Phát triển và chế biến dược liệu

23/01/2018
Với tổng số 1.027 loài thực vật được thống kê, Ba Chẽ có tới 30 loài dược liệu có giá trị cao như Ba kích, Trà hoa vàng, Quế, Lan kim tuyến, Nấm lim xanh, Cát sâm (Tài lệch), Sâm cau đỏ, Đẳng Sâm, Hà thủ ô đỏ, Địa liền, … vì vậy Ba Chẽ có tiềm năng rất lớn để thành lập một vườn bảo tồn cây dược liệu có giá trị nhằm phát triển vùng nguyên liệu thảo dược phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

Chế biến Trà hoa vàng tại Công ty CP Lâm sản Đạp Thanh

Cây dược liệu tại huyện Ba Chẽ được đánh giá rất phong phú và đa dạng về chủng loại; nhiều loại dược liệu quý và có giá trị kinh tế cao như Trà Hoa vàng, Ba kích tím, Cát sâm, Sâm cau đỏ, Quế, ... được người dân sử dụng và thương mại hóa.

- Nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên của Ba Chẽ độc đáo và mức độ đặc hữu cao và còn chưa khám phá hết. Từ lâu đời, người dân huyện Ba Chẽ đã tự thu hái các cây dược liệu quý ngoài tự nhiên như ba kích tím, Trà hoa vàng, nấm lim xanh, sâm cau đỏ, cát sâm, lan kim tuyến… để sử dụng hoặc thương mại hóa. Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nguồn tài nguyên vô giá này đang bị cạn kiệt, suy giảm thành phần loài, diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp dẫn đến nơi sinh sống của các loài đặc hữu, dược liệu quý bị đe dọa.

- Việc bảo tồn dược liệu tại Ba Chẽ chưa được thực hiện một cách bài bản và quan tâm đúng mức; chưa có sự gắn kết trong bảo tồn và phát triển nên việc bảo tồn chỉ thực hiện ở mức độ nhỏ lẻ, không có tính bền vững; Hiện chưa có đánh giá,  kiểm kê chuyên sâu số lượng cây thuốc và hiện trạng trên địa bàn huyện. Nếu được đưa vào khai thác một cách có hệ thống kèm theo kiểm soát quần thể và có sự quản lý chặt chẽ có thể tạo ra một lượng hàng hóa có giá trị khá lớn, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Sản xuất cây dược liệu trong huyện Ba Chẽ chủ yếu theo quy mô hộ gia đình và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong những năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ dược liệu tăng cao, cộng với chính sách hỗ trợ phát triển và có thị trường tiêu thụ nên diện tích cây dược liệu đặc biệt là Ba Kích, Trà hoa vàng, Quế… tăng tương đối nhanh. Đến nay, toàn huyện đã trồng được khoảng 900 ha dược liệu gồm các cây chủ lực như ba kích tím (60 ha), trà hoa vàng (140ha), Quế (700 ha)... Các cây dược liệu khác chủ yếu phát triển ở tự nhiên như Cát Sâm, Sâm cau đỏ, nấm lim xanh… nhưng diện tích không nhiều, cụ thể như sau:

Trà Hoa vàng là một trong những loại dược liệu quý của huyện Ba Chẽ.

1. Trà Hoa vàng:

Trà hoa vàng thuộc họ chè (Theaceae), chi chè (Camellia), là loại cây mọc tự nhiên trong rừng Ba Chẽ từ rất lâu. Trà hoa vàng thích nghi với các loại đất chua, không thích hợp với các loại đất giàu canxi, cây ưa ẩm và không chịu được khô hạn; Thích nghi và sinh trưởng tốt ở điều kiện khí hậu nhiệt đới (ở độ cao từ 800m trở xuống); Nhiệt độ bình quân cả năm trên 200C; Lượng mưa bình quân năm trên 2.200 mm. Độ ẩm không khí trung bình cả năm trên 82%; Nơi có độ che phủ của thảm thực bì và tầng thảm mục dày.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, người dân Ba Chẽ thường xuyên hái lá, nụ và hoa trà hoa vàng để dùng, giúp tăng cường sức khỏe hoặc bán ra thị trường với giá cao, khoảng 15 triệu đồng/kg khô, hoa tươi thu mua với giá 1,2 triệu đồng/kg, lá tươi có giá 50.000 đồng/kg, lá khô là 300.000 đồng/kg. Thấy được giá trị kinh tế của cây Trà hoa vàng cùng với sự hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 135, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã tiến hành trồng cây trà hoa vàng để phát triển kinh tế gia đình và từng bước hình thành vùng trồng Trà hoa vàng tập trung, đáp ứng nhu cầu sử dụng và chế biến các sản phẩm từ cây Trà hoa vàng.

