MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ninh: Đồng hành cùng nhân dân tái thiết cuộc sống

31/10/2024 09:25

Trong bối cảnh người dân phải chịu nhiều thiệt hại, mất mát do bão số 3 (Yagi) gây ra, công tác an sinh lại càng được chú trọng thực hiện, được triển khai ở mọi cấp, mọi ngành, lan tỏa đến mọi vùng, miền, cơ sở, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Tại Quảng Ninh, MTTQ các cấp đã có những hành động thiết thực để đồng hành cùng nhân dân từng bước tái thiết cuộc sống sau bão. Tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã góp phần giúp những hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, bị thiệt hại do thiên tai... có thêm điểm tựa và động lực để vượt qua gian khó.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh thăm, động viên người dân bị ảnh hưởng do bão số 3 tại xã Hiệp Hòa (TX Quảng Yên)

Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Khu vườn gần 1ha với các loại táo ngọt, mít và na đang sinh trưởng tươi tốt chính là thành quả từ công sức lao động miệt mài, nỗ lực suốt cả chục năm nay của chị Bùi Thị Huyên (khu 5A, phường Quang Trung, TP Uông Bí). Dù quy mô sản xuất không lớn, nhưng từ khu vườn này, chị Huyên có được nguồn thu nhập đều đặn để trang trải, cáng đáng mọi khoản chi tiêu của gia đình. Nhất là khi bản thân chị Huyên đang bị căn bệnh ung thư đeo đẳng suốt nhiều năm nay; chồng và con gái chị cũng thường xuyên đau ốm, không có sức lao động.

Cuộc sống chưa bao giờ được thảnh thơi, vậy mà cơn bão số 3 vừa qua lại mang đến thêm những thử thách đầy khó nhọc. Chỉ qua vài ngày hứng chịu bão, gió, nước lũ, toàn bộ cây cối, hoa màu, đất đai, khu chuồng trại mà gia đình chị Huyên gom góp gây dựng với bao công sức đã không còn.

Cán bộ MTTQ TP Uông Bí và phường Quang Trung nắm tình hình thiệt hại do bão số 3 tại gia đình chị Bùi Thị Huyên.

Gác lại những nỗi buồn lo, vợ chồng chị Huyên như không lúc nào để cho bản thân có thời gian rảnh rỗi kể từ khi bão tan. Khu chuồng gà khẩn trương được sửa chữa, bắt đầu nuôi lứa mới để kịp có chút hàng hóa buôn bán dịp cuối năm, là nguồn kinh phí trang trải sinh hoạt gia đình. Từng gốc cây trong vườn được tỉ mỉ cắt tỉa, vun xới, chăm bón, bởi một số vẫn còn hy vọng còn có thể sinh trưởng lại.

Chị Huyên tâm sự: Các tổ công tác của MTTQ phường và thành phố đã trực tiếp thăm hỏi, động viên vợ chồng tôi nhiều lần; giúp gia đình đề xuất được hưởng các khoản trợ cấp, các chính sách hỗ trợ thiệt hại theo quy định. Mừng nhất là gia đình được giải quyết nhanh các khoản vay ưu đãi chính sách để bước đầu khôi phục vườn tược, chuồng trại... Trước mắt sẽ còn rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi luôn có sự đồng hành, giúp đỡ của các cấp, các ngành và tình cảm đùm bọc, chia sẻ của bà con lối xóm.

Ngày 11/9, thôn Đá Trắng (xã Thống Nhất, TP Hạ Long) ngập sâu trong nước lũ do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3

Người dân thôn Đá Trắng và các lực lượng địa phương tham gia dọn dẹp bùn đất sau mưa lũ.

Thực tế cho thấy, tái thiết cuộc sống sau những thiệt hại nặng nề của bão số 3 không phải là việc làm dễ dàng. Như ở thôn Đá Trắng (xã Thống Nhất, TP Hạ Long), cơn bão lịch sử, rồi ngay sau đó là trận lũ bất ngờ trong đêm 9/9 đã làm hư hại, cuốn trôi nhiều tài sản của hơn 60 hộ dân. Cánh đồng ở xóm Ba Sào là nơi trồng lúa và hoa màu của cả thôn, đến nay vẫn ngập trong đất bùn cùng với xà bần lẫn lộn, chưa thể canh tác... Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của xã, thành phố đã rất khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ, đồng hành.

