

Cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện rước long ngai xung quanh xóm Đồng Chức.

Các đại biểu và nhân dân dâng hương Đình Đồng Chức.
Đình Đồng Chức, xã Lương Mông là di tích lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và xây dựng lên xã Lương Mông của các bậc tiền nhân và là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng, nơi tổ chức các sự kiện quan trọng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã. Đình được lập nên để thờ Tĩnh Mục Hiển Minh Chiêu Ứng Đại vương Phạm Tôn Thần (Tiện Điền nguyên súy Đại tướng quân Phạm Ngũ Lão) và phối thờ các vị thành Hoàng Làng đã có những đóng góp lớn lao trong công cuộc khai phá ruộng đồng, tạo dựng xóm làng.

Đ/c Vi Văn Chiến - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lương Mông gióng trống khai mạc Lễ hội.

Lãnh đạo huyện tặng hoa chúc mừng Lễ hội.
Lễ hội "Xuống đồng" theo tiếng Tày gọi là Lễ hội “Lồng Tồng”, được tổ chức vào đầu Xuân để tạ ơn trời đất, các vị thần linh; cầu xin các vị thần linh che chở để có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, cuộc sống no ấm, vạn vật sinh sôi phát triển. Trong sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, lễ hội Lồng Tồng không chỉ là ngày hội riêng của dân tộc Tày mà đã trở thành ngày hội chung, nơi quy tụ bản sắc văn hóa đặc trưng nhất các dân tộc… Đây không chỉ là một hoạt động văn hóa tâm linh mà còn là một dạng thức văn hóa nguyên hợp, thể hiện và phản ánh ước muốn của cả một cộng đồng về cuộc sống tốt đẹp nhân dịp đầu Xuân năm mới; người ta đến Lễ hội Lồng Tồng không chỉ để thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn để giao lưu kết bạn; chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao tình đoàn kết giữa các dân tộc; là dịp để quảng bá, giới thiệu những danh lam thắng cảnh, nét đẹp văn hóa, những sản vật đặc trưng của địa phương.

Nghi lễ cúng cầu mùa.

Các đại biểu và nhân dân thực hiện nghi lễ cuốc hố, tra hạt cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa mùa bội thu.
Ông Nguyễn Huy Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Lương Mông cho biết: Lễ hội Đình Đồng Chức và Lễ hội xuống đồng mang nét quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của của đồng bào dân tộc trên địa bàn xã Lương Mông. Đây được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no. Thông qua các hoạt động của lễ hội là dịp để cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã, cũng như nhân dân trong và ngoài huyện có dịp được gặp gỡ giao lưu học hỏi lẫn nhau kinh nghiệm làm ăn và cũng là duy trì phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn.

Đại biểu, nhân dân cùng đông đảo du khách thập phương đến dự lễ hội.
Ngày 11/02 (tức ngày 21 tháng Giêng âm lịch), mở đầu Lễ hội là các nội dung của phần hội bắt đầu được tiến hành gồm: thi đấu vòng loại môn đẩy gậy, kéo co; giao hữu bóng chuyền hơi nam và nữ giữa các đội bóng của các thôn trên địa bàn xã; qua đó đã đã đem lại niềm vui, sảng khoái, sự thoải mái cho nhân dân và du khách.


Phần thi cấy lúa hứa hẹn một năm mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm, hạnh phúc.
Cũng trong tối cùng ngày, du khách và nhân dân về chơi Hội, du xuân đã được thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc dân tộc với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới, ca ngợi phong trào thi đua lao động sản xuất do các nghệ sĩ đến từ Đoàn nghệ thuật Quảng Ninh và các hạt nhân văn nghệ của xã biểu diễn.


Các tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc tại đêm giao lưu văn nghệ.
Về tham dự lễ hội lần này, chị Vi Thị Thự cho biết: Lễ Hội năm nay chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi khi được tham gia các hoạt động, đặc biệt là chúng tôi được giao lưu học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển sản xuất và tôi hi vọng năm nay mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt sẽ đến với người dân chúng tôi.

Kéo co thể hiện tinh thần đồng đội, tình đoàn kết và sức mạnh tập thể.

