Bốn mươi tám năm đã trôi qua nhưng giá trị to lớn về phương diện chính trị, quân sự, văn hóa, đạo đức…, trong đó nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vẫn đang là vấn đề có tính thời sự được các học giả, các nhà khoa học, quân sự trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu một cách nghiêm túc, khoa học dưới những góc độ tiếp cận khác nhau.
Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. (Ảnh: Điện ảnh Quân đội nhân dân).
Hồ Chí Minh là lãnh tụ chính trị vĩ đại của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, đồng thời là nhà quân sự xuất sắc của dân tộc. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh nói chung, về nghệ thuật quân sự nói riêng đã soi sáng sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã khẳng định và làm sáng ngời thêm tư tưởng quân sự của Người, thể hiện tập trung khái quát ở một số điểm nổi bật, chủ yếu sau.
Thắng lợi của nghệ thuật nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, luôn giữ quyền chủ động. Tư tưởng tiến công, “kiên quyết không ngừng thế tiến công” là nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh. Theo Người, chỉ có tiến công mới giành được thế chủ động, giành được thế chủ động mới phát triển được thế tiến công. Đồng thời Người cũng chỉ rõ, muốn tiến công phải chuẩn bị tốt về mọi mặt. “Chuẩn bị càng đầy đủ, thật đầy đủ, thì thời giờ tổng phản công càng mau chóng”[1].
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã khẳng định tính đúng đắn đường lối quân sự của Đảng chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Một trong những biểu hiện đúng đắn, sáng tạo đó là Đảng ta luôn nắm vững và quán triệt sâu sắc tư tưởng chiến lược tiến công, tích cực chủ động xây dựng, phát triển lực lượng rộng khắp trong cả nước, gắn bó chặt chẽ giữa hậu phương với tiền tuyến, giữa xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân với xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu của quần chúng, giữa các binh đoàn chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương. Đặc biệt, coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng có khả năng tiêu diệt lớn quân chủ lực của địch trên các mũi, các hướng chủ yếu và địa bàn chiến lược quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ.
Thực tế cho thấy, sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ về thực lực, nhất là sự ra đời của các quân đoàn chủ lực vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến và được tung vào trận quyết chiến chiến lược, với tinh thần “Thần tốc, thần tốc hơn nữa”, “Dũng mãnh, dũng mãnh hơn nữa” đã thể hiện rõ nhận thức sâu sắc và vận dụng tài tình của Đảng ta về tư tưởng tiến công trong nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh vào thực tiễn sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm nên thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân 1975.
Thắng lợi của nghệ thuật phát huy sức mạnh tổng hợp. Chiến tranh là sự thử thách toàn diện giữa các bên tham chiến, muốn giành thắng lợi nhất thiết phải mạnh hơn đối phương. Hồ Chí Minh cho rằng, “không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”[2]. Theo đó, toàn dân đánh giặc phải gắn với đánh giặc toàn diện; phát huy lực lượng toàn dân mới thực hiện được đánh giặc toàn diện, đánh giặc toàn diện cũng là nhằm huy động cao nhất lực lượng của toàn dân để giành thắng lợi.
Việt Nam là một dân tộc nhỏ, tiềm lực kinh tế, quân sự hạn chế, quân đội nhỏ về số lượng, vũ khí trang bị lạc hậu nhưng phải đương đầu với tên đế quốc đầu sỏ (sen đầm quốc tế) có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh, với đội quân xâm lược nhà nghề, vũ khí trang bị hiện đại. Vì vậy, muốn thắng địch chúng ta không thể chỉ dùng bằng sức mạnh quân sự đơn thuần, của phương tiện vật chất, vũ khí kỹ thuật.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tư tưởng về phát huy sức mạnh tổng hợp đã được quân và dân ta phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh. Nổi bật là sáng tạo của quân và dân ta trong việc kết hợp chặt chẽ giữa các hình thức, lực lượng, quy mô tác chiến của ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ), đánh địch bằng cả ba mũi giáp công (chính trị, quân sự và binh vận), trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị), và giữa (đánh lớn, đánh vừa và đánh nhỏ)... Đó cũng là thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đường lối chính trị đúng đắn với đường lối quân sự tài giỏi, giữa chiến lược cách mạng với phương pháp cách mạng sáng tạo của Đảng ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Chính vì vậy, chúng ta đã huy động được cao nhất nguồn sức mạnh chính trị - tinh thần và nguồn sức mạnh vật chất của mọi lực lượng, phương tiện, hình thức, qui mô trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn áp đảo, đè bẹp sự phản kháng của địch, tiến lên giành toàn thắng.
Thắng lợi của Nghệ thuật tạo lực, lập thế, tranh thời và dùng mưu. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là thể hiện sự vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh về tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu và phát huy các nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Về lực, chúng ta đã huy động sức mạnh của toàn dân cả về mặt vật chất và tinh thần, xây dựng lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị quần chúng, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc và của thời đại, sức mạnh của hậu phương và tiền tuyến, sức mạnh ở chiến trường và sức mạnh của địa phương tại chỗ.
