
Đồng chí Đỗ Mạnh Hùng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì hội nghị.
Huyện Ba Chẽ có tổng diện tích tự nhiên là 60.648 ha, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp toàn huyện là 54.679,88 ha, chiếm 90,15% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện; trong đó đất rừng sản xuất là 47.004,19 ha; đất rừng phòng hộ là 7.675,69 ha. Đến nay huyện đã giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 4.272 hộ gia đình, cá nhân với diện tích gần 29.000 ha; đã giao cho 46 cộng đồng dân cư với diện tích 1.591 ha; đã cho 38 hộ gia đình, cá nhân được thuê đất rừng sản xuất với diện tích 297,9 ha; UBND tỉnh đã giao và cho các tổ chức thuê đất với diện tích hơn 15.000 ha. Tổng diện tích trồng rừng sau khai thác rừng trồng và trồng rừng trên diện tích chưa có rừng trung bình từ 01/01/2016 đến 31/5/2021 trên địa bàn huyện đạt 3.220 ha/năm, chủ yếu là Keo, Quế. Năm 2022 diện tích trồng rừng tập trung toàn huyện trên 3.500 ha, trong đó diện tích trồng cây gỗ lớn (Lim, Lát, Giổi) trên 510 ha, trồng cây bản địa (quế, thông) trên 900 ha, trồng rừng gỗ nhỏ (keo) trên 2.000 ha.
Đề án khoanh vùng trồng rừng gỗ lớn tập trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 được triển khai thực hiện trên địa bàn 8 xã, thị trấn và chia thành 3 vùng. Vùng 1 bao gồm các xã Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh phát triển dịch vụ, thương mại khu vực, kinh tế lâm nghiệp phát triển chủ yếu cây thông nhựa, trồng rừng phòng hộ; phát triển một số vùng trồng và sản xuất, chế biến trà hoa vàng và một số loài dược liệu khác; phát triển khu du lịch sinh thái. Vùng 2 gồm các xã Thanh Lâm, Thanh Sơn, Đồn Đạc phát triển rừng phòng hộ kết hợp với du lịch sinh thái, trồng rừng nguyên liệu (keo và sa mộc) và phát triển cây dược liệu (ba kích tím, trà hoa vàng). Vùng 3 gồm Thị trấn Ba Chẽ và xã Nam Sơn tập trung trồng cây gỗ lớn như Lát, Gổi… gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm, sinh thái gắn với Đề án phát huy giá trị bản sắc văn hóa người Dao; di tích lịch sử cấp quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà; kết hợp các điểm du lịch khác trong huyện.

Đề án khoanh vùng trồng rừng gỗ lớn tập trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 được triển khai thực hiện trên địa bàn 8 xã, thị trấn và chia thành 3 vùng.
Mục tiêu Đề án đến năm 2030 hình thành và phát triển vùng rừng trồng gỗ lớn có quy mô 5.000 ha, đến năm 2040 phấn đấu đạt quy mô 15.000 ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu; đưa tỷ lệ gỗ lớn bình quân (gỗ xẻ có đường kính ≥ 15cm) từ 10 - 20% sản lượng khai thác hiện nay lên từ 30 - 40% vào năm 2030 và trên 50% từ năm 2040 trở đi; phấn đấu nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích sản xuất lâm nghiệp. Đến năm 2030 đa dạng hóa nâng cao tỷ trọng các nguồn thu nhập từ hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên diện tích, nguồn thu từ môi trường rừng, lâm sản ngoài gỗ chiếm 20%; đến năm 2040 nguồn thu từ môi trường rừng, lâm sản ngoài gỗ chiếm 40%, dịch vụ du lịch chiếm 20%, lâm sản gỗ chiếm 40%. Nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp, tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm trong tổng cơ cấu kinh tế ngành, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến vào Đề án khoanh vùng trồng rừng gỗ lớn tập trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 tập trung vào bố cục, nội dung đề án cũng như các giải pháp tổ chức thực hiện; đặc điểm khí hậu, đất đai, địa hình; hiện trạng phát triển rừng trồng sản xuất trên địa bàn; mục tiêu của đề án; những khó khăn, vướng mắc trong phát triển trồng rừng gỗ lớn tập trung theo khoanh vùng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện ghi nhân, đánh giá cao công tác xây dựng cũng như các ý kiến đóng góp của các đại biểu vào dự thảo đề án. Sau khi huyện hoàn thành sơ bộ đề án, các xã, thị trấn cần phải nắm chắc và hiểu rõ nội dung của đề án, đồng thời xin ý kiến tham khảo của người cao tuổi, người có uy tín trên địa bàn để cung cấp cho các cơ quan chuyên môn tổng hợp hoàn thiện đề án; nghiên cứu kỹ về sự cần thiết của đề án; căn cứ pháp lý, căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn để khoanh vùng; xác định cơ cấu cây trồng theo từng vùng, từng địa phương cho phù hợp với từng loại cây trồng; các cơ quan chuyên môn tiếp thu các ý kiến tham gia tại hội nghị để tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện đề án đảm bảo đúng với mục tiêu của đề án trong thời gian sớm nhất./.
Ngọc Lợi/Trung tâm TT&VH Ba Chẽ