
Đồng chí Khiếu Anh Tú - Phó Chủ tịch UBND huyện kiến nghị một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật về PCCC và CNCH trên địa bàn huyện.
Huyện Ba Chẽ hiện có 264 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC; trong đó có 8 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ gồm: 01 Công ty sản xuất chế biến thủy sản BNA (trong Cụm CN Nam Sơn), 02 cơ sở kinh doang xăng dầu; 01 chợ Trung tâm huyện; 04 cơ sở kinh doanh khí đốt hóa lỏng (cửa hàng gas trên 200kg). Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện thường xuyên chỉ đạo, triển khai các văn bản của Trung ương, của Tỉnh về công tác PCCC&CNCH đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC&CNCH. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được thực hiện nghiêm túc; thành lập các đoàn kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy các khu vực bỏ phiếu tại 08 xã, thị trấn phục vụ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026; kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại địa điểm thi tuyển sinh lớp 10 Trường THPT Ba Chẽ năm học 2021– 2022 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; phối hợp với Phòng PC07 - Công an tỉnh kiểm tra an toàn PCCC các cở sở trong Cụm Công nghiệp Nam Sơn; Công an huyện đã tổ chức kiểm tra an toàn PCCC và CNCH theo chuyên đề, đột xuất, định kỳ đối với 119 lượt cơ sở; kiến nghị khắc phục 241 sơ hở, thiếu sót về PCCC; hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở thực hiện 241 nội dung về an toàn PCCC. UBND cấp xã thành lập các đoàn tổ chức kiểm tra an toàn PCCC đối với 132 lượt cơ sở; hướng dẫn, kiểm tra về PCCC đối với 5.735 nhà ở hộ gia đình và 150 nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 16 cá nhân vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy, với số tiền phạt là gần 12 triệu đồng.
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC được chú trọng, thường xuyên đổi mới về nội dung hình, thức tuyên truyền phù hợp. Qua đó, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của người đứng đầu cơ sở và nhân dân dần được nâng lên. Trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022 đã đưa 15 tin bài về công tác PCCC trên Cổng thông tin điện tử huyện; tổ chức 56 buổi tuyên truyền nghiệp vụ PCCC với khoảng 2.964 lượt người tham gia; hướng dẫn các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp treo băng rôn tuyên truyền tại các cơ quan, đơn vị và trên các tuyến đường chính. Chỉ đạo Công an huyện phối hợp với chính quyền cấp xã, các cơ quan doanh nghiệp thường xuyên xây dựng, kiện toàn và tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở từng bước đáp ứng yêu cầu là một trong bốn lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC trên địa bàn. Công tác triển khai các biện pháp tăng cường nguồn nước, cải tạo hệ thống giao thông phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy được đẩy mạnh; công tác kiểm tra, hướng dẫn an toàn về PCCC và xử phạt vi phạm trong lĩnh vực PCCC được tăng cường, kịp thời phát hiện, yêu cầu khắc phục tồn tại, thiếu sót về PCCC. Trong năm 2021 trên địa bàn huyện không để xảy ra vụ cháy nổ nào góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai thực hiện công tác PCCC và CNCH tại một số cơ quan, đơn vị cơ sở chưa thật sự được quan tâm; công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức để nâng cao hơn nữa nhận thức của của người dân về kiến thức pháp luật, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp trên địa bàn huyện chưa có, chỉ có 01 cán bộ Công an huyện làm công tác chuyên trách về công tác phòng cháy, chữa cháy. UBND các xã, thị trấn hiện chưa có cán bộ được đào tạo chuyên ngành PCCC, hiện tại mỗi xã phân công 01 cán bộ Công an xã chính quy kiêm nhiệm làm công tác PCCC nên công tác tham mưu cho UBND các xã, thị trấn còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Quang cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, lãnh đạo huyện Ba Chẽ cũng đưa ra môt sô kiến nghị vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật về PCCC và CNCH như: Đề nghị UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí theo giai đoạn để địa phương thực hiện việc triển khai các giải pháp tăng cường nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy trên địa bàn. Đề nghị Công an tỉnh sớm triển khai thành lập Đội PCCC thuộc Công an huyện để đáp ứng yêu cầu công tác PCCC và CNCH trên địa bàn và tăng cường lực lượng, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho Công an huyện Ba Chẽ để đáp ứng yêu cầu công tác tại địa phương. Đề nghị tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ PCCC, công tác quản lý nhà nước về PCCC cho lực lượng PCCC Công an huyện, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn, lực lượng Công an xã được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn để lực lượng này làm nòng cốt trong việc thực hiện công tác PCCC từ cấp cơ sở đạt kết quả tốt nhất.
Qua kiểm tra hồ sơ việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH của huyện Ba Chẽ, thay mặt Đoàn công tác, Trung tá Vương Đức Thọ - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CHCN tỉnh đánh giá cao công tác thực hiện quy định pháp luật về PCCC và CHCN của huyện trong thời gian qua; đồng thời đề nghị, thời gian tới huyện Ba Chẽ quan tâm hơn nữa công tác PCCC, khắc phục những tồn tại, khó khăn; tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân thực hiện và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về PCCC; nâng cao hiệu quả công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, góp phần đảm bảo ổn định phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương./.
Ngọc Lợi/Trung tâm TT&VH Ba Chẽ