Biệt đội K2 của mình hồi đó hoạt động theo nguyên tắc rất nghiêm ngặt. Khi hội họp với các biệt đội khác trong đơn vị, tất cả đều phải đội mũ công tác trùm kín mặt, chỉ để hở có đôi mắt. Thanh hỏi Hòa, khi thấy anh cúi đầu lặng im nghe chuyện:
- mà này, cậu có ngại khi nghe tôi nói lan man về những kỉ niệm hoạt động trong nội đô của tôi dạo đó không? Bởi sách báo ngày nay đã đề cập quá nhiều về nó! Phần khác, ký ức ngày ấy nhiều lắm, kể làm sao cho xiết. Chỉ riêng lá thư ngắn ngủi này, cũng chứa đầy kỉ niệm của hai đứa chúng tôi. Những dòng chữ cuối cùng ở cuối bức thư này, được Mai Hà ghi vội trong lúc chia tay, trước khi chúng tôi bước vào chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Hòa buột miệng:
- Sao anh biết nó được ghi vội?
Thanh chỉ vào những hàng chữ xiêu vẹo được viết cuối thư:
- Thì lúc ấy, Mai Hà mượn cây viết của tôi để ghi thêm mấy dòng này!
Thấy Thanh im lặng chìm vào ký ức. Hòa thầm thì:
- Anh chị đã gặp mặt nhau trước khi bước vào chiến dịch Hồ Chí minh lịch sử?
Thanh gật đầu xác nhận, rồi tiếp tục mạch chuyện:
- Phạm vi hoạt động của đơn vị tôi trong chiến tranh là khu vực Thành đô. Đối với nhiều người trong đơn vị, địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn không có gì là xa lạ. Vậy mà, họ vẫn tạo ra một sa bàn thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn với đầy đủ các dữ kiện. Không! Họ đã làm ra một đô thành được thu nhỏ nằm giữa đại ngàn. Và tôi, buộc phải học thuộc lòng những con đường dẫn đến các mục tiêu quan trọng của địch ở Sài Gòn, trong một quãng thời gian ngắn nhất. Những ngày ấy, mai Hà là người đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Thanh lấy một tấm hình đen trắng đã cũ, được cất kỹ trong ngăn ví đưa cho Hòa:
- Đây là bức ảnh của bọn mình chụp chung trong lần nhận một nhiệm vụ đặc biệt.
Hòa không khỏi kinh ngạc khi nhìn thấy tấm ảnh đen trắng, trong đó là hình của một Trung úy dù Ngụy với một cô gái. Dường như đoán được tâm trạng của Hòa, Thanh bộc bạch:
- Cậu là người duy nhất được tôi cho biết có tấm hình này còn tồn tại. Tôi luôn mang theo bức ảnh này bên mình trong suốt quãng thời gian vừa qua. Tấm hình được chụp chung theo yêu cầu công tác, khi chúng tôi thực thi một nhiệm vụ trong nội đô.
- Được chụp công khai khi làm nhiệm vụ bí mật?
Thanh say sưa nói về bức ảnh:
- Ngày ấy nó còn được phóng to và treo lên tường nhà để làm chứng cứ thầm nói với mọi người rằng: Chúng tôi là một cặp vợ chồng hạnh phúc! Hòa ngắm tấm hình:
- ảnh đẹp thật! Nhìn khuôn mặt rạng ngời của hai người, ai dám nói đây là ảnh diễn!
