
Đồng chí Phạm Thị Chính - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện phát biểu khai giảng lớp huấn luyện.
Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là hệ thống quản lý dịch hại sử dụng các phương tiện kỹ thuật và các biện pháp thích hợp nhằm hạn chế tác hại của sâu bệnh làm cho cây trồng đạt năng suất cao và phẩm chất nông sản tốt. Đây là chương trình quản lý đang được các hộ nông dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực áp dụng. Chương trình IPM đã và đang giúp giảm được chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại tồn dư trên sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận trên một đơn vị canh tác.
Lớp huấn luyện được diễn ra trong thời gian 03 tháng. Các học viên sẽ được hướng dẫn kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa, giúp bà con nông dân tiếp cận được những kiến thức mới để bảo vệ hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ thiên địch để tiêu diệt sâu bệnh, qua đó hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời khuyến khích nông dân áp dụng nhân rộng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trong chăm sóc và phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng.
Thông qua chương trình, nhằm nâng cao nhận thức cho người nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp, kỹ thuật thâm canh lúa, rau màu cải tiến, 3 giảm 3 tăng, kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, đảm bảo sản xuất lúa gạo an toàn, chất lượng cao, thân thiện với môi trường gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; hướng tới sản xuất lúa, màu theo tiêu chuẩn VietGAP.

Các đồng chí đại biểu và học viên tham dự lớp huấn luyện.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và Phòng Nông nghiệp&PTNT tiếp tục phối hợp mở các lớp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng, hướng dẫn bà con nông dân hiểu biết và áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng, nhất là các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái trên cây trồng: Lúa, rau màu, cây ăn quả, cây dược liệu. Qua đó lan toả việc áp dụng IPM địa bàn toàn huyện, đáp ứng những yêu cầu, điều kiện về cạnh tranh nông sản, an toàn thực phẩm hướng tới xây dựng thương hiệu sản xuất hàng hóa chất lượng và hiệu quả./.
Bình Minh/Trung tâm TT&VH Ba Chẽ