Tuyên truyền, vận động để bà con hiểu rõ về lợi ích của việc trồng rừng gỗ lớn và đăng ký kế hoạch năm 2022 theo Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh Quảng Ninh.
Theo kế hoạch, năm 2022 huyện Ba Chẽ phấn đấu trồng 1.000 ha rừng gỗ lớn, cây bản địa; trong đó hộ gia đình, cá nhân 760 ha; các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã 240 ha với các loài cây như: Thông mã vĩ, thông nhựa; quế; giổi, lim, lát. Phấn đấu mở rộng diện tích trồng tập trung 86 ha cây dược liệu; trong đó hộ gia đình, cá nhân trồng 60 ha; các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã trồng 26 ha, với các loài cây trồng như: Ba kích tím, Trà hoa vàng và Cát sâm.
Tuyên truyền trên địa bàn xã Lương Mông.
Tại các xã, 2 tổ công tác của huyện đã phối hợp với các tổ công tác của các xã rà soát chi tiết hiện trạng rừng trồng (rừng cây Keo từ 6 tuổi trở lên) của các hộ gia đình dự kiến khai thác vào quý IV/2021 và năm 2022; đồng thời tổ chức tuyên truyền, vận động để bà con hiểu rõ về lợi ích của việc trồng rừng gỗ lớn và đăng ký kế hoạch năm 2022 theo Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, bà con sẽ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về giống cây, hỗ trợ vay vốn ưu đãi ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng thương mại; chính sách hỗ trợ chuyển loại từ rừng, đất rừng sản xuất sang rừng, đất rừng phòng hộ.
Theo kế hoạch, năm 2022 huyện Ba Chẽ phấn đấu trồng 1.000 ha rừng gỗ lớn, cây bản địa.
Tính đến ngày 26/10/2021, qua công tác rà soát, tuyên truyền, vận động, đã có 418 gia đình trên địa bàn huyện đăng ký trồng 721,4 ha cây gỗ lớn, cây bản địa. Nhu cầu vay vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội là 7 tỷ 549 triệu đồng, đảm bảo kế hoạch trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa trong năm 2022. Bên cạnh đó đã có 67 hộ, gia đình đăng ký trồng 55,3 ha cây dược liệu gồm: trà hoa vàng, ba kích tím, cát sâm và sâm cau đỏ.
Tính đến ngày 26/10/2021, qua công tác rà soát, tuyên truyền, vận động, đã có 418 gia đình trên địa bàn huyện đăng ký trồng 721,4 ha cây gỗ lớn, cây bản địa.
Trong thời gian tới, huyện Ba Chẽ sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về mục đích, ý nghĩa, lợi ích kinh tế của trồng rừng gỗ lớn và các cơ chế chính sách khi tham gia thực hiện; các cơ quan chức năng, tổ chức đơn vị giải ngân kịp thời kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình đã thực hiện trồng rừng theo đúng định mức, đúng đối tượng và đúng thời gian quy định; qua đó không chỉ góp phần quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân mà còn góp phần để huyện thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Chỉ thị số 02-CT/HU ngày 1/9/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Chẽ về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án trồng rừng gỗ lớn, đề án bảo tồn, phát triển một số loài dược liệu quý của huyện. Đưa huyện Ba Chẽ trở thành Trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh./.
Ngọc Lợi/Trung tâm TT&VH Ba Chẽ