***
... Lần ấy, chúng tôi được lệnh xâm nhập vùng do địch quản lý. Trên đường vào, tôi bị dính mảnh pháo vào đầu, vết thương phần mềm không nguy hiểm mấy. Tôi báo cáo cấp trên và xin được tận dụng vết thương để tiếp tục thực thi nhiệm vụ. Tôi trong vai một Trung úy dù của Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị thương ngoài Trung phần, phải kiểm tra sức khỏe tại Quân y viện Cộng hòa, kết hợp với việc được thưởng mười ngày phép về thăm nhà. Với tờ Công vụ lệnh, giao liên đưa tôi vào Thành đô bằng con đường hợp pháp. Trước đó nhiều ngày, mai Hà đã hoàn thành việc “lót ổ” tại một căn nhà lầu nằm trong hẻm, cạnh con đường ra vào phi trường Tân Sơn Nhất. Bữa đó, chúng tôi đang xem xét lại số tài liệu cần chuyển ra ngoài thì địch ráp. Má Năm, cơ sở đang cảnh giới ở dưới tầng trệt lên tiếng theo kịch bản đã được chuẩn bị: “Trên lầu chỉ có con gái tôi với thằng rể. Khổ thân hai đứa, hơn một năm rồi mới được gặp nhau. Chồng đóng quân mãi ngoài Trung Phần, mới về từ hồi sáng. Đâu được tranh thủ về thăm nhà thường xuyên như mấy cậu”.
Nghe tiếng báo động, chúng tôi vội lật đệm giường cho tất cả tài liệu xuống dưới. Rồi, hai đứa cởi quần áo ngoài vứt lung tung khắp nhà, leo lên giường trùm kín ga nằm ôm nhau. Bọn địch kéo lên lầu, đứng vây kín cửa. Tên toán trưởng lên tiếng:
- Ai trong đó ra trình giấy tờ mau!
Tôi lạu bạu:
- Đợi chút.
- Không được!
Tôi lại cằn nhằn:
- mấy cha chẳng biết điều tí nào cả.
- Yêu cầu ra ngay!
Tôi gắt:
- Đợi chút không được hay sao.
- Không có thời gian!
Tôi lụng bụng:
- Mọi việc đang còn dở, mất cả hứng.
Rồi tôi xuất hiện trước cửa với đầu óc rối bù, trên người độc có cái quần sịp, một tay vuốt tóc để lộ băng đầu còn in vết máu, tay còn lại cầm một mớ giấy đưa cho bọn địch. Cả toán lính xúm vào soi xét từng loại giấy, tên toán trưởng hỏi:
- Thẻ bài quân nhân của chiến hữu đâu?
Tôi cởi cái thẻ bằng inoc đang đeo lủng lẳng trên cổ, đưa cho tên toán trưởng, nhăn nhở:
- Vội quá, nên cũng chẳng kịp cởi cả nó ra.
Tên toán trưởng săm soi cái thẻ bài, rồi lên tiếng hỏi tôi:
- Còn ai trong đó?
- Vợ tôi!
- Gọi cô ấy ra đây!
Tôi nháy mắt thầm thì:
- Xin lỗi chiến hữu, lúc các vị tới bọn này đang dở cuộc vui.
Có tên lính buột miệng:
- Ông sướng nhỉ.
Tôi quay sang kẻ vừa lên tiếng thanh minh:
- Cô ấy còn chưa kịp mặc gì.
Tên toán trưởng nghiêm giọng:
- Trung uý thông cảm, nhiệm vụ quy định buộc chúng tôi phải thực hiện.
Vừa nói hắn vừa đi lại phía cửa ngách, ngó hẳn vào trong. Tôi tiến tới chặn ngang, nói to:
- Chiến hữu muốn kiểm tra?
Qua vai tôi, tên toán trưởng nhìn thấy quần áo ngoài của chúng tôi vứt lộn xộn. một cái nịt ngực của phụ nữ rơi gần cửa ra vào. Trên giường Mai Hà mắt lim dim, nằm trùm hờ tấm vải ga, mái tóc không cặp xổ tung che kín gối. Thấy có người lạ, Mai Hà vội xoay người vào trong. Cái ga tuột ra, để lộ một phần thân thể không mảnh vải che của người đàn bà. Tôi bèn đẩy tên toán trưởng, vội khép hờ cái cửa buồng:
- Ông hơi quá rồi đấy!
Tên toán trưởng ngước nhìn tấm ảnh được phóng to treo trên tường, cười nhăn nhở rồi giơ tay lên vành mũ:
- Thôi trung uý thông cảm cho sự phiền toái vừa qua. Chúc chiến hữu vui vẻ, vào đi kẻo người đẹp chờ lâu giận đấy.
