Hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới được quy định tại Nghị định 23/2023/NĐ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023; Thông tư 04/2023/TT-NHNN ngày 16/6/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2023 và các quy định pháp luật khác có liên quan. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đồng tiền của nước có chung biên giới là Nhân dân tệ (CNY) và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh.
I. Điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới:
1. Điều kiện đối với tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới:
Từ ngày 01/7/2023, chỉ có tổ chức kinh tế mới được hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới theo ủy quyền của tổ chức tín dụng được phép và được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận).
Điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới xem xét cấp Giấy chứng nhận:
(1) Điều kiện về trụ sở chính, chi nhánh: (i) Có trụ sở chính tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh biên giới; hoặc (ii) Có trụ sở chính và chi nhánh tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn một tỉnh biên giới; hoặc (iii) Có trụ sở chính tại tỉnh biên giới và chi nhánh tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn một tỉnh biên giới.
(2) Điều kiện về địa điểm đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới: Có địa điểm đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế có trụ sở chính hoặc chi nhánh;
(3) Có quy trình nghiệp vụ đổi tiền của nước có chung biên giới; có bảng thông báo tỷ giá công khai, bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền và tên đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới tại nơi giao dịch;
(4) Được tổ chức tín dụng ủy quyền ủy quyền làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới;
(5) Một tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới cho một tổ chức tín dụng ủy quyền.
(Khoản 4, Điều 1, Nghị định 23/2023/NĐ-CP bổ sung Điều 6a, Nghị định 89/2016/NĐ-CP)
2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận bao gồm:
(1) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận (theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 23/2023/NĐ-CP);
(2) Bản sao giấy tờ chứng minh về việc đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới tại địa điểm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6a Nghị định 23/2023/NĐ-CP;
(3) Báo cáo về việc tổ chức kinh tế trang bị đầy đủ bảng thông báo tỷ giá công khai, bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền và tên đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới tại nơi giao dịch;
(4) Quy trình nghiệp vụ đổi tiền của nước có chung biên giới bao gồm các nội dung chính sau: có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đổi tiền của nước có chung biên giới; việc ghi chép, xuất hóa đơn cho khách hàng, lưu giữ chứng từ, hóa đơn, sổ sách; chế độ hạch toán, kế toán; chế độ báo cáo; biện pháp xử lý khi phát hiện tiền giả, tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông;
(5) Bản sao hợp đồng đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới ký với tổ chức tín dụng ủy quyền, bao gồm các nội dung chính sau: (i) Tên, địa chỉ đặt trụ sở chính, số điện thoại liên hệ của các bên ký kết hợp đồng; (ii) Tên, địa chỉ các đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới; (iii) Quy định đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới chỉ được mua tiền của nước có chung biên giới bằng tiền mặt (trừ các đại lý đặt ở khu vực chờ xuất cảnh tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính) và bán lại số tiền mặt mua được (ngoài số tiền mặt tồn quỹ được để lại) cho tổ chức tín dụng ủy quyền; (iv) Quy định về nguyên tắc xác định tỷ giá mua, bán (quy định về xác định tỷ giá bán chỉ áp dụng cho đại lý đặt ở khu vực chờ xuất cảnh tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính) đối với khách hàng và tỷ giá bán lại tiền của nước có chung biên giới bằng tiền mặt cho tổ chức tín dụng ủy quyền phù hợp với quy định về quản lý ngoại hối; quy định các loại phí hoa hồng đại lý (nếu có); (v) Quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng, trong đó quy định rõ đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới phải thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ đổi tiền của nước có chung biên giới; quy định định kỳ tổ chức tín dụng ủy quyền phải kiểm tra hoạt động của các đại lý để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng và quy định của pháp luật; quy định về xử lý vi phạm trong trường hợp đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới vi phạm hợp đồng và quy định pháp luật về hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới; (vi) Thỏa thuận về mức tồn quỹ được để lại và thời hạn phải bán số tiền mặt của nước có chung biên giới mua được cho tổ chức tín dụng ủy quyền.
