Trong không khí vui mừng, phấn khởi, tự hào hướng về kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963-30/10/2023), hôm nay, tại Yên Tử linh thiêng chứa đựng trong mình sức mạnh tinh thần bất diệt - nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm nâng tầm giá trị nhân văn, tính độc đáo của bản sắc văn hóa Việt Nam gắn liền với vị vua - nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa lớn Trần Nhân Tông đã 2 lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên - Mông, đội quân hùng mạnh nhất thời bấy giờ, để lại tiếng thơm muôn thuở của một bậc minh quân thống nhất giữa Đời và Đạo, không màng danh lợi, vinh hoa phú quý, hết lòng vì nước, vì dân, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học: “Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hoá, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững”.
Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh, tôi xin trân trọng cảm ơn và nồng nhiệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và lãnh đạo các địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia đã về tham dự hội thảo và xin gửi tới các đồng chí những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là tổng thể những đặc trưng, thuộc tính, phẩm chất căn cốt nhất, có tính đại diện tiêu biểu của địa phương, tổng hòa trên tất cả các mặt, lĩnh vực, từ thiên nhiên, văn hóa, xã hội, con người đến đặc điểm kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... được hun đúc, định hình từ điều kiện tự nhiên, từ kết quả quá trình lao động, đấu tranh để sinh tồn và phát triển của cộng đồng địa phương trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của vùng đất, có tính bao trùm, được đa số cộng đồng công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ bằng ý thức tự giác.
Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là sợi dây nối quá khứ, hiện tại và tương lai, vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính đương đại, phản ánh hơi thở của thời đại, trở thành mục tiêu, động lực, phương châm chỉ đạo, “hệ đường ray” để quy tụ lòng người, đoàn kết xã hội, xác định, gắn kết các định hướng lớn cho xây dựng, phát triển bền vững địa phương ở hiện tại và tương lai.
Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh là mặt hợp trội của tổng thể các giá trị, các mối quan hệ giữa các giá trị đó và giữa các mặt cụ thể của chúng. Đó không phải là phép cộng cơ học của từng giá trị, mà có sự gắn kết chặt chẽ, sâu sắc, tương hỗ giữa các giá trị đơn lẻ để cấu tạo nên giá trị mới mang tính hợp trội mà từng giá trị riêng lẻ không thể có được, cùng hướng đích tới mục tiêu phát triển bền vững vì hạnh phúc nhân dân. Hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh hình thành trên nền tảng thâu thái các giá trị phổ quát của quốc gia - dân tộc Việt Nam (hệ giá trị quốc gia), gồm: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc, với các giá trị đặc trưng không thể pha lẫn của các yếu tố vùng, miền, khẳng định bản sắc địa phương, là niềm tự hào, tự tôn của cộng đồng. Nó không tách biệt, địa phương chủ nghĩa, mà luôn phát triển trong sự giao hòa với các giá trị chung của quốc gia - dân tộc, góp phần thúc đẩy đa dạng hóa, làm giàu thêm các giá trị chung.
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc những yếu tố đặc thù và mang tính hợp trội về địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - văn hóa, địa - tự nhiên, sinh thái..., nằm trong tương quan với các giá trị phổ quát của quốc gia - dân tộc Việt Nam, kế thừa và phát triển những tư tưởng, quan điểm đã nêu ra tại Nghị quyết 11/NQ-TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh” đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” đã được thực tiễn phát triển chứng minh; hệ giá trị của tỉnh Quảng Ninh được xác định bao gồm 6 giá trị cấu thành: "Thiên nhiên tươi đẹp - văn hóa đặc sắc - xã hội văn minh - hành chính minh bạch - kinh tế phát triển - nhân dân hạnh phúc".
(1) Thiên nhiên tươi đẹp: Quảng Ninh sở hữu những giá trị thiên nhiên tuyệt sắc hiếm nơi nào có được, trở thành một tác phẩm nghệ thuật thiên tạo giữa trần gian, càng được nâng tầm bởi danh hiệu của UNESCO. Tuyệt sắc, tuyệt phẩm ấy thể hiện ở các kiến trúc tự nhiên hài hoà giữa núi non với biển cả, đồng bằng với miền núi, miền Đông với miền Tây của tỉnh bởi các cấu trúc vật lý, của không gian ba chiều, nhất là Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, danh thắng Yên Tử, khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng,... Tất nhiên, tuyệt sắc thiên nhiên ấy chỉ mới bộc lộ ở khía cạnh "thiên tạo", quan trọng hơn giá trị gia tăng của “tuyệt sắc” chỉ được nâng tầm khi chúng ta biết phát huy tối đa lợi thế khác biệt của vùng, địa phương, phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu bằng các chiến lược dài hạn và hành động phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn,...
