Cán bộ thôn Thành Công (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) hướng dẫn người dân phân loại, tái chế rác sinh hoạt tại hộ gia đình. Ảnh: Trúc Linh.
Ba Chẽ xác định tiêu chí số 7 - Môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện, do đó huyện đã chỉ đạo cho các phòng, ban chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nhằm từng bước thay đổi căn bản nhận thức, thói quen, tập quán của nhân dân về sự cần thiết phải thực hiện tiêu chí này.
Trong năm 2022, Phòng Tài nguyên&MT huyện đã chủ động phối hợp với Khối MTTQ và xã Lương Mông tổ chức ra quân trồng hơn 400 cây hoa mua và hoa dâm bụt trên tuyến đường dài 350m tại thôn Đồng Cầu; phối hợp với xã Đồn Đạc trồng trên 2.000 cây chuỗi ngọc và hoa hồng tuyến đường dài 300m tại thôn Pắc Cáy; tham gia trồng 4.000 cây chuỗi ngọc và 200 cây lá gấm tại xã Thanh Lâm; trồng cây xanh và vẽ tranh tường tại các xã Minh Cầm, Đạp Thanh, Đồn Đạc, Thanh Sơn; triển khai cuộc thi xây dựng "Cơ quan kỷ cương, kỷ luật, văn minh, xanh - sạch - đẹp, an toàn", "Trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện", "Tuyến đường sáng, xanh - sạch - đẹp". MTTQ huyện tuyên truyền, giám sát, đôn đốc triển khai xây dựng 99 nhà ở và 86 nhà tiêu hợp vệ sinh; Đoàn Thanh niên triển khai vẽ tranh tường tại các xã, thị trấn; Hội LHPN huyện thực hiện mô hình "Phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón vi sinh tại hộ gia đình"…
Hằng năm, Ba Chẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho các công trình bảo vệ môi trường, hỗ trợ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải... Cùng với đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị; thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, vận hành các khu xử lý rác trên địa bàn; hướng dẫn quy trình vận hành lò đốt và công tác phân loại rác thải; thường xuyên mua sắm bổ sung trang thiết bị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. UBND các xã thành lập các tổ hợp tác và hoạt động thường xuyên, có hiệu quả, không để xảy ra tình trạng rác thải tồn đọng gây ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt tại thị trấn Ba Chẽ được Công ty Toàn Thắng thu gom, vận chuyển, xử lý theo công nghệ đốt tại khu xử lý rác tập trung thôn Khe Hố (xã Nam Sơn); tại địa bàn các xã được thu gom vận chuyển, xử lý tại các khu xử lý rác thải tập trung của xã. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt toàn huyện đạt khoảng 15,74 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị thu gom, xử lý được khoảng 5,1 tấn (đạt 98,1%), khu vực nông thôn thu gom, xử lý khoảng 10,63 tấn (đạt 90,4%). Rác thải sinh hoạt được xử lý tập trung bằng công nghệ đốt và chôn lấp hợp vệ sinh theo quy định...
CBCCVC và nhân dân xã Lương Mông (huyện Ba Chẽ) trồng 1.000 cây lim xanh tại thôn Đồng Cầu, hưởng ứng Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" năm 2023. Ảnh: Ngọc Lợi (CTV)
Năm 2022, trên địa bàn huyện có 2.522/5.542 hộ đăng ký thực hiện phân loại, chế biến rác thải, đạt 45,5%. Đối với rác thải hữu cơ được các hộ phân loại, ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, hoặc nấu làm thức ăn cho lợn, gà; đối với rác thải vô cơ, được tái chế hoặc phân loại bán cho các cơ sở thu mua tái chế; rác thải còn lại (các thành phần rác không có khả năng tái chế) được thu gom trong dụng cụ chứa rác tại gia đình, sau đó đưa đến các điểm tập kết và được vận chuyển, xử lý tại khu xử lý tập trung trên địa bàn huyện theo quy định.
Trên địa bàn huyện hiện có 8 điểm tập kết rác thải sinh hoạt, cả 8 điểm đều được đầu tư, xây dựng đảm bảo có hạ tầng về bảo vệ môi trường, xử lý nước rỉ rác, hạn chế mùi; có 4 mô hình tái chế chất hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp (ủ phân hữu cơ compost) của 3/8 xã, thị trấn, tổng khối lượng chất hữu cơ, phụ phẩm được tái chế với quy mô 110 tấn; 1 khu xử lý nước thải, được quy hoạch với diện tích 1,5ha, nằm trong CCN Nam Sơn, công suất xử lý 2.400m3/ngày đêm… Diện tích đất cây xanh công cộng tại khu dân cư nông thôn là 75.000m2 (chủ yếu là trên đất thuộc nơi sinh hoạt chung, sân chơi của các thôn), bình quân đạt mức 4,01m2/người, các loại cây trồng là cây gỗ lớn, vừa có giá trị kinh tế cao, vừa có tác dụng tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường như: Lim, giổi và một số loại cây thân gỗ có bóng mát khác... Trong năm 2023, toàn huyện phấn đấu trồng rừng tập trung trên 3.000ha. Trong đó, quyết tâm trồng trên 420ha lim, lát, giổi và trên 520ha cây bản địa khác; duy trì độ che phủ rừng đạt trên 72%./.
Trung Thành/Báo Quảng Ninh