Suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và sau này là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc, do địa thế và truyền thống đánh giặc kiên cường, Ba Chẽ trở thành hậu phương, căn cứ địa vững chắc. Sau này, khi hòa bình lập lại, trong quá trình phát triển, Ba Chẽ vẫn luôn nỗ lực phát huy truyền thống anh hùng, tận dụng những thế mạnh vốn có để vươn lên mạnh mẽ.
Con sông Ba Chẽ chạy dài khắp huyện.
Truyền thống cách mạng kiên cường
Tháng 9/1945, khi đồng bào cả nước hân hoan trong niềm vui độc lập, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vang khắp năm châu, thì nhân dân tỉnh Hải Ninh (nay là Quảng Ninh) vẫn phải tiếp tục đấu tranh với quân đội Tưởng tràn qua biên giới Việt - Trung.
Tháng 2/1946, tại huyện Ba Chẽ khi ấy, quân Việt Cách (đi theo Tưởng) tiến hành dựng cờ, lập căn cứ, giả danh cách mạng, nói xấu Việt Minh, tuyên truyền chủ nghĩa Tam Dân cho các đối tượng người Hoa, sau khi đã bắt giữ, tra tấn đoàn cán bộ gồm 8 người do Khu ủy cử ra hoạt động cách mạng. Ba Chẽ trở thành đơn vị duy nhất trong tỉnh chưa giành được chính quyền.
Đình Làng Dạ, nơi diễn ra nghi thức thành lập huyện năm nào, giờ đã trở thành Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đã 3 lần được tổ chức lễ hội quy mô cấp huyện.
Cùng thời gian này, UBND cách mạng lâm thời tỉnh Hải Ninh được thành lập. Chính quyền cách mạng Ba Chẽ được gấp rút chuẩn bị các điều kiện để chính thức thành lập vào ngày 4/10/1946, tại gốc đa trước đình Làng Dạ. Kể từ đây, cái tên Hải Chi chính thức được ghi trong bản đồ hành chính tỉnh Hải Ninh, huyện Hải Chi chính thức được thành lập, đến năm 1954, đổi tên là Ba Chẽ.
Nhờ truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của quân và dân các dân tộc huyện Ba Chẽ trong suốt những năm tháng chiến tranh, nơi đây đã vinh dự nhận được những danh hiệu cao quý do Nhà nước phong tặng: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 2001, Huân chương Lao Động hạng Ba năm 2006, Huân chương Lao Động hạng Nhất năm 2016. Đình Làng Dạ (xã Thanh Lâm) nơi thành lập huyện, được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh vào năm 2003 và hiện đã được đầu tư xây dựng khang trang.
Tận dụng lợi thế để bứt phá
Nằm ở vị trí đắc địa cho hoạt động cách mạng, nhưng khi hòa bình lập lại, Ba Chẽ không phải là vùng đất có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế. Địa hình đồi núi với con sông Ba Chẽ chạy dài khắp huyện, người dân ở sâu trong các khu vực đồi núi. Việc di chuyển, vận tải hàng hóa gặp nhiều khó khăn, dễ bị chia cắt bởi mưa lũ, sạt lở.
Keo là một trong những loại cây rừng chủ lực ở Ba Chẽ.
Không có đất để canh tác nông nghiệp, thiên nhiên không ưu đãi ban cho vùng đồi núi này nguồn đất phì nhiêu, thế mạnh lớn nhất của Ba Chẽ không gì khác ngoài rừng. Thế nhưng, từ những thập kỷ trước, nguồn lợi kinh tế từ rừng chưa cao, đường sá đi lại khó khăn với một con đường độc đạo đến các xã vùng cao của huyện (Thanh Sơn, Thanh Lâm, Đạp Thanh, Lương Mông, Minh Cầm). Vậy nên, bà con không mặn mà với rừng, canh tác manh mún, cái nghèo cứ thế bám riết người dân.
Trở lại Ba Chẽ hôm nay, có lẽ nhiều người sẽ phải ngạc nhiên vì sự đổi thay của địa phương này. Mặc dù vẫn là huyện khó khăn nhất trên địa bàn tỉnh, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ, sự giúp đỡ của Trung ương, tỉnh và các ngành liên quan, Ba Chẽ đã phát huy được lợi thế, huy động nguồn lực thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển.
Công ty Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) chế biến sản phẩm trà hoa vàng đóng lọ.
Với thế mạnh từ rừng, kinh tế lâm nghiệp tiếp tục được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn huyện giai đoạn 2019-2025 và Đề án bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu quý trên địa bàn huyện Ba Chẽ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được xây dựng và ban hành năm 2018 chính là những giải pháp mạnh mẽ của huyện để thúc đẩy những thế mạnh từ rừng có điều kiện để phát triển.
Cho đến nay, hai đề án này tiếp tục được huyện triển khai với nhiều chương trình hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn người dân một cách thiết thực. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ba Chẽ lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, cũng nêu rõ "Phấn đấu xây dựng Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh".
5 năm qua, 16.400ha rừng tập trung đã được trồng trên địa bàn huyện Ba Chẽ, trong đó có 956ha rừng gỗ lớn, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 68,2% năm 2015 lên 72% năm 2020 (đứng đầu toàn tỉnh).
Huyện cũng đã phát triển vùng dược liệu tập trung được 296ha (trong đó ba kích tím 112ha, trà hoa vàng 177ha và dược liệu khác 7ha).
Bên cạnh đó, huyện tập trung phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm chủ lực, lợi thế của địa phương gắn với phát triển thương hiệu, tiêu thụ trên thị trường, như trà hoa vàng, ba kích, cát sâm...
|
Từ một huyện có điều kiện KT-XH khó khăn, Ba Chẽ vươn lên hoàn thành chương trình 135, đưa 6/6 xã, 49/49 thôn ra khỏi diện ĐBKK, về đích trước một năm so với lộ trình đề án tỉnh đặt ra.
Công tác giảm nghèo được coi là một trong những bứt phá của huyện trong những năm qua. Lần đầu tiên trên địa bàn huyện có người dân tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo, sau đó lan tỏa thành một phong trào rộng khắp, tích cực trong toàn huyện, đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ năm 2017-2019, toàn huyện đã có trên 200 hộ nghèo viết đơn tự nguyện thoát nghèo.
Những kết quả đạt được trong 5 năm trở lại đây là minh chứng cụ thể nhất để khẳng định Ba Chẽ đã đi đúng hướng trong tiến trình phát triển của mình, đưa huyện dần tiệm cận với sự phát triển mạnh mẽ, tốc độ cao về kinh tế - xã hội của một tỉnh năng động, không ngừng vươn lên mạnh mẽ như Quảng Ninh.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm mạnh từ 34,69% (năm 2015) xuống còn 2,13% (năm 2019), bình quân mỗi năm giảm 8%, vượt chỉ tiêu đề ra.
Phấn đấu hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn dưới 1%.
|