Tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Khóa XIV, đại biểu Lài Thị Hiền, Tổ Đại biểu Tiên Yên - Bình Liêu - Ba Chẽ chất vấn nội dung: “Hiện nay, diện tích rừng trên thế giới đang ngày càng thu hẹp do nhiều nguyên nhân như: khai thác gỗ, cháy rừng và canh tác. Điều này dẫn đến lượng khí CO2 trong khí quyển tăng cao, đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu với những hậu quả nghiêm trọng như: hạn hán, lũ lụt, mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng đến đời sống con người và hệ sinh thái. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng, tiêu chuẩn tín chỉ Carbon hiện đang được coi là giải pháp quan trọng. Được biết, tỉnh Quảng Ninh hiện có tổng diện tích đất trên địa bàn toàn tỉnh là 371.954ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 123.730,4 ha, diện tích rừng trồng đã thành rừng là 216.422,7 ha; diện tích rừng trồng chưa thành rừng là 31.801 ha. Tỉnh tiếp tục duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng ở mức 55%; chất lượng rừng ngày càng được nâng cao và có cơ sở đề nghị Chính phủ cấp tín chỉ Carbon. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, kết quả tham mưu của Sở trong thời gian qua và giải pháp cụ thể của Sở trong việc tham mưu để thời gian tới tỉnh Quảng Ninh được cấp tín chỉ Carbon?”
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời:
Quảng Ninh là một tỉnh ven biển, được xác định chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì vậy, tỉnh đã chủ động xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động về ứng phó với BĐKH, trọng tâm là các giải pháp và hành động về giảm phát thải khí nhà kính (KNK). Để giảm phát thải KNK hiệu quả và kinh tế nhất là giảm phát thải từ các hoạt động kinh tế, xã hội và tăng khả năng hấp thụ, lưu giữ Carbon rừng. Giải pháp giảm phát thải dựa vào rừng là giải pháp toàn diện, hiệu quả nhất và cũng là một trong những ưu tiên trong thực hiện đóng góp do quốc gia tự nguyện (NDC). Với tổng diện tích rừng 371.954 ha, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định mở mức 55%, gồm 123.730ha rừng tự nhiên và 248.223 ha rừng trồng, khả năng lưu trữ và hấp thụ Carbon của rừng ở Quảng Ninh là rất lớn, giảm phát thải dựa vào rừng sẽ là một trong những giải pháp rất tiềm năng, mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội cao góp vào mục tiêu giảm phát thải KNK, kế hoạch tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của tỉnh, tham gia thị trường tín chỉ Carbon.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án REDD+ các tỉnh miền núi phía Bắc, lượng tín chỉ Carbon rừng có thể tạo ra từ các hoạt động REDD+ của tỉnh Quảng Ninh từ 1,27 triệu tín chỉ Carbon đến 2,66 triệu tín chỉ Carbon (cho giai đoạn 2022-2030) và có thể tăng lên từ 1,77 đến 4,00 triệu tín chỉ cho giai đoạn 2031-2042. Lượng tính chỉ Carbon rừng này mới chỉ tính cho diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ, với diện tích khoảng 162.889ha, chiếm khoảng 37,5% diện tích rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh, còn tiềm năng và dư địa lớn từ nâng cao trữ lượng, tín chỉ Carbon từ rừng trồng của tỉnh.
Xác định giải pháp giảm phát thải dựa vào rừng là giải pháp toàn diện, hiệu quả nhất nên trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho tỉnh kế hoạch, chương trình hành động, giải pháp triển khai quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý tín chỉ Carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định; đã tham mưu cho tỉnh ban hành và thực hiện đồng bộ các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển lâm nghiệp bền vững theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Từ các kết quả tích cực đạt được trong phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh, với trọng tâm là thực hiện trồng rừng Lim, Giổi, Lát, trồng cây bản địa, cây gỗ lớn ở những nơi có điều kiện phù hợp; cấp chứng chỉ rừng, phê duyệt đề án phát triển lâm nghiệp bền vững cho các chủ rừng, chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, trồng mới, trồng làm giàu rừng ngập mặn ven biển đã tạo tiền đề quan trọng để tỉnh Quảng Ninh tham gia thị trường tín chỉ Carbon theo lộ trình Chính phủ đề ra. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai Dự án kiểm kê rừng, trên cơ sở kết quả điều tra, kiểm kê về diện tích, trữ lượng các trạng thái rừng tự nhiên, rừng trồng trên toàn tỉnh; căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phương pháp, hệ số quy đổi trữ lượng Carbon rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu tỉnh tính toán được trữ lượng Carbon rừng tại Quảng Ninh.
Trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham mưu tỉnh triển khai các giải pháp về tín chỉ Carbon cụ thể, trọng tâm như sau:
- Theo phương pháp, lộ trình, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan về thực hiện các nhiệm vụ: (1) Xây dựng đường tham chiếu cơ sở về phát thải Carbon rừng; (2) Phân tích và đánh giá được các nguyên nhân làm suy thoái rừng làm cơ sở đề xuất các biện pháp tăng cường Carbon rừng, giảm phát thải từ rừng thông qua nâng cao chất lượng, trữ lượng rừng tự nhiên nghèo, rừng trồng gỗ lớn, rừng ngập mặn ven biển và các giải pháp nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng Carbon, bảo tồn đất, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; (3) Xác định được tiềm năng tín chỉ Carbon rừng giai đoạn 2025-2030 và 2031-2050; (4) Xây dựng được bản đồ tiềm năng tín chỉ Carbon rừng và đề xuất được các dự án tín chỉ Carbon rừng phù hợp với từng loại rừng/khu vực trên toàn tỉnh.
- Triển khai thu dịch vụ môi trường rừng từ hấp thụ và lưu giữ Carbon của rừng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp quy định rõ đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả, quản lý và sử dụng tiền chi trả.
- Tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, giải pháp của Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua kiểm kê khí nhà kính và thúc đẩy phát triển thị trường Carbon. Với các nhiệm vụ, giải pháp đã thực hiện và tiếp tục thực hiện đã nêu, tỉnh Quảng Ninh sẽ chủ động và đảm bảo được các điều kiện cần thiết để tham gia thị trường Carbon theo Đề án Thị trường Carbon đang được Chính phủ xây dựng dự kiến vận hành thí điểm năm 2025, vận hành chính thức sau năm 2027.