Nghi thức rước thuyền - hoạt động tái hiện “Hành trình vượt biển” của người Dao đến vùng đất mới.
Tại khu vực thác Ngòi Sú, trên dòng sông Ba Chẽ, các đại biểu và du khách thập phương đã tề tựu đông đủ để tham gia, trải nghiệm nghi thức rước thuyền. Đây là hoạt động tái hiện “Hành trình vượt biển” của người Dao đến vùng đất mới trên 12 con thuyền, tượng trưng cho 12 dòng họ của người Dao (gồm: Bàn, Dương, Linh, Đặng, Hoàng, Lý, Vương, Chương, Mã, Trần, Trịnh, Triệu). Những lễ vật được rước trên 12 con thuyền này đều là những sản vật gắn liền với hoạt động sản xuất của với bà con trên địa bàn huyện Ba Chẽ như Ba kích tím, Trà hoa vàng, thóc, ngô, khoai, sắn… được bà con gieo trồng ở trên nương và các con giống gia súc, gia cầm được chăn nuôi, chăm sóc tại gia đình. Sau khi lễ vật được rước về Miếu Bàn Vương, các đại biểu và du khách thực hiện nghi lễ dâng hương tại Miếu.
Lễ cúng Bàn Vương được các thầy Mo thực hiện một cách trang trọng.
Lễ cúng Bàn Vương được các thầy Mo thực hiện một cách trang trọng. Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn, hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội và con người luôn được trấn an tinh thần bởi bên cạnh mình đã có tổ tiên là Bàn Vương linh thiêng phù hộ, độ trì. Nghi lễ này còn là sợi dây liên kết cộng đồng trong mối quan hệ dòng họ, làng bản, cầu mong cho con cháu người Dao mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu…
Theo truyền thuyết, Bàn Vương là người có công lao to lớn giết được Cao Vương nên được vua Bình Vương trọng thưởng và gả công chúa cho. Vợ chồng Bàn Vương sinh được 12 người con gồm 6 người con trai và 6 người con gái đều được vua Bình Vương ban sắc thành 12 họ. Bàn Vương là người luôn giữ nếp sống giản dị, dạy người Dao cách trồng lúa, dệt vải… Sau khi Bàn Vương qua đời, người Dao tổ chức thờ cúng trên bàn thờ tổ tiên và lễ cúng Bàn Vương. Bàn Vương được coi là Thủy Tổ của các dòng họ người Dao. Trong các nghi lễ lớn như cấp sắc, đồng bào người Dao đều phải cúng Bàn Vương. Việc tổ chức Lễ hội Bàn Vương là nội dung đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng”.
Ông Bàn Tuấn Năng - Trưởng Ban đại diện người Dao Việt Nam cho biết: “Đây là lần thứ 2 tôi vinh dự được huyện Ba Chẽ mời về dự lễ hội Bàn Vương do huyện tổ chức. Khi tôi về dự hội thì điều đầu tiên phải khẳng định không khí tại nơi tổ chức thực sự là một ngày hội. Ba Chẽ chuẩn bị rất chu đáo từ việc trang trí khánh tiết đến việc chuẩn bị các sản vật dâng lên Bàn Vương; chương trình nghệ thuật rất đặc sắc; các trò chơi gian dân được đưa vào lễ hội đều mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi đánh giá rất cao công tác tổ chức lễ hội của Ba Chẽ và tôi cũng hy vọng rằng trong thời gian tới huyện Ba Chẽ sẽ tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện mang đậm bản sắc dân tộc hơn nữa đến giới thiệu tới du khách gần, xa, góp phần vào việc quảng bá du lịch của một huyện miền núi”.
Sau “Hành trình vượt biển” và Lễ cúng Bàn Vương tại Miếu thờ, các đại biểu và du khách về dự hội cùng hòa mình vào không khí vui tươi, phấn khởi của các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ; tham gia các trò chơi dân gian gồm: đi guốc mộc, đi cầu khỉ, đi cà kheo; giao lưu đẩy gậy và trò chơi vật chày của người Dao… Đây là những trò chơi và những hoạt động gắn liền với sinh hoạt đời sống tinh thần của nhân dân nên được đông đảo bà con và du khách tham gia, tạo không khí sôi nổi cho lễ hội.
