Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bùng phát

20/06/2024 07:29

Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Đến thời điểm này, dịch đã xuất hiện tại các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Uông Bí, Quảng Yên với số lợn chết, tiêu hủy là 1.733 con, trọng lượng trên 84 tấn. Hiện các địa phương đang tăng cường giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi nhằm ngăn chặn không để dịch lây lan trên diện rộng.

Lợn mắc dịch tả châu Phi được tiêu hủy, chôn lấp theo đúng quy định tại thôn 6, xã Quảng Phong (huyện Hải Hà).

Tính đến ngày 17/6, huyện Hải Hà có số hộ với số lợn mắc dịch tả lợn châu Phi lớn nhất tỉnh, với 121 hộ tại 28 thôn của 8 xã có số lợn mắc bệnh, tiêu hủy là 713 con, trọng lượng 23 tấn. Để khoanh vùng chống dịch, địa phương đã cấp phát 24.500kg vôi bột và 2.700 lít hóa chất để tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, lập 12 chốt kiểm soát tại các xã, phường có dịch. Ông Bùi Thế Hiệp, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hải Hà, cho biết: Địa phương đang tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, của ngành trong công tác rà soát, đánh giá những khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi; tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ), phân công nhiệm vụ cho các thành viên giám sát tình hình dịch bệnh đến từng hộ gia đình, khu phố, thôn xóm. Đồng thời, thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo 24/24h, đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác, khi có dịch bệnh xảy ra, triển khai ngay các biện pháp khoanh vùng, xử lý theo quy định và duy trì các chốt kiểm soát tạm thời tại các vùng có dịch.

Tại TP Uông Bí, sau khi xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ngày 8/6 trên đàn lợn 5 con của gia đình ông Nguyễn Dương Miều (khu Đền Công 3, phường Trưng Vương), thành phố đã siết chặt công tác khoanh vùng, dập dịch, không để lây lan trên diện rộng. Các xã, phường, phòng ban chuyên môn của thành phố đã chủ động thống kê số hộ chăn nuôi, tổng số đàn lợn; lực lượng cán bộ thú y tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các gia đình biện pháp chăn nuôi an toàn và ký cam kết thực hiện quy định 5k (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn bệnh, lợn chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý). Cùng với đó, quá trình vận chuyển, tiêu thụ lợn tại các khu giết mổ tập trung, tại các chợ cũng được kiểm soát chặt chẽ. Đến thời điểm này, tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, không phát sinh ổ dịch mới.

Cán bộ Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TP Uông Bí kiểm tra nguồn gốc số lợn tại các cơ sở giết mổ tập trung. 

Theo bà Ngô Thị Tân Hợp, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TP Uông Bí, hiện tổng đàn lợn của TP Uông Bí có trên 6.400 con, với 450 hộ chăn nuôi, trong đó có 5 trang trại, còn lại chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các khu dân cư. Mặc dù chưa phát sinh ổ dịch mới, nhưng nguy cơ phơi nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở địa bàn vẫn rất lớn. Thành phố cũng như các cơ quan chuyên môn, các địa phương tích cực hướng dẫn, khuyến cáo đến các hộ gia đình, trang trại, gia trại cách phòng bệnh. Ngoài việc phun tiêu độc khử trùng rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, các hộ gia đình cũng chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Rắc vôi bột và phun khử trùng tiêu độc xung quanh chuồng trại phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi lây lan tại hộ gia đình thôn 13, xã Hải Xuân (TP Móng Cái).

Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, cho biết: Các địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống bệnh dịch theo đúng chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thường xuyên khử trùng tiêu độc, chăn nuôi an toàn sinh học; chấn chỉnh công tác quản lý kiểm soát các điểm giết mổ lợn nhỏ lẻ, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm lợn. Đặc biệt, quan tâm công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở kịp thời khai báo, phát hiện và tiêu hủy lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh đảm bảo đúng yêu cầu. Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các ổ dịch, hạn chế không để phát sinh ổ dịch mới do lây nhiễm; duy trì các chốt kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện, cấm vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào các khu vực đã công bố dịch. Cấp huyện và cơ sở duy trì chế độ thông tin, báo cáo và sẵn sàng triển khai các biện pháp ngay khi xuất hiện ổ dịch mới; triển khai các văn bản hướng dẫn về chế độ hỗ trợ thiệt hại đối với hộ chăn nuôi và chế độ hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng chống dịch.

Mai Hương

Website Báo Quảng Ninh


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 57
Đã truy cập: 353010