Tôi với chai rượu ngoại đắt tiền, đưa cho tên toán trưởng:
- Chai này của tướng Trưởng tặng kèm theo mấy ngày phép, tôi vừa mới uống có một chén, các chiến hữu chia vui cùng - Quay sang phía bọn lính tôi nháy mắt, cười nhăn nhở - Các ông thông cảm, lính tráng được có mươi ngày nghỉ thăm nhà phải tận dụng hết chứ.
Tốp quân cảnh vừa đi, vừa tán:
- Thằng cha trung úy dù này bị thương mà còn khỏe ghê!
- Lúc hắn bước từ trong buồng ra cái ấy còn cứng ngắc!
- Chắc hắn ta chưa kịp làm tới bến.
- Tao mới nhìn vội sơ qua con nhỏ vợ nó, thấy cái eo trong tấm ga đã mê rồi.
- Thằng cha vớ được con vợ tóc dài, da trắng như trứng gà bóc.
- Mày nhìn thấy người đẹp, chốc phải chịu tiền mồi?
- Nào được coi mặt, may mà cái ga tuột xuống tao mới được chiêm ngưỡng có tẹo cái vai trần.
- Thế là hên rồi, còn hơn tao đứng sau chẳng nhòm thấy cái gì...
Lúc bọn địch rút hết, má Năm nói với tôi:
- Mày vào với nó đi!
Tôi chần chừ hỏi lại:
- Con vào với cô ấy?
- Tao còn tranh thủ chạy ra chợ mua ít đồ về làm cơm.
Tôi đóng cửa, Mai Hà vẫn nằm trùm ga kín người. Tôi đến ngồi bên thủ thỉ:
- Mọi việc xong rồi, cho tôi xin lỗi. Bất đắc dĩ lắm chúng mình mới phải làm vượt quá kịch bản đã đề ra.
Thấy Mai Hà lặng thinh, tôi tỉ tê:
- Tình huống vừa xong làm tôi thót cả tim.
Vẫn không có tiếng trả lời, tôi hốt hoảng kéo mạnh tấm ga. Mai Hà không một mảnh vải trên người, đôi mắt mở to không chớp. Tôi bất động nhìn Mai Hà với trái tim loạn nhịp. Mai Hà như choàng tỉnh vội vã khép đùi, hai tay cố che đôi bầu vú cong vút, cặp mắt đen tròn ngấn nước. Tôi tròng trành trôi trong cặp mắt của em. Đột nhiên Mai Hà ngồi bật dậy, tôi vội vã giơ tay. Không! Hai đứa chúng tôi đã vồ chặt lấy nhau.
Bấy giờ, chúng tôi giống như hai giọt sương mai, cùng đậu trên một chiếc lá sen tơ dập dờn trên mặt hồ nước mênh mông, chỉ cần có sự xao động nhỏ, một làn gió nhè nhẹ thổi qua, cũng đủ để nó chập vào làm một. A Đam và Ê Va đã hoá thân vào hai đứa! Đất với trời không còn ranh giới! Điều kỳ diệu nhất của vũ trụ đã xảy ra! Tình yêu cháy bỏng bị dồn nén bấy lâu nay trong chúng tôi, khác chi dòng dung nham sẵn sàng nơi miệng núi lửa. Chỉ chờ dịp là tuôn trào, bất chấp tất cả. Tôi và mai Hà đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng từ đó! Hai đứa chúng tôi nằm im lặng bên nhau như vậy bao lâu không rõ. Khi thấy những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt cô ấy, tôi bối rối:
- Cho anh xin lỗi!
Mai Hà vội quay sang ôm chặt lấy tôi:
- Anh có lỗi gì đâu!
- Lẽ ra anh không được làm như vậy.
- Làm như thế thì đã sao?
Tôi thành thật hỏi:
- Anh phải làm gì để chuộc lại lỗi lầm vừa xong?
