ĐƯA THAN ĐÁ TRỞ VỀ CỐ ĐÔ HUẾ

21/09/2021 14:19

      Thế kỷ 19, vâng mệnh triều đình tổng đốc Tôn Thất Bật đã đưa than đá về kinh đô Huế để đúc tiền. Ngành khai thác than có minh mạng, từ đó. Vua minh mạng được coi là ông tổ ngành. Đầu thế kỷ 21 này, những hòn than lại trở về Huế, chỉ khác trong một hình hài khác tinh xảo hơn, đó là những tác phẩm nghệ thuật. Ý tưởng đó được gửi gắm vào cuộc trưng bày chuyên đề “Nghề khai thác than đá Quảng Ninh”, do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh vừa tổ chức tại TP Huế.
      Điêu khắc than đá là một nghề độc đáo, riêng có ở Vùng mỏ Quảng Ninh. Hàng mỹ nghệ từ than đá rất kén người làm, công việc chế tác cũng vất vả, bụi bặm. mỗi tác phẩm than đá nghệ thuật đều cần nhiều công đoạn, nhiều người thực hiện. Sau khi chọn phôi than nguyên khối phù hợp với tác phẩm định tạc, nghệ nhân cưa, cắt, đục, mài, gọt giũa, trau chuốt, tạo độ bóng, mịn rồi chỉnh sửa, hoàn thiện sản phẩm. Tùy vào độ to, nhỏ, mức độ cầu kỳ phức tạp, mỗi sản phẩm cần từ 5-12 người mới hoàn thành. Vì thế, nó là kết tinh công sức của nhiều người. Không phải loại than đá nào cũng được dùng để làm than đá mỹ nghệ. Nguyên liệu dùng để chạm khắc, chế tác các sản phẩm mỹ nghệ than đá phải là loại than đá tốt nhất chỉ có ở vùng đất Quảng Ninh. Với những yêu cầu đặc thù riêng về màu sắc, độ cứng, giòn và khả năng chế tác nên than antraxit được ưa chuộng.

“Bác Hồ với công nhân mỏ” - Tượng than đá của nghệ nhân Phạm Duy Thanh.

      Ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, chia sẻ: “Theo các nghệ nhân chế tạo lâu năm, nguyên liệu chế tác ra những tác phẩm nghệ thuật than đá thường được nghệ nhân lựa chọn tại các vỉa than khai thác lộ thiên (mỏ Đèo Nai, Cọc 6) có đủ độ tuổi hóa thạch, đạt chuẩn các tiêu chí ngang dọc, có tuổi cao, rắn chắc. Nguyên liệu than đá sau khi khai thác phải được lựa chọn kỹ từng hòn than, đẽo gọt chỉ lấy phần thịt. Than không được pha tạp chất, không có vết nứt vì sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chất lượng sản phẩm”.
      Tại Quảng Ninh hiện nay, ngoài nhà điêu khắc Nguyễn Tâm Nhâm đã qua đời, có 2 họa sĩ điêu khắc chuyên tâm làm tượng than là Nguyễn Viết Quang và Phạm Duy Thanh. Họa sĩ Phạm Duy Thanh vốn trưởng thành từ người lính đặc công. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về làm công nhân lái xe mỏ tại Cọc Sáu, Cao Sơn rồi Thống Nhất. Được cố họa sĩ Lý Xuân Trường dìu dắt, Duy Thanh đã bước vào nghiệp mỹ thuật từ năm 1999. Phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, gắn bó với Vùng than, hiểu được khí chất của thợ mỏ, nhất là thợ lò, có lẽ vì vậy mà các tác phẩm điêu khắc than đá của ông thường chuyên sâu về hình tượng con người nhất là Bác Hồ, Bác Hồ với thợ mỏ, thợ lò, người lính v.v..
      Bên cạnh những nghệ sĩ điêu khắc chuyên nghiệp, ở Quảng Ninh hiện nay còn có hàng loạt nghệ nhân làm mỹ nghệ than đá như: Ông Lê Quang Ninh ở phường Cẩm Thủy (TP Cẩm Phả), ông Phạm Tiến Chín ở phường Hồng Hải, vợ chồng anh Nguyễn Tuấn Quyết và chị Nguyễn Thị Thanh Bình ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long, vẫn bền bỉ, miệt mài “thổi hồn” cho than đá.