(2) Văn hóa đặc sắc: Văn hoá Quảng Ninh thể hiện tính thống nhất trong đa dạng của văn hoá Việt Nam. Văn hoá Quảng Ninh được cấu thành bởi văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc, văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Văn hoá biển thể hiện cả trong các tầng văn hoá khảo cổ học phản ánh từ xa xưa cư dân nơi đây đã hướng biển để phát triển kinh tế biển. Văn hoá công nhân mỏ được xác lập từ thời cận đại và đến thời đại Hồ Chí Minh được tổ chức thành lực lượng, phong trào làm nền tảng xã hội cho cách mạng, phản ánh ở tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”. Văn hoá đặc sắc đồng bào các dân tộc vùng Đông Bắc với cả văn hoá rẻo cao, rẻo giữa và rẻo thấp, mang nhiều sắc thái tộc người khác nhau. Văn hoá Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thể hiện cả trong thiết chế tôn giáo, tâm thức nhân dân, có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam, văn hoá Việt Nam. Điều này đã làm nên giá trị đặc sắc văn hoá Quảng Ninh với tính mở, tính sáng tạo, tính kỷ luật, tính khoan hoà và nhân văn sâu sắc. Trong điều kiện kinh tế thị trường, các giá trị văn hoá tốt đẹp đó tiếp tục được phát huy cao độ, chuyển hoá từ tài nguyên văn hoá thành nguồn lực và động lực cho phát triển không chỉ nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, mà còn thúc đẩy hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, trở thành sức mạnh nội sinh, khát vọng phát triển.
(3) Xã hội văn minh: Văn minh là một trong những thành tố quan trọng của xã hội, biểu thị giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo trên nền tảng trình độ văn hóa đã phát triển ở mức độ nhất định. “Xã hội văn minh” là một trong những mục tiêu được Đảng ta xác định đầu tiên trong hệ mục tiêu của thời kỳ đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, là đặc trưng tổng quát của chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Nằm trong mục tiêu và giá trị chung của văn minh ở tầm quốc gia, “xã hội văn minh” của tỉnh Quảng Ninh mang những giá trị phổ quát, đồng thời có những giá trị đặc trưng.
Quảng Ninh là cái nôi của giai cấp công nhân và nền sản xuất công nghiệp hiện đại; là vùng đất phát triển giao thương, thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ biển và dịch vụ, du lịch từ rất sớm, nên sớm hình thành môi trường, nếp sống, tác phong của xã hội văn minh, với việc coi trọng những chuẩn mực ứng xử trong cộng đồng, văn minh công cộng, nếp sống văn hóa, xây dựng đô thị văn minh (Quảng Ninh là tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước), kỷ luật và ý thức thượng tôn pháp luật... Do đó, từ trong truyền thống và cuộc sống hiện đại, xã hội văn minh trở thành một giá trị của tỉnh Quảng Ninh, tiếp tục được xây dựng, không chỉ là văn minh xã hội, mà mở rộng ra trên nhiều lĩnh vực: Văn minh chính trị, văn minh kinh tế, văn minh sinh thái...
Xây dựng xã hội văn minh ở đây đối lập với những gì lạc hậu, tiếp cận với những tiến bộ của dân tộc về nhân loại trên mọi mặt tổ chức sản xuất, tổ chức xã hội, tiêu dùng, lối sống. Biểu hiện cụ thể của Quảng Ninh chính là nền sản xuất dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, dịch vụ hóa, hiện đại hóa gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; xây dựng xã hội kỷ cương, trọng pháp, kết hợp với giáo dục giá trị đạo đức tốt đẹp cả trong văn minh đô thị, văn minh nông thôn; tiêu dùng thông thái gắn với các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn cho con người và bảo vệ môi trường tự nhiên, định hình văn minh sinh thái; lối sống lành mạnh, tình nghĩa, nhân ái, trách nhiệm, thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ. Tính văn minh nêu trên đối lập với tính lạc hậu, kém phát triển, phi văn hóa trong đời sống vật chất và tinh thần, tổ chức xã hội và nhân cách cá nhân con người.
(4) Hành chính minh bạch: Xây dựng một nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch là định hướng lớn và tầm nhìn văn hóa sâu sắc của Đảng ta. Các giá trị địa phương như văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, kinh tế phát triển, nhân dân hạnh phúc chỉ có thể được thực hiện trong môi trường “hành chính minh bạch”. Nói cách khác, hành chính minh bạch là làm cho chính quyền thật sự của dân, do dân, vì dân, tường minh trước nhân dân để dân giám sát, tạo động lực cho giải phóng các nguồn lực, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và khi được thực hiện có nền nếp, khi được lặp đi lặp lại lâu dài sẽ trở thành thói quen, định hình ý thức tự giác, mang giá trị thương hiệu địa phương, phong cách văn hóa.