- Anh không mắc lỗi một mình!
- Vì cả hai chúng ta đều cùng nhau vượt qua những giới hạn đơn vị đã quy định!
Sau này, tôi cũng đã nhiều lần tự hỏi: Chúng tôi có lỗi gì khi đến với nhau nhỉ? Và cho đến tận bây giờ, tôi cũng không sao tìm được câu trả lời. Ngày ấy, hai đứa chúng tôi cũng đã cố gắng đưa ra mọi lý do để tự biện minh cho tình cảm của mình. Nào là tình yêu không phải là một tội lỗi. Tất cả đã được định đoạt tại nơi thiên mệnh. Trong cõi đời này, chẳng ai có thể chống đỡ nổi sự cám dỗ khi tình yêu tới! mà trong tình yêu thì làm gì có giới hạn! Bởi một khi đã yêu là yêu hết mình. Yêu đến cạn kiệt cả trái tim và sẵn sàng dâng hiến cho nhau những gì quý giá nhất thuộc về bản thân của mỗi người.
Và phải chăng một khi đã vướng phải lưới tình, thần thánh cũng giống như những con người trần tục!? Tất cả đều giống như nhau! Tất cả cũng chỉ là những kẻ dại khờ! Tất cả trái tim của những người trong cuộc đều trở nên non nớt, loạn nhịp run rẩy! Lí trí làm sao ngăn nổi nhịp đập trái tim của con người!
Và tất cả chỉ tại Thượng đế khi sinh ra con người đã ban cho họ một trái tim để biết yêu thương, căm giận! Hai đứa chúng tôi cũng không nằm ngoài thông lệ trên!
Chúng tôi cũng chỉ biết cầu xin cuộc đời đừng lên án trái tim của những kẻ đang yêu. Chúng tôi cũng chỉ biết chờ đợi và sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi hậu quả đến với mình! Ngày ấy chúng tôi cũng hiểu, sẽ chẳng che giấu nổi cái cảm xúc khi yêu. Dẫu biết là như vậy, nhưng hai đứa vẫn cứ giả vờ, cố gắng đóng kịch với đồng đội. Nhưng tôi và cô ấy chỉ che mắt được kẻ địch, chứ không giấu được tổ chức! mà chuyện yêu đương hồi ấy ở đơn vị của chúng tôi bị cấm triệt để!
Khi cấp trên biết chuyện của hai đứa, bèn kỷ luật cả đôi. Chúng tôi bị kỷ luật cảnh cáo toàn đơn vị và được điều chuyển về các phân đội khác nhau ở tuyến sau. Bọn tôi bặt tin của nhau trong một quãng thời gian khá dài. mãi đến ngày tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn, tôi và Mai Hà mới gặp lại nhau.
Thời gian đó, quân ta đang dốc toàn lực cho chiến dịch cuối cùng này, nên một số quy định nghiêm ngặt mới tạm được nới lỏng. Những người bị kỉ luật như chúng tôi mới được xóa án, được trở về đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ chiến đấu. Bấy giờ cả hai chúng tôi đều nhận được lệnh: Dẫn đường và tham gia cùng các cánh quân chủ lực của ta tiến vào giải phóng thành phố Sài Gòn...
... Trong chiến tranh, mỗi khi phải trú chung hầm, Mai Hà bao giờ cũng giành ngồi ngoài phía cửa; còn
nếu mắc võng tầng khi ngủ, em đòi nằm ở bên trên. Mai Hà lý giải: “Em chỉ ưa những chỗ thoáng, ở phía
trong ngột ngạt, khó chịu lắm”.
Có lần mai Hà thầm thì thành tiếng khi tưởng tôi đã chìm vào giấc ngủ. Tôi không khỏi sững sờ khi nghe cô ấy thổ lộ: “Từ trước đến giờ, em chưa được yêu và cũng chẳng hề gặp một người đàn ông nào để yêu như anh cả. Giờ đây, em chỉ có anh là người thân duy nhất trong cuộc đời này. Sở dĩ lý do em luôn luôn mong muốn được ở phía bên ngoài vì nếu có viên đạn, mảnh bom pháo nào từ phía địch văng tới, nó muốn chạm được tới anh, phải xuyên thủng qua người em trước đã...”.
