Nhiều cử tri và nhân dân trong tỉnh kiến nghị ngành Y tế rà soát, xem xét quy trình cho bệnh nhân chuyển viện tuyến trên khi có yêu cầu, đảm bảo đồng bộ trong hệ thống các bệnh viện toàn tỉnh.
Mổ tim hở là kỹ thuật cao thuộc tuyến trung ương đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai thành công từ năm 2016.
Theo quy định của Bộ Y tế, tuyến chuyên môn kỹ thuật hiện có tuyến trung ương (tuyến 1); tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tuyến 2); tuyến huyện, quận, thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh (tuyến 3); tuyến xã, phường, thị trấn (tuyến 4). Hiện có 3 hình thức chuyển tuyến: Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên; chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới; chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) cùng tuyến.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Chuyển tuyến là một quy trình bắt buộc trong KCB bảo hiểm y tế (BHYT). Các cơ sở KCB trực thuộc Sở Y tế đang thực hiện việc chuyển tuyến theo quy định tại Điều 27 Luật BHYT 2008 (số 25/2008/QH12) và Điều 5 Thông tư số 14/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở KCB.
Theo đó, cơ sở KCB chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi đáp ứng các điều kiện: Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở KCB hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở KCB, nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở KCB không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị. Căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt, nếu cơ sở KCB tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở KCB tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn. Trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến (trừ phòng khám và cơ sở KCB tuyến 4).
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới phù hợp khi người bệnh đã được chẩn đoán, được điều trị qua giai đoạn cấp cứu, xác định tình trạng bệnh đã thuyên giảm, có thể tiếp tục điều trị ở tuyến dưới.
Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cùng tuyến trong trường hợp: Bệnh phù hợp với danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến dự kiến chuyển đến…
Khi người bệnh được cơ sở khám, chữa bệnh chuyển tuyến như trên được gọi là chuyển đúng tuyến và người bệnh được hưởng 100% chi phí điều trị theo mức hưởng của thẻ BHYT tại cơ sở khám, chữa bệnh được chuyển đến.
Quy định về việc chuyển tuyến rất rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều người do chưa hiểu rõ nên nghĩ rằng cơ sở KCB gây khó dễ, tìm cách giữ bệnh nhân. Đối với những trường hợp bệnh lý không vượt quá khả năng chuyên môn của các đơn vị y tế, người bệnh có yêu cầu chuyển tuyến theo nguyện vọng, cán bộ, nhân viên y tế sẽ giải thích rõ quyền lợi BHYT được hưởng (nếu có) cho người bệnh, người đại diện hợp pháp của người bệnh và cấp giấy chuyển tuyến theo quy định.
Thời gian qua với sự quan tâm đầu tư của tỉnh cùng nỗ lực của đội ngũ thầy thuốc Quảng Ninh, các bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được gần 50% kỹ thuật của tuyến trung ương, chiếm 85% danh mục kỹ thuật của trung ương; tuyến huyện thực hiện được hầu hết các kỹ thuật theo phân tuyến. Qua đó tỷ lệ chuyển tuyến đúng tuyến, vượt quá năng lực chuyên môn ở mức rất thấp; tuyến huyện chuyển tuyến tỉnh còn khoảng 1,5%, tuyến tỉnh chuyển trung ương còn khoảng 0,54%.
Người dân đến khám bệnh dịch vụ tại CDC Quảng Ninh.
Theo quy định tại Điều 22 Luật BHYT 2008, bổ sung bởi khoản 15, Điều 1 Luật BHYT 2014 (số 46/2014/QH13), người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng của thẻ BHYT. Cụ thể: Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú; tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước; tại bệnh viện tuyến huyện 100% chi phí KCB. Trường hợp chỉ KCB ngoại trú tại cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến trung ương thì không được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB.
Riêng đối tượng người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ nghèo tham gia BHYT đang sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, khi tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB theo mức hưởng của thẻ BHYT đối với bệnh viện tuyến huyện; 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng của thẻ BHYT đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Trường hợp chỉ KCB ngoại trú tại cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến trung ương thì không được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB.
Hằng năm Sở Y tế đều ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ sở KCB về việc thực hiện các quy định chuyển tuyến, nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn cho người dân trong việc làm các thủ tục chuyển viện, chuyển tuyến; tăng cường kiểm tra, giám sát về việc chuyển viện, chuyển tuyến tại các cơ sở KCB, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời tiến hành khảo sát, đánh giá sự hài lòng và lấy ý kiến nhân dân định kỳ để nắm bắt tình hình, nhằm chấn chỉnh kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhân dân khi đi KCB.