Đây là là mục tiêu xuyên suốt của tỉnh Quảng Ninh từ nhiều nhiệm kỳ nay, là yếu tố mang tính then chốt để Quảng Ninh xây dựng chính quyền địa phương kiến tạo và nâng cao năng lực quản trị địa phương; tạo điều kiện thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước... Quảng Ninh có 6 năm liên tiếp (2017 - 2022) giữ vị trí Quán quân Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 5 năm dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), 4 năm dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) và 2 năm dẫn đầu vị trí xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Đây đều là những kết quả chưa từng có tiền lệ và quan trọng hơn cả là Quảng Ninh đang đi đúng hướng để xây dựng một nền hành chính đạt các chuẩn mực quốc gia, quốc tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả... Với quyết tâm chính trị cao và những kết quả xây dựng nền hành chính, cải cách hành chính đạt được, “hành chính minh bạch” thực sự trở thành một giá trị đặc trưng trong hệ giá trị của tỉnh. Đây là một giá trị đương đại, song sự ra đời và hình thành của nó sâu xa vẫn có sự kế thừa, phát triển những nét giá trị, phẩm chất truyền thống của văn hóa, con người Quảng Ninh.
(5) Kinh tế phát triển: Kinh tế phát triển thể hiện ở tốc độ tăng trưởng, quy mô nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với các mô hình đổi mới và đột phá, đưa Quảng Ninh từ một tỉnh nghèo trở thành một trong những tỉnh phát triển đi đầu của cả nước. Kinh tế của Quảng Ninh giữ vững đà tăng trưởng (GRDP) cao, ổn định trên hai con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022). Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt gần 270.000 tỷ đồng (chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng ở khu vực phía Bắc), gấp 4,89 lần so với năm 2010. 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt 9,94%, phấn đấu cả năm trên 10%; thu ngân sách nhà nước thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Trong 10 năm liền (2013 - 2022), Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước. Tạo bước đột phá mới về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông chiến lược, dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn lực nhà nước. Diện mạo, cảnh quan của các vùng miền trong tỉnh thay đổi từng ngày. Dựa vào kinh tế phát triển toàn diện, Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
“Kinh tế phát triển” là một giá trị của tỉnh Quảng Ninh, là yếu tố quan trọng hàng đầu và phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện, bởi chỉ có phát triển lâu dài mới giúp tích lũy và chuẩn bị kịp những tiền đề, điều kiện, nền tảng để duy trì tốc độ tăng trưởng trên 2 con số đến năm 2030, đạt được mục tiêu xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; GRDP bình quân đầu người trên 15.000 USD.
(6) Nhân dân hạnh phúc: Quảng Ninh lấy con người là trung tâm của phát triển bền vững và mọi sự phát triển đích cuối đều vì hạnh phúc của nhân dân; phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững. Đặt trong quan niệm chung đó, Quảng Ninh định hình “nhân dân hạnh phúc” là một giá trị của tỉnh, mọi sự phấn đấu của tỉnh đều hướng tới hạnh phúc của nhân dân, với mục tiêu phấn đấu nhân dân tỉnh Quảng Ninh ngày càng ấm no, tự do, và hạnh phúc, thể hiện ở cả chỉ số phúc lợi thu nhập và phúc lợi phi thu nhập gắn với các thành tựu phát triển kinh tế và phân bổ thành quả tăng trưởng đầu tư cho phát triển xã hội, phát triển con người, chăm lo cho người yếu thế, phát triển các dịch vụ công cộng, phấn đấu là một “vùng đất lành” và hạnh phúc để con người sống, làm việc, nghỉ ngơi, thụ hưởng và phát triển.
Như vậy, các giá trị “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc” là hệ giá trị hợp trội được định hình dựa trên cơ sở địa phương hóa các giá trị tốt đẹp của quốc gia - dân tộc và nhân loại, tổng hợp hóa và nâng tầm các giá trị riêng lẻ của văn hóa, con người Quảng Ninh, làm thành bản sắc, cốt cách riêng có, trở thành tầm nhìn phát triển địa phương. Đồng thời, giữa các thành tố của hệ giá trị Quảng Ninh có quan hệ khăng khít, chặt chẽ, tương hỗ, bao quát khá toàn diện trên các lĩnh vực: điều kiện tự nhiên - văn hóa - xã hội - chính trị - kinh tế - con người, trong đó “thiên nhiên tươi đẹp” là điều kiện; “văn hóa đặc sắc” là nền tảng; “xã hội văn minh” là chuẩn mực; “hành chính minh bạch” là môi trường; “kinh tế phát triển” là phương tiện và “nhân dân hạnh phúc” là mục tiêu cuối cùng hướng đến. Đây cũng là nội hàm cốt lõi trong mục tiêu quản trị phát triển bền vững địa phương với mô hình phát triển bền vững dựa trên việc tìm kiếm sự cân bằng giữa ba yếu tố: kinh tế, xã hội và môi trường, gắn với nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó trước các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng cực đoan hơn.
Chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng hội thảo hôm nay sẽ bổ sung cho Quảng Ninh những tầm nhìn mới, góc nhìn mới, hiểu biết mới về giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh để tiếp tục chuyển hóa thành mục tiêu, tầm nhìn dài hạn mang tính động lực phát huy sức mạnh tổng hợp gắn với các chiến lược hành động cụ thể để đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Một lần nữa kính chúc các đồng chí đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Xin trân trọng cảm ơn!