Sự khởi sắc rõ nét của Thanh Sơn từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Với 9 thôn, vào thời điểm đầu năm 2010, Thanh Sơn 351 hộ, 1.559 nhân khẩu, toàn xã có 219 hộ nghèo, chiếm 63,2% và 71 hộ cận nghèo, chiếm 20,5%. Đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người trong xã mới đạt 3,5 triệu đồng/năm; sản xuất còn mang nặng tính tự cung tự cấp, kết cấu hạ tầng yếu kém, huy động vốn trong nhân dân ít... Bên cạnh những khó khăn, Thanh Sơn cũng có nhiều tiềm năng để phát triển như: Quỹ đất lâm nghiệp dồi dào, thuận lợi cho phát triển kinh tế vườn đồi, chăn nuôi, trang trại tổng hợp; hệ thống giao thông đến xã cơ bản thuận lợi, vì có tỉnh lộ 330 đi qua địa bàn, các tuyến giao thông kết nối với các xã, huyện, tỉnh bạn đang được nâng cấp, mở mới tạo điều kiện để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá.
Xác định rõ những khó khăn, thuận lợi của địa phương, cấp uỷ đảng, chính quyền xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chương trình xây dựng NTM với quan điểm phát huy tiềm năng, lợi thế; từng bước khắc phục những khó khăn, bất thuận lợi; với mục đích xây dựng, nâng cao đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần và mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành chương trình xây dựng NTM.
Nhiệm vụ đầu tiên mà BCĐ xây dựng NTM xã chú trọng thực hiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức, với quan điểm để người dân hiểu rõ, mình chính là chủ thể của việc xây dựng cũng như thụ hưởng những thành quả của chương trình NTM mang lại.
Để phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, BCĐ xây dựng NTM xã cùng MTTQ và các đoàn thể chủ động phối hợp với các cơ quan tuyên truyền của huyện xuống tận cơ sở, đến từng nhà dân nắm bắt tâm tư, tình cảm; thông tin, truyền đạt cho người dân hiểu về lợi ích của việc xây dựng Nông thôn mới. Cùng với đó, BCĐ xây dựng NTM xã đã tận dụng, phát huy tối đa hiệu quả cụm loa truyền thanh FM và đội ngũ Người uy tín ở cở sở để tuyên truyền, vận động bà con trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu của chương trình.
Để xây dựng Nông thôn mới thành công, thì điều kiện quan trọng và cũng là một trong những tiêu chí rất khó thực hiện của Thanh Sơn chính là tiêu chí Thu nhập và thúc đẩy sản xuất. Quyết tâm thực hiện tốt tiêu chí này, Ban chỉ đạo NTM xã đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành của huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ vốn, giống mở các lớp tập phát triển sản xuất cho nhân dân, từ đó người dân đã tiếp cận được kiến thức và nguồn lực từ đó chủ động khai thác thế mạnh của địa phương đó là rừng và đất rừng. Đặc biệt là các mô hình trồng cây gỗ lớn, trồng cây dược liệu, sản phẩm từ các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ giúp người dân thoát nghèo, mà còn có thể làm giàu.
Hạ tầng cơ sở nông thôn, điện, đường, trường trạm được đầu tư đồng bộ.
Như bao người con ở xã Thanh Sơn khác, Đàm Văn Tằng luôn luôn đau đáu nỗi niềm về phát huy thế mạnh của quê hương, đó là rừng và đất rừng, trong đó việc trồng cây gỗ lớn và trồng dược liệu trở thành niềm đam mê của anh.
Với sức khỏe, nghị lực và quyết tâm khắc phục khó khăn cùng sự sự hỗ trợ của Nhà nước bằng các chính sách ưu đãi, thông qua chương trình xây dựng NTM , anh đã rất thành công trong việc phát triển kinh tế vườn rừng.
Từ suy nghĩ vượt đói nghèo, ổn định đời sống và từng bước làm giàu, Đàm Văn Tằng đã hăng say tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm quý để áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong số 20 ha rừng với đủ các loại cây lâm nghiệp, trong đó có trên 7 ha keo; 2,5 ha cây bạch đàn đỏ; 1,5 trà hoa vàng, đặc biệt là rừng trám với 2,5 ha.