Ngay trong đêm mưa lũ, toàn thể nhân dân thôn Đá Trắng được di dời khẩn cấp đến nơi tránh, trú an toàn, không xảy ra thương vong. Khi nước rút, hoạt động tổng vệ sinh toàn thôn, dọn dẹp đất bùn, thu nhặt tài sản... được triển khai ngay để nhanh chóng ổn định cuộc sống. Các hộ khó khăn, neo đơn, đau ốm... được MTTQ và các đoàn thể trao tận tay những phần quà nhu yếu phẩm, đồ ăn, thuốc men, cùng lời thăm hỏi, động viên rất kịp thời.

Ông Đàm Văn Hậu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thống Nhất, cho biết: Theo hướng dẫn Ủy ban MTTQ thành phố, cũng như chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy xã, chúng tôi liên tục bám sát địa bàn, làm công tác dân vận khéo và lắng nghe đầy đủ kiến nghị, đề xuất của nhân dân. Đây chính là căn cứ để công tác hỗ trợ, giải quyết vướng mắc được thành phố triển khai nhanh chóng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Cán bộ MTTQ phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) nắm thực trạng thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn.

Ứng phó với thiên tai, toàn hệ thống MTTQ của Quảng Ninh đã thực sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trước khi bão đổ bộ, các cán bộ Mặt trận là thành viên nòng cốt để tuyên truyền, nhắc nhở người dân chủ động ứng phó, không chủ quan trước thiên tai, thực hiện tốt phương châm "3 trước, 4 tại chỗ". Khi giông bão đã tan, lực lượng này lại theo các tổ công tác liên ngành liên tục toả đi từng ngõ, gõ từng nhà, lan tỏa những chủ trương khắc phục thiệt hại sau bão đi nhanh vào đời sống; củng cố sự tin tưởng, đồng thuận cao trong nhân dân.

Các chiến dịch toàn tỉnh về tổng vệ sinh môi trường, làm sạch biển, tận thu rừng thiệt hại, khắc phục hậu quả sau bão... được triển khai đồng bộ, hiệu quả, được nhân dân đồng tình, tích cực tham gia. Những mong mỏi, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cùng những thiệt hại cụ thể phát sinh trong địa bàn dân cư đều được lắng nghe, tổng hợp đầy đủ thông qua kênh Mặt trận, góp phần giúp cho các chương trình, hoạt động an sinh xã hội của tỉnh, địa phương được triển khai nhanh chóng, không có sai sót.

Cầu nối cho những tấm lòng vàng

Trước ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, sự chung tay của cộng đồng, xã hội là điều hết sức cần thiết và vô cùng quý giá, giúp san sẻ phần nào khó khăn với những người chịu thiệt hại, để họ có thêm động lực tiếp tục vươn lên. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 10/9, Ủy ban MTTQ tỉnh đã có Thư kêu gọi ủng hộ nhân dân Quảng Ninh khắc phục thiệt hại do bão số 3.

Thông điệp nhân văn mà MTTQ gửi gắm đã nhanh chóng đến với đông đảo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Chỉ 1 tuần sau khi có Thư kêu gọi, Ủy ban MTTQ - Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận 20,6 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật trị giá gần 660 triệu đồng ủng hộ. Đến hết ngày 18/10, tức hơn 1 tháng sau bão, con số đăng ký ủng hộ mà Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận đã đạt trên 102,4 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật trị giá trên 8 tỷ đồng.

Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận ủng hộ của Tập đoàn Wilmar CLV (Singapore), tháng 10/2024.

Trong bối cảnh có một số chương trình, cá nhân với những hoạt động từ thiện không chính thống, gây nhiều xôn xao trái chiều trong dư luận, thì MTTQ Việt Nam vẫn tiếp tục là địa chỉ được cộng đồng tin cậy. Qua cầu nối là MTTQ và các đoàn thể, những phần quà, kinh phí mang theo tấm lòng thơm thảo đã đến được tận tay những người đang rất cần. Không chỉ là câu chuyện về vật chất, tình cảm chân thành ấy của cộng đồng, xã hội còn hàm chứa ý nghĩa lớn lao về tinh thần. Đó là khi niềm tin được chắp cánh, ý chí và thái độ sống tích cực được nhân lên, là nền tảng quyết định cả một cuộc đời phía trước.

