Cử tri TP Hạ Long đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm vùng đồng bào DTTS và miền núi bằng các chủ trương, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nhằm thu hẹp khoảng cách các khu vực cùng thành phố.
Vườn trà hoa vàng của gia đình chị Triệu Thị Thanh (thôn Đồng Quặng, xã Đồng Lâm).
Xã miền núi Đồng Lâm có 98,2% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Từ khi huyện Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long, thành phố đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội ở các xã miền núi. Đồng Lâm, kinh tế rừng là nguồn thu nhập chính của người dân. Các hộ dân được giao đất giao rừng, chuyển đổi từ rừng sản xuất sang trồng cây gỗ lớn để tăng giá trị kinh tế rừng và hưởng lợi lâu dài. Xã hiện không còn hộ nghèo, nhà ở đã được cứng hóa, nhưng do xuất phát điểm thấp nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn so với các xã, phường khác cùng thành phố.
Hộ chị Triệu Thị Thanh (thôn Đồng Quặng, xã Đồng Lâm) là một trong những hộ mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Với hơn 1ha rừng trồng keo, đến kỳ thu hoạch, chị thu được hơn 80 triệu đồng, trừ chi phí còn khoảng 40 triệu đồng. Gia đình chị còn trồng cây trà hoa vàng để có thêm thu nhập, nhưng vẫn chưa thể bứt lên được. Chị chia sẻ: Chúng tôi rất mong Nhà nước tiếp tục quan tâm, có chính sách nới rộng tới các đối tượng đã thoát nghèo như chúng tôi nhưng điều kiện kinh tế còn khó khăn, được vay vốn mở rộng sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Nhiều hộ ở xã Đồng Lâm điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Xã Đồng Lâm còn nhiều hộ khó khăn, cần được quan tâm hỗ trợ như với hộ mới thoát cận nghèo, xây mới, sửa chữa nhà, hỗ trợ mô hình giảm nghèo. Đời sống của nhiều hộ dân xã Đồng Lâm nói riêng, một số xã vùng đồng bào DTTS của TP Hạ Long, của tỉnh nói chung, chỉ ở mức trên trung bình, nguy cơ tái nghèo, cận nghèo vẫn còn, nhất là sau bão số 3 chịu nhiều thiệt hại. Ông Vũ Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm, cho biết: Xã thoát nghèo trong giai đoạn 2015-2020, tuy nhiên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện các chính sách hỗ trợ, đối tượng trọng tâm là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn. Đề nghị tỉnh quan tâm chính sách hỗ trợ những hộ mới thoát nghèo về hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản xuất, đời sống văn hoá...
TP Hạ Long hiện có 11 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mặc dù tỉnh và thành phố đã triển khai nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, song tình hình kinh tế - xã hội của một số xã vẫn còn nhiều khó khăn. Bà Đỗ Thị Hằng, Phó Phòng Dân tộc TP Hạ Long, cho biết: Thành phố hiện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí của trung ương, của tỉnh, không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Thành phố đề nghị tỉnh quan tâm báo cáo trung ương đối với những địa phương tự cân đối ngân sách như Hạ Long được ban hành các chính sách, mở rộng đối tượng, để thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, thời gian tới được tốt hơn.