Trước khi chia tay, Mai Hà đã dúi vào tay tôi tờ giấy này. Tôi chưa kịp mở ra xem, cô ấy đã đòi lại để ghi thêm mấy dòng. Mai Hà dặn thêm: “Để đến lúc em rời khỏi đây, anh mới được mở nó ra xem”.
Thanh chỉ cho Hòa đọc lại những con chữ xiêu vẹo cuối thư: “Ngày chiến thắng, anh hãy đưa em về thăm quê nội. Để em ra mắt họ hàng và xem cái rét heo may ở ngoài Bắc nó ngòn ngọt ra làm sao?”
Thấy Hòa im lặng khi đọc xong, Thanh nói tiếp:
- Vậy mà, trong cái ngày diễu binh mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, tôi lại mang hương đi thăm Mai Hà. Cô ấy đã nằm lại cạnh một cây cầu bắc qua sông Sài Gòn!
Hòa thốt lên:
- Chị ấy hy sinh trong chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam?
- Với tôi niềm vui của ngày chiến thắng không hề trọn vẹn khi thiếu vắng Mai Hà!
Thanh tiếp tục:
“... Khi đồng đội dẫn tôi ra thăm mộ mai Hà, đến nơi, tôi không khỏi chạnh lòng, một nấm mồ còn mới nằm cạnh con sông Sài Gòn, nhưng chẳng hề có nổi một chân hương, lạnh lẽo quá chừng. Đã đành trong chiến đấu lấy đâu ra thứ này. Nhưng nếu tính từ 30/4 đến hôm nay, là ngày tổ chức diễu binh mừng chiến thắng thì quãng thời gian trôi qua cũng không hề nhỏ. Tôi cố gắng tìm mọi lý do biện minh cho chúng tôi, những người còn có mặt với cuộc đời hôm nay: Có thể do những công việc bộn bề sau ngày chiến thắng đã dồn hết vào đôi vai của những người lính, nên họ không làm chủ được quãng thời gian ít ỏi. Có thể họ cũng giống tôi, còn phải nghiến răng, gồng người ra mà chống chọi lại những vết thương trên giường bệnh. Cũng có thể họ cũng như Mai Hà, đã phải ra đi ở cái tuổi đẹp đẽ nhất của một đời người. Họ phải nằm lại đâu đó ở ngay cửa ngõ Đô thành, chẳng đến được dinh Độc Lập - điểm hẹn cuối cùng của những người lính giải phóng! Và liệu có phải chăng, trong những giây phút bình yên sau chiến tranh, ánh hào quang rực rỡ của chiến thắng đã làm lu mờ đi nhiều thứ, khiến những người còn sống lãng quên mất đôi điều cần nhớ???
Lúc đứng trước ngôi mộ của mai Hà, không hiểu sao tôi chẳng tài nào thắp nổi một nén nhang? Có phải do đất trời ở con sông Sài Gòn quãng này lộng gió, hay tại bản thân tôi có lỗi khiến tâm không yên, đã làm đôi tay của mình run rẩy? Tôi ngửa mặt khấn trời: “Gió ơi! Xin gió hãy lặng im một chút thôi, để tôi thắp nổi một nén hương cho người bạn gái tôi yêu thương”.