Vùng trồng Trà hoa vàng tập trung quy hoạch đến năm 2020 trên địa bàn huyện Ba Chẽ là 500 ha, đến nay diện tích trồng Trà hoa vàng toàn huyện là 140 ha, trong đó có khoảng 70 ha đã cho thu hoạch hoa và khoảng 100 ha đã cho thu hoạch lá. Sản lượng thu hoạch hoa Trà hoa vàng tươi bình quân 1.200 kg/năm; Lá Trà hoa vàng tươi 13.500 kg. Doanh thu từ cây Trà hoa vàng hàng năm trên địa bàn huyện khoảng trên 5 tỷ đồng.

Vườn ươm giống cây Ba kích tím tại HTX Toàn Dân, xã Thanh Lâm.

2. Ba kích tím:

Ba kích tím là một cây dược liệu quý, được sử dụng trong các bài thuốc Đông Y, có tác dụng trong việc bổ thận, tráng dương cường gân cốt, trị phong thấp, trị huyết áp cao, lưng đau mỏi… cây Ba kích thích hợp với những khu rừng thứ sinh nghèo kiệt mới phục hồi, độ tàn che 0,3 - 0,5. Có thể trồng xen dưới tán rừng tự nhiên hoặc dưới tán rừng trồng, ở nơi đất trống cần trồng cây che phủ. Ưa đất ẩm mát và thoáng mát, thành phần cơ giới trung bình, tầng đất dày trên 1m, nhiều mùn, tơi xốp không chịu được đất úng bí. Là loài cây bản địa thường mọc hoang ở vùng đồi núi thấp rừng thưa, đất sau nương rẫy ở tất cả các xã trên địa bàn huyện.

Từ thập niên 1970, người dân Ba Chẽ đã biết khai thác củ Ba kích tím trong rừng tự nhiên, tuy nhiên do chưa biết nhiều về tác dụng dược lý của loài cây này nên sản phẩm của Ba Kích chủ yếu chỉ được bán cho thương lái mang đi tiêu thụ ở Trung Quốc. Về sau, nhân dân trong huyện mới biết chế biến Ba Kích ngâm rượu uống để bồi bổ, tăng cường sức khỏe và dùng Ba kích để chữa một số bệnh. Ngày nay, rừng và đất rừng của huyện đã được giao cho các hộ gia đình quản lý, sử dụng. Người dân thường đốt dọn thực bì trước khi trồng rừng, do đó số lượng cây Ba kích có thể tái sinh được là rất ít. Mặt khác do tình trạng khai thác quá mức, người dân không ý thức được việc lấp lại gốc sau khi đã thu hoạch củ để cây tiếp tục sinh trưởng, diện tích phân bố của cây Ba Kích ngày càng bị thu hẹp.

Hiện nay, diện tích trồng Ba kích toàn huyện mới đạt 60 ha. Cây trồng 3 năm tuổi cho năng suất khoảng 3 kg/gốc nhưng số lượng củ loại I tương đối ít, do đó cây trồng sau 5 đến 7 năm mới nên thu hoạch để có năng suất cao nhất và chất lượng dược liệu tốt nhất. Hàng năm huyện Ba Chẽ cung cấp cho thị trường khoảng 1,0 tấn củ Ba kích khai thác từ tự nhiên.

3. Cát sâm (tên địa phương là Ngàu củ tài lệch):

Cát sâm có tên khoa học là Millettia specisoa Champ thuộc dòng họ đậu, là cây mọc hoang ở vùng rừng núi, nơi trảng nắng, ven rừng. Củ Cát sâm chứa nhiều chất dinh dưỡng như đường, Ketone, kiềm sinh vật, protein, tinh bột và nhiều nguyên tố khác. Củ Cát sâm có tính mát gan bổ phổi, bổ tụy, bổ thận, tăng cường sức khỏe, phòng trừ viêm phổi, suy nhược cơ thể, các bệnh về tim mạch, huyết áp cao, đau nhức xương cốt.

Cây Cát sâm chủ yếu được khai thác từ rừng tự nhiên và mới được một số hộ gia đình trồng thử nghiệm với số lượng ít. Cát sâm có thể nhân giống bằng hạt hoặc hom thân, cây trồng sau 5 năm có thể cho thu hoạch sản phẩm tùy vào điều kiện đất đai và công tác chăm sóc. Ước tính mỗi gốc sẽ cho thu hoạch từ 3-5 kg củ/gốc. Hàng năm huyện Ba Chẽ cung cấp cho thị trường khoảng 2,5 tấn Cát Sâm khai thác từ tự nhiên.

4. Sâm cau đỏ:

Cây Sâm cau có tên khoa học là Curculigo orchioides gaertn. Sâm cau có tác dụng tăng cường công năng miễn dịch, nâng cao năng lực hoạt động của tuyến sinh dục, chống lão hóa, tăng cường khả năng chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu dưỡng khí, trấn tĩnh, chống co giật, kháng viêm, chống huyết tắc, chống nấm, kháng ung thư, nâng cao khả năng chịu nóng của cơ thể.

