Tạo động lực cho chủ thể sản xuất nông nghiệp
Dự án liên kết trồng 11ha lúa ĐT37 giữa 190 hộ nông dân thôn 2, xã Nguyễn Huệ (TX Đông Triều) với HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Nguyễn Huệ và Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh là một trong 28 dự án phát triển sản xuất nông sản đã được phê duyệt áp dụng Nghị quyết số 194. Theo đó, các hộ nông dân được hỗ trợ về giống trong 3 vụ canh tác. Vùng canh tác này cũng được hỗ trợ gần 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để xây dựng hệ thống kênh tưới và đường nội đồng. Có hạ tầng tổng thể, có sự đảm bảo về bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.
Bà Nguyễn Thị Hồng, người dân tham gia dự án liên kết trồng lúa ĐT37 cho biết: Là người nông dân gắn bó với đồng ruộng, khi tham gia vào dự án liên kết, mỗi vụ canh tác chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ 70% về giống lúa. Dù không phải là nhiều, song điều này khiến chúng tôi phấn khởi hơn, là động lực để hăng say sản xuất, tạo nguồn thu nhập.
Xã Thanh Lâm lâu nay là vùng trọng điểm trồng ba kích của huyện Ba Chẽ. Năm 2023, trên địa bàn xã có 2 dự án liên kết trồng cây ba kích giữa 20 hộ dân với Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, diện tích trên 7ha. 2 dự án liên kết này đã được phê duyệt áp dụng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 194. Theo đó, các hộ dân được hỗ trợ 70% giá trị cây giống; được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình canh tác và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch; Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh được tạo điều kiện về xúc tiến thương mại sản phẩm. Điều này khiến các đối tượng tham gia dự án liên kết trồng ba kích ở xã Thanh Lâm phấn khởi, yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Kiên (xã Thanh Lâm) cho biết: Ba kích là cây bản địa của Thanh Lâm, vốn hợp đất, hợp khí hậu, tuy nhiên để đạt được thành công khi trồng đại trà là không dễ dàng. Tham gia dự án liên kết với Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, chúng tôi không còn lo về quy trình kỹ thuật, cũng như đầu ra sản phẩm, đây vốn là những điều kiện quan trọng để đảm bảo hiệu quả sản xuất, do đó chúng tôi yên tâm bỏ vốn để đầu tư giống và công chăm sóc trong thời gian dài canh tác loại cây dược liệu này.
Cùng với dự án trồng lúa ĐT37 tại xã Nguyễn Huệ (TX Đông Triều) và dự án trồng ba kích tại xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ), toàn tỉnh hiện nay đang có 26 dự án, đề án khác được phê duyệt thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 194. Các dự án này, tuỳ vào loại hình, tính chất, sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ về lãi suất, hỗ trợ về đất đai, trang thiết bị nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, giống, vật tư, hoặc về truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm…
Số lượng dự án được thụ hưởng còn hạn chế
Mặc dù các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 194 có tính ưu việt, khi được thụ hưởng mang lại lợi ích cụ thể, có tác dụng khuyến khích, thúc đẩy tinh thần sản xuất của các chủ thể sản xuất nông nghiệp. Song theo đánh giá của Sở NN&PTNT, con số dự án, đề án được thụ hưởng chính sách hiện nay còn quá ít so với quy mô sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Đáng nói, nhiều dự án sản xuất nông nghiệp đủ điều kiện thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 194, nhưng lại gặp khó khăn trong khâu tiếp cận, thực hiện các thủ tục cần thiết, hoặc chủ doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm.
Điển hình là Công ty CP Thông Quảng Ninh, đây là đơn vị trồng rừng thông, thu mua nhựa thông, sản xuất những sản phẩm chế biến từ nhựa thông để cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Trong quy trình sản xuất của đơn vị có việc liên kết với các hộ trồng rừng để tạo nguồn nguyên liệu và mở rộng diện tích trồng thông, có cam kết thu mua, bao tiêu sản phẩm; hệ thống thiết bị, dây chuyền sản xuất của công ty hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; sản phẩm thành phẩm của công ty rất có dư địa phát triển… Như vậy Công ty CP Thông Quảng Ninh đủ điều kiện để được phê duyệt thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 194. Tuy nhiên, hiện công ty chưa nằm trong danh sách những dự án nông nghiệp thuộc Nghị quyết số 194.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thông Quảng Ninh, là đơn vị sản xuất quy mô lớn, cần vùng nguyên liệu ổn định, nhiều năm qua công ty luôn tự bỏ kinh phí để hỗ trợ người dân mở rộng vùng trồng thông, đồng thời thực hiện những chính sách hỗ trợ người dân khi bán nhựa cho công ty cũng rất thoả đáng. Công ty thực sự cũng chưa quan tâm nghiên cứu nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh, bao gồm chính sách theo Nghị quyết số 194.
Giống như hoạt động sản xuất của Công ty CP Thông Quảng Ninh, hiện trên địa bàn TP Uông Bí hình thành nhiều dự án nông nghiệp có tính liên kết sản xuất, hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ, nhưng chưa dự án nào được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 194. Hiện toàn tỉnh mới chỉ có các địa phương: Đông Triều, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà có những dự án được thụ hưởng chính sách này, số các địa phương còn lại chưa triển khai, hoặc triển khai song chưa được phê duyệt.
Xét về tổng thể, tiềm năng lợi thế để triển khai các dự án theo Nghị quyết số 194 của tỉnh là còn rất nhiều, tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa tìm ra được hướng đi. Theo tổng hợp đánh giá của các địa phương, khó khăn trong việc triển khai Nghị quyết số 194 là những điều kiện đi kèm để được hỗ trợ khá khó thực hiện.
