Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Ba Chẽ làm mặt nạ Ka đong.
Phục dựng các lễ hội truyền thống
Ba Chẽ hiện có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85% dân số của huyện, tạo nên sự giao thoa văn hóa đa dạng trên vùng đất này. Nơi đây còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống, như đình Làng Dạ, Lồng Tồng, Miếu Ông - Miếu Bà, gần đây thêm lễ hội Trà hoa vàng và các tục hát then, hát soóng cọ, hát đối, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống...
Năm 2020, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng lần đầu tiên huyện tổ chức thành công lễ hội Bàn Vương, là lễ hội cổ truyền quan trọng trong đời sống tâm linh người Dao, tái hiện hành trình vượt biển của người Dao đến lập nghiệp tại vùng đất mới và nghi lễ tưởng niệm ông tổ Bàn Vương, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người ấm no, hạnh phúc.
Từ Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, huyện đã xây dựng miếu Bàn Vương và Nhà truyền thống cộng đồng tại thôn Sơn Hải. Bên cạnh đó, những điệu múa rùa, nhảy lửa được khôi phục. Nghi lễ nhảy lửa thể hiện sức mạnh của con người, sẵn sàng đương đầu và vượt qua khó khăn, gây được ấn tượng mạnh mẽ với du khách và người dân địa phương.
Các lễ hội trên địa bàn huyện thường có nhiều tiết mục văn nghệ quần chúng, do diễn viên từ các xã và trường học trên địa bàn biểu diễn, tạo không khí rộn ràng, vui tươi. Cùng với thành lập, có giải pháp duy trì và phát triển các CLB trên địa bàn, huyện còn tổ chức cho thành viên các CLB tham gia biểu diễn dân ca, dân vũ trong và ngoài tỉnh.
Người dân huyện xem triển lãm ảnh về quê hương Ba Chẽ.
Quy hoạch khu bảo tồn, trải nghiệm văn hóa
Huyện đã phối hợp với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thực hiện sưu tầm tại 8 xã, thị trấn các trang phục, đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất, nhạc cụ... của dân tộc Sán Chay. Nhiều phong tục, tập quán của người Sán Chay cũng được bảo tồn.
Huyện có nhiều dự án khôi phục, bảo tồn trình diễn dân ca, dân vũ của một số dân tộc; mở các lớp dạy nghề chạm bạc, lớp dạy thêu, chế tác mặt nạ... Việc bảo tồn các hoạt động văn hóa còn có sự vào cuộc tích cực của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện. Tại Trường, các nghệ nhân truyền dạy cho học sinh cách làm mặt nạ Ka đong - mặt nạ của đấng thần linh bảo vệ con người trong tín ngưỡng của người Dao...
Nhằm góp phần lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, đưa công tác bảo tồn văn hoá huyện trở thành những việc làm thường xuyên trong đời sống, nếp sinh hoạt của mỗi người dân. Các hội viên, phụ nữ tham gia, tái hiện, truyền dạy cho nhau các trò chơi dân gian, nghề thêu thổ cẩm, làm món ăn truyền thống…, góp sức gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa dân tộc.
Phụ nữ dân tộc Dao thi đấu đẩy gậy tại Lễ hội Bàn Vương năm 2022.
Theo Quy hoạch xây dựng vùng huyện Ba Chẽ đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh phê duyệt, Ba Chẽ sẽ trở thành khu phát triển văn hóa, trải nghiệm hơn 60.000ha. Khu vực được quy hoạch có tính chất là nơi hội tụ, gắn kết, giao lưu văn hoá các dân tộc tại huyện và bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc trong và ngoài tỉnh; là khu vực phát triển du lịch văn hoá, du lịch trải nghiệm gắn với thương mại nông nghiệp và phát triển du lịch cộng đồng. Phân vùng phát triển không gian được chia làm 2 vùng. Trong đó vùng 1 gồm thị trấn Ba Chẽ hiện trạng và một phần các xã Nam Sơn, xã Đồn Đạc, được xác định là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, lấy sông Ba Chẽ là trục cảnh quan chính của đô thị, lấy yếu tố cảnh quan thiên nhiên làm mục tiêu phát triển.
