Để có những mùa vàng

15/09/2023 10:42

Trong quá trình 60 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ninh luôn dành nguồn lực to lớn để đầu tư cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách đưa xã, thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, xây dựng NTM, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng thuỷ lợi, giao thông nội đồng, trợ giống, vốn, kỹ thuật, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu tư... đã trở thành động lực giúp người nông dân nâng cao trình độ canh tác, hình thành những mô hình sản xuất nông nghiệp có hàm lượng KHCN cao, có liên kết, giảm thủ công, tăng máy móc và là nền tảng để Quảng Ninh thực hiện CNH-HĐH nền nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.   

Ông Nguyễn Hữu Giang, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Nông nghiệp Quảng Ninh không có lợi thế đất đai canh tác “thẳng cánh cò bay”, cũng như kinh nghiệm canh nông, nhưng bù lại là có thị trường tiêu thụ, có những chính sách kích cầu kịp thời, phù hợp mà tỉnh ban hành, có những điển hình nông dân biết vận dụng và phát huy chính sách, lấy đây làm động lực, hình thành những mô hình sản xuất nông nghiệp sáng tạo, hiệu quả.

Nông dân Đông Triều nâng cao trình độ canh tác, sản xuất nông sản đạt chất lượng cao. (Ảnh: Một vườn bưởi đang mùa thu hoạch ở xã An Sinh)

Giống như nhiều địa phương khác, các hoạt động sản xuất nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm sản… của Quảng Ninh đã trải qua một giai đoạn canh tác nông hộ, thủ công là chủ yếu và các mô hình sản xuất nông nghiệp tập thể, các HTX nông nghiệp. Theo ông Trần Xuân Đông, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, đó là thời kỳ nông nghiệp nhân dân, khi mà người người, nhà nhà chăn thả, cấy trồng để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho gia đình. Xét về giá trị, mô hình sản xuất này không cao, càng về sau thì ngay cả các HTX nông nghiệp, tính kế hoạch và chỉ huy cũng kém hiệu quả, tuy nhiên đây là giai đoạn cần thiết, có tính tạo đà cho các bước phát triển tiếp theo.  

Từ năm 2000 trở lại đây, với sự điều tiết của cơ chế thị trường, sự tác động bởi những chính sách tích cực của tỉnh, kinh tế nông nghiệp Quảng Ninh đã chuyển sang giai đoạn mới. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những mô hình sản xuất, mô hình quản lý hay, những trang, gia trại canh tác hiện đại, những tổ hợp tác, HTX được cổ phần hoá hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, những doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, những vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh…

Người dân xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên) thu hoạch tôm thẻ chân trắng.

Những đàn gà Tiên Yên, đàn lợn Móng Cái, dong riềng Bình Liêu, rau xanh Quảng Yên, cây quế hồi của Đầm Hà, Bình Liêu, vải chín sớm của Uông Bí, cây lúa, cây màu, cây gia vị, cây ăn quả của Đông Triều, con tôm Tiên Yên, nhuyễn thể Vân Đồn, cây lâm nghiệp Ba Chẽ… có thể coi là những vùng sản xuất chuyên canh nổi bật của nông nghiệp Quảng Ninh. Vùng na Đông Triều với diện tích hơn 1.000ha mỗi vụ quả mang lại giá trị khoảng 200 tỷ đồng. Đàn gà Tiên Yên thời kỳ cao điểm lên đến gần 1 triệu con trưởng thành, giá thị trường 120.000-160.000 đồng/kg, là nguồn thu rất lớn cho các hộ nuôi. Tôm thẻ chân trắng trở thành đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh, được đặt kỳ vọng đạt sản lượng 12.000-15.000 tấn, giá trị trên 1.000 tỷ đồng/năm…

Doanh nghiệp nông nghiệp của Quảng Ninh không ngừng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, thể hiện được vai trò dẫn dắt nền kinh tế nông nghiệp trên địa bàn. Công ty TNHH Phú Lâm hiện có đàn bò trên 10 vạn con, chiếm đến hơn 40% tổng đàn bò của cả tỉnh. Hiện Công ty TNHH Phú Lâm tiếp tục phát triển đàn bò sinh sản, tham vọng mở ra hướng cung ứng bò giống Úc được lai tạo, sinh sản ngay tại cơ sở.

Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh kể từ khi sản xuất mẻ tôm giống đầu tiên tại huyện Đầm Hà đã chính thức tháo một điểm nghẽn về giống thuỷ sản cho Quảng Ninh. Đến nay, năng lực sản xuất giống tôm của công ty lên đến 2-3 tỷ con/năm, đủ cung ứng tôm giống cho toàn bộ diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, cũng như xuất sang các tỉnh, thành miền Bắc. Mới đây, công ty còn thành công sản xuất tôm giống chịu lạnh, cho phép Quảng Ninh có thể nuôi tôm cả vụ Đông, vốn trước đây “treo” ao.

Sản phẩm rau thuỷ canh tại Cơ sở sản xuất Green farm 188 (Mạo khê, Đông Triều).

Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường liên tục gần chục năm qua đều là doanh nghiệp giữ giống lợn gốc cho tỉnh. Đơn vị này còn đứng đầu tỉnh về cách thức quản lý, công nghệ và quy trình nuôi hiện đại, sạch bệnh, đứng đầu về số đàn lợn bố mẹ, lợn thương phẩm, lợn giống, bước đầu đi vào hoạt động giết mổ và chế biến sâu.  

Có thể thấy quá trình phát triển của sản xuất nông nghiệp Quảng Ninh 60 năm qua là sự chuyển dịch không ngừng từ nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu sang sản xuất có liên kết, từ thủ công sang hiện đại, từ nền sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: Trong 60 năm phát triển, nông nghiệp Quảng Ninh luôn bám sát, đồng hành, hiện thực hoá các mục tiêu phát triển của tỉnh, không ngừng lớn mạnh, vững vàng, càng trong khó khăn càng thể hiện được vai trò của mình. Để hôm nay, nông nghiệp Quảng Ninh sánh vai cùng các ngành kinh tế khác tạo nên bước phát triển kỳ tích của địa phương.

Còn nhớ, trong 3 năm liên tiếp kể từ năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng đến mọi hoạt động phát triển kinh tế, đời sống xã hội. Trong bối cảnh ấy, hoạt động sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh vẫn diễn ra rất tích cực.

Kết thúc năm 2020, năm đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sản lượng thuỷ sản của Quảng Ninh đạt 146.000 tấn, vượt kế hoạch đề ra 10.000 tấn, tốc độ tăng trưởng là 11,3%, trong đó tốc độ tăng trưởng NTTS đạt 19,8%, cao nhất từ trước đến nay. Thủy sản mang lại cho ngành nông nghiệp 10.700 tỷ đồng, tính theo giá hiện hành, chiếm đến 57% giá trị toàn ngành. Thủy sản cũng tạo việc làm và nguồn thu cho số lao động tăng gấp 2 lần so với thời điểm trước khi dịch bệnh, với khoảng 5.500 người.

Người dân Đầm Hà trồng dưa lưới trong nhà.

Kết quả của năm 2020 tiếp tục được giữ ổn định và nâng cao ở những năm có dịch tiếp theo, cũng như hồi phục sau dịch. Giá trị tăng trưởng của nông nghiệp Quảng Ninh năm 2021, 2022 và nửa đầu năm 2023 đều vượt kịch bản đề ra, cao hơn so với nhiều năm trước đó. Giá trị sản xuất hiện hành của toàn ngành nông nghiệp là khoảng 25.000 tỷ đồng/năm, cũng là mức cao trong nhiều năm qua.

