Truyện ngắn của Trần Mai Lan
Minh họa: Xuân Thành
Sau đận chạy giặc Tàu năm 1979, gia đình nó di tản về những miền quê khác nhau, phần vì chưa có hỗ ở ổn định, phần vì kinh tế kiệt quệ nên phải lưu lạc về quê nhờ người thân cưu mang. Bố mẹ nó sau khi gửi các con ở lại thì đưa đứa em bé nhất quay về nhận công tác ở chỗ làm mới, gây dựng tất cả lại từ đầu, chị gái nó và em trai ở lại với bà ngoại, còn nó thì đi theo cô ruột để bế em giúp cô. Lúc đó mới tết ra, nghĩa là năm học mới hết một học kỳ nên chạy Tàu về là xin địa phương vào học tiếp luôn cho khỏi bị ngắt quãng. Lúc cô đón đi, nó cứ chần chừ víu lấy cánh cửa xe nước mắt ngắn, dài nhưng không dám khóc to thành tiếng bởi đêm qua mẹ đã ôm nó vào lòng mà thủ thỉ cho nó hiểu, thời buổi loạn lạc, kinh tế khó khăn nên phải chia nhau ra như vậy mới có thể cầm cự nổi, chỉ vài tháng thôi bố mẹ ổn định công việc là sẽ về đón các con ngay. Cô cũng muốn nó sang bên đó một thời gian cho bà bớt gánh nặng phần nào, ông mất sớm một mình bà tần tảo ruộng vườn nuôi cậu ăn học nên kinh tế cũng không dư dả là mấy, đấy là nó nghe lỏm được cô nói với mẹ tối hôm trước. Xe sắp chuyển bánh.
- Mẹ ơi!
- Con ngoan đừng khóc nữa, sang đó chịu khó học hành vài hôm nữa mẹ sang đón con về.
- Vâng, nhưng nhanh lên mẹ nhé!
Nó nhìn mẹ nước mắt cứ trào ra không sao ngăn lại được, nó cố kìm nén mà tiếng nấc cứ bật lên, mẹ lau nước mắt cho nó nhưng rồi cũng bật khóc, bên mẹ chị gái cũng cầm tay nó giật giật mắt đỏ hoe, xe chạy nó cố ngoái đầu nhìn lại phía sau một làn bụi đường cuộn lên đỏ quạch nhạt nhòa qua ô cửa kính. Đến nhà ông bà của cô, sáng nó đi học chiều về trông em giúp cô, rồi phụ cô làm những việc vặt, nhưng trong lòng nó nhớ bố mẹ chị và em trai nó vô cùng, đêm nó nằm khóc ướt hết cả gối sáng ra mắt sưng mọng, cô nhìn thấy hỏi thì nó bảo bị bụi rơi vào mắt, nhưng sáng nào cô cũng nhìn thấy khuôn mặt nó như vậy thì xót xa lắm, một con bé mới 8 tuổi đầu vừa trải qua cơn sốc nặng nề với bao nỗi khiếp sợ, đói khát và cả chết chóc trên đường chạy loạn, nay lại phải xa bố mẹ và các anh chị em của mình thì chắc trong lòng đau khổ lắm, nó là con bé rất hiểu chuyện nên không muốn người lớn phiền lòng. Không biết cô gọi điện hay biên thư cho mẹ mà mới xin vào học được ba tuần vừa kịp quen thầy, quen bạn thì một buổi chiều nó mừng rỡ thấy mẹ xuất hiện nơi đầu ngõ. Ôi mẹ! nó sung sướng nhảy cẫng lên rồi chạy lại ôm chầm lấy mẹ, hai mẹ con mừng mừng, tủi tủi, nó đã rân rấn nước mắt.
- Mẹ sang đón con về bà phải không ạ?
- Ừ, mai về bên bà cùng chị và em con nhé!
Nó rối rít đưa mẹ vào nhà, cô cũng đang chuẩn bị cơm chiều nó giúp cô nhưng cô bảo: “Thôi Hân để cô làm, con đi chuẩn bị đồ đạc quần áo, sách vở nữa để mai về với mẹ”.
- Thế em thì ai trông hả cô?
- Cô hỏi được chỗ gửi trẻ rồi!
- Vâng ạ!