Nhận thấy cây ba kích tím và cây mây là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, anh Tằng đã tận dụng đất dưới tán rừng trám để trồng ba kích tím và cây mây. Hiện nay rừng trám và mây đã cho thu hoạch quả, mỗi năm gia đình Tằng thu hoạch được khoảng 6 tạ quả mây và trên 2 tấn quả trám, mang về thu nhập trên 70 triệu đồng; 2 ha ba kích đang phát triển tốt, cho nhiều củ, hứa hẹn mang lại thu nhập cao hơn nữa cho gia đình anh trong tương lai gần.
Ngoài trồng rừng, Tằng còn chăn thả trên 50 con bò, mỗi năm trừ chi phí cũng mang lại cho gia đình anh trên 80 triệu đồng. Đây cũng chính là thành quả mà Đàm Văn Tằng muốn đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã. Tằng chia sẻ: “Nhận thấy điều kiện của thổ nhưỡng của địa phương rất phù hợp với cây lâm nghiệp và cây dược liệu quý như ba kích, trà hoa vàng… những loại cây này mang lại hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tôi mạnh dạn trồng các loại cây này, đến nay đã cho thu hoạch, mang lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình”
Khác với gia đình anh Tằng, anh Nịnh Văn Bình - thôn Khe Lọng Ngoài đi theo hướng chăn nuôi gia cầm, phát huy thương hiệu, sản phẩm gà đồi của địa phương. Nhận thấy các nguồn vốn ưu đãi từ chương trình xây dựng Nông thôn mới, chương trình 196, chính là điều kiện, là cú hích cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Không một chút ngần ngại, Bình bắt tay ngay vào làm kinh tế với đàn gà giống 200 con.
Nhờ có kiến thức trong chăn nuôi cùng bản chất chịu khó, hay lam, hay làm; ngày đên trăn trở, chăm lo nên đàn gà của gia đình anh phát triển tốt, lứa gà đầu tiên xuất bán, gia đình anh thu về trên 30 triệu đồng. Có vốn trong tay, anh tiếp tục tái đầu tư bằng việc mở rộng mô hình với số lượng gà lớn hơn, đến nay, gia đình Bình luôn duy trì đàn gà trên 500 con, mỗi năm xuất bán hai lứa, sau khi trừ chi phí mang về cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, nhận thấy địa phương mình có nhiều nguồn nguyên liệu sẵn có và nguồn lao động dôi dư. Nên Bình đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Thanh Sơn do Bình là giám đốc. Hợp tác xã này, gồm 8 thành viên, có vốn điều lệ 800 triệu đồng, hoạt động trên các lĩnh vực như: Trưng cất, pha chế rượu men lá truyền thống và rượu Chắn cá chảu; trồng trọt, chăn nuôi hỗn hợp; bán buôn tổng hợp; xử lý và thu gom rác thải; xây dựng công trình công ích và xây dựng kỹ thuật dân dụng.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Hợp tác xã tạo liệc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương, tạo cho họ có nguồn thu nhập ổn định. Bình cho biết: “Tôi rất mong muốn bà con trong xã cũng như trong huyện hãy tận dụng những điều kiện thuận lợi của địa phương để thực hiện các dự án, các mô hình phát triển kinh tế, để mỗi người dân, nhất là thanh niên thoát khỏi cành nghèo, khó vươn lên làm giàu chính đáng”.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, tăng thu nhập; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tiêu biểu, thì một trong những nội dung quan trọng mà BCĐ xây dựng NTM xã quyết liệt thực hiện đó là công tác vệ sinh môi trường. Xác định đây là tiêu chí cần có sự vận động, sự chung tay của các ngành đoàn thể cũng như ý thức chủ động của toàn dân trong thực hiện xây dựng môi trường nông thôn xanh sạch đẹp. Để thực hiện các tiêu chí này, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xã mà Hội Liên hiệp phụ nữ là nòng cốt đã triển khai, thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch” và "Ngày chủ nhật xanh”, tạo ra phong trào rộng khắp từ mỗi gia đình cho đến các thôn trên địa bàn xã.
Nhân dân tích cực thi đua phát triển sản xuất, trồng cây gỗ lớn, trồng cây dược liệu.
