Trong mấy ngày gần đây, huyện Cô Tô bị ảnh hưởng bởi gió mùa Tây Nam, ngày 6/8 vừa qua, khu vực bãi biển Tình yêu xuất hiện lượng lớn phao xốp trôi dạt vào phủ trắng hơn 7km đường bờ biển. Ngay sau đó, huyện Cô Tô đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị, các lực lượng chức năng với sự tham gia của đông đảo nhân dân trên toàn địa bàn, toàn bộ 7km ngập tràn phao xốp được dọn dẹp, trả lại cảnh quan vốn có của tự nhiên. Để làm sạch toàn bộ đường bờ biển, huyện Cô Tô đã huy động xe tải, xe chở rác cùng sự tham gia chủ động, tích cực từ cán bộ, nhân dân khẩn trương, thu gom, xử lý phao xốp, vật liệu nổi tràn vào bãi biển.

Hàng chục tấn rác thải từ khắp các nơi đổ về khiến cán bộ, nhân dân huyện Cô Tô phải rất nỗ lực trong công tác thu gom, xử lý rác thải
Chỉ sau đó 1 ngày, khu vực bãi biển trên lại tiếp tục hứng chịu một lượng lớn rác thải sinh hoạt khác từ khắp các nơi đổ về, chính quyền, người dân, công nhân vệ sinh môi trường lại tiếp tục với công việc thu gom rác thải tại bãi biển. Lượng rác đại dương trôi dạt theo gió về đây lên đến hàng tấn khiến cho việc thu gom, xử lý gặp nhiều khó khăn. Công nhân phải tăng ca liên tục, vừa thực hiện thu gom rác thải từ trên bờ, vừa phải thu gom tại các bãi biển.
Hàng năm, các bãi biển tại huyện Cô Tô phải hứng chịu rất nhiều đợt rác thải từ đại dương dạt vào, mỗi đợt nhanh thì 3 - 4 ngày, lâu hơn kéo dài cả tuần với nhiều loại rác từ phao xốp, túi nilon, chai nhựa, rác sinh hoạt, cành cây... Lượng rác nhiều hay ít phụ thuộc vào những đợt gió mùa, bão, thủy triều.
Từ đầu năm đến nay, tính riêng Công ty Môi trường Đô thị Cô Tô đã triển khai cho công nhân trên 50 lượt tổ chức thu gom rác tại các bãi biển. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cơ sở kinh doanh du lịch và nhân dân trên toàn huyện cũng thường xuyên tổ chức các buổi ra quân, lễ phát động, vệ sinh bãi biển thường kỳ hàng tuần, hàng tháng, nhưng với lượng rác trôi dạt không kiểm soát từ đại dương vào thì sức người chỉ như “muối bỏ bể”.

Hiện nay, việc thu gom hoàn toàn bằng phương pháp thủ công dựa vào sức người
Theo ông Lê Bảo Đức – Giám đốc Công ty Cổ phần MTĐT Cô Tô cho biết: Mỗi ngày bình thường công nhân thu gom từ 1,5 – 4 tấn rác thải các loại, ngày có gió bão từ 5 – 7 tấn, ngoài ra, chưa tính những đợt thu gom từ các ra quân trong các phong trào làm sạch biển, số lượng rác thu gom được có khi lên đến hàng chục tấn rác. Rác nhiều khiến chi phí vận chuyển, thu gom và xử lý tăng lên.
Tuy nhiên, đối với lượng rác từ đại dương dạt về thì ngoài việc tổ chức thu gom ra hiện chưa có biện pháp nào khả thi hơn. Hiện tại, Công ty môi trường đang triển khai thu gom thường xuyên định kỳ 8 buổi/tháng suốt dọc 1km bờ biển tại khu vực trung tâm huyện, phần còn lại phụ thuộc vào sự huy động từ cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên và người dân. Mặc dù cũng được tổ chức thường xuyên nhưng còn mang tính chất theo phong trào dẫn đến việc thu gom chưa được đồng bộ.


Rác được thu gom và đưa đi xử lý
Trước tình trạng trên, để tránh làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, cản trở tuyến luồng giao thông thủy và du lịch biển, đồng chí Nguyễn Việt Dũng – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cũng đề nghị tất cả các địa phương có biển tăng cường phối hợp, bố trí phương tiện, thiết bị, nhân lực thu gom triệt để vật liệu nuôi trồng thải bỏ, rác thải trôi nổi trong khu vực biển thuộc địa bàn quản lý; chỉ đạo nhân dân nuôi trồng, khai thác thủy sản trên biển chấp hành, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và phải có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương. Đồng thời, phải tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, kịp thời huy động lực lượng liên ngành để xử lý các tình huống phát sinh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, thay đổi thói quen sinh hoạt và nâng cao ý thức về nói không với việc xả rác xuống biển. Đó là giải pháp căn cơ nhất để giải quyết ô nhiễm rác thải từ đại dương.

Một đoạn bờ biển được thu gom rác thải trả lại vẻ đẹp tự nhiên vốn có
Trong những năm qua, huyện Cô Tô luôn tích cực trong việc bảo vệ môi trường, như việc nói không với túi nilon, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, việc thu gom rác thải nhựa, vệ sinh môi trường biển được thực hiện hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hoạt động nhặt rác cũng được các đơn vị khai thác, kinh doanh dịch vụ đưa vào các sản phẩm du lịch nhằm lan tỏa, khuyến khích du khách vừa đi thăm quan trải nghiệm đồng thời tình nguyện làm hoạt động bảo vệ môi trường và ngày càng thu hút sự tham gia của du khách trong việc gìn giữ cảnh quan xanh, sạch đẹp, qua đó, vừa nêu cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái, vừa phát triển du lịch xanh bền vững tại Cô Tô.
Hoàng Phương - Trung tâm TTVH