Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ kiểm tra việc đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại Trạm Y tế xã Thanh Sơn. (Ảnh cơ sở cung cấp)
Ba Chẽ là huyện miền núi với hơn 80% số dân là người DTTS. Xác định công tác y tế dự phòng là nhiệm vụ then chốt để bảo vệ sức khỏe người dân trên địa bàn, hằng năm, bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ đã tham mưu cho huyện xây dựng kế hoạch chương trình phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng trên địa bàn; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, làm tốt công tác dự báo và phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên, bao vây và xử lý kịp thời, không để dịch lan rộng, đặc biệt đối với dịch bệnh nguy hiểm như Covid-19, cúm A (H7N9, H5N1), Zika, sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, bệnh dại, dịch bệnh phát sinh theo mùa, sau thiên tai, thảm họa, bão lũ...
Trung tâm cũng áp dụng có hiệu quả các biện pháp dự phòng, từng bước khống chế và quản lý các bệnh truyền nhiễm gây dịch một cách chủ động, hiệu quả. Tăng cường tuyên truyền về các biện pháp vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe, từng bước nâng cao kiến thức và thực hành của người dân về phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường năng lực, kỹ năng giám sát và kiểm soát dịch bệnh từ huyện đến xã, thị trấn đáp ứng kịp thời các biện pháp phòng chống dịch; chủ động xây dựng kinh phí, thuốc, hóa chất, dụng cụ, phương tiện và các trang thiết bị phòng chống dịch để ứng phó kịp thời khi dịch xảy ra.
Đội đáp ứng nhanh của trung tâm luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, thực hiện việc cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời, hạn chế tối đa biến chứng nặng, tử vong do dịch.
Nhân viên Trạm Y tế xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ) tuyên truyền cho nhân dân về phòng chống bệnh sốt xuất huyết. (Ảnh cơ sở cung cấp)
Với phương châm lấy xã, thị trấn làm pháo đài, người dân làm chiến sĩ trong phòng chống dịch bệnh, trung tâm đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các trạm y tế thường xuyên chủ động giám sát tình hình dịch bệnh tại các thôn, khu trên địa bàn, kịp thời phát hiện ca mắc mới bệnh dịch; thực hiện công tác báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT và Quyết định 2018/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Thường xuyên trao đổi, tiếp nhận các dấu hiệu cảnh báo những ca bệnh nghi từ cộng đồng, y tế trường học, y tế thôn bản, trạm y tế; chủ động phối hợp với các trạm y tế thực hiện giám sát véc tơ truyền bệnh, thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường và phun hóa chất chủ động tại những nơi có nguy cơ cao, như vùng nhiều năm liên tục có ca bệnh và có chỉ số mật độ muỗi cao ≥0,5 con/nhà, hoặc chỉ số bọ gậy BI ≥20.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ còn thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân, nhất là nhân dân vùng cao, vùng DTTS về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Hiện nay, tỷ lệ hộ dân trên địa bàn sử dụng nhà tiêu đạt 98%, sử dụng nước sạch đạt 63%.
Trung tâm đã xây dựng kế hoạch tiêm chủng hằng tháng, tổ chức truyền thông trước, trong ngày tiêm chủng, truyền thông cách phòng các bệnh truyền nhiễm trong tiêm chủng. Những tháng đầu năm 2024, do tình trạng thiếu vắc xin nên tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt tỷ lệ thấp, tuy nhiên đến hết tháng 8, sau khi được cung ứng vắc xin trở lại, số trẻ tiêm chủng đầy đủ đã tăng lên, một số chỉ tiêu cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Không chỉ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, trung tâm còn làm tốt nhiệm vụ quản lý và phòng bệnh không lây nhiễm, thông qua dự phòng các yếu tố nguy cơ, như: Tổ chức khám sàng lọc cho người dân từ 40 tuổi trở lên để phát hiện sớm, quản lý, điều trị cho người mắc bệnh không lây nhiễm (bệnh ung thư, tiểu đường, tâm thần...).
Bác sĩ CKII Đoàn Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ cho biết: Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả sau khi bão số 3 đổ bộ vào tỉnh, cùng với tập trung khắc phục hậu quả do bão gây ra, lãnh đạo trung tâm đã kịp thời chỉ đạo bộ phận chuyên môn rà soát toàn bộ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị và các vật tư phục vụ phòng chống dịch bệnh; sẵn sàng cơ động khi có tình huống khẩn cấp xảy ra; đồng thời kiểm tra, đôn đốc các trạm y tế triển khai công tác vệ sinh môi trường tại trạm, hướng dẫn nhân dân làm vệ sinh và xử lý các nguồn nước cho ăn uống, sinh hoạt, để đảm bảo có nước sạch sử dụng; hướng dẫn các trường học tăng cường bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh khi học sinh quay trở lại trường./.