CBCCVC huyện Đầm Hà ủng hộ nhân dân khắc phục thiệt hại do cơn bão tại lễ phát động cấp huyện. Toàn bộ số tiền được chuyển đến quỹ chung do Ủy ban MTTQ tỉnh quản lý.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Thị Thu Hường cho biết: Để công tác ủng hộ, giúp đỡ được công bằng, thiết thực, phù hợp với nhu cầu thực tế của nhân dân, Ủy ban MTTQ tỉnh - Thường trực Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã có hướng dẫn MTTQ các cấp phối hợp cùng chính quyền, các ban, ngành chức năng tại địa phương tiến hành rà soát, thống kê thiệt hại trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu phải tiến hành một cách kịp thời, công khai, đúng quy định ngay từ các xã, phường, thị trấn, thôn, bản, khu phố.

Trên cơ sở đó, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã trích 10,3 tỷ đồng hỗ trợ khẩn cấp đợt 1 cho 10.300 hộ dân trên địa bàn 13 địa phương. Việc trợ cấp được thực hiện theo thứ tự ưu tiên cho các trường hợp là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ bị thiệt hại. Hiện vật tiếp nhận được bao gồm nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết... đã được phân bổ ngay đến các địa phương để hỗ trợ cho nhân dân bị thiệt hại và những đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả của bão.

Trên cơ sở thống kê, rà soát thiệt hại của các địa phương, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đang tiếp tục tham mưu, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy phương án hỗ trợ các đợt tiếp theo. Tuyệt đối bảo đảm không để bất cứ hộ dân nào trên địa bàn tỉnh bị thiếu đói và không có chỗ ở; khẩn trương để nhân dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tập đoàn LS Hàn Quốc và Ủy ban MTTQ TP Cẩm Phả phối hợp trao tặng kinh phí, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Sự đóng góp ủng hộ là rất vô tư, trong sáng, thể hiện tình đồng chí, nghĩa đồng bào, cùng chia ngọt, sẻ bùi trong cơn hoạn nạn. Trân trọng những tấm lòng thơm thảo ấy, Ủy ban MTTQ tỉnh với trách nhiệm của mình đã rất chú trọng việc công khai, minh bạch, để mọi cá nhân, tổ chức yên tâm thấy được sự đóng góp của mình đã đến đúng địa chỉ. Cụ thể, MTTQ tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh tuyên truyền về hoạt động tiếp nhận, ủng hộ trên các hạ tầng thông tin của tỉnh. Đặc biệt, nội dung sao kê số tiền ủng hộ qua chuyển khoản hay trao gửi trực tiếp đều được cập nhật, đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của MTTQ, báo Quảng Ninh, truyền hình Quảng Ninh, trang facebook “Mặt trận Quảng Ninh”... để người dân, doanh nghiệp thuận tiện quan tâm theo dõi.

Việc công khai sao kê danh sách tiếp nhận ủng hộ đã được nhiều người đồng tình, thậm chí tạo được hiệu ứng lan truyền rộng rãi, củng cố niềm tin vững chắc của cộng đồng, xã hội với cách làm hiệu quả, chặt chẽ của MTTQ Việt Nam. Từ đó càng thêm củng cố niềm tin của nhân dân với chủ trương, chỉ đạo, đường lối của Đảng và Nhà nước trong công tác an ninh xã hội, chung tay vì người nghèo mà MTTQ đang đóng vai trò cầu nối rất hiệu quả. Đồng thời, nhờ có thông tin công khai và minh bạch, những việc làm tốt, tấm gương vì cộng đồng được biểu dương, cổ vũ kịp thời, góp phần nhân lên những điều tử tế trong xã hội.

Để chính sách đi nhanh vào đời sống

Với tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực rất lớn, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng nghiên cứu xây dựng một số chính sách khẩn cấp theo thẩm quyền, để khẩn trương khôi phục thiệt hại sau bão số 3. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 21 của HĐND tỉnh khóa XIV vừa qua, đã có 5 nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận của 100% đại biểu.