Nó đi gấp quần áo cho vào cái túi nhỏ, cả sách vở chú Châu mua cho nữa, tất cả nó làm nhoáy cái là xong, đứa em mới lẫm chẫm biết đi quấn quanh chân nó bi bô: “Chị ơi... đi chơi” rồi chỉ tay ra ngõ, nó dắt con bé ra gốc mít đầu ngõ làm cho con bé một con trâu bằng lá mít có cái sừng gật gật, con bé cười tít mắt: “Thích không?”. “Có, thích”. Nó gỡ cái vòng hạt cườm trên tay đeo vào cho con bé: “Cho em đấy!. Mai chị về bên bà ngoại em ở nhà phải ngoan không được khóc nhè nghe chưa”. Hình như con bé cũng cảm nhận được nên cứ quấn riết lấy nó cho đến lúc đi ngủ mới thôi.
Sáng hôm sau, mẹ gọi nó dậy sớm chuẩn bị mọi thứ ra bến xe, mẹ bảo với cô từ đây sang bên quê ngày chỉ có một chuyến sáng nên sợ lỡ, chả kịp ăn gì, mẹ con nó chào ông, cô chú và các em rồi đi ngay, đường đến bến xe chừng 6-7 cây số, hai mẹ con đi bộ, bên đường hai hàng phi lao rít lên ù ù, gió thổi thông thốc vào người rét run lập cập, mẹ lấy mảnh áo mưa mang theo. Hai mẹ con cầm hai đầu che phía trước chắn gió, mỗi bước đi đầu gối chạm vào áo mưa kêu sột soạt, vì nó thấp hơn mẹ thành ra tấm chắn gió bị lệch về một bên rất khó đi, nhưng vì đỡ được gió lùa cho khỏi rét nên hai mẹ con cứ nắm chặt lấy hai đầu mảnh áo mưa bước dấn tới.
May quá, đến bến xe mọi người mới đang xếp hàng mua vé, mẹ kéo nó vào hàng chờ đến lượt, lúc này mới để ý đôi tay lạnh cóng tím tái, bụng thì đói meo, lúc mua vé xong nó nhìn thấy một bà bán bánh rán đi ngang qua, nhìn những cái bánh vàng ruộm thơm phức mà ứa nước miếng, mẹ vội kéo nó lên xe nói nhanh kẻo trễ chuyến bây giờ, nó theo mẹ lên xe mà nghe mùi bánh cứ bám riết lấy mình. Rất lâu sau này mẹ mới nói cho nó biết, hôm mua vé xong trong túi mẹ chả còn hào nào, thấy nó nhìn riết lọ bánh mà thương ứa nước mắt. Ôi mẹ, nó cũng chỉ nhìn thế thôi chứ nó biết bố mẹ đang cố lăn lộn kiếm tiền gửi về phụ giúp bà ngoại nuôi chị em nó. Được về bên bà nó mừng lắm, hai chị em lại được cùng nhau đến lớp, nó như thấy mình được che chở, vỗ về xóa bớt đi cái mặc cảm của dân miền núi, sáng đi học chiều về phụ giúp bà những công việc lặt vặt đôi khi cùng ra đồng nhổ hành, nhổ tỏi, quê ngoại trồng rất nhiều hành và tỏi, tuy còn bé nhưng chị em nó thương bà lắm vì chúng nó mà lưng bà lại ngày một còng thêm, ngày đó ngoài cái ăn cái mặc khó khăn thì một nơi quê chiêm trũng chất đốt cũng rất chi là khan hiếm. Nhà ai cũng có một cây rơm khô để dành đun nấu, cuối vụ rơm để cho trâu ăn nên phải đi quét lá tre ngoài ngõ để đun nấu, rồi đi cắt cỏ “ràng” lúp xúp dưới chân đồi thông, về phơi khô để đun dần. Chị em nó cũng theo các chị lớp lớn đi cắt ràng, đôi quang gánh phải buộc túm xuống độ một gang tay người lớn để khi gánh không quét đất.
- Ở nhà quét lá tre cho bà, lên đó không gánh nổi đâu con.
- Con gánh ít thôi, như hôm gánh rạ ấy hai bó bé thôi bà.
Nó năn nỉ mãi rồi bà cũng cho đi theo mấy chị nhưng dặn là nhớ không được gánh nặng, nó vui lắm vì như thế mỗi hôm nấu cơm đỡ khổ, lá tre đun vèo cái hết cả thúng mà tro ủ thì chóng tàn thành ra nồi cơm bằng đất nung bé tí cứ phải đốt thêm mấy lượt lá mới chín được. Rồi có hôm nó trốn bà đi hôi tép ngoài đầm phá, người thì bé cái giỏ thì to lội xuống nước đến lưng, ngụp túp cả giỏ thành ra nó nghĩ bắt được khá nhiều mà lúc lên bờ xúc cái giỏ nhòm vào chỉ độc vài con niềng niễng, về đến ngõ thậm thụt mãi chẳng dám vào nhà.
