
Bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Hành chính công thị xã Quảng Yên, trả lời phỏng vấn.
Để hiểu rõ hơn về dịch vụ công trực tuyến, lợi ích của dịch vụ công trực tuyến; từ đó nâng cao tỷ lệ người dân đến với kênh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến, phát huy hiệu quả tối đa của dịch vụ công trực tuyến, phóng viên Trung tâm Truyền thông và Văn hóa thị xã đã có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Hành chính công thị xã Quảng Yên.
Phóng viên: Vâng, trước hết xin cảm ơn bà đã tham gia cuộc phỏng vấn. Xin bà có thể cho biết Dịch vụ công trực tuyến là gì? Và dịch vụ công trực tuyến có mấy mức độ?
Bà Nguyễn Thị Thủy: Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.
Dịch vụ công trực tuyến có 4 mức độ. Cụ thể:
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: Phải cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản sau:
- Tên thủ tục hành chính;
- Trình tự thực hiện;
- Cách thức thực hiện;
- Thành phần, số lượng hồ sơ;
- Thời hạn giải quyết;
- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính;
- Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính;
- Kết quả thực hiện TTHC: ghi rõ kết quả cuối cùng của việc thực hiện TTHC;
- Thông tin nếu có về mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính, mẫu kết quả thực hiện TTHC, yêu cầu, điều kiện, phí, lệ phí;
- Hình thức nhận hồ sơ, trả kết quả (trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, qua môi trường mạng);
- Văn bản quy phạm pháp luật quy định trực tiếp về TTHC, quyết định công bố TTHC.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: Phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:
- Cung cấp đầy đủ thông tin cơ bản như dịch vụ công trực tuyến mức độ 1;
- Cung cấp đầy đủ các biểu mẫu điện tử không tương tác và cho phép người sử dụng tải về để khai báo sử dụng;
- Hồ sơ in từ biểu mẫu điện tử không tương tác sau khi khai báo theo quy định được chấp nhận như đối với hồ sơ khai báo trên các biểu mẫu giấy thông thường.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: Phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:
- Đáp ứng các yêu cầu của dịch vụ công trực tuyến mức độ 2;
- Các biểu mẫu của dịch vụ được cung cấp đầy đủ dưới dạng biểu mẫu điện tử tương tác để người sử dụng thực hiện được việc khai báo thông tin, cung cấp các tài liệu liên quan (nếu có) dưới dạng tệp tin điện tử đính kèm và gửi hồ sơ trực tuyến tới cơ quan cung cấp dịch vụ;
- Hồ sơ hành chính điện tử được sắp xếp, tổ chức, lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của ứng dụng dịch vụ công trực tuyến để bảo đảm khả năng xử lý, tra cứu, thống kê, tổng hợp, kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu của các hệ thống ứng dụng liên quan;
- Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng;
- Việc thanh toán phí, lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan cung cấp dịch vụ hoặc qua dịch vụ bưu chính.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: Phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:
- Đáp ứng các yêu cầu của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3;
- Cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến để người sử dụng thực hiện được ngay việc thanh toán phí, lệ phí (nếu có) qua môi trường mạng;
- Việc trả kết quả cho người sử dụng có thể được thực hiện trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp. Kết quả dưới dạng điện tử của dịch vụ công trực tuyến có giá trị pháp lý như đối với kết quả truyền thống theo quy định về kết quả điện tử của cơ quan chuyên ngành.
Việc trả kết quả trực tuyến được thực hiện theo sự thống nhất của người sử dụng và cơ quan cung cấp dịch vụ qua một hoặc nhiều hình thức sau: thông báo trên cổng thông tin điện tử có dịch vụ công trực tuyến; gửi qua chức năng trả kết quả của dịch vụ công trực tuyến; gửi qua thư điện tử của người sử dụng. Khuyến khích gửi kết quả qua các kênh giao tiếp điện tử khác như: tin nhắn trên điện thoại di động, dịch vụ trao đổi thông tin trên mạng.
Phóng viên: Bà có thể chia sẻ rõ hơn những lợi ích đối với công dân, tổ chức, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến?
