I. KHU LƯU NIỆM HỒ CHỦ TỊCH TRÊN ĐẢO CÔ TÔ

13/07/2019 10:09

Ngày 9/5/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bay trực thăng từ thủ đô Hà Nội ra thăm đảo Cô Tô trong Vịnh Bắc Bộ, vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Một trong những hải đảo xa xôi, nơi đầu sóng ngọn gió tuyến đầu của Tổ quốc.

Nhận được tin Bác đến thăm đảo Cô Tô, Ủy ban hành chính huyện Cẩm Phả, Ủy ban hành chính tỉnh Hải Ninh, Ủy ban hành chính xã Cô Tô cùng một số đơn vị quân đội đóng trên đảo và các dân tộc sinh sống ở quần đảo Cô Tô đã tổ chức đón Bác.

Đảo Cô Tô, Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ủy ban hành chính xã, do Bí thư Ông Voong Xi - Chủ tịch; Ông Tắc Quang, nhân dân đã triển khai phát quang khu bãi cát, làm chòi canh gác, giao cho lực lượng dân quân xã thường trực, các gia đình, các cơ quan đơn vị đóng trên đảo đều nô nức chuẩn bị đón Bác. Các cháu học sinh được nhà trường tổ chức theo từng trường.

Đảo Thanh Lân: Do Đảng ủy, Ủy ban nhân dân hành chính xã, Chủ tịch Ông Lường Mũi Nàm đã thông báo tin Bác ra thăm tới từng gia đình, ba HTX ngư nghiệp, chủ nhiểm: Ông Loòng Cẩm Thai. HTX Bắc Vàn Thầu, HTX Tiến Vọt, huy động tất cả các tàu thuyền đánh cá nghỉ, tập trung sang Cô Tô đón Bác. Học sinh gồm 2 trường Bắc Vàn Thầu - Trường Chiến Thắng, mỗi người đều được trang bị 1 lá cờ đuôi nheo.

Ngay từ mờ sáng ngày 9/5 tất cả đều được chuẩn bị sẵn sàng trong rừng cờ hoa. Từ già đến trẻ, trai gái đều mong chờ giờ phút thiêng liêng được tận  mắt nhìn Bác, tổng số khoảng 4 ngàn dân.

Khoảng 8 giờ sáng ngày 9/5/1961, chiếc máy bay trực thăng từ từ hạ cánh. Bác bước xuống cầu thang trong tiếng hoan hô vang dội vùng biển trời Đông Bắc.

Bác đi bắt tay các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, xã, các đồng chí lãnh đạo các đơn vị lực lượng vũ trang trên đảo, ân cần thăm hỏi sức khỏe các cụ già, trong đó có ông Mần Phóong (ông Nguyễn Văn Phương, đảo Thanh Lân được Bác trực tiếp bắt tay, hiện ông vẫn còn sống tại Đội 2 xã Thanh Lân). Bác thân mật hỏi chuyện chị Cảnh Khoằn, phụ nữ người Hoa, bắt tay ông Vòong Tống ôm hôn các chiến sỹ thi đua, trồng cây trên đảo Cô Tô (ảnh trưng bày tại Nhà lưu niệm Hồ Chủ tịch ở đảo Cô Tô). Bác chia kẹo cho các cháu học sinh, thiếu niên nhi đồng.

Trong giờ phút thiêng liêng đầy tình cảm thân mật, cán bộ, chiến sỹ, các đồng bào trên đảo được tận mắt nhìn thấy Bác trong bộ quần áo kaki, đôi dép cao su giản dị, Bác nói:

“Thưa các cụ phụ lão!

Anh chị em bộ đội, cán bộ!

Thanh niên, nhi đồng!

Chúng tôi thay mặt Đảng và Chính phủ thân ái hỏi thăm toàn thể đồng bào. Trong thời kỳ kháng chiến, đồng bào ta đã hăng hái giúp đỡ cán bộ và bộ đội. Từ hòa bình lập lại, đồng bào ta đoàn kết chặt chẽ, khắc phục khó khăn thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, nhờ vậy mà đời sống đã tiến bộ hơn trước, đồng bào tổ chức các HTX để làm ăn cho vui vẻ và tiến bộ, như thế là tốt. Để tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc, các HTX cần phải ra sức thực hiện các việc sau đây:

- Thủy lợi tốt, phân bón nhiều, chọn giống cho tốt, cày bừa kỹ, cấy giầy đúng mức v.v.. Nói tóm lại ta quen gọi là: “Kỹ thuật liên hoàn”. Anh em Trung Quốc gọi là “Biện pháp tám chữ”. Phải ra sức chăn nuôi, vì chăn nuôi vừa là một nguồn lợi lớn, lại là một kho phân nhiều.

