Thị trấn Ba Chẽ từng ngày đổi mới.
Ba Chẽ có tổng diện tích tự nhiên là 606 km2 (chiếm 10% diện tích toàn tỉnh Quảng Ninh), trong đó đất lâm nghiệp chiếm tới hơn 91% diện tích tự nhiên.
Phía Bắc giáp huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn; phía Nam giáp thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả; phía Đông giáp huyện Tiên Yên; phía Tây giáp huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.
Huyện Ba Chẽ tuy không nằm trên đường Quốc lộ 18A nhưng trên địa bàn huyện có 04 tỉnh lộ đi qua: Tỉnh lộ 330: Hải Lạng - Ba Chẽ - Lương Mông - Sơn Động (Bắc Giang); Tỉnh lộ 342: Thanh Lâm (Ba Chẽ) - Kỳ Thượng (TP Hạ Long); Tỉnh lộ 329: Thị trấn Ba Chẽ - Mông Dương (TP Cẩm Phả); Tỉnh lộ 330B: Nam Sơn - Cầu Ba Chẽ phục vụ cho nhu cầu giao lưu kinh tế - xã hội của huyện với các địa phương lân cận. Tỉnh lộ 329, đường Cửa Cái - Cái Gian đã được đầu tư tạo thuận lợi cho thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại TP. Cẩm Phả và TP. Hạ Long.
Bản đồ huyện Ba Chẽ (Gmap).
Ba Chẽ có địa hình núi non trùng điệp chia cắt đất đai thành nhiều vùng nhỏ (cao nhất là núi Khau Giang cao trên 900m ở phía tây huyện). Huyện nằm trong cánh cung Bình Liêu - Đông Triều, các dãy núi chạy dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Ba Chẽ có địa hình dốc bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi đất tạo thành các thung lũng hẹp và các con suối, sông lớn nhỏ.
Độ cao trung bình của Ba Chẽ từ 300m - 500m so với mực nước biển. Đất có độ dốc lớn, phần lớn trên 20o. Chủ yếu là đất dốc nên người dân Ba Chẽ sống chủ yếu bằng nghề lâm nghiệp (phát triển kinh tế rừng). Đất nông nghiệp rất hẹp và manh mún, chủ yếu là các thung lũng dưới chân núi có thể cấy lúa nước, còn phần lớn là ruộng bậc thang và đất đồi trồng lúa nương, sắn, ngô, khoai. Đồng thời với địa hình dốc thoải ở một số khu vực thuộc các xã Lương Mông, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn là điều kiện tốt để phát triển chăn nuôi gia súc lớn.
Ba Chẽ có địa hình núi non trùng điệp chia cắt đất đai thành nhiều vùng nhỏ.
Cổng TTĐT Ba Chẽ