- Cứ theo đi dầm cho ướt hết người, ốm thì bà bảo.
- Ơ... con đi bắt tép mà!
- Bà bảo rồi từ nay cấm không được theo mấy đứa ra sông hồ nghe chưa?
- Vâng ạ!
Nó trả lời bà mà mắt rân rấn, ức cái giỏ thủng lại ngâm dưới nước nên bắt được con tép nào bỏ vào rồi nó lại luồn ra hết trơn, nên bữa cơm chiều không được ăn món tép rang lá chanh thơm phức của bà, lại còn bị cấm không được ra sông nữa, hay tại hôm trước bà nghe nói ở làng bên có đứa đi mò cá bị đuối nước, thôi đúng rồi! Từ giờ nó cũng chẳng dám ra những nơi nước lớn như vậy nữa đâu, nó không muốn bà buồn.
Thấm thoát đã đến hè, bố mẹ biên thư về nói công việc đã ổn định, bao giờ được nghỉ hè là bố mẹ sẽ về đón cả ba chị em, nó vui lắm nhưng thương bà ngoại lại lọ mọ một mình chắc buồn và nhớ chúng nó lắm đây. Có thêm chị em nó về quấy quả bà phải thức khuya dậy sớm tần tảo chợ búa, mớ rau con cá cho những ngày giáp hạt nhưng nhà lúc nào cũng rộn tiếng nói cười của bà cháu. Ôi! chỉ nghĩ thôi là nó đã muốn khóc ngay rồi.
Rồi cái ngày bố về đón ba chị em, mẹ còn bận em và công việc không xin nghỉ phép được. Bà bịn rịn đưa bốn bố con ra tận đầu làng, đôi mắt mờ đục rưng rưng. Bà lần trong túi áo lấy ra một gói nhỏ bọc ni long cẩn thận dúi vào tay nó: “Con cầm lấy về mua sách vở cho năm học mới nhé”. Nó dúi lại tay bà:
- Bà ơi, con không cầm đâu, bà để mua thuốc uống đi mấy hôm nay con thấy bà ho nhiều lắm.
- Vẽ nào, ho bà hấp quất với hoa đu đủ uống khỏi ngay thôi. Về với bố mẹ phải ngoan, học giỏi hè sau về bà thưởng cho nhá!
- Dạ! chúng con đi đây bà về đi kẻo nắng.
Bố bế em còn hai chị em tôi lẽo đẽo theo sau, bắt chuyến xe lên Hà Nội xong vào ga Hàng Cỏ mua vé tàu ngược, lúc xếp hàng mua vé bố dặn ba chị em ngồi yên đấy trông em trông đồ không được chạy đi đâu, ấy thế mà thằng em hiếu động cứ chạy lung tung chị em nó phải kéo lại mấy lần, bố mua được vé hồ hởi quay ra.
- Em đâu con?
- Nó ngồi với chị, ngoái lại chị đang mải xem cuốn truyện tranh còn thằng em chạy đâu mất. Bố hốt hoảng gọi to, may bà ngồi bên cạnh chỉ tay về phía chú thổi bóng bay: “Thằng bé mặc áo xanh ca rô kia phải không?”. Vâng! Bố ngoảnh lại. Ôi! thằng em láu lỉnh đang hóng hớt ở đó từ lúc nào. Bố và hai chị em chạy ào tới bế được thằng em về lại chỗ ngồi thì chỗ hàng ghế trông trơn, mấy túi hành lý của bố con nó đã không cánh mà bay. Bà ngồi cạnh cũng đang ra đến cửa soát vé, sắp đến giờ tàu chạy tiếng loa phát thanh oang oang: “Hành khách chú ý, chuyến tàu ngược ga Yên Bái lúc...”.
Bố chả còn thời gian để tìm hành lý nữa, bế thằng em kéo theo hai chị em nó vội vã ra phía cửa soát vé. Sau một hồi chen chúc, cuối cùng mấy bố con cũng tìm được đúng số ghế, vừa lau mồ hôi vừa thở, bố nói: “May hôm nay chỉ mất hành lý thôi chứ nhỡ lạc mất em thì sao? Từ giờ đi đâu cũng phải bám sau bố nghe chưa”.
