Thị xã Quảng Yên hướng tới đô thị loại III
Đô thị Quảng Yên đã nhiều thế kỷ liên tục là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa lớn nhất và quan trọng nhất của toàn tuyến duyên hải và biển, đảo miền Đông Bắc. Tuy nhiên trong quá trình lịch sử, Quảng Yên – Yên Hưng đã trải qua nhiều thăng trầm, khi là trấn lỵ, tỉnh lỵ, Huyện, là thị xã sầm uất, …. Có thể khái quát quá trình phát triển của thị xã Quảng Yên qua 3 giai đoạn chính sau:
- Quảng Yên thời phong kiến (trước năm 1883).
- Quảng Yên thời Pháp (1883- 1954).
- Quảng Yên sau giải phóng 1954 đến nay.
- Quảng Yên thời phong kiến:
Quảng Yên xưa kia là vùng đất có địa thế thuận lợi, nằm ở vùng cửa ngõ sông nước trọng yếu nhất của đất nước, vừa là quan ải che chắn bảo vệ cho kinh đô Thăng Long ở phía sau, vừa là nơi các vương triều đóng đô ở Thăng Long đặt làm cơ sở triển khai các chiến lược vươn ra đại dương, trấn giữ các vùng biển đảo. Thế nên ngay từ thời Lý vùng đất này đã hình thành một vài làng quê gọi chung là trại Yên Hưng.
- Năm 1147, vua Lý Anh Tông cho xây dựng hành dinh ở trại Yên Hưng để thực thị sứ mệnh thiêng liêng trấn giữ vùng cửa ngõ sông nước quan trọng nhất và mở rộng ra toàn bộ các vùng biển đảo của quốc gia Đại Việt.
- Đầu thời Trần 1237 Trại Yên Hưng được vua Trần Thái Tông ban cho anh trai mình là An Vương Trần Liễu để làm ấp thang mộc. Trước đấy, sau trận thắng vang dội trên sông Bạch Đằng thuộc Trại Yên Hưng, Bạch Đằng được nhà Trần chú ý hơn, và được đổi thành lộ An Bang.
- Năm 1446 vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đổi lộ An Bang thành thừa tuyên An Bang. Đến thời vua Lê Anh Tông (1557-1573) An Bang được đổi thành An Quảng (vì Lê Anh Tông là Lê Duy Bang, kỵ húy chữ “Bang” nên đổi thành ‘quảng’ đều có nghĩa là rộng lớn, vùng đất lớn).Trị sở An Quảng có một ít năm dưới thời Tây Sơn được chuyển lùi vào xã Vu Thanh, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
- Đến năm 1802, đồng thời với sự ra đời của vương triều Nguyễn, vua Gia Long đặt ra trấn Yên Quảng bao lấy toàn miền Đông Bắc và lại lấy khu vực thị xã Quảng Yên hiện nay làm trấn lỵ. Năm 1822 vua Minh Mệnh đổi tên trấn Yên Quảng thành trấn Quảng Yên và vẫn giữ trấn lỵ Quảng Yên tại đây. Như thế lịch sử đã từng chứng kiến quá trình thay đổi địa danh từ An Bang thành An Quảng, rồi Yên Quảng thành Quảng Yên, nhưng trên thực tế ý nghĩa của địa danh và vị trí chức năng của nó trải qua các vương triều Lý, Trần, Lê, Lê Trung hưng và Nguyễn hầu như không thay đổi đáng kể.
- Năm 1832, trong yêu cầu cuộc cãi cách hành chính của vua Minh Mệnh, tỉnh Quảng Yên được thành lập và trấn lỵ Quảng Yên được đổi gọi là tỉnh lỵ Quảng Yên. Với vị trí không thể thay thế nên chỉ dưới thời Minh Mênh mà trong suốt giai đoạn nhà Nguyễn khu vực tỉnh thành Quảng Yên vẫn luôn là trung tâm hành chính cấp tỉnh là đô thị đứng đầu toàn vùng Đông Bắc.
Bến Ngự Sông Chanh ( Ảnh tư liệu)
- Quảng yên thời Pháp
Thời Pháp thuộc từ năm 1883 thực dân Pháp xâm lược chiếm thành tỉnh Quảng Yên của nhà Nguyễn. Chúng đã cho xây dựng trại lính, đồn bốt, nhà công sứ, sở mật thám, nhà tù, kho bạc, nhà đoan chợ rừng…và mở rộng các khu phố phố cũ: phố Yên Hưng, phố Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Hòang Hoa Thám ngày nay; phố Tiền Môn thành phố Gia Long và Phạm Ngũ Lão, sau này phố Gia Long được đổi thành phố Đoàn kết, rồi thành phố Ngô Quyền; phố Khê Chanh được đổi thành phố Trương Quốc Dụng, sau đổi thành phố Trần Khánh Dư. Quảng Yên trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Yên. Đây là nơi nghỉ dưỡng, là nơi tập trung bộ máy cai trị của thực dân Pháp với vùng Đông Bắc.
Một góc công viên 25-11
- Quảng yên sau giải phóng 1954 đến nay
Từ đầu những năm 1955, Quảng Yên vẫn tiếp tục giữ vai trò là thị xã trung tâm của tỉnh Quảng Yên trong khu Hồng Quảng thuộc hệ thống hành chính địa phương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Ngày 2 tháng 7 năm 1964, sau khi tỉnh Quảng Ninh được thành lập, lấy thị xã Hòn Gai làm tỉnh lỵ, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định đổi thị xã Quảng Yên thành thị trấn Quảng Yên và đặt làm huyện lỵ huyện Yên Hưng.
Ngày nay, trong điều kiện lịch sử mới của địa phương, khu vực và đất nước, Quảng Yên đang vươn lên khẳng định lại vị trí vốn có của mình, trở thành đô thị xứng tầm trong trục kinh tế động lực của vùng duyên hải Bắc bộ và sau những nổ lực phấn đấu, tháng 1- 2011 thị trấn Quảng Yên được công nhận là đô thị loại IV, mở ra những cơ hội mới cho vùng đất giàu tiềm năng này.