Nhiệm kỳ 2018 – 2023, Hội Nông dân thị trấn có tổng số 332 hội viên tham gia tổ chức hội, sinh hoạt tại 4 chi hội và 03 tổ hội nghề nghiệp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả 4/4 chi hội được công nhận là chi hội vững mạnh, 4/4 chi hội đều duy trì xây dựng quỹ có từ 3 – 5 triệu đồng/năm.

Huyện Cô Tô ngày càng phát triển về mọi mặt
Ngoài xây dựng và phát triển tổ chức hội ngày càng vững mạnh, Hội Nông dân thị trấn còn tích cực vận động hội viên tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức, qua đó giúp hội viên nông dân vươn lên trong cuộc sống. Hàng năm, Hội Nông dân thị trấn đã phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu bền vững” coi đó là phong trào trọng tâm, xuyên suốt, được đông đảo hội viên nông dân đồng tình hưởng ứng, qua đó xuất hiện nhiều gương tập thể, cá nhân điển hình và mô hình mới, trong đó có mô hình kinh tế kết hợp du lịch. Từ các nguồn vốn, nhiều hội viên đầu tư phát triển các mô hình kinh tế phù hợp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đời sống hội viên từng bước được cải thiện.
Anh Nguyễn Anh Đức, Hội viên Hội Nông dân khu 4, thị trấn Cô Tô cho biết: “Thông qua tham gia tổ chức Hội đã tạo điều kiện, giúp đỡ về định hướng việc làm, chính sách ưu đãi giúp hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình”.
Để phong trào thi đua làm kinh tế thu hút nhiều hội viên tham gia, tạo sức lan tỏa sâu rộng, ngoài việc tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, Hội cũng đã tăng cường xây dựng, nâng cao vai trò của Hội viên nông dân trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn, Hội đã thành lập 03 Tổ hội Nông dân nghề nghiệp gồm “Tổ hội nông nghiệp xóm Cầu Mị”, “Tổ hội nông nghiệp tự quản khu I”, “Tổ hội nông nghiệp khu II” tại chi hội Nông dân chi hội I, chi hội II và chi hội IV với tổng số trên 45 hội viên tham gia, các mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Bà Phạm Thị Xanh, Tổ trưởng Tổ hội nông nghiệp khu 4, thị trấn Cô Tô cho biết: “Từ khi tham gia tổ hội nông nghiệp, nông dân chúng tôi được cùng nhau trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các hộ khác, qua đó, năng suất cây trồng, vật nuôi được cải thiện, nâng cao thu nhập, đời sống bà con cũng phát triển hơn”.

Các Tổ hội Nông nghiệp trên địa bàn thị trấn cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nuôi trồng
Thời gian tới, các cấp hội tập trung vận động hội viên tích cực tham gia vào các hoạt động giúp phát triển kinh tế; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả cho hội viên nông dân; tập trung vận động hội viên đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả kinh tế cao; phối hợp với các ngành chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn vay… Qua đó, giúp hội viên nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống, đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của Hội trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, xứng đáng là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân thị trấn còn đẩy mạnh việc xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân, chủ động xây dựng các mô hình, dự án để các hội viên vay vốn đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập. Hội phối hợp với Ngân hàng chính sách và xã hội huyện nhận tín chấp và uỷ thác tổng số 13,7 tỷ đồng cho 112 lượt hộ vay đầu tư phát triển sản xuất (số vốn vay tăng gấp 2 lần so với nhiệm kỳ trước); đặc biệt trong nhiệm kỳ qua Hội đã phối hợp triển khai Quỹ hỗ trợ nông dân, trong đó, năm 2022 đã giải ngân cho 04 mô hình sản xuất hộ gia đình với số tiền là 400 triệu đồng. Đến nay hội tiếp tục lập dự án đề nghị cho 10 hộ có nhu cầu vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân năm 2023.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nga vay vốn để đầu tư mua máy móc hiện đại phục vụ nông nghiệp
Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Nga, khu 1 thị trấn Cô Tô đã vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua tín chấp của Hội Nông dân để đầu tư mua máy cày kết hợp máy lồng phục vụ việc sản xuất nông nghiệp cho gia đình và bà con nhân dân cho kịp thời vụ, đồng thời, từ khi có máy móc hiện đại, nhiều diện tích ruộng bỏ hoang được bà con đưa vào sử dụng, hạn chế việc để hoang hóa diện tích đất nông nghiệp. Chị Nga cho biết: “Những năm trước, do không có máy móc để làm đất nên bà con nhân dân trong khu không kịp cấy lúa, toàn bộ mạ đã gieo đều phải bỏ đi hết, đất ruộng bỏ hoang khá nhiều nên năm nay gia đình tôi quyết định vay vốn đầu tư mua máy móc vừa phục vụ gia đình, vừa tranh thủ phục vụ bà con nhân dân. Năm trước gia đình tôi mượn 3 sào ruộng của người nhà để cấy thì năm nay nhà tôi tận dụng cày lại hết ruộng bỏ hoang của bà con để cấy lúa. Nhờ có máy móc hiện đại, bà con trong khu cấy trồng kịp thời vụ, hầu như không còn diện tích ruộng bị bỏ hoang”.

