Các nghệ nhân then Bế Thị Chau (bên phải) và nghệ nhân Trần Thị Lường tái hiện nghi thức cầu an tại Ngày hội văn hoá dân tộc Tày huyện Ba Chẽ lần thứ nhất năm 2023.
UBND huyện xây dựng Kế hoạch số 85/KH-UBND (ngày 29/02/2024) về thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của BCH Đảng bộ tỉnh "Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững". Một số nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 17-NQ/TU được đưa vào chương trình phối hợp công tác giữa UBND huyện với Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện. Đó là các chương trình phối hợp thực hiện sâu rộng “Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh”, tham gia góp ý xây dựng các hương ước, quy ước của thôn, khu phố, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa.
UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chủ đề công tác năm 2024 đối với nhiệm vụ “Phát triển văn hoá, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, kế hoạch triển khai xây dựng, bổ sung và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện. Huyện đang thực hiện các trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn, tổ dân phố văn hoá", “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”; xây dựng dự thảo Quy chế văn hoá công sở và Quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức công vụ của CBCCVC, NLĐ.
UBND huyện đã giao Phòng Văn hóa - Thông tin huyện chủ trì xây dựng Dự thảo quy ước đối với thôn, khu phố trên địa bàn huyện đã được Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện, cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn tham gia 20 ý kiến đóng góp xây dựng; xây dựng hương ước, quy ước ở thôn khu gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh.
Tiết mục hát đối của 2 nghệ nhân người Dao huyện Ba Chẽ.
UBND huyện ban hành Quy chế văn hóa công sở, chuẩn mực đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của CBCCVBC, NLĐ làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục phổ biến, quán triệt thực hiện văn hoá công vụ và chuẩn mực giao tiếp, ứng xử. 100% các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cơ sở xây dựng, ban hành, thực hiện Bộ quy tắc ứng xử và chuẩn mực đạo đức công vụ phù hợp với đặc điểm lĩnh vực, nghề nghiệp, địa bàn công tác.
Trong xây dựng văn hoá trong cộng đồng dân cư, có 66/66 thôn, khu phố xây dựng, bổ sung và thực hiện hương ước, quy ước. Triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đầu năm 2024 có 5.572/5.636 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đạt 98,9%; 3.839/5.572 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa 3 năm liên tục, đạt 69,5%; 100% thôn, khu đăng ký xây dựng khu dân cư văn hóa; trên 90% số doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân.
Công tác tuyên truyền về hệ giá trị của tỉnh, giá trị con người Quảng Ninh được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Các lễ hội đặc sắc của đồng bào DTTS (Lễ hội đình Đồng Chức, Lễ hội đình Làng Dạ, Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội Bàn Vương, Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà) góp phần bảo tồn, quảng bá giới thiệu bản sắc văn hoá. Các đoàn nghệ nhân của huyện tích cực biểu diễn tuyên truyền phục vụ trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Quảng Ninh, Lễ hội Carnaval Hạ Long.
Trẻ em dân tộc Dao xã Đồn Đạc mặc trang phục dân tộc và chơi trò chơi dân gian sau giờ học.
Ông Vũ Thành Long, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Huyện đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ theo chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh "Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh", triển khai có hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU. Trong đó phải tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong đổi mới, sáng tạo, khát vọng xây dựng Ba Chẽ phát triển, giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Xây dựng và phát triển con người Ba Chẽ gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa hệ giá trị con người Quảng Ninh với nét đặc trưng riêng có của con người Ba Chẽ là “thân thiện, chân thành” thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, thượng tôn pháp luật, sống có trách nhiệm với xã hội có tình yêu quê hương, đất nước.
Trước mắt cần tập trung xây dựng và thực hiện văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện có hiệu quả các quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh trên môi trường mạng. Thực hiện mặc trang phục truyền thống dân tộc trong cơ quan, đơn vị, địa phương vào thứ hai đầu tuần và trường học vào thứ 2, thứ 6 hằng tuần, các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng.
Mỗi cộng đồng dân cư chủ động, thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, hương ước, quy ước gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp; xây dựng nếp sống vệ sinh, văn minh, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp./.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Chẽ Bùi Văn Lưu: "Chú trọng công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, đồng bào các dân tộc thiểu số"
|
Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, thời gian tới huyện coi bảo tồn các giá trị văn hoá trên địa bàn là nhiệm vụ hết sức quan trọng, trọng tâm. Hằng năm huyện dành nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng hoạt động các lễ hội; bảo tồn bản sắc văn hoá trên địa bàn huyện, để hoạt động văn hóa các DTTS thêm đặc sắc, phong phú, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, đồng bào các DTTS đã nhận thức rõ hơn về giá trị và ngày càng tự hào hơn bản sắc văn hoá của dân tộc mình, từ đó có trách nhiệm giữ gìn, truyền dạy cho con cháu những nét đẹp văn hoá truyền thống, từng bước khôi phục thành sản phẩm du lịch.
|
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thành Công (xã Thanh Sơn) Triệu Thị Dung: "Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá tiêu biểu của dân tộc Dao là rất cần thiết"
|
Những năm qua người có uy tín tại địa phương luôn tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động do các cấp, ngành phát động, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Các nhà văn hóa được xây dợng khang trang, môi trường nông thôn đảm bảo... Nhiều phong tục đẹp của đồng bào dân tộc một thời bị mai một dần theo thời gian, nay được phục dựng, duy trì bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa đặc sắc, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
|
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Sơn Lục Văn Bình: “Gìn giữ văn hóa truyền thống của người Sán Chay”
|
Xã chú trọng nâng cao đời sống tinh thần cho bà con; duy trì, phát triển các CLB văn hóa văn nghệ, TDTT, như CLB hát Soóng cọ, CLB bóng chuyền hơi… Xã tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay lần thứ hai với mục đích góp phần tiếp tục bảo tồn và phát huy, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa của đồng bào Sán Chay tới du khách, tạo sản phẩm du lịch mới. Xã tổ chức cho bà con tham gia một số tiết mục văn nghệ, môn thể thao dân tộc tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Ba Chẽ tổ chức tại xã Đạp Thanh. Văn hóa truyền thống của người Sán Chay ở Ba Chẽ, trong đó có dân ca, ngày càng được quan tâm hơn. Xã đã và đang cố gắng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền dạy lại cho con em dân tộc mình.
|
Anh Lý Quang Cường (thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn): "Quan tâm bảo tồn nhà truyền thống và lễ hội của người Dao"
|
Từ nhiều năm nay, người dân huyện Ba Chẽ nói chung, người Dao chúng tôi nói riêng, được các cấp lãnh đạo rất quan tâm đến đời sống và phát huy bản sắc dân tộc. Hằng năm huyện tổ chức nhiều lễ hội lớn, như: Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà tại xã Nam Sơn và nhiều lễ hội khác đều mang đậm bản sắc dân tộc. Bà con chúng tôi rất vui mừng là huyện đã xây dựng Miếu Bàn Vương và Nhà truyền thống cộng đồng tại thôn Sơn Hải. Nhân dân, du khách, trong đó có cộng đồng người Dao cả nước, quan tâm hơn, về đây ngày càng đông. Thông qua những hoạt động này, người dân hiểu sâu hơn, thấy phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. |
Huỳnh Đăng/Báo Quảng Ninh