Với sự quan tâm của tỉnh, của các sở ngành, vào cuộc tích cực của toàn dân, những nét đẹp văn hóa trên địa bàn huyện tiếp tục được gìn giữ, phát huy hiệu quả, góp phần quảng bá, giới thiệu những tiềm năng du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Ông Triệu Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ dân tộc (Văn phòng Quốc hội): "Ba Chẽ đã chọn hướng đi đúng khi đề cao việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc Dao"
|
Ba Chẽ là nơi duy nhất trong nước đã xây được nhà thờ tổ người Dao. Đây sẽ là nơi hội tụ người Dao cả nước vào ngày giỗ tổ của họ là Lễ hội Bàn Vương. Từ việc xây dựng và phát huy các bản sắc dân tộc của người Dao, huyện đã có hướng đi đúng. Ba Chẽ sẽ phát triển tốt du lịch khi là lựa chọn điểm đến cho một dân tộc rất đông đúc, đứng thứ 7 trong số 54 dân tộc anh em, đó là cộng đồng người Dao. |
Ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Chẽ: "Đề cao việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong phát triển du lịch"
|
Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện đã đón khoảng 6.000 lượt du khách đến tham quan và trải nghiệm. Tuy con số chưa cao, nhưng bước đầu cho thấy huyện là điểm đến của nhiều du khách tỉnh xa, hứa hẹn một tương lai nhiều triển vọng. Các chương trình tham quan trải nghiệm của cho du khách khi đến Ba Chẽ đều mang chủ đề bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, như các lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà, Bàn Vương vừa qua. Nếu không vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, dịp tháng 3 huyện còn có Lễ hội Sán Chay, Lễ mừng cơm mới người Dao, đều mang chủ đề về bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Mới đây nhất đầu tháng 5/2022, nhân dịp Lễ hội Bàn Vương, huyện khai trương Không gian văn hóa Dao với gần 100 hiện vật tại Nhà truyền thống cộng đồng Dao ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, được rất nhiều người Dao tìm đến trải nghiệm.
|
Bà Lý Thị Múi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái: "Chúng tôi đến nhà thờ tổ Bàn Vương như tìm đến thủy tổ của mình"
|
Lễ hội Bàn Vương năm 2022 là lần đầu tiên tôi đến Ba Chẽ, nhưng không cảm thấy lạ đất, lạ người, phong tục tập quán. Chúng tôi đến nhà thờ tổ Bàn Vương như đang tìm đến thủy tổ của mình. Đó là niềm vui theo tôi không chỉ người Dao Ba Chẽ mà của cả mọi miền đất nước. Khi trở về Yên Bái, tôi sẽ kể nhiều về Ba Chẽ với bà con người Dao ở quê mình. Ba Chẽ sẽ là nơi chúng tôi tiếp tục đến vào các năm sau. |
Ông Triệu Chăn Hồng, thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ: "Chúng tôi rất tự hào là người Dao ở Ba Chẽ"
|
Từ nhiều năm nay, người Dao chúng tôi được các cấp lãnh đạo tỉnh và huyện rất quan tâm đến đời sống và phát huy bản sắc dân tộc. Người Dao ở Ba Chẽ đã có những chuyến đi trải nghiệm, đi thăm bạn bè trong tỉnh, trong nước. Ở đâu chúng tôi đều rất tự hào vì mình là người Dao ở Ba Chẽ. Mảnh đất mà chúng tôi được huyện quan tâm tổ chức lễ hội lớn hằng năm mang đậm bản sắc dân tộc. Chúng tôi được tạo điều kiện để phát huy nhiều phong tục một thời tưởng như bị mai một, như nghi lễ nhảy lửa, múa rùa, múa vật chày…, mà không phải ở địa phương nào có người Dao cũng phát huy được./. |
Phạm Học - Anh Vũ//Báo Quảng Ninh