(Khoản 7, Điều 1, Nghị định 23/2023/NĐ-CP bổ sung Điều 6d, Nghị định 89/2016/NĐ-CP)
3. Trình tự, thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận:
Tổ chức kinh tế có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận thì tổ chức kinh tế hoặc chi nhánh được ủy quyền của tổ chức kinh tế gửi 01 bộ hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
(i) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới có văn bản yêu cầu tổ chức kinh tế bổ sung hồ sơ;
(ii) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới xem xét cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức kinh tế. Trường hợp từ chối, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới có văn bản thông báo rõ lý do.
(Khoản 8, Điều 1, Nghị định 23/2023/NĐ-CP bổ sung Điều 6đ, Nghị định 89/2016/NĐ-CP)
Nghị định 23/2023/NĐ-CP quy định điều kiện để tổ chức kinh tế được gia hạn Giấy chứng nhận, nguyên tắc lập hồ sơ, hồ sơ và trình tự, thủ tục cấp lại, gia hạn, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới; các trường hợp hết hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận.
II. Hoạt động, trách nhiệm và chế độ báo cáo của đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới:
1. Hoạt động của đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới:
(1) Các đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới chỉ được hoạt động dưới hình thức dùng đồng Việt Nam mua tiền của nước có chung biên giới của cá nhân bằng tiền mặt, trừ trường hợp đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới đặt tại khu vực chờ xuất cảnh ở cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính được bán tiền của nước có chung biên giới bằng tiền mặt lấy đồng Việt Nam cho cá nhân nước ngoài đã làm xong thủ tục xuất cảnh: (i) Trường hợp bán tiền của nước có chung biên giới có giá trị tương đương từ 20.000.000 VND (Hai mươi triệu đồng Việt Nam) trở xuống, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới yêu cầu cá nhân xuất trình các giấy tờ xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh của người nước ngoài; (ii) Trường hợp bán lại tiền của nước có chung biên giới có giá trị tương đương trên 20.000.000 VND (Hai mươi triệu đồng Việt Nam) cho cá nhân đã đổi tiền của nước có chung biên giới, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới yêu cầu cá nhân xuất trình giấy tờ xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh của người nước ngoài, hóa đơn (biên lai) đã đổi tiền có đóng dấu của tổ chức tín dụng được phép hoặc đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới. Hóa đơn (biên lai) đã đổi tiền chỉ có giá trị cho cá nhân sử dụng để mua lại tiền của nước có chung biên giới trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ghi trên hóa đơn (biên lai). Đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới phải thu hồi hóa đơn (biên lai) đã đổi tiền của cá nhân trước đây. Hạn mức tiền của nước có chung biên giới cá nhân được mua lại tối đa không quá số tiền đã đổi ghi trên hóa đơn (biên lai).
Tổ chức kinh tế có thể thỏa thuận với tổ chức tín dụng ủy quyền trong hợp đồng đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới về việc đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới ở một hoặc nhiều địa điểm tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế có trụ sở chính hoặc chi nhánh.
(Điều 3 và Điều 4, Thông tư 04/2023/TT-NHNN)
(2) Đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới phải bán toàn bộ số tiền mặt đồng tiền của nước có chung biên giới mua được (ngoài số tiền tồn quỹ được để lại) cho tổ chức tín dụng ủy quyền vào cuối mỗi ngày làm việc. Trong trường hợp địa điểm đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới cách xa tổ chức tín dụng ủy quyền, đi lại khó khăn thì tổ chức tín dụng ủy quyền căn cứ vào tình hình thực tế để thỏa thuận với tổ chức kinh tế về thời hạn bán số tiền mặt mua được nhưng tối đa không quá 07 ngày làm việc.
(Khoản 1, Điều 5, Thông tư 04/2023/TT-NHNN)
(3) Đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới được tồn quỹ hàng ngày một số lượng tiền mặt đồng tiền của nước có chung biên giới theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng ủy quyền với tổ chức kinh tế nhưng tối đa tương đương không quá 40.000.000 VND (Bốn mươi triệu đồng Việt Nam) để phục vụ hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới. Trường hợp có nhu cầu tăng mức tồn quỹ (bao gồm cả trường hợp tăng vượt mức tồn quỹ tối đa), tổ chức kinh tế phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới theo quy định của pháp luật.