Như vậy có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn, dịch bệnh bao trùm, lao động thất nghiệp, thất thu ngân sách… nông nghiệp Quảng Ninh đã đóng vai trò là bệ đỡ kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần gỡ mối lo về an sinh xã hội cho tỉnh.

Toàn tỉnh đang có 60% dân số sống ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo. Phần không nhỏ là đồng bào DTTS, trình độ dân trí không đồng đều, xuất phát điểm KT-XH thấp hơn so với các vùng đô thị. Vậy nhưng, nhờ những vùng quy hoạch canh tác nông nghiệp trù phú, nhờ phát triển những nghề truyền thống gắn với nông nghiệp, nhờ nông sản được mùa, được giá, nhờ trình độ canh tác, ứng dụng KHKT vào sản xuất, quản lý sản xuất tăng lên… dẫn tới thu nhập, đời sống nhân dân ở những vùng sâu, vùng khó ngày càng được nâng cao.

Nông dân phường Phương Nam (TP Uông Bí) thu hoạch vải chín sớm.

Các huyện Ba Chẽ, Bình Liêu từng một thời có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo rất cao, thu nhập bình quân chưa tới 1 triệu đồng/người/tháng. Giờ đây mức thu ấy đã đạt khoảng 60 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của 2 huyện này còn dưới 1%, trên địa bàn cơ bản không còn nhà tạm, nhà dột nát. Người dân Bình Liêu, Ba Chẽ nói riêng, các địa phương biên giới, hải đảo nói chung yên tâm lấy rừng, ruộng, chăn nuôi làm kế sinh nhai, kế làm giàu, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa vùng nông thôn, thành thị đang dần được rút ngắn.

Nhiều hộ dân xây nhà to, sắm đồ đẹp, đầu tư cho con cái học hành, có nguồn vốn tích luỹ cũng từ nguồn thu các mô hình sản xuất nông nghiệp, yên tâm bám làng, bám bản, bám vùng biên giới, hải đảo để sinh sống và phát triển; trở thành chủ nhân và xây dựng các vùng nông thôn hiện đại, kiến tạo nên những vùng nông thôn đổi mới, giàu đẹp. Nông nghiệp nông thôn đang trở thành một cực tăng trưởng trên đà tăng trưởng mạnh mẽ của Quảng Ninh.

Quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn Quảng Ninh đã tạo nên những vùng nông thôn với diện mạo được đổi thay; hạ tầng sản xuất, trình độ sản xuất, chất lượng sống của nhân dân được nâng lên. Mùa nối mùa, vụ nối vụ, nông thôn Quảng Ninh đã thu được trái ngọt. Giá trị niềm tin của người dân tăng lên, thổi bùng khát vọng đổi mới và làm giàu trên khắp các vùng quê.

Đông Triều là địa phương đầu tiên của miền Bắc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, là địa phương đầu tiên của cả nước có xã NTM kiểu mẫu. Xã Việt Dân được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2019.

Việt Dân giờ đây là vùng quê giàu đẹp, thanh bình. Đường giao thông dài rộng, hai bên đường hoa nở, điểm tô các bức tranh tường đẹp đẽ, nhà dân được đánh số, xóm, thôn có biển chỉ dẫn, những vườn cây trái của Việt Dân sai trĩu quả. Sản phẩm quả na Việt Dân được gắn tem truy xuất nguồn gốc, được lên sàn giao dịch điện tử. Nông dân Việt Dân không để phí đất sản xuất, giá trị trên 1ha canh tác của Việt Dân gấp 3 lần nơi khác. Thu nhập bình quân của nông dân Việt Dân đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm.

Cùng với Việt Dân, cả vùng nông thôn của TX Đông Triều đang phát triển hết sức sôi động. Nơi đây có những nông hộ giàu có, có những nông dân chủ động đổi mới, sáng tạo, giúp địa phương phát triển đi lên theo mục tiêu đã đề ra. Đó là sớm đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thành lập TP Đông Triều và nâng cấp đô thị Đông Triều đạt loại II. Nông nghiệp Đông Triều cũng sẽ là nền nông nghiệp đô thị tiêu biểu của tỉnh và cả nước.

