Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.
Đảng bộ huyện Ba Chẽ tham gia hội nghị và học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại 09 điểm cầu gồm: điểm cầu Huyện ủy và 8 điểm cầu các xã, thị trấn.
Dự hội nghị tại điểm cầu huyện có đồng chí Vũ thành Long- TUV, Bí Thư huyện ủy; các đồng chí Thường trực Huyện ủy- HĐND- UBND huyện; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXV; Lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng; lãnh đạo cơ quan, ban, ngành, Cơ quan Khối MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội huyện; Trưởng, phó các Ban HĐND huyện; các đồng chí Báo cáo viên cấp huyện; Bí thư, Phó bí thư các chi, Đảng bộ trực thuộc; Hiệu trưởng, hiệu phó trường THPT Ba Chẽ; chuyên viên các ban xây dựng Đảng, Văn phòng Huyện ủy, Cơ quan Khối MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội huyện
Tại điểm cầu 8 xã, thị trấn có các đồng chí Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND xã, thị trấn; Bí thư, Phó Bí thư các chi bộ, trưởng thôn, khu phố.
Các đồng chí Lãnh đạo huyện tham dự hội nghị.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như từ khi nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng ta tổ chức một Hội nghị chuyên sâu về công tác đối ngoại với quy mô toàn quốc. Hội nghị đánh giá toàn diện kết quả công tác đối ngoại thời gian qua, đánh giá đúng tình hình khu vực và thế giới, giúp nhận thức sâu sắc hơn đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Từ đó, đề ra nội dung, nhiệm vụ, giải pháp công tác đối ngoại thời gian tới.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, nước ta đã tham gia và đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; giữ gìn môi trường hòa bình; không chỉ tranh thủ được các điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn tạo điều kiện để tham gia vào các hệ thống của khu vực và quốc tế cũng như hệ thống các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với đó, Việt Nam xử lý được những thách thức, trong đó có cả những thách thức an ninh truyền thống và thách thức an ninh phi truyền thống.
Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 về lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta khẳng định: "Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.
Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng này là một trong các hội nghị nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Qua hội nghị sẽ tạo ra sự thống nhất trong nhận thức, quán triệt đường lối đối ngoại và thực hiện triển khai đồng bộ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; tạo sự đồng thuận trong xã hội, sự đồng lòng của người Việt Nam ở trong nước cũng như nước ngoài và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu huyện.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Công tác đối ngoại đang là động lực mạnh mẽ để phát triển quốc gia, dân tộc. Hội nghị đối ngoại toàn quốc là dịp các cấp, ngành, địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cả trong nước và nước ngoài nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về tình hình, vị thế của đất nước ta trong khu vực và trên thế giới, vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho toàn hệ thống chính trị, cho các cấp, ngành trong hoạt động đối ngoại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan, lực lượng đối ngoại phải tiếp tục phối hợp thống nhất, chặt chẽ để xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đặc biệt, phải tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế./.
Bình Minh/Trung tâm TT&VH Ba Chẽ