Môn bóng chuyền hơi được đông đảo nhân dân tham gia thi đấu và cổ vũ.
Ngày 12/01 (tức ngày 22 tháng Giêng âm lịch) chính thức khai hội với Lễ rước long ngai (rước thần). Lễ rước được bắt đầu từ sân Đình đi xung quanh Xóm Đồng Chức và quay trở lại sân Đình. Ngay sau khi lễ rước long ngai là nghi thức tuyên chúc văn và lễ dâng hương, dâng lễ của các đại biểu, cùng nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã và du khách, với những mâm lễ có đầy đủ xôi ngũ sắc, gà, lợn, bánh chưng, bánh dày…, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân đã có công dựng xây quê hương, đất nước, với mong muốn các vị thành Hoàng Làng phù hộ cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh, cuộc sống yên vui, an lành và hạnh phúc. Đồng thời khẳng định Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ sẽ luôn phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, một lòng vượt khó, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu.


Trình diễn gói bánh.
Trong nghi lễ của Lễ hội Lồng Tồng, các đại biểu cùng nhân dân thực hiện nghi lễ rước thần Nông và thành Hoàng Làng từ Đình về cánh đồng thôn Xóm Mới để thực hiện nghi lễ cúng cầu mùa. Lễ cầu mùa với mâm lễ được chuẩn bị chu đáo gồm các sản vật của người dân địa phương dâng cúng trời đất, nhằm cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ.

Các gian hàng nông sản đặc hữu, dược liệu và các sản phẩm OCOP của huyện được trưng bày tại lễ hội.
Một nội dung chính của Lễ hội Lồng Tồng có sự tham gia thực hiện đường cày tịch điền của Đồng chí Chủ tịch UBND xã Lương Mông. Đây là sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền xã đối với công tác phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; cũng là sự động viên kịp thời của các đồng chí lãnh đạo xã dành cho bà con nhân dân, để bà con có thêm niềm tin, động lực, hăng say lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thực hiện nghi lễ phóng sinh, thả hơn 300 con cá Vược xuống Hồ Khe Lừa.
Một nghi lễ quan trọng trong Lễ hội thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân và du khách, đó là nghi lễ cuốc hố, tra hạt. Trong nghi lễ có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo huyện; lãnh đạo xã và người dân cùng cuốc hố trồng những hạt bắp đầu tiên với mong ước được một vụ mùa bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc.
Cũng trong chương trình của lễ hội, các đại biểu, nhân dân và đông đảo du khách đã thực hiện nghi lễ phóng sinh, thả hơn 300 con cá Vược xuống Hồ Khe Lừa (Hồ chứa nước 4 xã vùng cao) thể hiện quyết tâm trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn huyện.

Du khách thích thú cùng sản phẩm bánh dày được bà con tạo lên ngay trong lễ hội.
Sau khi thực hiện các nghi lễ của lễ hội; các đại biểu và du khách cùng hòa mình vào không khí vui tươi của ngày Hội với nhiều trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc, trình diễn giã bánh dày; gói bánh Tày, bánh Cóoc mò và các tiết mục dân vũ, dân ca do chính bà con nhân dân biểu diễn, thu hút đông đảo bà con nhân dân và du khách tham gia. Ngoài ra, du khách đến với Lễ hội còn được tham quan, mua sắm tại các gian hàng nông sản đặc hữu, dược liệu; các sản phẩm OCOP của huyện được trưng bày tại lễ hội.
Trong phần hội của lễ hội là hoạt động thi cấy lúa ruộng và cấy lúa nương, với các tay cấy giỏi nhất được tuyển chọn từ các thôn về dự thi đã thể hiện những đường cấy thẳng hàng và đúng kỹ thuật, khẳng định quyết tâm của bà con nhân dân trong việc phát triển kinh tế làm giàu trên mảnh đất quê hương.





Một số hình ảnh ấn tượng tại Lễ hội.
Anh Nông Văn Được - thôn Xóm Mới vui mừng cho biết: Đến với Lễ hội năm nay chúng tôi được xem rất nhiều các môn thể thao dân tộc, trò trơi dân gian, đêm văn nghệ, được xem cày tịch điền, thi cấy lúa; tôi mong rằng lễ hội năm nào cũng được tổ chức để chúng tôi cùng nhau giao lưu, vui chơi trong những ngày đầu xuân; qua đó sẽ tạo động lực cho chúng tôi tập trung phát triển sản xuất.
Lễ hội khép lại với các nghi thức truyền thống đã được thực hiện và mở ra một quá trình lao động sản xuất mới, với niềm vui, niềm tin và động lực mạnh mẽ cho bà con nhân dân bắt tay vào trồng trọt, chăn nuôi, hứa hẹn một năm bình an, người người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, tạo ra của cải vật chất, nhà nhà no ấm, hạnh phúc./.