- Cần đẩy mạnh nghề đánh bắt cá, nghề làm muối, nuôi dưỡng và bảo vệ các thứ hải sâm, chân trâu v.v…

Để làm tốt những nghề đó thì phải cần cải thiện kỹ thuật, cải tiến lưới, thuyền. Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. trồng cây sẽ đem lại cho nhân dân một nguồn lợi lớn lại làm cho xứ sở ta thêm tươi đẹp.

- Phải ra sức củng cố hợp tác, làm đúng khẩu hiệu cần kiệm xây dựng hợp tác xã.

- Về văn hóa cần cố gắng thanh toán nạn mù chữ và đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hóa trong cán bộ nhân dân. Việc vệ sinh phòng bệnh cần tăng cường. Có sức khỏe đầy đủ thì sản xuất mới mạnh mẽ.

- Về trật tự trị an, các đồng chí bộ đội, công an, dân quân và cán bộ lâu nay đã làm tròn nhiệm vụ. Như thế là tốt. Các đồng chí cần tiếp tục cố gắnghọc tập chính trị, nghiệp vụ và văn hóa, cần đoàn kết chặt chẽ với nhân dân và giúp đỡ nhân dân. Đồng bào thì cần giúp đỡ các đồng chí ấy làm nhiệm vụ cho thật tốt.

Để làm tốt các việc trên đây, đồng bào ta phải nhận thấy rỗ và làm thật đúng nghĩa vụ cảu người chủ nước nhà. Cán bộ phải chí công vô tư, phải làm một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động phải làm đầu tàu phải gương mẫu trong mọi việc. Hiện nay trong số 4 ngàn nhân dân chỉ có 180 đảng viên như thế là quá ít. Cần phải phát triển thêm và phát triển tốt Đảng và Đoàn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, cùng sự đoàn kết cố gắng của nhân dân, đời sống của đồng bào ta đã cải thiện khá. Thí dụ: sản lượng cá từ 200 tấn đã tăng lên đến 700 tấn. Trong mấy tháng đầu năm nay, đồng bào đã vỡ hoang và trồng được hơn 45 vạn gốc sắn. trong hơn 600 gia đình thì 200 gia đình đã làm được nhà mới, v.v.. như thế là khá. Nhưng đồng bào ta phải cố gắng hơn nữa để làm cho đời sống no ấm, vui tươi hơn nữa.

Hiện nay, tỉnh Hải Ninh có tiến bộ về các mặt, cán bộ tỉnh cần phải hướng dẫn và giúp đỡ cho đồng bào các đảo cùng tiến bộ, để đồng bào các đảo góp phần vào xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà.

Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết và tiến bộ”         

 

Ủy ban hành chính tỉnh Hải Ninh thay mặt nhân dân chiến sỹ, cán bộ tỉnh nhà cảm ơn tình cảm quý báu Bác đã giành cho xã đảo Cô Tô. Sau đó dẫn Bác đến thăm một số cơ sở sản xuất trên đảo. Qua Dốc Khoai Bác bới khoai dưới ruộng và khen khoai tốt (ảnh trưng bày tại Nhà lưu niệm). Tiếp đó Bác đến thăm đồng muối thuộc thôn Nam Hải (tên cũ là thôn Hồng Vàn). Sau khi thăm đồng muối và ân cần thăm hỏi bà con các dân tộc trên đảo, Bác về nghỉ chân tại Ủy ban hành chính xã Cô Tô (hiện nay là nhà lưu niệm Bác).

Tháng 1/1962, Bác trở lại thăm vùng Đông Bắc và đi thăm một số điểm: đảo Ngọc Vừng, đảo Vạn Hoa. Khi ở Vạn Hoa Bác cùng với một số cán bộ ngành giao thông hoạch định, con đường Hồ Chí Minh trên biển từ vịnh Bắc Bộ tiếp tế lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược chi viện Miền nam đánh thắng giặc Mỹ.