Bà Triệu Thị Mến - Trưởng Ban đại người Dao tỉnh Yên Bái cho biết: “Hôm nay được về dự Lễ hội Bàn Vương của huyện Ba Chẽ tôi thấy phấn khởi và xúc động lắm. Tôi thấy huyện Ba Chẽ tổ chức lễ hội này rất quy mô, các hoạt động tại lễ hội rất gần gũi, gắn liền với hoạt động, cuộc sống thường ngày của người Dao chúng tôi, ấn tượng nhất đối với tôi đó là điệu múa rùa trong lễ cấp sắc của người Dao và các làn điệu được hát bằng tiếng Dao. Việc huyện Ba Chẽ tổ chức lễ hội như thế này rất có ý nghĩa, ngoài việc cộng đồng người Dao chúng tôi ở khắp mọi miền đất nước được về đây giao lưu thì thông qua lễ hội này còn giới thiệu đến du khách gần, xa hiểu rõ hơn về cội nguồn, phong tục, tập quán cũng như các hoạt động hàng ngày của người Dao. Chúng tôi rất cảm ơn huyện Ba Chẽ đã tạo cơ hội cho chúng tôi được tham gia hoạt động rất có ý nghĩa này, khi về địa phương chúng tôi sẽ quảng bá lễ hội này tới cộng đồng người Dao ở Yên Bái để lễ hội tiếp theo mà Ba Chẽ tổ chức sẽ có nhiều người con của dân tộc Dao được tham gia”.
Cắt băng khai trương không gian văn hóa Dao. Tại đây, gần 100 hiện vật được trưng bày, xếp đặt trong Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Dao.
Các đại biểu, cùng nhân dân và du khách thăm quan không gian văn hóa Dao.
Một hoạt động cũng thu hút sự quan tâm của du khách tại Lễ hội đó là cắt băng khai trương không gian văn hóa Dao. Tại đây, gần 100 hiện vật được trưng bày, xếp đặt trong Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Dao, để các đại biểu và du khách tham quan, tìm hiểu sâu hơn về phong tục, tập quán, trang phục, công cụ, dụng cụ trong lao động sản xuất, sinh hoạt của người Dao; qua đó, góp phần quảng bá nét đẹp và giá trị văn hóa của cộng đồng người Dao đến đông đảo quần chúng nhân dân và du khách thập phương. Bên cạnh đó, các đại biểu và du khách được chiêm ngưỡng những bức ảnh đẹp về vùng đất con người Ba Chẽ. Đây không chỉ là những tác phẩm mang đậm nét đẹp đặc trưng của cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa con người các dân tộc trên địa bàn huyện; thể hiện nét đẹp vốn có trong khoảnh khắc đời sống sinh hoạt, học tập và lao động, sản xuất của người dân huyện miền núi Ba Chẽ mà còn có giá trị để giới thiệu, quảng bá hình ảnh thiên nhiên, vùng đất lịch sử, bản sắc văn hóa các dân tộc và con người Ba Chẽ đến với nhân dân, du khách trong, ngoài tỉnh và cả nước.
Ông Đặng A Mản - Thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn cho biết: “Theo tôi được biết thì Bàn Vương đã có từ rất lâu rồi nhưng chúng ta chưa bảo tồn và phát huy được. Năm 2020, con cháu của đồng bào dân tộc Dao mới khôi phục được lại và đây là lần thứ 2 huyện tổ chức lễ hội Bàn Vương. Tôi rất mong những năm tiếp theo huyện sẽ tiếp tục tổ chức lễ hội này để bản sắc văn hóa của dân tộc chúng tôi được bảo tồn, phát huy và được nhiều người biết đến. Chúng tôi rất vui vì được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung và đồng bào Dao chúng tôi nói riêng. Tôi rất mong muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.
Đ/c Vũ Thành Long - TUV, Bí thư Huyện ủy trao thưởng, động viên các đoàn tham gia giao lưu ẩm thực tại lễ hội.
Một nét văn hóa đặc sắc trong Lễ hội lần này là nội dung giao lưu, giới thiệu các món ẩm thực của các dân tộc huyện Ba Chẽ như: cá suối, ốc khe, rau rừng, măng rừng, trứng kiến… mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc của huyện miền núi và hoạt động trình diễn gói bánh chưng, bánh chưng gù, bánh coóc mò. Những nguyên liệu để gói bánh như lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn được bà con nhân dân tự trồng và sản xuất ra, qua bàn tay khéo léo của các chị em người Dao đã trở thành những sản vật đặc trưng; đặc biệt là nét đặc sắc của chiếc bánh chưng gù, gợi nhớ hình ảnh người phụ nữ đeo chiếc gùi trên lưng, khi lên nương, làm rẫy, họ cúi xuống hái lúa, hái ngô, hái rau đã tạc nên hình dáng của chiếc bánh cũng chính là hình ảnh nói lên tinh thần chịu thương, chịu khó của người phụ nữ Dao. Bánh chưng của người Dao luôn có vị đậm đà, ngọt thơm của gạo nếp nương, của đỗ xanh và ngậy bùi của thịt lợn, như quyện sánh bởi sự giao hòa của đất, trời.
Vừa thực hiện việc giới thiệu về bánh chưng gù của đồng bào Dao đến các đại biểu và du khách, Chị Chìu Thị Phương - thôn Lò Vôi, xã Nam Sơn hồ hởi nói: “Hôm nay tôi rất tự hào khi được giới thiệu kỹ thuật gói bánh chưng, một nét bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện Ba Chẽ đến với du khách gần, xa. Tôi rất hào hứng và chuẩn bị kỹ lưỡng cho phần giới thiệu này vì đây là một hoạt động rất gần gũi với người dân chúng tôi, đặc biệt là vào những dịp lễ, tết”.
