
Lực lượng Kiểm lâm phối hợp Cấp ủy, chính quyền cơ sở tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các địa bàn trọng điểm
Hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến càng ngày càng bất thường, nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng trên địa bàn là rất cao. Mới đây, trên địa bàn xã Thanh Sơn đã xảy ra vụ cháy rừng trồng do hộ gia đình và cá nhân quản lý với tổng diện tích hơn 30 ha gỗ Keo, trong đó có 27,5ha bị cháy lan, vẫn có khả năng phục hồi và 2,6 ha bị cháy hoàn toàn, không có khả năng phục hồi; nguyên nhân chính được xác định có thể do người dân mang lửa vào rừng và sử dụng tùy tiện gây cháy.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Huyện ủy, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc khắc phục hậu quả và xác định đây là bài học lớn trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng.
Xác định để làm tốt công tác bảo vệ, PCCCR cần phải có sự vào cuộc của người dân ở khu vực có rừng, vì vậy Hạt Kiểm lâm huyện đã chủ động phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện và các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng; thông báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng cho các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức; đồng thời chỉ đạo cán bộ Kiểm lâm địa bàn cùng với chính quyền các xã, thị trấn, các tổ, đội bảo vệ rừng đôn đốc, tăng cường tuần tra bảo vệ rừng; kiểm tra xử lý thực bì, nhắc nhở mọi người chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của nhà nước về PCCCR; xây dựng bản đồ các vùng xung yếu, vùng nguy cơ cháy cao, duy trì trực, gác phòng cháy 24/24 giờ.
Ông Phạm Thanh Tùng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Quán triệt ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngay từ đầu mùa hanh khô năm nay, đơn vị đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật lâm nghiệp, Luật PCCC nâng cao nhận thức trong công tác QLBVR - PCCCR và các chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn tới các chủ rừng và quần chúng nhân dân; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị các xã, thị trấn kiện toàn các tổ, đội PCCC rừng; xây dựng bản đồ khoanh vùng, bước đầu xác định toàn huyện có gần 20 điểm xung yếu, nguy cơ cháy cao; đây là những khu vực có rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng trồng Thông, Sa mộc. Hiện đơn vị đang tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm, triển khai làm đường băng cản lửa và cảnh báo nguy cơ đối với những khu vực dễ xảy ra cháy rừng.
Một trong những giải pháp quan trọng trong công tác QLBVR-PCCC rừng được huyện thường xuyên duy trì, liên tục là tăng cường hoạt động của 91 tổ, đội bảo vệ rừng, PCCC rừng với tổng số 804 thành viên là cán bộ, công chức, viên chức, kiểm lâm, chiến sĩ lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, nhân dân và các chủ rừng; thực hiện đồng bộ phương châm “4 tại chỗ’ và chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các phương tiện, công cụ phục vụ công tác PCCC rừng. Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, kiểm tra các thiết bị phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy với 06 xe ôtô, 05 máy bơm, 11 máy thổi gió, 17 cưa xăng, 19 máy cắt thực bì, 26 máy định vị GPS cùng nhiều phương tiện, thiết bị do các tổ chức, doanh nghiệp, chủ rừng tự trang bị, sẵn sàng tham gia ứng phó các tình huống khẩn cấp khi có cháy rừng xảy ra.
Theo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Huyện ủy Vũ Thành Long giao UBND huyện tích cực chỉ đạo, giám sát các ngành chức năng huyện và các xã, thị trấn, trong đó phải thực sự coi trọng công tác QLBVR-PCCC rừng. Song song với các nhiệm vụ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân, cần thường xuyên rà soát, kiện toàn BCĐ cấp xã; rà soát các điểm nguy cơ cháy cao; duy trì hoạt động thường xuyên liên tục của các tổ, đội bảo vệ rừng, PCCC rừng; nhất là thực hiện đồng bộ, hiệu quả các phương án chữa cháy rừng theo phương châm “3 sẵn sàng, 4 tại chỗ”. Cùng với đó, phải đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi rừng; xây dựng phương án phát băng cản lửa tại những khu vực xung yếu, nguy cơ cháy cao; khuyến khích các hộ dân, các chủ rừng tự thỏa thuận xây dựng đường băng cản lửa chung hoặc làm đường vận xuất bám theo ranh giới rừng được giao giữa các hộ, làm cơ sở để vận chuyển và xử lý khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Ngoài ra, các lực lượng chức năng phải quyết liệt điều tra, xác minh, làm rõ đưa những đối tượng có hành vi phá rừng, hủy hoại rừng, đốt rừng trái phép ra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tuân thủ phương châm “Phòng là chính, phát hiện lửa từ sớm và tổ chức ứng cứu kịp thời, triệt để” kết hợp phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ” và phương châm 3 sẵn sàng “Chỉ huy sẵn sàng, lực lượng sẵn sàng, phương tiện hậu cần sẵn sàng” với quyết tâm thực hiện mục tiêu quản lý, bảo vệ bằng được diện tích rừng hiện có, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, bảo vệ thành quả công tác trồng rừng. Tin tưởng rằng, với sự tích cực, chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác BVR-PCCC rừng, sẽ góp phần quan trọng, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển rừng, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; sớm đưa huyện Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh./.
Bình Minh/Trung tâm TT&VH Ba Chẽ