Thể theo nguyện vọng nhân dân tỉnh nhà, Ủy ban hành chính tỉnh Hải Ninh xin phép Bác cho dựng tượng đài Người trên đảo Cô Tô, được Bác đồng ý.

Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Ninh quyết định xây dựng tượng đài Bác và khu di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch trên đảo Cô Tô (đã được sát nhập tỉnh Hải Ninh và tỉnh Hồng Quảng gọi là tỉnh Quảng Ninh). Giao cho Ty Văn hóa là đơn vị chủ quản phối hợp với Ty Kiến trúc Ủy ban hành chính huyện Cẩm Phả, Ủy ban hành chính xã Cô Tô phát động quần chúng xây dựng.

Sau một thời gian chuẩn bị, năm 1968 công việc đươc tiến hành thi công:

  1. Cải tạo khu Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Cô Tô thành nhà lưu niệm Hồ Chủ tịch.
  2. Dựng bia đá ở Dốc Khoai nơi Bác xem khoai.
  3. Bia đá dựng nơi máy bay trực thăng hạ cánh.
  4. Khu công viên đặt tượng Bác.

Người được giao thiết kế tượng bán thân Bác là tác giả Nguyễn Văn Quế nguyên là cán bộ phòng văn nghệ Ty Văn hóa thông tin Quảng Ninh (nay làm việc tại Công ty mỹ thuật TW). Người trực tiếp chịu trách nhiệm thi công: Lê Văn Minh và Nguyễn Đức Nựu cùng một số cán bộ công tác xây dựng.

Công trình hoàn thành và bàn giao cho Ủy ban hành chính xã Cô Tô ngàu 22/5/1968. Bên giao ông Bùi Xuân Trường, đại diện cho Ty Văn hóa Quảng Ninh. Bên nhận ông Vòong Nịp Ốn, đại diện Ủy ban hành chính xã Cô Tô huyện Cẩm Phả, đã ký nhận. Ủy ban hành chính xã Cô Tô có trách nhiệm bảo vệ, giới thiệu phục vụ khách tới thăm quan.

Tháng 6/1969, trước lúc đi xa, Bác cử đồng chí Võ Nguyên Giáp, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng quốc phòng đến vùng biển Đông Bắc kiểm tra tình hình và mang tấm ảnh tặng quân và dân trên đảo có bút tích của Bác “Khuyên cán bộ, bộ đội, nhân dân đoàn kết một lòng sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”.

Sự kiện Bác đến thăm đảo và những lưu niệm của Bác ở đảo đã làm biến đổi Cô Tô về kinh tế - xã hội: phong trào lao động sản xuất, luyện tập quân sự mang khí thế mới. Năng suất đánh bắt cá của ngư dân ở đây ngày càng cao. Hai HTX đánh cá của ngưu dân ở đảo Thanh Lân, Bắc Vàn Thầu và Phồ Vàn Chảy, lần lượt được phong danh hiệu Anh hùng lao động. Một ngư trường nuôi ngọc tải đã ra đời.

Ngày 16/9/1974, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, đề ghi lại công ơn to lớn của Hồ Chủ tịch đối với nhân dân tỉnh Quảng Ninh xứng đáng với công ơn trời biển của Bác. Ủy ban hành chính tỉnh quyết định tôn tạo lại khu di tích lưu niệm, dụng tượng đài toàn thân Bác tại khuôn viên, quyết định số 763QĐ/UB do Chủ tịch Nguyễn Ngọc Đàm ký.

Khu di tích được tôn tạo từng hạng mục công trình tiến hành đầu năm 1975 hoàn thành vào tháng 5/1976, đúng dịp kỷ niệm 15 năm Bác ra thăm đảo và 86 năm ngày sinh của Người.

Tác giả thiết kế tượng Bác (tượng toàn thân Bác đứng vẫy tay) ông Nguyễn Phước Sanh, nguyên là Trưởng khoa điêu khắc trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường Đại học mỹ thuật TP HCM). Tác giả thi công: Kiến trúc sư Vương Ngọc Báo, Mo Lo Kai xưởng Mỹ thuật quốc gia (nay là Công ty mỹ thuật TW). Tượng được thay thế tượng bán thân dựng năm 1968. Pho tượng bán thân Bác được đưa vào trung tâm huyện Cẩm Phả nay là huyện Vân Đồn) đặt tại sân Bảo tàng khu vực sân khấu ngoài trời.