Cụ thể Nghị quyết số 194 yêu cầu phải có dự án liên kết tiêu thụ sản phẩm, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hầu hết các nội dung chính sách quy định đều gắn với hỗ trợ sau đầu tư, nên các doanh nghiệp, HTX muốn tham gia phải có tiềm lực kinh tế, có kiến thức để thực hiện các thủ tục đầu tư. Vì vậy, những doanh nghiệp nhỏ, HTX, tổ hợp tác rất khó tham gia. Một số doanh nghiệp, HTX chưa có đầu ra ổn định, khó mở rộng, phát triển liên kết, nên không tham gia đề xuất dự án. Bên cạnh đó, thói quen trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm không qua hợp đồng còn chiếm số đông trong tiềm thức của nông dân; tồn tại thực trạng sản xuất quy mô nhỏ, manh mún, dẫn đến không có nhu cầu liên kết…
Từ thực tế trên cho thấy cần phải có sự điều chỉnh, bổ sung hợp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết số 194, làm cơ sở để nông hộ, doanh nghiệp nông nghiệp thực sự được hưởng lợi, để Nghị quyết số 194 thực sự là đòn bẩy thúc đẩy nông nghiệp có liên kết, để Quảng Ninh có nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, giá trị cao.
Phó trưởng Phòng Kinh tế TP Uông Bí Phạm Văn Sự: Quy định về quy mô diện tích canh tác, quy mô vốn sản xuất của Nghị quyết 194 là khá cao
Việc triển khai các dự án phát triển sản xuất liên kết đủ điều kiện để được thụ hưởng những chính sách hỗ trợ của tỉnh, trong đó có Nghị quyết số 194, TP Uông Bí cũng như một số địa phương khác đang gặp khó khăn trong việc hình thành chuỗi liên kết. Nguyên nhân do Uông Bí đang trong quá trình đô thị hoá, ít nhiều các hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, theo Nghị quyết số 194, quy định về quy mô diện tích canh tác, cũng như quy mô vốn sản xuất là khá cao so với mặt bằng hiện trạng nông dân, nông hộ và doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn.
Hiện nay, qua rà soát, TP Uông Bí có nhiều mô hình liên kết hợp tác, tuy nhiên quy mô sản xuất nhỏ, nên chưa đáp ứng đủ điều kiện để đưa vào danh mục thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 194. Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp để lựa chọn một số chuỗi sản xuất lớn để áp dụng thực hiện nghị quyết này, trước mắt sẽ là chuỗi sản xuất thông nhựa, sản xuất vải chín sớm Phương Nam, tiến tới là chuỗi sản xuất đông trùng hạ thảo Phương Thuỳ và một số chuỗi có tiềm năng như mật ong, cây ăn quả, thuỷ sản nuôi…
|
Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bình Dương (TX Đông Triều) Nguyễn Bình Nguyên: Cần khắc phục những bất cập từ khâu hình thành chuỗi liên kết
Tại xã Bình Dương, từ hơn 10 năm qua đã triển khai liên kết sản xuất khoai tây Atlantic giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm là Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina. Tuy nhiên, theo thông tin từ các đơn vị chức năng, liên kết sản xuất khoai tây Atlantic chưa được công nhận chuỗi liên kết, do sản phẩm đầu ra (khoai tây sấy lát ăn liền) không phải sản xuất tại Quảng Ninh, đồng thời cũng chưa có đơn vị đầu mối trong liên kết đề xuất về việc xác nhận chuỗi.
Trên thực tế, vấn đề của liên kết sản xuất khoai tây hoàn toàn có thể được xử lý để xác nhận chuỗi, do sản phẩm đầu ra của chuỗi tuy không sản xuất tại Quảng Ninh song được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn, bao gồm cả những đại lý đầu mối lớn nhỏ. Điều này chỉ là một phần hạn chế trong việc các chuỗi liên kết nông nghiệp tiếp cận nguồn hỗ trợ của tỉnh, bao gồm cả Nghị quyết 194. Tuy nhiên, từ ví dụ chuỗi khoai tây, tôi cho rằng chúng ta cũng cần khắc phục những bất cập ngay từ khâu hình thành chuỗi liên kết, qua đó tạo động lực cho các chủ thể tham gia chuỗi liên kết tiếp cận chính sách.
|
Anh Hoàng Văn Nhâm, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ: Chủ động hướng dẫn thực hiện thủ tục hồ sơ các chính sách đến người dân, doanh nghiệp
Triển khai Nghị quyết 194, hiện Ba Chẽ đã có 9 dự án được phê duyệt hưởng thụ chính sách, 5 dự án khác đang tích cực hoàn thiện thủ tục để nhận hỗ trợ. Cách làm của Ba Chẽ là lãnh đạo huyện quan tâm chỉ đạo thành lập tổ tư vấn chính sách và ban hành sổ tay hướng dẫn thủ tục hồ sơ những chính sách ưu đãi để gửi cho các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX, tổ hợp tác và nông hộ lớn nắm bắt, nghiên cứu, tham gia.
Cùng với đó, Ba Chẽ sớm rà soát những dự án sản xuất trên địa bàn; kết nối cho nông dân và doanh nghiệp "gặp nhau" để liên kết sản xuất, góp phần tạo ra những chuỗi liên kết đủ điều kiện thụ hưởng chính sách.
|