Ba Chẽ chú trọng công tác PCCC rừng sau bão số 3

08/11/2024 11:00

Bão số 3 đổ bộ vào địa bàn huyện hồi đầu tháng 9 đã làm thiệt hại hơn 18.000 ha cây lâm nghiệp, chủ yếu là cây Keo từ 2 - 6 năm tuổi. Cơn bão đi qua để lại nhiều cây cối bị gãy đổ, lá khô, cành cây rụng, tạo ra thảm chất nhiều tinh dầu cùng với thời tiết hanh kho dễ xảy ra bắt cháy; do vậy công tác PCCC rừng sau bão đã được Cấp ủy chính quyền huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng.

Lực lượng Kiểm lâm huyện thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát, cắm biển cảnh báo phòng, chống cháy rừng sau bão.

Huyện đã tích cực chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động khai thác tận thu, tận dụng gỗ rừng trồng bị gẫy, đổ; phát dọn xử lý đốt thực bì để trồng lại rừng. Xuất phát từ các hoạt động trên, nên xác định việc xử lý thực bì để trồng rừng luôn tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây ra cháy rừng; khi xảy ra cháy rừng, không chỉ ảnh hưởng nặng nề về kinh tế mà còn tác động đến môi trường sinh thái và các đối tượng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Để thực hiện tốt công tác PCCC rừng sau bão, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn huyện, UBND các xã, thị trấn khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống cháy rừng chi tiết, cụ thể đối toàn bộ diện tích rừng bị thiệt hại, nhằm mục tiêu khoanh vùng và kịp thời thực hiện các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, phòng, chống cháy rừng; hạn chế thấp nhất các vụ, mức độ cháy rừng; giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản của nhà nước, người dân và tài nguyên rừng; tiếp tục nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ rừng của hệ thống chính trị; chủ động, sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị công cụ, phương tiện phòng chống cháy rừng, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, an toàn trong phòng chống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của huyện, Hạt Kiểm lâm huyện đã tích cực phối hợp, chủ trì xây dựng phương án, phân cấp, phân vùng nguy cơ cháy rừng đối với toàn bộ diện tích rừng bị thiệt hại sau bão số 3. Cụ thể, xác định có hơn 10.000ha cây bị gẫy đổ thiệt hại trên 70%, nằm trong diện nguy cơ cháy rất cao (cấp III); hơn 5.000 ha rừng bị thiệt hại từ 30 -70% nằm trong diện có nguy cơ cháy cao (Cấp II); trong đó các xã Đồn Đạc, Nam Sơn, Thanh Sơn, Thanh Lâm, Đạp Thanh có nhiều diện tích, nằm trong diện nguy cơ cháy rất cao (cấp III).

Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm huyện cũng tích cực phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân xử lý thực bì, phòng cháy, chữa cháy rừng; rà soát, bố trí, bổ sung lực lượng xung kích, tổ, đội; bảo dưỡng các thiết bị máy bơm, cưa xăng, máy cắt thực bì của  đơn vị; kiểm tra phương tiện, thiết bị của các tổ chức, doanh nghiệp, chủ rừng….chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các phương tiện, công cụ phục vụ công tác PCCC rừng.

Lực lượng Kiểm lâm tăng cường kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng sau bão số 3.

Xác định nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên, liên tục, các lực lượng chức năng đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động toàn dân nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định về  quản lý bảo vệ rừng và PCCC rừng; thực hiện hiệu quả quy ước, hương ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư; thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”; nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa và chữa cháy kịp thời có hiệu quả khi có cháy rừng xảy ra. Các doanh nghiệp, HTX, chủ rừng và nhân dân cần chủ động các biện pháp, trang bị phòng cháy, đặc biệt quan tâm công tác xử lý thực bì, tuân thủ pháp luật QLBVR - PCCCR để bảo vệ an toàn tài sản và tài nguyên rừng.

Khi đốt nương, đốt thực bì để chuẩn bị hiện trường trồng rừng, người dân và chủ rừng phải chú ý:

1. Thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng. Việc xử lý thực bì để trồng rừng phải thực hiện đúng quy định, khi phát thực bì xong ở những khu vực liền kề rừng phải làm băng cản lửa; thu dọn thực bì làm giảm vật liệu cháy trước khi đốt để phòng tránh cháy lan vào rừng, khi đốt cần chuẩn bị nhân lực và đốt có kiểm soát. 

2. Không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng cao; đặc biệt lưu ý, cẩn thận trong những ngày hanh khô. Trong ngày, tiến hành đốt lúc gió nhẹ, vào trước 9 giờ buổi sáng và sau 16 giờ buổi chiều. 

3. Trước khi đốt phải thông báo cho trưởng thôn, bản, tổ đội PCCCR; trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa. 

4. Khi xảy ra cháy rừng phải kịp thời chữa cháy rừng và thông báo ngay cho Trưởng thôn để huy động lực lượng chữa cháy tại chỗ, đồng thời thông báo cho UBND biết để chỉ đạo chữa cháy rừng kịp thời…

 

Bình Minh/Trung tâm TT&VH Ba Chẽ


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 149
Đã truy cập: 8785549