
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu thị xã Quảng Yên
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, ngày 01/03/2022 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 59 về triển khai chuyển đổi số toàn diện tỉnh đến năm 2023, định hướng đến năm 2030, trong đó năm 2022 có 27 mục tiêu, 51 nhiệm vụ. Kết quả đã có 11/27 mục tiêu đã hoàn thành, chiếm tỷ lệ 40,7%; 19/51 nhiệm vụ hoàn thành bằng 37,3%.
Bước sang năm 2023, Quốc gia lựa chọn chủ đề “Dữ liệu số”, đối với tỉnh Quảng Ninh năm nay mục tiêu chung được xác định là “Năm trọng điểm trong xây dựng dữ liệu số, tạo bứt phá về chuyển đổi số toàn diện” với 3 định hướng trọng tâm: Người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin một lần cho cơ quan Nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Doanh nghiệp được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do cơ quan Nhà nước cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh và xúc tiến đầu tư; Cơ quan Nhà nước sử dụng dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu mở từ máy sinh ra thời gian thực để hỗ trợ ra quyết định, giảm thiểu hoạt động báo cáo thủ công giữa các cấp. Đây là những định hướng cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 09 và tiếp tục triển khai Kế hoạch 59 của UBND tỉnh nhằm hoàn thiện chính quyền điện tử để chuyển nhanh sang chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số phát triển, xây dựng xã hội số trên địa bàn tỉnh. Có 44 mục tiêu cụ thể chia theo 4 trụ cột: phát triển dữ liệu số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Có 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm tập trung vào nâng cao nhận thức số, thể chế số, phát triển hạ tầng, hoàn thiện dữ liệu số, tiếp tục xây dựng nền tảng số, xây dựng triển khai kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, đảm bảo an toàn thông tin mạng...Các giải pháp được Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đề xuất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; Ưu tiên tài chính; Đẩy mạnh hợp tác và kiểm tra, giám sát .

Đồng chí Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã dự họp tại điểm cầu thị xã Quảng Yên
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ kết quả trong năm 2022 về chuyển đổi số và Đề án 06 rất thấp, nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành và tỷ lệ hoàn thành chưa cao. Đề nghị các đơn vị, địa phương cần kiểm điểm, nhìn nhận lại những tồn tại năm 2022 để thực hiện tốt hơn trong năm 2023. UBND tỉnh sẽ sớm ban hành kế hoạch chuyển đổi số và kế hoạch thực hiện đề án 06. Các địa phương, sở ngành phải hoàn thành cả 2 kế hoạch trên trong tháng 2, lưu ý xây dựng kế hoạch phải có số liệu kiểm đếm cụ thể vì vậy cần phải nghiên cứu kỹ đối với từng nội dung đề ra. Trong đó kế hoạch mục tiêu của Đề án 06 phải thực hiện xong toàn bộ nhiệm vụ năm 2023 trong 6 tháng đầu năm. Tập trung giải ngân 148 tỷ đồng nguồn vốn phân bổ cho các sở ngành thực hiện dự án ngay từ đầu năm. Đối với những khó khăn vướng mắc, các đơn vị cùng phối hợp tháo gỡ, quyết tâm hoàn thành các dự án trong 6 tháng đầu năm.
Đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất điểu chỉnh kế hoạch phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị. Về Tổ công nghệ số cộng đồng giao cho công an tỉnh chủ trì cùng các địa phương rà soát lại trên cơ sở thực tiễn về sản phẩm đầu ra và đề xuất cụ thể về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho những người thực hiện, để nhân lên những việc làm hiệu quả. Quan trọng là đào tạo phải có tính thống nhất trên địa bàn tỉnh để nâng cao hiệu quả trong chuyển đổi số, Tổ công nghệ cộng đồng từ cơ sở trở lên. Đề nghị bổ sung vào kế hoạch các nhiệm vụ mà các ngành lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số cần thực hiện theo đúng Nghị quyết 09. Sau khi ban hành kế hoạch chuyển đổi số toàn diện năm 2023 cần phải có kiểm điểm hàng tháng, hàng quý của từng sở ngành, từng địa phương. Trong kỳ họp HĐND tới cần có đề xuất cụ thể về hỗ trợ cho Tổ công nghệ số cộng đồng. Với các địa phương cần phải học tập kinh nghiệm lẫn nhau, phải đi từ nhận thức chuyển đổi của người dân và đây là một trong những tiêu chí để đánh giá hàng năm đối với người đứng đầu ở các địa phương.