LOẠI HÌNH DI TÍCH

Khu di tích trên đảo Cô Tô gồm nhà lưu niệm, nhà trưng bày về Hồ Chủ tịch. Tượng Bác trong khuôn viên; bia dựng ở những nơi Bác đến thăm và con đường đi trên đảo Cô Tô ngày 9/5/1961, nội dung ghi lại sự kiện lịch sử trọng đại đó. Và đây là một trong những di tích được Bác lúc còn sinh thời đồng ý cho dựng tượng Người.

Vì vậy, Khu di tích trên đảo Cô Tô được xếp vào loại hình di tích LƯU NIỆM DANH NHÂN.

KHẢO TẢ DI TÍCH

Khu di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch trên đảo Cô Tô là những dấu tích ghi lại sự kiện Bác Hồ ra thăm đảo, ân cần dặn dò quân dân, đồng bào các dân tộc trên đảo ngay 9/5/1961. Gồm 4 di tích.

  1. Con đường Bác Hồ đi trên đảo Cô Tô

Sau những giờ phút thiêng liêng, đầy tình cảm sâu nặng, địa điểm này nay là nơi dựng tượng Bác. Từ đây Bác đã đi trên con đường trục chính về thăm trung tâm của xã bao gồm Đảng ủy, UBND xã Cô Tô và các điểm trồng trọt, làm muối trên đảo.

Con đường Bác đi trên đảo Cô Tô năm xưa dài gần 2km, nay còn lại nhiều dấu tích sâu sắc về Bác như khuôn viên tượng Bác, dốc khoai, ao cá, nhà lưu niệm và đồng muối.

Để tưởng nhớ công lao trời biển của Bác Hồ muôn vàn kính yêu với dân tộc Việt Nam, và làm theo lời dặn bảo ân cần của Bác khi Bác về thăm đảo Cô Tô, cán bộ, chiến sỹ cùng nhân dân đảo Cô Tô đã tôn tạo con đường Bác đi năm xưa trên đảo Cô Tô thành con đường to đẹp hơn. Mặt đường cũ 5m nay làm rộng thành 17m, có bồn hoa ở giữa làm giải phân cách.

  1. Khuôn viên dựng tượng Bác chính là nơi máy bay hạ cánh, nhân dân đã tổ chức mít tinh đón Bác. Di tích được xây dựng năm 1969 và tôn tạo lại năm 1975, như hiện nay cách bờ biển (mực nước cường) 50m. Được xây dựng tường bao xung quanh, tường cao 0,56, chiều dài khuôn viên 67,199m, rộng 42,350m, diện tích khu khuôn viên 1.835m2, gồm 3 cửa:

+ Cửa chính giữa: xây thành 3 cửa nhỏ (kiểu tam quan) của giữa rộng 4,550m, gồm 2 cánh sắt quay bản lề gòong. Hai cửa hai bên mỗi cửa rộng 2m, 1 cánh sắt. Cửa được xây 4 trụ vuông mỗi trụ cao 1,400m.

+ Hai cửa bên phải và trái khuôn viên, cửa rộng 2m, hai trụ hai bên cao 1,4m, cánh song sắt bản lề gòong.

   Chính giữa khuôn viên được lát gạch lá dừa hình chữ J xung quanh tượng Bác. Tượng đài toàn thân, Bác đứng vẫy tay, trang phục bộ quần áo kaki và đôi dép cao su. Chất liệu tượng: bê tông cốt thép xi măng trắng. Tượng cao 4m, đứng trên bệ ốp đá cẩm thạch bệ cao 3m, vuông 1,2m chân bệ được ốp gạch men sứ hoa sen. Bệ dưới cùng được xây bằng đá tảng xanh rộng 4,4 m2.  Chính giữa dưới chân tượng đài đựt đỉnh hương, hai bên là 2 ghế đá, mặt ốp đá hoa, chân được ốp gạch men sứ hoa sen, ghế cao 0.5m.