Bà Nguyễn Thị Thủy: Khi công dân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đó chính là: Tổ chức, công dân có thể tra cứu trình tự thực hiện thủ tục hành chính, thành phần hồ sơ và tải các mẫu đơn đề nghị. Có thể thực hiện ở mọi nơi, chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại di động thông minh và kết nối mạng Internet. Tổ chức, công dân không cần đến trực tiếp Trung tâm Hành chính công và các bộ phận Một cửa hiện đại để nộp hồ sơ giải quyết TTHC, không cần phải đi lại nhiều lần để chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. Từ đó, giảm thiểu chi phí đi lại, photo và công chứng giấy tờ. Thao tác thực hiện nhanh chóng, tiện lợi, chính xác.
Nhưng điều quan trọng là công dân cần học cách thao tác, sử dụng các thiết bị mình có để phát huy những tác dụng của thiết bị phục vụ cho công việc và cuộc sống của bản thân, đặc biệt là trong thời đại công nghệ hiện nay.
Phóng viên: Như vậy thì những điều kiện cần để có thể sử dụng Dịch vụ công trực tuyến là gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thủy: Vâng, những điều kiện cần để công dân có thể sử dụng Dịch vụ công trực tuyến đó là: Công dân đã được cấp CCCD, có số điện thoại di động đăng ký chính xác thông tin cá nhân. Nếu công dân chưa có căn cước công dân thì sử dụng CMND. Tuy nhiên, công dân cần làm CCCD để đảm bảo thông tin đầy đủ hơn. Có máy tính bàn, máy scan hoặc có điện thoại di động thông minh có kết nối internet để chụp ảnh và nộp hồ sơ. Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cần thiết theo quy định.
Phóng viên: Còn quy trình thực hiện để công dân, tổ chức có thể sử dụng dịch vụ công trực tuyến thì sao, bà có thể cho biết rõ hơn?
Bà Nguyễn Thị Thủy: Trước hết, Tổ chức, công dân cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định. Sau đó, Scan hoặc chụp ảnh toàn bộ hồ sơ của mình. Tiếp đến, sử dụng máy tính hoặc điện thoại di động thông minh truy cập vào cổng dịch vụ công quốc gia hoặc cổng dịch vụ công của tỉnh, tìm mục đăng ký tài khoản để thực hiện đăng ký. Tìm thủ tục mình muốn thực hiện và chọn nộp hồ sơ, sau đó nhập các thông tin mà hệ thống yêu cầu, thực hiện việc đính kèm hồ sơ và nộp trực tuyến.
Tiến hành nộp phí, lệ phí trực tuyến (nếu có). Và bước cuối cùng là đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích nếu công dân có nhu cầu.
Hiện nay, theo Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (Đề án 06), có 25 dịch vụ công thiết yếu phải thực hiện số hóa trong việc giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa để người dân không phải khai báo, cung cấp lại.
Tại thị xã Quảng Yên, với sự chủ động và tích cực, đến nay việc triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 đã đạt được nhiều kết quả. Theo đó, đối với 11/25 dịch vụ công của ngành Công an, trong đó Công an thị xã có 7 thủ tục, cụ thể: Đăng ký thường trú; Đăng ký tạm trú; Thông báo lưu trú; Khai báo tạm vắng; Cấp mới, đổi, cấp lại CCCD; Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; Xác nhận CMND 9 số.
Đối với 14/25 dịch vụ công của các cơ quan, ban, ngành: Các thủ tục đã thực hiện, bao gồm: Đăng ký khai sinh; Đăng ký kết hôn; Đăng ký khai tử; Thủ tục Đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân; Thủ tục cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (220/380V); Thủ tục thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện. Các thủ tục còn chưa phát sinh hồ sơ hoặc chưa thống kê được gồm: Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; Đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng.
Đối với Trung tâm Hành chính công thị xã đã và đang tích cực triển khai thực hiện Đề án 06 gắn với chuyển đổi số. Chính vì vậy, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm ngày càng được nâng cao. Trong quý 1/2023, số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thị xã là 2.041 hồ sơ, đạt 85.22% so với tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trong kỳ.
Phóng viên: Vâng, xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi này.