Nguyên tắc tự do hóa các giao dịch vãng lai được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối 2005 (PLNH) (đã được sửa đổi, bổ sung): tổ chức, cá nhân là người cư trú, người không cư trú khi có nhu cầu thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai được thực hiện thông qua tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, nguyên tắc tự do hóa các giao dịch vãng lai không có nghĩa là các giao dịch thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài đối với giao dịch vãng lai được tự do thực hiện mà phải trên cơ sở tổ chức, cá nhân xuất trình đầy đủ hồ sơ, chứng từ chứng minh giao dịch đúng mục đích, phù hợp với quy định của pháp luật. Nhằm đảm bảo các giao dịch hợp pháp, hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh thông tin quy định về trách nhiệm của các bên tham gia thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài đối với giao dịch vãng lai như sau:
I. TRÁCH NHIỆM CỦA TCTD KHI CUNG ỨNG DỊCH VỤ THANH TOÁN, CHUYỂN TIỀN RA NƯỚC NGOÀI ĐỐI VỚI GIAO DỊCH VÃNG LAI.
1. Chấp hành nghiêm túc và hướng dẫn khách hàng thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý ngoại hối và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Kiểm tra các giấy tờ, chứng từ liên quan của khách hàng phù hợp với các giao dịch theo quy định tại Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật về quản lý ngoại hối”( Khoản 1, 2 Điều 39 PLNH).
2. Tổ chức tín dụng được phép và tổ chức khác được phép hoạt động ngoại hối khi thực hiện các giao dịch ngoại hối cho khách hàng có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và các chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật (Điều 16 Nghị định 70/2014/NĐ-CP).
3. Xây dựng và tự chịu trách nhiệm về nội dung của quy định nội bộ về quy trình nghiệp vụ và quy trình quản lý rủi ro đối với hoạt động ngoại hối; Chỉ được thực hiện hoạt động ngoại hối khi đã xây dựng quy định nội bộ về quy trình nghiệp vụ; Thực hiện hoạt động ngoại hối theo đúng quy trình nội bộ đã xây dựng. Các giao dịch phải được kiểm soát theo quy định, hiện hành về kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ” (Khoản 3 Điều 35 Thông tư 21/2014/TT-NHNN).
4. Điều 16 Thông tư số 20/2022/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân:
(1) Thực hiện nghiêm túc và hướng dẫn khách hàng thực hiện các quy định tại Thông tư 20/2022/TT-NHNN;
(2) Xây dựng và tự chịu trách nhiệm về nội dung của quy định nội bộ về quy trình nghiệp vụ liên quan đến hoạt động chuyển tiền một chiều ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác (Quy định về giấy tờ, chứng từ đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định; Nguyên tắc xây dựng mức mua, chuyển, mang ngoại tệ cho các mục đích chuyển tiền một chiều; Kiểm tra, giám sát số liệu mua, chuyển, mang ngoại tệ; Yêu cầu tổ chức, cá nhân có văn bản cam kết mua, chuyển, mang ngoại tệ phù hợp với các mức mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định);
(3) Kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế theo quy định;
(4) Yêu cầu các tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch cung cấp các thông tin cần thiết (Thông tin nhận biết khách hàng là tổ chức, cá nhân mua, chuyển, mang ngoại tệ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; Thông tin cần thiết về tổ chức, cá nhân thụ hưởng cho hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho mục đích chuyển tiền một chiều và các giao dịch vãng lai khác: Tên của tổ chức, cá nhân thụ hưởng, số tài khoản của tổ chức, cá nhân thụ hưởng, ngân hàng thụ hưởng (địa chỉ, quốc gia));
(5) Từ chối hoặc không thực hiện giao dịch bán, chuyển hoặc cấp Giấy chứng nhận mang ngoại tệ ra nước ngoài nếu tổ chức, cá nhân không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin theo quy định;
(6) Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
II. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI CƯ TRÚ LÀ TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN KHI THANH TOÁN, CHUYỂN TIỀN RA NƯỚC NGOÀI ĐỐI VỚI GIAO DỊCH VÃNG LAI.
1. Người cư trú, người không cư trú có trách nhiệm xuất trình các chứng từ theo quy định của TCTD khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ các giao dịch vãng lai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình cho TCTD được phép (Khoản 2 Điều 4 Nghị định 70/2014/NĐ-CP).