Tôi lại cúi đầu thầm thì tâm sự, mong em hãy hiểu, thông cảm cho hoàn cảnh của những kẻ như tôi. Lúc cái bật lửa Zippo* trong tay nóng bỏng, những nén hương tôi cầm rồi cũng tỏa khói thơm ngào ngạt. Tôi xin với mọi người: “Hãy để cho hai đứa chúng tôi một chút riêng tư”. Tôi nghẹn ngào: “Anh đến thăm em như lời hẹn ước lúc chia tay. Vậy mà giờ đây chỉ còn lại mình anh với những dòng tưởng niệm. mai ngày trở lại quê nhà, anh chỉ biết mang theo về tình yêu và nỗi nhớ thương em da diết. Nhưng anh không cô đơn, vì hình dáng của em: Cô gái Sài Gòn sẽ sống mãi trong anh. Em hãy ngủ cho ngon, đừng giật mình vì những tiếng đại bác vừa vang vọng tới nhé. Đấy là tiếng súng của cuộc diễu binh mừng chiến thắng đang diễn ra ở dinh Độc Lập. Em từng nói với anh về ước mơ của mình: Sẽ trở về Sài Gòn cùng rừng cờ giải phóng tung bay. Vậy mà...”. Đôi mắt tôi bỗng nhoà đi. Trời đất quanh tôi lộn nhào quay nghiêng ngả. Trong làn khói hương bay tôi chợt thấy, hình bóng của Mai Hà với mái tóc xoà, chiếc khăn rằn vắt vai và khẩu AK báng gấp khoác ngang người.
Trong giấc mơ, tôi thấy một cuộc diễu binh có hai khối người tham gia. Ở phía những người đã mất, thấy Mai Hà giơ tay vẫy, tôi tiến lại gần, nhưng sao em lại xua tay từ chối: “Anh chưa chết, không thể đứng vào đây được!”.
Chỗ những người còn sống đang bận rộn sửa sang áo quần, huân huy chương các loại, thấy tôi đi tới vội bảo: “Tham gia cuộc diễu hành hôm nay, chỉ chọn toàn những người trẻ tuổi, đạt các tiêu chuẩn về ba rem như: Cân nặng, chiều cao, có gương mặt sáng sủa. So với những gì đã đề ra, đồng chí không phù hợp!”.
Thấy thế, đám đông quần chúng giơ tay đón tôi. Họ đồng thanh lên tiếng: “Ở đây đủ chỗ cho tất cả mọi người!”.
Đoàn diễu binh khởi hành. Dẫn đầu khối liệt sĩ là những lá cờ có màu đỏ của máu, thủng lỗ chỗ, không có một tấm huân chương nào được cài trên đó. Biển người cúi đầu kính cẩn, khi các liệt sĩ lướt ngang. Có đám mây trôi qua bầu trời, một cơn mưa bay lất phất, những tia nắng mặt trời rọi qua, một chiếc cầu vồng rực rỡ xuất hiện. Đoàn người đi trong ánh hào quang chói lọi. Xa xa, có cơn giông đang kéo tới. Tiếng sấm ầm ầm vang dội như hàng loạt đại bác đón chào: Những thiên thần bất tử! Một cháu bé chỉ tay về phía những người còn sống hỏi vị tướng đứng cạnh: “Ông ơi! mọi khi tất cả họ đều phải chào ông. Tại sao bây giờ, ông phải cúi đầu trước những người này?”. “Cả đất nước còn phải nghiêng mình trước vong linh của các liệt sĩ! Sau này, cháu có trở thành ai đi chăng nữa, cũng phải biết cúi đầu trước những con người dám hy sinh cả cuộc đời cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc!”.
Rồi tiếng kèn, tiếng trống vang lên, báo hiệu khúc quân hành của những người còn sống. Đoàn diễu binh đi trong tiếng vỗ tay, reo hò vang dội. Tôi muốn đi giữa hai khối người, song tôi không thể nào nhấc nổi chân. một làn gió thổi qua, tôi rùng mình ớn lạnh. Rồi tôi thấy mình dạo chơi trên bãi biển quê nhà. Có đống lửa đang cháy, nhiều người cầm tay nhau nhảy múa, ca hát. Tôi chợt nhớ ra tiết mục văn nghệ của mình đã đăng ký. Một tấm vải phin trắng, được dán những mảnh giấy báo song song, trải dài trên cát giả làm vĩ tuyến thứ 17. Tôi và Mai Hà ở hai bên bờ cứ mỗi lần định nắm tay nhau qua giới tuyến, lại bị tên quân cảnh đi ngang cản trở. Có lần, chúng tôi liều mạng vươn người hôn nhau qua giới tuyến, nhưng chiếc lưỡi lê lạnh ngắt của tên quân cảnh, đã chắn giữa đôi môi của hai đứa chúng tôi. Rồi tiếng nhạc bài ca “Giải phóng miền Nam” vang lên. một tốp con trai mặc quân phục, đội mũ tai bèo khoác AK hành quân. Những cô gái khăn rằn vắt ngang vai, đứng dàn hàng ngang chặn xe tăng địch.
