Ngôi trường chỉ có 7 học sinh và 3 giáo viên ở đảo Trần

20/11/2023 20:50

Tuy chỉ có 7 học sinh cùng 3 cô giáo đứng lớp nhưng không khí ngày 20.11 ở phân hiệu Liên cấp đảo Trần thuộc trường Tiểu học Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh vẫn ngập tràn niềm vui.

Đảo Trần cách đường phân định vịnh Bắc Bộ khoảng 4 - 5km, cũng là đảo xa đất liền nhất của Quảng Ninh.

Phân hiệu Liên cấp đảo Trần có 8 phòng chức năng nhưng chỉ có 5 học sinh bậc tiểu học, 2 học sinh mầm non cùng 3 cô giáo đứng lớp.

Gieo chữ nơi đảo xa là một hành trình gian nan với mỗi giáo viên, đó chính là sự yêu nghề, phải vượt lên chính mình, thậm chí là hy sinh hạnh phúc cá nhân như câu chuyện của cô giáo Phạm Thị Vường, giáo viên trường Tiểu học Thanh Lân, huyện Cô Tô.

Ngày 3.9.2023, cô giáo Vường cùng 2 cô giáo khác đến đảo Trần nhận nhiệm vụ. Cô Vường là giáo viên chủ nhiệm của lớp ghép chỉ có 2 học sinh, trong đó có một học sinh lớp 1 và một học sinh lớp 2.

Cô giáo Phạm Thị Vường đang rèn nét chữ cho học sinh tại Phân hiệu trường liên cấp Thanh Lân tại đảo Trần. Ảnh: Thu Báu

Cô Vường chia sẻ: “Tháng 8.2023, trường Tiểu học Thanh Lân lấy tinh thần xung phong, tôi đã viết đơn tình nguyện ra đảo công tác. Đây cũng là lần thứ 3 tôi dạy học tại xã đảo Thanh Lân. Đến đảo, các đơn vị vũ trang, nhân dân ra tận bến cảng đón và chuyển giúp đồ đạc về trường. Đến nơi thì thấy nhân dân và phụ huynh học sinh đang dọn dẹp trường lớp để chuẩn bị cho năm học mới. Sự nhiệt tình chào đón của các em học sinh, người dân và các lực lượng chức năng trên đảo khiến chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà”.

Trò chuyện với phóng viên Báo Lao Động về quyết định của mình, cô Vường cho rằng: “Với tôi, đây là việc làm hết sức bình thường của một giáo viên tuyến đảo. Tôi đã 28 năm công tác trong nghề và là người cao tuổi nhất trường. Tôi nghĩ có nhiều cô giáo vướng con nhỏ, việc gia đình vẫn xung phong ra đảo Trần công tác, tại sao tôi lại không làm được? Trong khi tôi là một Đảng viên, con cái lớn và đã đi học, đi làm ở Hà Nội”.

Giờ bản thân ra đảo Trần công tác tuy nói một năm, thời gian không quá dài nhưng một mình chồng ở nhà phải tự chăm sóc bản thân, trông nom gia đình, nhiều lúc cũng thấy sốt ruột. Tôi phải làm công tác tư tưởng cho gia đình, người thân và cả chính bản thân mình nữa” - cô Vường tâm sự.

Không khí vui tươi tại lớp học mầm non. Ảnh: Thu Báu

Anh Phạm Văn Lý, thôn Đảo Trần, xã Thanh Lân cho biết: "Tôi có con học lớp 1 tại trường. Trẻ em ngoài đảo khá nhút nhát, cháu đã đọc ghép được 3 từ và viết chữ khá đẹp". Ngày 20.11, thay mặt các phụ huynh, anh Lý cảm ơn các cô rất nhiều.

Đảo Trần cách đảo Cô Tô lớn 45 km, nhưng con sóng, ngọn gió ngoài đảo khắc nghiệt hơn rất nhiều. Ngoài chuyến tàu cố định mỗi tháng một lần đưa các cô giáo về gia đình ở đảo Cô Tô lớn nghỉ cuối tuần thì giáo viên có việc đột xuất phải đi xuồng ngoài, chưa kể mỗi chuyến đi còn phụ thuộc vào thời tiết và phải đi đường vòng đến huyện Hải Hà, rồi từ đó bắt xe về huyện Vân Đồn và lên tàu ra Cô Tô. Một hành trình như vậy chi phí hơn 2,5 triệu đồng.

Đó chỉ là một vài trong vô số những khó khăn của nghề dạy học với các cô giáo ở đảo Trần - đảo tiền tiêu của Tổ quốc. "Mỗi con chữ được gieo bên bờ sóng đâu chỉ có tình yêu, mà phía sau còn là rất nhiều những hy sinh niềm riêng, và lớn hơn, là sự gửi gắm về một sự nối tiếp" - cũng là tâm tư người dân trên đảo gửi lời cảm ơn tới các cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

Những “viên gạch hồng” được cô xây hôm nay mai sau sẽ trở thành những người công dân có ích, mạnh mẽ, can trường xây dựng và giữ đảo./.

Đoàn Hưng (Báo Lao Động)


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1133
Đã truy cập: 7484409