Nếu như trước kia, người dân ở đây không có thói quen cầm cây chổi quét dọn nhà cửa, đường làng, ngõ xóm; gấp chăn, màn sau khi ngủ dậy; sắp xếp đồ dùng sinh hoạt trong gia đình ngăn nắp, gọn gàng. Thì nay, sau khi thực hiện phong trào này, những thói quen đó đã được thay thế bằng lối sống ăn ở hợp vệ sinh; trong mỗi ngôi nhà, trên từng con ngõ được vệ sinh sạch sẽ; cứ đến “Ngày chủ nhật xanh” bà con ở các thôn lại chủ động, tịch cực tham gia. Giờ đây phong trào “5 không, 3 sạch” và "Ngày chủ nhật xanh” đã không còn là việc chị em phụ nữ mà rất đông đảo người dân tham gia, tạo nên phong trào sôi nổi, rộng khắp khẳng định được hiệu quả của phong trào.
Bà Mễ Thị Dần thôn Bắc Văn về việc tham gia vệ sinh môi trường cho biết: “Trước kia người dân chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, nhưng từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với việc tuyên truyền của cán bộ xã thì người dân đã chủ động vệ sinh hằng ngày trong nhà, tham gia quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; vừa tạo ra môi trường trong lành, vừa bảo vệ sức khỏe cho mọi người”
Người dân tích cực vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tạo môi trường trong lành và bảo vệ sức khỏe.
Đến với thôn Khe Lọng Ngoài hôm nay, ai cũng cảm nhận được sự đổi mới rõ rệt của một thôn nghèo trước kia. Trường học, Trạm y tế xã được xây dựng khang trang theo chuẩn Quốc gia, đáp ứng sự nghiệp dạy, học và nhu cầu thăm, khám sức khỏe nhân dân. Những ngôi nhà cao tầng, đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp, tinh thần phấn chấn của người dân nơi đây là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực không ngừng của bà con trong xây dựng nông thôn mới.
Cũng như các thôn khác, trước kia khi chưa có chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân rất khó khăn. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện như một làn gió mới làm thay đổi cả về vật chất và tinh thần của người dân trong thôn.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con ở đây ra sức phát triển sản xuất, thoát nghèo, làm giàu; tích cực tham gia các hoạt động của thôn. Giờ đây, đời sống của người dân đã được cải thiện rõ rết, cơ sở hạ tầng của thôn cũng được xây dựng khang trang, kiên cố phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con trong thôn.
Ông Dương Văn Ngân, thôn Khe Lọng Ngoài cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, phổ biến cho bà con nắm chắc được mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là việc có các cơ chế, chính sách cho người dân vay vốn để phát triển sản xuất. Đến nay diện mạo của thôn chúng tôi .đã được thay đổi, rất nhiều hộ đã có nhà cao tầng và đời sống của chúng tôi được nâng lên rõ rệt”.
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, Thanh Sơn đã và đang thật sự đổi mới, phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực: cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn tiếp tục được cải thiện; 100% đường xã, đường trục thôn; đường ngõ xóm được cứng hóa; đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp; đời sống của người dân từng bước được nâng lên, môi trường nông thôn được cải thiện; Năm 2020, thu nhập bình quân là 38 triệu đồng/người/năm, tăng 34,5 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 63,29 % năm 2010 xuống dưới 2,52% năm 2019; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 85% hộ gia đình trên địa bàn xã có trang sắm đầu thu hoặc sử dụng mạng Internet; 100% người trong độ tuổi lao động có việc làm; xã đạt chuẩn Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, học Bổ túc, học nghề đạt tỷ lệ 85%; 8/9 thôn đạt danh hiệu thôn Văn hóa; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị - xã hội thường xuyên được củng cố, kiện toàn và nâng cao.
Bản sắc văn hóa các dân tộc được phát huy.
Ông Phạm Thế Hiền - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết: “Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn, đặc biệt là sự chủ động vào cuộc tích cực của người dân để thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu. Đến nay chương trình xây dựng nông thôn mới của xã chúng tôi đã hoàn thành. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp các tiêu chí, trong đó tập trung vào tiêu chí hạ tầng giao thông, cải thiện môi trường sống; tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân tập trung phát triển kinh tế, giữ vững danh hiệu nông thôn mới và từng bước thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao”.
Sự khởi sắc rõ rệt của xã Thanh Sơn hôm nay không chỉ là kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới mà còn là động lực tiếp thêm sức mạnh, niềm tin vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục đoàn kết, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội Đảng các cấp đề ra, để xã vững bước tiến tới mục tiêu xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao trong những năm tiếp theo./.