Công cuộc xây dựng NTM của Quảng Ninh đã hình thành nên những vùng thôn quê đổi mới, giàu đẹp.

Tại huyện miền núi, biên giới Bình Liêu, những tuyến đường giao thông được xây dựng từ nguồn vốn xây dựng NTM đã nối huyện, nối xã, nối xóm thôn, nối vùng sản xuất, tạo điều kiện cho giao thương thuận lợi. Những tuyến kênh mương chứa đầy nước ngọt giải bài toán cho những vùng đất khát cháy. Nhờ vậy, rừng núi không còn trọc, ruộng vườn không còn bỏ hoang, thay vào đó đã được phủ xanh bằng cây lâm sản, hoa màu.

Đồng Văn là một trong những xã của Bình Liêu trước kia xe ô tô không vào được các thôn bản, nay tuyến đường Sông Moóc được mở rộng, thương lái vào tận rừng hồi, quế rộng ở cuối xã thu mua sản phẩm. Hay như bản Ngàn Chuồng thuộc xã Lục Hồn, khi xưa cách vào bản duy nhất là trèo đèo, lội suối, nay tuyến đường bắt từ QL18C vào bản đã giúp kết nối với vùng trung tâm. Chỉ có khoảng 60 nóc nhà, nhưng bản Ngàn Chuồng có nhiều gỗ rừng sản xuất, cùng những cánh rừng hồi, quế xanh tốt ngút ngàn, đàn trâu bò của người dân trong bản lên đến gần 300 con, đàn gia cầm trên 1.200 con. Mỗi chuyến xe mang lâm sản, nông sản của Ngàn Chuồng về xuôi, đồng nghĩa người dân Ngàn Chuồng nhận về những khoản tiền lớn. Hiện trong thôn đến 40% là nhà tầng, nhà kiên cố, Ngàn Chuồng không còn hộ nghèo.

Huyện Đầm Hà giờ đây là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trình độ sản xuất của người dân đã được nâng lên một bậc. Anh Trương Thế Đô (xã Đại Bình) là người đầu tiên chuyển đổi 1.000m2 trồng dưa theo phương thức canh tác ngoài trời sang canh tác trong nhà lưới, đến nay đã có 4ha dưa lưới. Anh Đô cũng thành lập HTX Thành Đạt, trở thành HTX nòng cốt trong mục tiêu phát triển nông nghiệp sạch, giá trị cao của huyện Đầm Hà.

Vùng thôn quê Đông Triều xanh mát.


Những nông dân, những HTX, những doanh nghiệp nông nghiệp ở Đầm Hà dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới ngày càng nhiều. Có thể kể đến như HTX Thắng Huệ (thị trấn Đầm Hà), điển hình phát triển theo hướng liên kết chuỗi; HTX Tuyền Hiền (xã Quảng Tân) đi đầu trong xu hướng phát triển sản vật địa phương; Công ty TNHH Việt Úc - Quảng Ninh là doanh nghiệp điển hình thành công trong đầu tư vào nông nghiệp...

Nông nghiệp nông thôn Quảng Ninh 60 năm qua đã không ngừng phát triển. Quảng Ninh hôm nay nhân lên những vùng thôn quê giàu đẹp, văn minh, hiện đại; nhân lên những nông dân năng động, tự tin, làm chủ; nhân lên những cực tăng trưởng trong kinh tế nông nghiệp toàn tỉnh. Trên đà phát triển này, Quảng Ninh sẽ có thêm những vùng quê đổi mới, giàu đẹp, thêm dư địa phát triển cho tỉnh vững mạnh, điển hình.

