Bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt cho người dân:

Ba Chẽ: “Phủ sóng” mạng lưới nước sinh hoạt hợp vệ sinh

29/09/2019 09:00

Linh hoạt các nguồn lực đầu tư, có phương án quản lý tốt sau đầu tư... là cách làm mà Ba Chẽ thực hiện để khắc phục khó khăn về nguồn cung nước, đưa nước sinh hoạt hợp vệ sinh về với bà con ở những thôn, bản khó khăn.

Linh hoạt các nguồn lực đầu tư

Là huyện miền núi, Ba Chẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cấp nước sinh hoạt cho bà con các dân tộc. Ba Chẽ có địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi cao và các con sông, suối tạo thành những thung lũng nhỏ hẹp, dân cư sống không tập trung, rải rác. Việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại một số thôn trên địa bàn một số xã gặp nhiều khó khăn.

Trước đây, để có nước ăn đảm bảo vệ sinh, người dân tại các xã, thôn, bản phải vất vả băng rừng, vượt đồi lấy nước về sử dụng hoặc sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. Một số hộ gia đình có điều kiện thì đào giếng, thậm chí 3-4 hộ chung nhau đào giếng sâu trên 10-20m, nhưng mùa khô, nước dùng không thường xuyên, chất lượng nước không đảm bảo.

Người dân thôn Khe Tâm, xã Nam Sơn, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt. Ảnh: Thùy Loan (Trung tâm TT-VH Ba Chẽ)

Để giải quyết vấn đề này, huyện đã sử dụng các nguồn lực đầu tư các công trình nước sinh hoạt, tăng cường hiệu quả quản lý... để đảm bảo nước sinh hoạt, góp phần cải thiện đời sống đồng bào, đặc biệt là vùng sâu, xa... Đối với các khu vực dân sống tập trung, Ba Chẽ tiến hành đầu tư các công trình nước sinh hoạt tự chảy bắt từ nguồn các khe suối. Đây là các công trình được khảo sát cẩn thận, xây dựng gồm các đập dâng, hệ thống bể chứa và lọc, đường ống dẫn nước vào các hộ dân, kéo từ điểm cao, tạo đủ áp lực để cung cấp cho các thôn, khu, bản tập trung dân cư.

Với đặc thù nhiều thôn, khu, khe bản cách trở về địa lý, bị chia cắt hoặc dân cư không tập trung, không thể đưa nước tới, Ba Chẽ vận dụng chương trình theo Quyết định 2085/QĐ-TTg (ngày 31/10/2016) của Thủ tướng Chính phủ, triển khai hỗ trợ ống dẫn, téc nước, trị giá 2 triệu đồng/1 hộ để bà con đưa nước về sử dụng. Chính sách này cũng được áp dụng cho các hộ dân cách xa điểm dân cư tập trung hoặc sống xa công trình nước tập trung...

Với cách làm này, tính đến nay trên toàn huyện đã có 307 hộ được hỗ trợ téc, dây dẫn... Trên toàn huyện đã có 54 công trình được xây dựng, chủ yếu là công trình nước tự chảy, có quy mô nhỏ. Đa phần được xây dựng từ 2010 trở lại đây. Nhờ đó, hiện diện "phủ sóng" mạng lưới nước sinh hoạt, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ngày càng tăng nhanh, từ 74% (năm 2010) tăng lên 92% (năm 2018) và cho tới thời điểm này đạt trên 95%.

 

Phát huy hiệu quả sử dụng

Qua khảo sát thực tế, do đặc thù của huyện, hầu hết các công trình nước sinh hoạt tập trung ở Ba Chẽ đều được xây dựng ở những địa bàn, khu vực khó khăn nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác kiểm tra, quản lý, khai thác sử dụng. Hơn nữa, một số địa bàn bà con vẫn có thói quen chăn thả trâu, bò, canh tác nông nghiệp... làm ảnh hưởng tới nước đầu nguồn.

Thời gian qua, đặc biệt năm 2017-2018 do ảnh hưởng của mưa lũ, một số công trình đã bị đất, đá bồi lấp ở hạng mục đập dâng; hệ thống đường ống cũng bị ảnh hưởng (như bị đứt gẫy, trôi ống…). Tất cả các yếu tố trên đều ảnh hưởng tới nguồn cung, chất lượng nước sinh hoạt đặc biệt vào mùa khô. Vì thế, tăng cường các giải pháp đặc biệt là các giải pháp quản lý là một trong những vấn đề mà địa phương đã và đang quan tâm tập trung thực hiện.

Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ kiểm tra công trình nước sinh hoạt ở xã Lương Mông.

Đơn cử, công trình nước sinh hoạt thôn Loỏng Toỏng (xã Thanh Sơn) được đầu tư và đưa vào sử dụng năm 2012. Do quản lý chưa hiệu quả dẫn tới hư hỏng, thất thoát. Theo đó, từ năm 2017 đến nay việc quản lý công trình được chấn chỉnh, giao rõ trách nhiệm cho xã, thôn quản lý theo mô hình cộng đồng, có quy chế quản lý vận hành rõ ràng, duy tu bảo dưỡng thường xuyên, giúp việc cung cấp nước ổn định cho người dân trong thôn.

Hiện nay toàn bộ các công trình trên địa bàn đều ban hành quy chế quản lý, vận hành theo mô hình cụ thể. Theo thống kê hiện tất cả 54 công trình trên địa bàn đã định hình và duy trì mô hình tổ quản lý hoạt động phù hợp với vai trò và sự tham gia chủ động của người dân địa phương; sự chỉ đạo và trách nhiệm xuyên suốt của UBND xã... Đáng chú ý, hiện có 18 công trình đã được người dân bàn bạc, thống nhất thu tiền sử dụng nước qua công tơ với mức phí từ 700 - 2.000 đồng/số hoặc 10.000 đồng/tháng (như ở Bắc Văn, Thanh Sơn). Số tiền này được sử dụng là phí quản lý, duy tu, bảo dưỡng sửa chữa nhỏ. Khi xuống cấp hoặc hỏng hóc lớn, sẽ được báo cáo lên huyện bố trí kinh phí sửa chữa...

Để giải quyết vấn đề phụ thuộc nguồn nước tự nhiên vào mùa khô, huyện chỉ đạo nếu đầu nguồn các công trình thủy lợi là rừng sản xuất của người dân thì sẽ thu hồi làm rừng đầu nguồn và phân cho người dân khu rừng khác để sản xuất; tăng cường trồng rừng để giữ nguồn sinh thủy, giữ nước đầu nguồn đảm bảo ổn định lâu dài. Hàng năm chỉ đạo, hướng dẫn các xã sử dụng, lồng ghép các nguồn vốn 135, nông thôn mới, hỗ trợ thủy lợi phí, đất lúa... để duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt.

Về lâu dài, huyện đã đầu tư một số công trình lớn nhằm giải quyết triệt để vấn đề. Cụ thể, năm 2018 huyện đã hoàn thiện đầu tư và đưa vào hoạt động hồ chứa nước Khe Mười (xã Đồn Đạc) với dung tích trên 550.000m3. Đây là hồ chứa nước lớn nhất trên địa bàn huyện hiện nay, đảm bảo cung ứng nước phục vụ sinh hoạt cho 1.500 hộ dân tại một số thôn ở xã Đồn Đạc và Nam Sơn; cung cấp nước cho Cụm công nghiệp Nam Sơn với công suất 1.022m3/ngày đêm... Được biết, thời gian tới huyện Ba Chẽ cũng sẽ triển khai xây dựng hồ chứa nước Khe Lừa (xã Lương Mông) trên quy mô lớn. Đây là những công trình trọng điểm phục vụ cho việc nâng cao hiệu quả cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện.

Những giải pháp trên đã đáp ứng tốt việc kết nối đưa nguồn nước hợp vệ sinh đến nhiều thôn, xã vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Qua đó cải thiện chất lượng cuộc sống, sức khỏe cho người dân vùng nông thôn.

Tuy nhiên theo ghi nhận, thì hiện nhiều công trình nước sinh hoạt ở Ba Chẽ đã được đầu tư từ những năm 2007-2010 như: Công trình ở Khe Lào, Khe Tính (Thanh Lâm), Khe Lừa (Lương Mông)... Cá biệt công trình ở Khe Luộc, Làng Lốc (Thanh Lâm) đưa vào sử dụng được trên 20 năm, nay đã xuống cấp. Chính vì thế, ngoài việc quản lý tốt, thì rất cần nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước để tu sửa, bảo dưỡng công trình, đảm bảo cấp đủ nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho bà con./.

Hà Phong/Báo Quảng Ninh


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 780
Đã truy cập: 5830661