Đó là những cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, như: Hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền đăng ký tại Quảng Ninh bị chìm do cơn bão số 3; hỗ trợ kinh phí cho những trường hợp nhà ở bị đổ, sập, hư hỏng nặng không có khả năng khôi phục cần phải xây mới; hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh cũng đã được nâng lên là 700.000 đồng/tháng, cao hơn mức Trung ương quy định. Qua đó, dành sự quan tâm, chia sẻ sâu sắc với những hoàn cảnh khó khăn, chỉ có nguồn thu nhập chính từ trợ cấp xã hội hằng tháng để trang trải cuộc sống...

Tại Kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh khóa XIV, 100% đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão số 3

Cử tri, nhân dân trong tỉnh hết sức vui mừng trước sự quan tâm kịp thời của tỉnh thông qua những chính sách được xây dựng, ban hành cấp bách mà vẫn đảm bảo chặt chẽ, kỹ lưỡng, nhân văn. Các ngành, cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã khẩn trương có những hướng dẫn cụ thể về đối tượng, điều kiện, quy trình và thủ tục hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc áp dụng.

Trong lúc này, MTTQ tỉnh xác định rõ trách nhiệm của mình trong tham gia giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách này. Cụ thể là tập trung giám sát quy trình rà soát, thống kê, xét duyệt đúng, đủ từng trường hợp ngay từ các thôn, bản khu phố, đảm bảo tính xác thực, công khai, minh bạch. Đồng thời theo sát quá trình thực hiện chính sách, làm sao cho việc thụ hưởng chính sách được đúng đối tượng, nhanh chóng, kịp thời, không sai sót. Giám sát chặt chẽ, bài bản, công tâm và dân chủ cũng là cách để MTTQ tham gia đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, đấu tranh không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách.

Cán bộ MTTQ phường Bắc Sơn (TP Uông Bí) nắm tình hình hộ dân phải sửa chữa nhà ở bị hư hại do bão số 3.

Thực tế, đây không phải là nhiệm vụ mới đối với MTTQ các cấp của Quảng Ninh. Những bài học kinh nghiệm khi MTTQ giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững, hoặc khi hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19... cũng sẽ tiếp tục được vận dụng vào việc giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão số 3. Nhất là với các nội dung quy định tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác giám sát của Mặt trận đang càng có nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hệ thống chính trị của Quảng Ninh. 

Bởi liên tục những năm gần đây, giám sát đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận, gắn liền với thực hiện đồng bộ các giải pháp về xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Khác với giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước, giám sát của MTTQ mang tính nhân dân. Nghĩa là đại diện cho tiếng nói, ý nguyện của nhân dân, nêu được những vấn đề dân thắc mắc, quan tâm, lấy đó làm cơ sở dẫn dắt trong vấn đề giám sát. Đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể bám sát địa bàn cơ sở, đi từng ngõ, gõ từng nhà nên sẽ làm tốt nhất nhiệm vụ đánh giá trực quan, nắm bắt dư luận xã hội, ghi nhận ý kiến từ thực tiễn đời sống...

Huyện Vân Đồn huy động trên 4.000m2 tôn từ nguồn xã hội hóa, hỗ trợ sửa chữa cho 50 nhà ở bị tốc mái hoàn toàn.

Trong quá trình giám sát, MTTQ tỉnh còn nhận được sự tham mưu, tư vấn rất hiệu quả từ Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật. Các thành viên của Hội đồng đang công tác ở các tổ chức trong tỉnh, như: Hội Luật gia, Đoàn luật sư, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Hội thẩm nhân dân... Nhờ đó, các kiến nghị sau giám sát của MTTQ luôn được đánh giá rất cao, là một kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền xem xét các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý; tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện quy chế dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân là một trong những vai trò, chức năng quan trọng của MTTQ Việt Nam trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Những gia đình như chị Bùi Thị Huyên, các hộ dân thôn Đá Trắng, cho tới các hộ trồng rừng, nuôi biển, kinh doanh bị thiệt hại... mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trên hành trình tác nghiệp, họ đều có điểm chung ở sự quyết tâm, lạc quan, niềm hy vọng chưa bao giờ tắt. Khó khăn vẫn còn đó, nhưng bằng tinh thần đại đoàn kết, truyền thống kỷ luật và đồng tâm, tin chắc rằng những thời cơ, vận hội mới đang đến gần.

Hoàng Giang


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng

Lịch công tác trống

Tin tiêu điểm
Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 906
Đã truy cập: 1175876