Trình diễn, giới thiệu, kỹ thuật thêu hoa văn trên trang phục của người Dao.
Một trong những hoạt động cũng được các đại biểu, nhân dân và du khách quan tâm, đó là hoạt động trình diễn, giới thiệu, kỹ thuật thêu hoa văn trên trang phục của người Dao. Đây là hoạt động thiết thực được tổ chức nhằm mục đích bảo tồn và gìn giữ nét đẹp văn hóa trong cộng đồng người Dao gắn với phát triển du lịch. Chỉ với đồ nghề, dụng cụ giản đơn là vải nền, chỉ thêu, kim thêu… các họa tiết thêu trên áo quần của người con gái Dao được thể hiện rất đơn giản, nhưng đặc biệt tinh tế. Đó là hoạ tiết về các loại cỏ cây, hoa lá, hình cày, bừa, cánh chim, ruộng bậc thang... Những họa tiết được lặp lại và có quy ước về sự sắp xếp, thể hiện nét văn hóa riêng biệt của người Dao. Bên trong những họa tiết hoa văn đó là cả kho tàng câu chuyện liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Dao, đồng thời, thể hiện nét sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, ước vọng về một cuộc sống ấm no, phồn thịnh, hạnh phúc viên mãn.
Chị Choóng Thị Ngọc - người Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn: “Tôi rất tự hào là người dân tộc Dao hiện đang sinh sống tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn. Hôm nay huyện tổ chức lễ hội Bàn Vương lần thứ 2, chúng tôi rất là phấn khởi vì nghi lễ cúng Bàn Vương của chúng tôi được tổ chức. Người Dao chúng tôi sẽ cố gắng duy trì nghi lễ này để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh. Đến với lễ hội này tôi rất ấn tượng với không gian văn hóa Dao, ở đây trưng bày những hiện vật gắn liền với cuộc sống của người Dao chúng tôi. Qua đây tôi hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán, trang phục, công cụ, dụng cụ trong lao động sản xuất, sinh hoạt của người Dao để từ đó giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.
Người dân và du khách được thăm quan và thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của các địa phương trên địa bàn huyện.
Du khách khi đến với lễ hội Bàn Vương năm nay, còn được tham quan, trải nghiệm, mua sắm tại các gian hàng OCOP với nhiều sản phẩm đặc hữu của địa phương như: Ba kích tím, Trà hoa vàng, Sâm cau; thuốc tắm người Dao… thưởng thức nhiều món ẩm thực đặc trưng của các địa phương như; gà đồi, ngan đen; xôi ngũ sắc, bánh coóc mò, bánh lá ngải… Đặc biệt là các món ăn truyền thống của đồng bào Dao không chỉ là thức ăn đơn thuần mà mỗi món như là một vị thuốc có tác dụng riêng đối với sức khỏe con người. Đây là dịp giao lưu, liên kết, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương; đồng thời giới thiệu, quảng bá các món ăn bổ dưỡng, do bàn tay lao động của người dân miền núi Ba Chẽ mong muốn truyền tải tới đông đảo du khách thập phương.
Về dự hội, Ông Bàn Văn Long - người Dao Lô Gang ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Trước kia tôi cũng đã tìm kiểu rất kỹ về nguồn gốc của người Dao và biết rằng cội nguồn của người Dao ở Ba Chẽ, Quảng Ninh và khi nghe được huyện tổ chức Lễ hội Bàn Vương thì chúng tôi tổ chức đến Ba Chẽ tham dự lễ hội. Đến đây chúng tôi rất phấn khởi khi thấy huyện Ba Chẽ tổ chức Lễ hội rất quy mô, không khí lễ hội rất nhộn nhịp. Rất cảm ơn lãnh đạo huyện Ba Chẽ đã tổ chức Lễ hội này để người Dao cũng tôi được giao lưu và tìm hiểu kỹ hơn về cội nguồn của dân tộc mình”.
Lễ hội Bàn Vương lần thứ 2 năm 2022 đã và đang giới thiệu về mặt lịch sử, văn hóa, tâm linh và các sản phẩm đặc hữu của vùng đất Ba Chẽ với nguồn tài nguyên vô tận; đồng thời quảng bá tiềm năng du lịch thông qua đặc trưng văn hóa và nét đẹp trong trang phục, nghi lễ, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của dân tộc Dao nói riêng; các dân tộc huyện Ba Chẽ nói chung như một lời chào, mời gọi các nhà đầu tư và du khách trên mọi miền đất nước, hãy đến với Ba Chẽ - một vùng đất với khát vọng đi lên đầy hứa hẹn.
Một số hình ảnh đặc sắc tại ngày thứ hai diễn ra Lễ hội Bàn Vương lần thứ 2 năm 2022:
Tham gia các trò chơi dân gian gồm: đi guốc mộc, đi cầu khỉ, đi cà kheo; giao lưu đẩy gậy và trò chơi vật chày của người Dao...