Bảo vệ môi trường - cách làm tại trung tâm dịch vụ thương mại

03/11/2022 15:56

Huyện Cô Tô đang là điểm sáng trong việc thực hiện phòng chống rác thải nhựa với nhiều mô hình, phong trào được nhiều tầng lớp Nhân dân tham gia hưởng ứng. Đề án “Huyện Cô Tô nói không với rác thải nhựa” được triển khai quyết liệt đến từng cơ quan, đơn vị, từng tổ khu phố, thôn xóm đến các hộ gia đình. Bằng những việc làm cụ thể, Ban Quản lý Dịch vụ công ích huyện Cô Tô đã triển khai thực hiện Đề án bảo vệ môi trường của huyện với nhiều kết quả tích cực.

Tiểu thương Trung tâm Dịch vụ Thương mại huyện Cô Tô chung tay bảo vệ môi trường

Trung tâm Dịch vụ Thương mại huyện Cô Tô là đầu mối giao thương buôn bán tại huyện, Trung tâm hiện có 105 gian hàng, trong đó có 94 gian hàng kinh doanh thường xuyên. Lượng tiêu thụ túi nilon và lượng rác thải nhựa phát sinh tại Trung tâm dịch dịch vụ thương mại trong ngày tương đối lớn. Thực hiện Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” gắn với tuyên truyền, vận động khách du lịch không mang túi nilon, đồ nhựa dùng một lần khi ra tham quan du lịch tại Cô Tô, Ban Quản lý Dịch vụ công ích đã phối hợp với MTTQ, các Tổ chức Chính trị xã hội huyện tổ chức kiểm đếm và thu gom toàn bộ số lượng túi nilon tồn đọng tại Trung tâm dịch vụ thương mại Cô Tô với số lượng 2,9 tấn.

Trong đợt thu gom túi nilon tại Chợ Cô Tô, hộ kinh doanh tạp hóa của bà Hoàng Thị Mai đã thực hiện giao 557 kg túi nilon có sẵn tại kiot. Cửa hàng kinh doanh và chuyển sang sử dụng túi sinh thái. Bà Mai là hộ kinh doanh có số lượng túi nilon thu gom lớn nhất tại Trung tâm dịch vụ thương mại, bà Mai cho biết: “Cửa hàng tôi chuyên bán lẻ túi nilon cho các tiểu thương trong chợ, hơn 5 tạ túi nilon tồn đọng cũ với tổng giá tiền hơn 22 triệu đồng, đây là số tiền tương đối lớn đối với tiểu thương. Nhưng vì chủ trương của huyện, vì lợi ích của Nhân dân trên đảo về lâu dài nên tôi đã đồng thuận để kiểm đến toàn bộ số túi nilon trên giao lại Ban Quản lý dịch vụ công ích giúp tìm đầu ra tránh thiệt thòi cho tiểu thương”.  

 Ủng hộ với chủ trương bảo vệ môi trường của huyện, bà Khuê thực hiện sử dụng túi sinh thái khi bán hàng

Cửa hàng kinh doanh thịt lợn của bà Phạm Thị Khuê một ngày tiêu thụ khoảng gần 0,5kg túi nilon. Hiểu rõ tác hại của túi nilon đối với sức khỏe con người, bà đã sử dụng túi thân thiện với môi trường từ hơn hai năm nay để đựng đồ cho khách hàng,  khi Đề án được triển khai và tuyên truyền vận động đến từng tiểu thương, bà Khuê rất ủng hộ với chủ trương bảo vệ môi trường của huyện. Bà Khuê cho biết: “Tôi thấy việc hạn chế sử dụng túi nilon là việc làm rất tốt cho môi trường, đặc biệt là môi trường biển của chúng ta. Hy vọng mỗi người dân trên huyện đảo đều có ý thức thay đổi thói quen sử dụng túi nilon bằng túi sinh thái, để môi trường không bị ô nhiễm, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện tại các hộ kinh doanh tại Trung tâm dịch vụ thương mại đã sử dụng túi sinh thái rất nhiều, mong rằng việc làm đó sẽ được duy trì”.

Hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường của huyện, bên cạnh sự phối hợp tích cực của các tiểu thương trong việc chuyển đổi sang sử dụng túi sinh thái, người dân đi chợ đã chủ động mang theo các loại làn cói, làn mây, túi thân thiện với môi trường… thay cho túi nilon. Thời gian đầu triển khai Đề án “Huyện Cô Tô nói không với rác thải nhựa” việc hạn chế sử dụng túi nilon hay các vật dụng bằng nhựa không cần thiết  lúc đầu đã khiến các tiểu thương và người tiêu dùng huyện đảo cũng gặp khá nhiều bất tiện do giá thành túi sinh thái cao hơn, do thói quen sinh hoạt được hình thành từ lâu nhưng hiểu được tác dụng và ý nghĩa của việc sử dụng túi sinh thái đã giúp tiểu thương cũng như người dân thích nghi được với lối sống lành mạnh, có lợi cho sức khỏe. Chị Nguyễn Thị Huyền – khu 4 thị trấn Cô Tô cho biết: “Trước đây mỗi lần đi chợ tôi luôn sử dụng túi nilon đựng đồ, vì tiện dụng và vì túi nilon loại to dai hơn và đựng được nhiều đồ hơn. Hiện nay cả huyện cùng chung tay thực hiện hạn chế sử dụng túi nilon nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bản thân tôi cũng thay đổi thói quen hàng ngày của mình, đi chợ sử dụng làn và dùng túi sinh thái, kết hợp với phân loại rác thải tại nhà”.

Chị Lê Thị Huệ là một trong những tiểu thương tích cực sử dụng túi sinh thái thay thế túi nilon 

Ông Phạm Công Quý – Phó Trưởng Ban quản lý Dịch vụ Công ích cho biết: Kể từ khi thực hiện Đề án 175, Ban Quản lý dịch vụ công ích đã chủ động tuyên truyền, vận động trên hệ thống truyền thanh của đơn vị, vận động các tiểu thương ký cam kết, phân loại rác thải tại nguồn, chủ động không nhập thêm túi nilon không thân thiện, đặc biệt là đến ngày 31.10.2022, đơn vị phối hợp với MTTQ – Các Tổ chức Chính trị Xã hội của huyện tổ chức thu gom toàn bộ số lượng túi nilon tại Trung tâm dịch vụ thương mại với tổng số 2,9 tấn. Để tiếp tục phát huy hiệu quả đã đạt được, đơn vị tôi hàng ngày tăng cường kiểm tra, giám sát các tiểu thương trong việc sử dụng túi nilon, qua kiểm tra, giám sát hàng ngày, hầu như tất cả tiểu thương đã chấp hành nghiêm việc sử dụng túi thân thiện, điều đáng vui mừng hơn là nhiều hộ trước đây kinh doanh túi nilon thì nay đã chuyển sang kinh doanh túi thân thiện.

Hạn chế sử dụng túi nilon góp phần bảo vệ môi trường sống sạch đẹp

Với vai trò là trung tâm đầu mối giao thương hàng hóa trên địa bàn huyện, cũng là đơn vị nòng cốt trong thực hiện phong trào thực hiện Đề án “Huyện Cô Tô không có rác thải nhựa”, tiểu thương Trung tâm Dịch vụ Thương mại huyện Cô Tô đang tích cực chung tay thực hiện Đề án 175 của Ban Thường vụ Huyện ủy, lan tỏa phong trào hạn chế sử dụng đồ nhựa trong sinh hoạt và giảm rác thải nhựa ra môi trường.

Thu Báu - Thu Cúc (Trung tâm TT&VH)


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 470
Đã truy cập: 7620222