Nhờ có máy móc hiện đại, nhiều diện tích đất nông nghiệp tiếp tục được đưa vào sử dụng, hạn chế được tình trạng bỏ hoang
Cùng với việc vận động hội viên thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Đặc biệt, Hội đã vận động hướng dẫn cho 04 hộ tham gia cơ sở sản xuất các mặt hàng OCOP của địa phương, đến nay đã có 02 sản phẩm đạt 4 sao, 8 sản phẩm đạt 3 sao. Đây là một trong mặt hàng OCOP và tham gia Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Tính riêng trong năm 2022, có tổng số 121 hộ đạt danh hiệu Nông dân SXKDG các cấp, tăng 11 hộ so với năm 2020 (110 hộ), trong đó có 21 hội đạt Nông dân SXKDG cấp tỉnh, 43 hộ đạt cấp huyện và 57 hộ đạt cấp thị trấn, đến nay trên địa bàn thị trấn không có hộ nghèo, số hộ cận nghèo giảm.

Sản phẩm OCOP mực khô Cô Tô được người dân lựa chọn tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022. Ảnh: Minh Đức
Bên cạnh giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, công tác xây dựng đô thị văn minh, sáng - xanh - sạch - đẹp luôn được hội viên nông dân nhiệt tình ủng hộ, các ngõ xóm được bà con thắp sáng, vệ sinh môi trường luôn được chú trọng. Hàng tháng, Hội cùng phối hợp với các ban ngành địa phương để hưởng ứng “Ngày chủ nhật xanh”, đặc biệt năm 2022, tổ chức hội đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội thị trấn làm công tác tuyên truyền vận động tới từ hộ gia đình, từng du khách về thực hiện Đề án “Huyện Cô Tô không rác thải nhựa”, hạn chế không sử dụng túi nilon và phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời tích cực tuyên truyền vận động hội viên nông dân thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động hàng năm đạt trên 90% gia đình văn hóa và xây dựng khu phố văn hóa.

Hội viên Hội nông dân luôn tích cực tham gia và thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường
Ông Nguyễn Đăng Lương, Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Cô Tô cho biết: “Thời gian tới, Hội nông dân thị trấn tập trung vận động hội viên trong các chi hội tích cực tham gia vào các hoạt động giúp phát triển kinh tế; tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả cho hội viên nông dân; tập trung vận động hội viên đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả kinh tế cao; phối hợp với các ngành chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn vay… Qua đó, giúp hội viên nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống, đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của Hội trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, xứng đáng là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn”.
Nhiệm kỳ 2023 – 2028, với chủ đề “Thể hiện ý chí, khát vọng, đổi mới, sáng tạo, hội nhập, quyết tâm vượt khó vươn lên của các cấp Hội và Hội viên Nông dân”, Hội Nông dân thị trấn Cô Tô quyết tâm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, xứng đáng là nòng cốt cho phong trào Nông dân và công cuộc xây dựng đô thị thông minh, sáng - xanh - sạch - đẹp, đẩy nhanh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế góp phần xây dựng thị trấn Cô Tô ngày càng đổi mới và phát triển bền vững./.