Bà Nguyễn Thị Thanh (HTX Đặc sản đồng rươi Đông Triều):

Tạo điều kiện hơn nữa để các HTX được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp

Ngành sản xuất lúa của tỉnh nhà trong những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc. Nhiều mô hình sản xuất lúa tập trung đã được hình thành. Sản xuất tập trung đem lại nhiều lợi thế từ việc khoanh vùng nguyên liệu phù hợp, chọn giống, quản lý kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và chế biến. Nhờ đó chất lượng lúa gạo tốt hơn, sản lượng lớn, giá thành cạnh tranh. Cùng với việc quan tâm đến mẫu mã bao bì, tiếp thị quảng bá, các sản phẩm lúa gạo "made in Quang Ninh" đang dần khẳng định được thương hiệu và vị thế trên thị trường lúa gạo trong nước.

Tuy nhiên, khó khăn chung hiện nay của các HTX nông nghiệp là tổ chức quy mô còn nhỏ, sản phẩm hàng hóa tạo ra chưa đa dạng. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ kinh tế tập thể, nhưng trong thực tế, các HTX vẫn khó tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ này; đặc biệt là còn yếu trong khâu xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Chúng tôi rất mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện hơn nữa để các HTX được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt tạo thêm nhiều kênh xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của HTX; kết nối cho những sản phẩm chất lượng vào hệ thống các siêu thị lớn, các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh.

Ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP Thuỷ sản Tân An:

Thuỷ sản có bước phát triển vượt bậc, trở thành lực đẩy để Quảng Ninh vươn ra biển lớn

Với trên 250km bờ biển, trên 6.000km2 mặt biển, thủy sản Quảng Ninh rất có lợi thế phát triển. Các quyết sách đúng đắn của tỉnh về phát triển thuỷ sản những năm qua đều là những khung pháp lý quan trọng để thủy sản Quảng Ninh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành.

Nhờ những quyết sách đó, đội tàu khai thác giảm dần, khai thác ven bờ, khai thác có tính chất tận diệt bị hạn chế hoặc cấm, hoạt động NTTS được khuyến khích phát triển, trọng tâm là NTTS ứng dụng công nghệ cao. Quảng Ninh không chỉ bảo vệ được môi trường biển, hệ sinh thái biển, nguồn lợi biển mà còn nâng cao sản lượng thuỷ sản nhờ thuỷ sản nuôi trồng. Thực tế các đối tượng thuỷ sản nuôi chủ lực của Quảng Ninh như tôm thẻ, cá biển, nhuyễn thể đủ điều kiện xuất khẩu thị trường thế giới.

Hiện nay Quảng Ninh đang đứng trước cơ hội phát triển nuôi biển, vươn ra những vùng biển lớn, vịnh hở, ứng dụng công nghệ hiện đại để NTTS trên biển. Tôi cho rằng đây là hướng đi rộng mở, giàu dư địa, mang lại giá trị lớn và sự phát triển bền vững cho nghề biển, cho kinh tế biển Quảng Ninh.

Anh Phạm Huy Cường (thôn Ba Xã, xã An Sinh, TX Đông Triều):

Nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh đã tạo động lực cho nông dân sản xuất

Gia đình tôi sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Năm 2022, tôi đầu tư trồng cây nho Hạ đen của Bắc Giang, đến nay đã thu hoạch được hai vụ. Quá trình làm nông nghiệp, không chỉ cá nhân tôi mà các hộ nông dân, doanh nghiệp đã được tỉnh, địa phương quan tâm, có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân; khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển hợp tác liên kết, ứng dụng khoa học và công nghệ mới; tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân. Đồng thời, hỗ trợ về thông tin, xây dựng thương hiệu, giới thiệu và tiêu thụ nông sản; vận động phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng KHCN vào phát triển kinh tế.

Đây chính là điều kiện thuận lợi để những người nông dân chúng tôi vượt qua khó khăn, thử thách, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh…

Việt Hoa - Minh Yến - Thanh Hằng
Trình bày: Tất Đạt

Website Báo Quảng Ninh


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 496
Đã truy cập: 331435