(Khoản 2, Điều 5, Thông tư 04/2023/TT-NHNN)
2. Trách nhiệm của đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới:
(1) Niêm yết, thông báo công khai tỷ giá mua tiền của nước có chung biên giới bằng tiền mặt với đồng Việt Nam tại địa điểm đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới và thực hiện mua tiền của nước có chung biên giới với khách hàng theo đúng tỷ giá đã niêm yết, thông báo. Riêng đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới đặt tại khu vực chờ xuất cảnh ở cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính niêm yết, thông báo công khai tỷ giá mua, bán tiền của nước có chung biên giới bằng tiền mặt với đồng Việt Nam và thực hiện mua, bán tiền của nước có chung biên giới với khách hàng theo đúng tỷ giá đã niêm yết, thông báo.
(2) Tỷ giá mua, bán tiền của nước có chung biên giới giữa tổ chức tín dụng ủy quyền và đại lý được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới giữa tổ chức tín dụng ủy quyền với tổ chức kinh tế làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới, phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
(3) Thực hiện chế độ ghi chép hóa đơn mua, bán tiền của nước có chung biên giới, cập nhật số liệu và sổ sách kế toán theo hướng dẫn của tổ chức tín dụng ủy quyền, phù hợp với chế độ hạch toán, kế toán hiện hành. Đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới cho tổ chức tín dụng ủy quyền nào thì sử dụng hóa đơn của tổ chức tín dụng ủy quyền đó. Khi thực hiện đổi tiền của nước có chung biên giới, đại lý phải giao một liên hóa đơn cho khách hàng.
(4) Đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới phải thực hiện đúng các thỏa thuận trong hợp đồng đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới đã ký với tổ chức tín dụng ủy quyền và các quy định pháp luật về hoạt động đổi tiền của nước có chung biên giới; chấp hành các quy định liên quan của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
(5) Trong quá trình hoạt động, trường hợp phát hiện khách hàng sử dụng các loại tiền của nước có chung biên giới giả hoặc không còn giá trị lưu hành làm phương tiện mua bán, đại lý có trách nhiệm lập biên bản, tạm giữ số tiền này và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra, xử lý.
(6) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý, trước ngày 01 của tháng đầu quý tiếp theo, các tổ chức kinh tế làm đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới phải báo cáo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh biên giới nơi đặt đại lý về tình hình đổi tiền của nước có chung biên giới trong quý theo mẫu tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 04/2023/TT-NHNN. Thời gian chốt số liệu báo cáo được tính từ ngày 15 của tháng trước kỳ báo cáo đến ngày 14 của tháng cuối quý thuộc kỳ báo cáo.
(Điều 6, Thông tư 04/2023/TT-NHNN)
III. Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới:
(1) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi: Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc đăng ký, thông báo với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đối với các trường hợp thay đổi liên quan đến hoạt động đại lý đổi ngoại tệ; hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
(Điểm d, Khoản 3, Điều 23, Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Điểm a, Khoản 3, Điều 2, Nghị định 23/2023/NĐ-CP)
(2) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi: Không thực hiện đúng trách nhiệm của đại lý đổi ngoại tệ, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới theo quy định của pháp luật; làm đại lý đổi ngoại tệ, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới đồng thời cho hai tổ chức tín dụng trở lên không đúng quy định của pháp luật.
(Điểm b, Khoản 4, Điều 23, Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Điểm b, Khoản 3, Điều 2, Nghị định 23/2023/NĐ-CP)
(3) Phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi: Không thực hiện đúng trách nhiệm của đại lý đổi ngoại tệ, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới theo quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm; làm đại lý đổi ngoại tệ, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới đồng thời cho hai tổ chức tín dụng trở lên không đúng quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm.
(Điểm b, Khoản 4, Điều 23, Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Điểm b, Khoản 3, Điều 2, Nghị định 23/2023/NĐ-CP)
Ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền còn có hình thức xử phạt bổ sung như: tước giấy phép có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
(Điểm a, Điểm c, Khoản 2, Điều 3, Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Điểm c, Khoản 3, Điều 2, Nghị định 23/2023/NĐ-CP)./.