2. Điều 17 Thông tư số 20/2022/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân quy định:
(1) Cung cấp đầy đủ cho TCTD được phép các thông tin cần thiết (Thông tin nhận biết khách hàng là tổ chức, cá nhân mua, chuyển, mang ngoại tệ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; Thông tin cần thiết về tổ chức, cá nhân thụ hưởng cho hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho mục đích chuyển tiền một chiều và các giao dịch vãng lai khác: Tên của tổ chức, cá nhân thụ hưởng, số tài khoản của tổ chức, cá nhân thụ hưởng, ngân hàng thụ hưởng (địa chỉ, quốc gia)) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các thông tin đã cung cấp cho ngân hàng được phép;
(2) Xuất trình các giấy tờ, chứng từ khi mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ cho các mục đích chuyển tiền một chiều của cá nhân và thanh toán, chuyển tiền đối với các giao dịch vãng lai khác theo quy định của ngân hàng được phép;
(3) Xuất trình các giấy tờ, chứng từ chứng minh mục đích tài trợ, nguồn tài trợ, quyết định phê duyệt mức tài trợ của người đại diện hợp pháp của tổ chức, văn bản cam kết về tính hợp pháp của nguồn tiền và các giấy tờ, chứng từ khác theo quy định của ngân hàng được phép khi mua, chuyển, mang ngoại tệ cho mục đích chuyển tiền một chiều của tổ chức (trừ trường hợp quy định tại mục (4));
(4) Người cư trú là tổ chức mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Nguồn tài trợ, viện trợ là nguồn tiền đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong nước và/hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ có trách nhiệm xuất trình: (a) Văn bản về việc huy động, tiếp nhận tiền đóng góp tự nguyện để tài trợ, viện trợ, trong đó bao gồm các nội dung chính: Mục đích tài trợ, viện trợ; đối tượng hưởng tài trợ, viện trợ; thời điểm bắt đầu và kết thúc nhận tiền đóng góp tự nguyện; cách thức tiếp nhận tiền đóng góp là chuyển khoản và/hoặc tiền mặt, đồng tiền đóng góp là đồng Việt Nam; thông tin tài khoản tiếp nhận tiền đóng góp tự nguyện; (b) Danh sách bao gồm tên, địa chỉ (nếu có) kèm theo số tiền của tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện; (c) Chứng từ chứng minh số tiền đã nhận được từ nguồn đóng góp tự nguyện; (d) Văn bản cam kết của tổ chức về việc tổ chức chỉ mở một tài khoản tại một ngân hàng được phép để tiếp nhận tiền đóng góp tự nguyện; (đ) Các giấy tờ, chứng từ khác theo quy định của ngân hàng được phép;
(5) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình cho ngân hàng được phép;
(6) Không được sử dụng một bộ hồ sơ chứng từ để mua, chuyển, mang ngoại tệ vượt quá số tiền ghi trên giấy tờ, chứng từ có liên quan, các mức ngoại tệ mua, chuyển, mang ra nước ngoài quy định tại Thông tư này tại một hoặc nhiều ngân hàng được phép;
(7) Sử dụng ngoại tệ tiền mặt mua tại ngân hàng được phép đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật;
(8) Không được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
(9) Người cư trú là tổ chức mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án do tổ chức trong nước và/hoặc tổ chức ở nước ngoài thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục (tài trợ học bổng), y tế. Nguồn tài trợ là nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ chỉ được mua, chuyển ngoại tệ tại một ngân hàng được phép trong toàn bộ quá trình thực hiện tài trợ cho mỗi chương trình, quỹ, dự án;
(10) Người cư trú là tổ chức, cá nhân khi thực hiện thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài để mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài ngoài có trách nhiệm tuân thủ quy định tại Thông tư này, quy định về mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài thông qua các Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam có liên thông với Sở Giao dịch hàng hóa ở nước ngoài và quy định có liên quan;
(11) Thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.
III. CÁC BƯỚC CƠ BẢN KHI THANH TOÁN, CHUYỂN TIỀN RA NƯỚC NGOÀI ĐỐI VỚI GIAO DỊCH VÃNG LAI.
Trong thực tế hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài của TCTD đối với giao dịch vãng lai gồm các bước tổng quát như sau:
- Thứ nhất, tiếp nhận nhu cầu thực tế của khách hàng qua các phương thức của ngân hàng (trực tiếp tại quầy, trực tuyến, trang thông tin điện tử, ...).
- Thứ hai, thu thập thông tin, nhận biết khách hàng; Tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đối chiếu mục đích, chứng từ do khách hàng xuất trình theo quy trình nội bộ của TCTD đã ban hành, đảm bảo giao dịch đúng mục đích của pháp luật; Kiểm tra khách hàng về phòng chống rửa tiền và gian lận khủng bố, đảm bảo không thuộc danh sách đen của Bộ Công an hoặc không thuộc danh sách cảnh báo theo thông lệ quốc tế.
- Thứ ba, thực hiện giao dịch: Trong trường hợp hồ sơ của khách hàng hợp lệ, tuân thủ quy định, TCTD thực hiện thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài cho khách hàng theo quy định nội bộ đã ban hành; Thực hiện lưu trữ hồ sơ chứng từ theo quy định.
Trường hợp hồ sơ khách hàng không hợp lệ, TCTD từ chối thực hiện giao dịch và xử lý các nội dung phát sinh khác theo quy định (báo cáo giao dịch đáng ngờ, báo cáo dấu hiệu vi phạm….).
- Thứ tư, thông báo kết quả xử lý giao dịch với khách hàng./.