Nằm trong khuôn khổ Dự án "Xây dựng kế hoạch tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ" trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng 2030, Sở TN&MT đã triển khai thí điểm 2 mô hình kinh tế tuần hoàn quản lý CTRHC trên địa bàn tỉnh: Mô hình thu gom riêng CTRHC từ các chợ Mạo Khê, chợ Bình Khê (TX Đông Triều) và chất thải rắn trong chăn nuôi (gà, bò) ở một số hộ chăn nuôi chuyển đến trang trại tại xã Bình Khê, để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ vùng trồng trọt; mô hình thu gom CTRHC sau dây chuyền sản xuất miến dong trên địa bàn huyện Bình Liêu, chế biến thành phân hữu cơ để phục vụ canh tác.
Sản phẩm phân bón hữu cơ của 2 mô hình thí điểm đã được Bộ NN&PTNT quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, thương mại hóa và được phân phối rộng rãi trong và ngoài tỉnh; trong đó có sản phẩm phân bón hữu cơ Xuân Liêm của hộ nông dân Lê Xuân Liêm (thôn Phú Ninh, xã Bình Khê, TX Đông Triều).
Phân bón hữu cơ Xuân Liêm được sản xuất từ tận dụng nguồn CTRHC trong chăn nuôi bò, gà và các loại rác thải hữu cơ trong sinh hoạt, sau đó xử lý tạo thành phân bón hữu cơ, bước đầu đưa vào thí điểm các mô hình trồng lúa, na và thanh long trên địa bàn TX Đông Triều cho hiệu quả năng suất các loại cây trồng lên tới 70%.
Ông Lê Xuân Liêm cho biết: "Trong quá trình canh tác sản xuất nông nghiệp, tôi nhận thấy phân bón hữu cơ mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt bảo vệ môi trường sống và nguồn nước, cho ra các nông sản sạch. Được tiếp cận với Dự án "Xây dựng kế hoạch tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ", gia đình tôi đã đầu tư máy móc, thiết bị để có thể sản xuất ra sản phẩm phân bón hữu cơ đảm bảo chất lượng theo các quy trình, quy định".
Nằm trong khuôn khổ Dự án, Sở TN&MT vừa tổ chức hội nghị giới thiệu mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ CTRHC và chất thải rắn trong chăn nuôi. Nhiều đại biểu đến từ các địa phương Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên đã tham dự hội nghị với tinh thần học hỏi, muốn được nhân rộng mô hình tại địa phương mình.
Các đại biểu được nghe các bài trình bày của các chuyên gia giới thiệu về: Dự án; mô hình tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ tại TX Đông Triều; cách sử dụng bón phân hữu cơ được sản xuất từ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn chăn nuôi cho cây na và lúa ở Đông Triều.
Để tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn nói chung, tuần hoàn CTRHC nói riêng, Sở TN&MT đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp chính quyền, các hộ nông dân tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, nhằm phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình trên địa bàn. Cùng với đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong việc phân loại rác tại nguồn, tái chế, tái sử dụng chất thải, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường bền vững.