Hai chị em ngồi im thin thít vừa sợ vừa tiếc mấy túi quần áo và cả sách vở trong đó, đúng là kẻ cắp nó cũng chẳng chừa ai, mấy bố con nheo nhóc thì làm gì có của nả gì đáng giá cơ chứ, thời đó nó vẫn nghe mọi người nói: “Nhanh như kẻ cắp ga Hàng Cỏ” giờ ngẫm thấy đúng quá. Bố mắc cái võng dù nhỏ giữa hai hàng ghế cho thằng em nằm ngủ, bố và hai chị em nó gà gật theo tiếng bánh xích nghiến vào đường ray. Nó chộn rộn nghĩ về vùng quê mới mà nó đang tới gần. Tàu chạy chừng 6 hay 7 ga gì đó chợt thằng em cựa mình gọi bố:
- Bố ơi con đói lắm!
Bố đưa chai nước cho em và dỗ nó:
- Uống chút nước tí về bố mua bánh mì cho.
- Ứ, con đói con muốn ăn bánh mì bây giờ cơ!
Bố chưa biết phải làm thế nào, cái túi bà đã chuẩn bị cơm nếp lạc cho bố con nó đã bị kẻ trộm lấy mất rồi. Chợt nó nghĩ đến bọc ni long bà dúi cho khi sáng. Nó lần tay vào túi quần, may quá nó vẫn nằm yên đấy cứ tưởng lúc chạy vội ra tàu...
- Bố ơi, bố cầm lấy mua bánh mì cho em đi!
- Cái gì đây, ở đâu ra thế con?
- Bà cho con đấy.
Ôi! Bố cầm gói tiền tay run run giở ra, trong đó gồm những tờ tiền mệnh giá đủ loại được gấp làm tư vào nếp đã lâu, không nhiều nhưng đó chính là bùa hộ mệnh của bố con nó lúc này. Chờ cô bán bánh mì đi tới bố mua cho mỗi người một ổ bánh nóng hổi thơm phức, riêng thằng em được ưu tiên thêm một hộp sữa tươi nữa. Nó cầm ổ bánh mì ăn nhẩn nha, mắt nhìn ra ô cửa loang loáng những ngôi nhà, thành phố, làng mạc, hàng cây... Nơi đâu cảnh vật cũng yên bình nhưng trong lòng nó có gì đó ngổn ngang hỗn độn lắm. Nó ngồi nhớ tới gương mặt nhăn nheo của bà ngoại, rồi khuôn mặt rám nắng của mẹ, khuôn mặt khắc khổ của bố, rồi liên tưởng tới những gương mặt của những người gặp trên đường chạy loạn lúc thành phố bị quân xâm lược chiếm đánh, mọi người lũ lượt nháo nhào xô nhau chạy, hai bên đường vương vãi những mảnh pháo đen xì đôi lúc còn bắt gặp cả xác những con chó, mèo nằm chỏng chơ máu thâm lại ruồi nhặc bu đầy, cảnh nheo nhóc đói rách của đoàn người khi đã chạy xa tầm đạn pháo ánh mắt thất thần lo âu, đôi chân phù to rớm máu...
Nó không dám nghĩ nữa chỉ cảm thấy cả gia đình nó vẫn bình an như lúc này là sung sướng hạnh phúc nhất đời. Chỉ ít giờ nữa thôi chị em nó đã được về bên mẹ, cả nhà lại được quây quần bên mâm cơm đạm bạc mỗi ngày mà rộn tiếng cười vui, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả. Nó thấy biết ơn bà ngoại, các cô dì, chú bác nơi quê nhà đã dang tay đùm bọc cưu mang gia đình chị em nó trong những ngày khốn khó nhất. Cuộc sống sôi động luôn đi về phía trước. Những ngày tháng mà nó vừa trải qua sẽ là khoảng lặng ngân rung những nốt trầm, hòa âm vào khúc nhạc tuổi thơ sâu lắng thiết tha.
Đêm đã trở dần về khuya. Trời se lạnh. Nó ngồi dựa đầu vào vai chị gái ngủ mơ màng. Trong giấc mơ, nó thấy mình đang bay trên những cánh đồng làng quê đầy nắng gió và hoa thơm, tiếng đàn réo rắt vang lên giai điệu bài hát “Ba ngọn nến lung linh”. Nó nhoẻn miệng cười sung sướng khi bàn tay dịu dàng của mẹ đang vỗ về cùng lời ru ngọt ngào đưa nó vào giấc ngủ thật ngoan. Trên bầu trời đêm sáng dần một ngôi sao Mai lấp lánh.