Hiện nay Sâm cau chưa được gây trồng mà chủ yếu khai thác từ rừng tự nhiên. Sâm cau có thể nhân giống bằng hạt, cây trồng sau 3 năm có thể cho thu hoạch sản phẩm, ước tính mỗi gốc sẽ cho thu hoạch từ 0,8-1,0 kg củ/gốc. Hàng năm huyện Ba Chẽ cung cấp cho thị trường khoảng 1,2 tấn Sâm cau khai thác từ tự nhiên.

5. Quế:

Cây Quế có tên khoa học là Cinnamomum loureirii Nees, Họ long não (Lauraceae). Quế là một loài cây nhiệt đới thích hợp ở các vùng ẩm, mưa nhiều, lượng mưa lớn hơn 2000mm/năm, ưa đất sét pha cát, dễ thoát nước, đất sâu trên 1m, ẩm, mát. Quế là loài cây đa tác dụng. Tất cả các bộ phận của cây quế đều có giá trị. Vỏ quế bóc từ thân, cành. Tinh dầu quế chiết ra từ các bộ phận lá, cành nhỏ. Quả được dùng trong công nghệ dược liệu và thực phẩm, là một sản phẩm có nhu cầu lớn trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Quế lớn có đường kính 40 -50cm, xẻ gỗ tốt, gỗ nâu nhạt, thớ thẳng, mịn, khi khô dễ nứt, được dùng để đóng đồ gia dụng thông thường, xẻ ván, làm cột nhà.

Quế được coi là một trong bốn vị thuốc rất có giá trị (Sâm, Nhung, Quế, Phụ). Nhục quế có vị ngọt cay, tính nóng, thông huyệt mạch làm mạnh tim, tăng sức nóng, chữa các chứng trúng hàn, hôn mê mạch chạy chậm, nhỏ, yếu (trụy mạch, huyết áp hạ) và dịch tả nguy cấp. Tinh dầu quế có tính sát trùng mạnh làm ức chế nhiều loại vi khuẩn đặc biệt là vi khuẩn tả. Ngoài ra Quế còn được dùng làm gia vị, hương liệu trong công nghiệp, thực phẩm.

Đến nay diện tích trồng tập trung Quế toàn huyện hiện có 700 ha, cây Quế hiện đang là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao so với các cây trồng lâm nghiệp khác. Sản lượng vỏ Quế được khai thác hàng năm là 50 tấn vỏ Quế tươi. Vỏ Quế tươi thu về có thể xuất bán ngay hoặc phơi nắng cho khô. Trên địa bàn huyện chưa có cơ sở chế biến các sản phẩm từ Quế nên chưa tận dụng được thân, cành, lá để chiết xuất tinh dầu.

6. Các loại dược liệu khác:

- Hiên nay, các loại dược liệu khác (địa liền, nhân trần, lan kim tuyến,...) sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; chủ yếu là khai thác tự nhiên; chưa có thống kê đầy đủ diện tích gieo trồng, sản lượng từng loại.

- Huyện Ba Chẽ có khoảng trên 50 hộ gia đình có sử dụng các bài thuốc cổ truyền để chữa các bệnh như dạ dày, đau xương khớp, gút, lá tắm người dao… Khối lượng dược liệu sử dụng hàng năm khoảng 3,5 tấn dược liệu các loại.

Trong những năm qua huyện đã tích cực bảo tồn và hỗ trợ phát triển, nhân rộng sản xuất, chế biến một số loại cây dược liệu thành sản phẩm hàng hóa; Hình thành được một số doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến; Đặc biệt hầu hết các sản phẩm tham gia chương trình “Đề án mỗi xã phường một sản phẩm - OCOP Quảng Ninh” là từ dược liệu; trong đó có 2 loại dược liệu (Trà Hoa vàng, Ba kích) được lựa chọn trong 6 sản phẩm tham gia chương trình OCOP quốc gia. Nhu cầu của xã hội về dược liệu có nguồn gốc từ thảo dược để điều chế các thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm… ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ rộng mở.

Đề án bảo tồn, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn huyện Ba Chẽ đến năm 2020 được xây dựng trên cơ sở Quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung huyện Ba Chẽ đến năm 2020. Đề án đã xác định được quy mô diện tích và đề xuất cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để bảo tồn chủ động và phát triển 05 loài cây dược liệu ưu tiên; đồng thời nêu một số giải pháp chính để triển khai thực hiện Đề án nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng hiện trạng dược liệu tự nhiên hiện có, đất đai, lao động, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng trên từng tiểu vùng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển kinh tế tạo ra nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến dược liệu, mỹ phẩm, hướng tới đưa dược liệu trở thành thế mạnh của huyện Ba Chẽ./.

Ban biên tập Cổng TTĐT huyện



Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1897
Đã truy cập: 8189418