Phù điêu than đá của nguyễn viếT Quang

       Từ bàn tay khéo léo, những hòn than đen qua sự gọt giũa của người thợ trở thành những tác phẩm nghệ thuật có hồn, có sức sống. mỗi tác phẩm than đá mỹ nghệ thể hiện một trình độ chạm khắc, điêu khắc tinh xảo cũng như sự tài hoa của mỗi nghệ nhân, nghệ sĩ điêu khắc Vùng mỏ. Không gian trưng bày chuyên đề “Nghề khai thác than đá Quảng Ninh” tại Huế chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ than đá, được phản ánh qua hơn 200 hình ảnh tư liệu quý và các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu. Những tác phẩm được trưng bày theo 2 chủ đề chính, gồm: Giới thiệu tổng quan về lịch sử hình thành, phát triển ngành than và giới thiệu các sản phẩm mỹ nghệ than đá. Điêu khắc than đá đã trở thành nét văn hóa riêng biệt của Quảng Ninh và được đánh giá là một nghề truyền thống gắn liền với lịch sử hình thành của Vùng mỏ.
      Cảm nhận và trân trọng giá trị của nguồn “vàng đen” quý giá, các nghệ nhân vùng mỏ đã tạo ra những sản phẩm tuyệt đẹp, sống động, chứa đựng nhiều hình tượng ý nghĩa. Như bao nghề truyền thống khác trên đất nước Việt Nam, nghề điêu khắc than đá có lúc thăng, lúc trầm theo quy luật.
      Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng bằng tình yêu mãnh liệt với hòn than quê hương, với nghề truyền thống, các nghệ nhân vẫn luôn cháy hết mình, thổi hồn vào từng tác phẩm. Đây chính là nguồn di sản quý giá đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam và thế giới.
      Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế, cho biết: Năm 1839, vua minh mạng là người đầu tiên chuẩn y đề xuất của Tôn Thất Bật, Tổng đốc Hải Yên, cho phép khai thác than ở núi Yên Lĩnh (nay thuộc phường Yên Thọ, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Vì vậy, vị vua này đã được tôn vinh là “ông tổ” của nghề khai thác than đá Việt Nam. Trưng bày chuyên đề về than đá là dịp để công chúng và du khách đến Huế có dịp chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn những hình ảnh, sản phẩm có giá trị và tình yêu dành cho nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh; đồng thời nêu cao tinh thần tự hào, ý thức trách nhiệm trong việc lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ngành nghề truyền thống của đất nước.
      Đến với trưng bày chuyên đề “Nghề điêu khắc than đá Quảng Ninh”, công chúng có dịp chiêm ngưỡng hơn 100 sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân Vùng mỏ. Những tượng phật Di Lạc, Bồ Tát, Quan Công; tượng bán thân, tượng truyền thần; những sản phẩm lưu niệm nhỏ xinh: Con giống, thuyền buồm, trẻ chăn trâu thổi sáo; những biểu tượng của Quảng Ninh (Vịnh Hạ Long, hòn Trống mái, hang Luồn...) đến các sản phẩm mang tính ứng dụng như gạt tàn, lọ hoa, ống cắm bút và cả trang sức đều được chạm khắc tinh xảo đến từng chi tiết.
      Từ những hòn than xù xì và thô ráp, để làm ra một sản phẩm có hồn là cả một quá trình sáng tạo tỉ mỉ, khéo léo của người thợ. mỗi tác phẩm đều thể hiện sự kết tinh của trí tuệ, sức sáng tạo, bàn tay khéo léo và sự say nghề không mệt mỏi của các nghệ nhân vùng mỏ. Ấn tượng nhất là tác phẩm “Bác Hồ với công nhân mỏ” được điêu khắc sống động đến từng ánh mắt, nụ cười. Những nghệ nhân Quảng Ninh còn dành tặng xứ Huế những tác phẩm điêu khắc về Đại Nội, Phu Văn Lâu, cầu Trường Tiền, chùa Thiên mụ...
      Ngoài sản phẩm mỹ nghệ than đá, trưng bày còn giới thiệu các tư liệu, hình ảnh về lịch sử hình thành và phát triển ngành than, đáng chú ý là chỉ dụ năm 1840 của vua minh mạng đánh dấu mốc khai sinh ra ngành khai thác than tại Việt Nam, giới thiệu về di tích địa điểm khai thác than đá đầu tiên tại Việt Nam thuộc núi Yên Lãng cũng như các hình thức khai thác than từ khi ra đời cho đến nay.

Phạm Học



Gửi ý kiến phản hồi

Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 21
Đã truy cập: 423133