Theo Hồ Chí Minh, có lực phải tạo ra thế, chỉ có lực mà không có thế chưa thể thắng địch. Trong mối quan hệ giữa thế và lực Người đánh giá cao sức mạnh của thế. Người lấy ví dụ “quả cân chỉ một kilôgam, ở vào thế lợi thì lực của nó tăng lên nhiều, có sức mạnh làm bổng được một vật nặng hàng trăm kilôgam. Đó là thế thắng lực”[3]. Có lực, có thế còn phải tạo thời cơ và biết tranh thời mới thắng lợi, “Lạc nước, hai xe đành bỏ phí. Gặp thời, một tốt cùng thành công”[4]. Thực hiện tư tưởng của Người, cùng với tạo lực, chúng ta đã tạo được thế trận thuận lợi trên toàn bộ chiến trường, chặn hướng tiến công, bao vây, chia cắt địch, làm thay đổi thế và lực trên chiến trường, chủ động tổ chức những trận đánh then chốt tạo thời cơ mới để quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Khi thế và lực của ta đã có, thời cơ đã đến còn phải biết dùng mưu. Mưu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được thể hiện trong toàn bộ các chủ trương, kế hoạch chiến lược, chiến dịch, tài chỉ huy, thao lược của tướng lĩnh, binh sĩ trong chiến đấu, tài nghi binh đánh lừa địch... Trong chiến tranh nhân dân, mưu kế, mưu lược là của nhân dân, của toàn quân, của mỗi cán bộ, chiến sĩ, không riêng gì của bộ thống soái.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 được bắt đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên. Việc Bộ chính trị quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công mở màn là thể hiện nghệ thuật nghi binh lừa địch tài giỏi của Đảng ta. Tiếp đó, thừa thắng xốc tới Bộ chính trị quyết định mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng đập tan ý đồ “tử thủ” của địch trong một thời gian ngắn, làm thay đổi so sánh lực lượng về mặt chiến lược, hoàn toàn có lợi cho ta, tạo điều kiện cho ta tập trung một lực lượng lớn vào trận quyết chiến tại Xuân Lộc - “cánh cửa thép” vào Sài Gòn. Sau thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ chính trị đã nhận định, thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có đầy đủ lực lượng và khả năng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam trong một thời gian ngắn hơn so với dự kiến. Theo đó, chiến dịch giải phóng Sài Gòn được mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh với phương châm “thần tốc, táo bạo, quyết thắng”. Đến sáng 30/4/1975, năm cánh quân của ta từ năm hướng đồng loạt tiến thẳng vào Sài Gòn, chiếm Dinh Độc lập và các mục tiêu trọng yếu, bức hàng Chính phủ ngụy quyền, làm tan rã hoàn toàn bộ máy chính quyền của chúng, giành thắng lợi hoàn toàn.
Thắng lợi của nghệ thuật biết thắng từng bước. Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi của nghệ thuật “thắng từng bước” trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh - “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Thắng từng bước phản ánh tính tất yếu của chiến tranh cách mạng đối với các dân tộc nhỏ yếu, chống lại chiến tranh xâm lược của các nước đế quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn mạnh, có đội quân xâm lược nhà nghề. Đồng thời, đó cũng là qui luật giành thắng lợi của Cách mạng việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta đã sớm xác định rõ phương châm chỉ đạo cách mạng miền Nam phát triển theo hướng giành thắng lợi từng phần, tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi hoàn toàn. Nghị quyết Trung ương 9 (12/1963) chỉ rõ: “Đánh lui địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, tiến tới giành thắng lợi toàn bộ”[5]. “Thắng từng bước”, nhưng đồng thời Đảng ta cũng đã nêu rõ, “phải biết thắng từng bước cho đúng… để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn”[6].
Sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu thân 1968 như “một đòn sét đánh” làm cho Mỹ, ngụy choáng váng, buộc Mỹ từng bước xuống thang, rút quân về nước và chuyển sang thi hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” hòng kéo dài chiến tranh ở nước ta. Cuối năm 1972, quân và dân miền Bắc đã đánh bại lần thứ hai cuộc tập kích đường không của quân đội Mỹ, làm nên thắng lợi “Điện Biên phủ trên không” chấn động địa cầu, buộc Mỹ phải ký hiệp định Pari (1/1973), rút hết quân về nước. Với tư tưởng chiến lược tiến công, kiên quyết tiến công, “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, Đảng ta đã nắm vững thời cơ và hạ quyết tâm nhanh chóng giải phóng hoàn toàn miền Nam, càng sớm càng tốt. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã chứng minh cho đường lối quân sự tài tình của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời chúng ta đã vận dụng một cách sáng tạo nghệ thuật khởi đầu và kết thúc chiến tranh đúng vào thời điểm có lợi nhất.
Đại thắng mùa Xuân 1975 và thắng lợi của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đều là tất yếu và có giá trị trường tồn cùng dân tộc. Trong cuốn sách “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Tư tưởng cách mạng và tư tưởng quân sự của Bác đã mang về thắng lợi trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc”[7]. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã thực hiện được khát vọng cháy bỏng của Người “Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta”[8].
Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, có nhiều đổi thay so với trước và có những biến động phức tạp, khó lường. Những thành quả mà nhân dân ta đã giành được là rất to lớn, rất đáng tự hào, cần phải được bảo vệ và phát triển vào điều kiện, hoàn cảnh mới của đất nước. Tuy nhiên, để đi tới thắng lợi cuối cùng, đòi hỏi chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu một cách sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, nghệ thuật quân sự nói riêng, trên cơ sở đó biết vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo phù hợp với sự phát triển của tình hình mới, theo đúng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Đồng thời phải luôn tích cực, chủ động đấu tranh có hiệu quả chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận giá trị lịch sử của dân tộc, lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.
Chú thích:
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr. 31.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 344.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 15, tr 567.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 3, tr. 326.
[5] ĐCSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 24, tr. 832.
[6] ĐCSVN, Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 34, tr. 142
[7] Võ Nguyên Giáp, Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr. 343.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 360.
ThS Đặng Công Thành, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng