Phát triển rừng gỗ lớn ở Ba Chẽ

25/08/2019 08:30

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn huyện Ba Chẽ hiện có 56.691,2ha, chiếm 93,47% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Giai đoạn 2014-2018, Ba Chẽ đã trồng mới được trên 17.000ha rừng. Tuy diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng sản xuất có tăng qua từng năm nhưng chủ yếu vẫn là phương thức trồng kinh doanh rừng gỗ nhỏ với chu kỳ từ 5-7 năm theo hình thức quảng canh để làm nguyên liệu giấy và dăm gỗ.

 

Cán bộ Công ty CP Phát triển rừng bền vững (xã Thanh Sơn) chăm sóc vườn ươm cây dổi phục vụ Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn huyện Ba Chẽ giai đoạn 2019-2025.

Ba Chẽ tập trung trồng một số loài cây như: Keo tai tượng, thông, sa mộc và quế. Đây là những loại cây được đánh giá là phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Tuy nhiên, do một số hạn chế, thiếu sót về giống, kỹ thuật, phương thức trồng, chăm sóc và bảo vệ, nên diện tích rừng trồng của huyện chưa đạt được chất lượng tối đa. Không chỉ vậy, sự phát triển kinh tế rừng của địa phương cũng đang thiếu tính bền vững, chưa kết hợp được lợi ích kinh tế với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là trong công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, điều tiết nguồn nước giữa 2 mùa mưa - khô... 

Trước thực trạng đó, từ năm 2018, huyện Ba Chẽ bắt tay vào xây dựng Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn huyện giai đoạn 2019-2025. Theo Đề án, Ba Chẽ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000ha. Trong đó, huyện sẽ trồng mới và trồng sau khai thác trên diện tích 4.260ha, gồm các loài cây: Thông mã vĩ, thông nhựa, sa mộc, lim, lát, dổi... Ưu tiên trồng trên diện tích đất lâm nghiệp thuộc lưu vực các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện để cải thiện nguồn sinh thủy, điều tiết nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất; giao chỉ tiêu trồng mới 400ha rừng gỗ lớn cho các xã, thị trấn và các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được thuê đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Đồng thời, phát triển thêm 50ha cây phân tán với các loài cây bản địa như: lim xanh, lát hoa, dổi...; chuyển hóa 660ha rừng trồng gỗ nhỏ (keo tai tượng) sang rừng gỗ lớn; xây dựng 30ha mô hình trình diễn trồng rừng gỗ lớn kết hợp trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; và trồng 150ha rừng phòng hộ. 

Từ các giải pháp trên, huyện phấn đấu đưa năng suất bình quân rừng trồng gỗ lớn đạt 20m3/ha/năm (với cây sinh trưởng nhanh) và 10m3/ha/năm (với cây sinh trưởng chậm); tỷ lệ gỗ lớn bình quân (gỗ xẻ có đường kính ≥ 15cm) từ 30-40% sản lượng khai thác hiện nay lên 50-60% vào năm 2020 và trên 60% từ năm 2020 trở đi.

 

Công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ thu hoạch rừng keo.

Tính đến hết tháng 6/2019, toàn huyện đã có 86ha rừng gỗ lớn được trồng mới, gồm: 30,1ha thông; 4,9ha dổi và hơn 50ha cây keo, bạch đàn có cam kết khai thác ở tuổi 8. Nguồn vốn được sử dụng để trồng mới rừng gỗ lớn được huy động từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn sự nghiệp nông, lâm nghiệp của huyện; đồng thời huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và sự hỗ trợ của Công ty CP Thông Quảng Ninh. Toàn huyện cũng đã trồng được 5.953 cây trồng phân tán (tương đương 5,95ha); trồng rừng thay thế trên diện tích đất rừng phòng hộ đạt 13/69,8ha theo kế hoạch năm 2019...

Bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Ba Chẽ đặt mục tiêu phát triển rừng gỗ lớn, tuy nhiên hiện địa phương vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức cho người dân, doanh nghiệp; việc quản lý quy hoạch; các giải pháp về giống, khoa học kỹ thuật, khuyến lâm; công nghiệp chế biến, thị trường và đầu ra; cơ chế, chính sách và huy động vốn...

Để Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn huyện giai đoạn 2019-2025 được triển khai thực hiện tốt, trước mắt, Ba Chẽ sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về mục đích, ý nghĩa, lợi ích kinh tế của trồng rừng gỗ lớn và các cơ chế chính sách khi tham gia thực hiện Đề án. Đồng thời, tích cực tìm kiếm, phát triển hệ thống các đơn vị cung cấp, phân phối giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng; giải ngân kịp thời kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện trồng rừng theo đúng định mức, đúng đối tượng, đúng thời gian quy định...

Minh Hà/Báo Quảng Ninh


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1287
Đã truy cập: 5867655