Rồi chúng tôi cùng họ cầm vũ khí lao vào những trận đánh khốc liệt. Người này ngã xuống, ngay lập tức rất nhiều người khác đứng vào thế chỗ. Một hồi kèn chiến thắng cất cao, hai đứa chúng tôi cầm tay nhau đi trên vĩ tuyến thứ 17 trong tiếng vỗ tay vang dội. Lúc cúi chào khán giải, Mai Hà quay sang nhìn tôi thì thầm: “Khán giả đang yêu cầu chúng mình thể hiện lại đoạn cuối đấy”.
Tôi khoác súng mạnh dạn ôm eo Mai Hà. Cô ấy ngả đầu vào vai tôi, tay cầm bông cỏ dại tôi vừa hái tặng. Chúng tôi dìu nhau đi trong tiếng hoan hô, có người nói to: “Lúc nãy chưa được hôn, bây giờ làm tới đi”.
Đám đông khán giả đồng thanh hét vang: “một, hai, ba: Hôn nhau đi! Hôn nhau đi! Hôn nhau đi!”. Mai Hà và tôi quyện chặt vào nhau trong cái hôn. Chúng tôi đã quên hết, quên hết tất cả mọi thứ ở quanh mình...
Rồi, có hai đứa bé đẹp như tiên đồng nhảy lên sân khấu, cuốn tấm vải ném vào đống lửa. Tôi hốt hoảng buông mai Hà chạy lại ngăn cản. Thôi chết, cháy mất hết cả rồi! Lần trước, tôi đã bị mẹ mắng vì tội tự tiện lấy tiêu chuẩn vải của cả nhà ra làm phục trang biểu diễn trong trại hè thanh niên thế giới được tổ chức bên bờ vịnh Hạ Long. Cũng tại hai bạn người Đông Đức tham dự đêm lửa trại hôm đó bốc quá. Họ cứ tưởng như ở đất nước mình, vải vóc ê chề đủ loại, chẳng ai thèm dùng thứ vải lau máy này. Mai Hà kéo tôi lại gần, khều cho ngọn lửa cháy bùng lên. Mồ hôi túa ra, nóng quá, tôi tỉnh giấc thấy xung quanh mình là đồng đội của chúng tôi. Thì ra họ chờ mãi mà không thấy tôi quay lại để cùng trở về Sài Gòn, mọi người quay lại tìm đón thấy cảnh: Tôi tựa vào bên nấm mộ của Mai Hà mà thiếp đi...
... Tôi đã giấu tất cả mọi người câu chuyện trên! Vì tôi cho rằng, kỷ niệm về một mối tình dù có đẹp đến đâu đi chăng nữa thì cũng chỉ là mùa xuân của quá khứ. mà chuyện tình cảm giữa tôi và Mai Hà ngày ấy, chỉ mang lại cho tôi nỗi buồn mênh mông mỗi khi tôi nhớ lại! Nếu dạo đó, chúng tôi kiềm chế được bản thân, không yêu thương nhau quá giới hạn, biệt đội K2 của chúng tôi sẽ chẳng bị giải tán. Biết đâu cô ấy không bị hy sinh, sẽ thực hiện được ước mơ ra thăm miền Bắc của mình. Và biết đâu, những đứa con của tôi sẽ mang bóng hình của cô ấy. Biết đâu...
---------------------------------------
* Loại bật lửa lính Mĩ hay dùng