Phía sau tượng Bác là tấm bia đá xanh được xây ốp xung quanh đá rửa, bia cao 2,250m, rộng 1,55m. Bia đặt trên bệ nhị cấp, mỗi cấp cao 0,2m.

Nội dung bia: Nơi đây lúc 8h ngày 9/5/1961 chiếc máy bay trực thăng đưa Bác Hồ đến thăm đảo Cô Tô, hạ cánh. Bác từ máy bay bước ra tươi cười vẫy tay chào cán bộ, bộ đội, nhân dân các dân tộc trên đảo vui mừng đến đón Bác”.

Ngoài khu vực xung quanh tượng Bác lát gạch lá dừa toàn bộ khuôn viên được rải đá cuội cát sỏi, tạo đường ra hai cửa phải, trái khuôn viên.

Phía sau khuôn viên là tấm bia gốc xây dựng năm 1968 đặt nghiêng trên bệ nổi ốp đá rửa xây kiểu bia mộ tam casp dài 2,214m, rộng 1,60m. Tấm bia dài 0,60m, rộng 0,45m. Nội dung bia: Nơi đây lúc 8 giờ ngày 9/5/1961 Hồ Chủ tịch bước xuống máy bay trực thắng thăm cán bộ và nhân dân đảo Cô Tô” (năm 1974 Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Ninh quyết định nâng cấp tôn tạo khuôn viên và bia lớn dựng trong khuôn viên phía trước như hiện nay).

  1. Bia dốc khoai: Nằm cách con đường từ bãi biển vào nhà lưu niệm cách biển 175m (mức nước cường), bia được dựng bên phải đường từ ngoài vào, chính giữa đầu luống khoai Bác đã bới xem khoai.

Bia khắc trên đá thớ mịn, cao 1,2m, rộng 0,8m ốp xung quanh đá rửa toàn bộ cao 2,4m, rộng 1,5m đặt trên bệ nhị cấp bệ dài 3,4m, rộng 2,0m.

Nội dung bia: “Trên đám ruộng này Hồ Chủ tịch đã xem khoai và khen khoai tốt trong dịp Người đến thăm đảo Cô Tô ngày 9/5/1961”. Bên kia đường đối diện với bia Dốc Khoai là hồ sen nhân tạo, có chiều dài 43m, rộng 37m, diện tích hồ 1.591 m2, cách trục đường chính 8m.

  1. Nhà lưu niệm Hồ Chủ tịch

Thẳng đường trục chính từ biển vào 300m (mực nước cường). Di tích được xây dựng trong khuôn viên tường bao hình vuông, cạnh 47m, diện tích khuôn viên 2.209 m2, cổng xây dựng kiểu tam quan, rộng 3,7m, cánh sắt chạy bản lề gòong, nguyên vật liệu gạch đỏ.

Đường từ cổng và nhà lưu niệm được lát gạch hoa (xây dựng năm 1975), đường rộng 3,3m, bổ ô bàn cờ, các ô được trồng cây cảnh, chậu hoa.

Nhà lưu niệm được xây dựng 5 gian cấp 4, đóng xó lợp ngói sông cầu, tường bao hiên. Nhà lưu niệm dài 22,5 m, gian rộng lòng 6,3m. Riêng gian giữa rộng hơn bốn gian cạnh 3,7m, đặt tượng bán thân Bác trên bục, khung xếp ly vải đỏ, hàng chữ tráng nổi trên nền đỏ: Không có gì quý hơn độc lập tự do, bên dưới đặt đỉnh hương.

Hai gian thông bên phải trưng bày chiếc giường nột nhà quạt Bác nằm nghỉ trưa ngày 9/5/1961. Trên giường rải ga trắng và chiếc gối hoa, bên cạnh là chiếc tủ hai buồng chất liệu gỗ dẻ, tủ cao 2m, rộng 1,2 m. Tủ đựng đồ đạc của Bác. Bàn cao1m, mặt bàn rộng 0,8 m, dài 1,5m, ghế dựa 5 chiếc. Trong tủ kính trưng bày một bộ quần áo gụ, một bộ quần áo kaki, mũ cát, chậu đồng, đôi dép cao su, những đồ dùng của Bác. Tiếp theo là mô hình nhà sàn ở Phủ Chủ tịch nơi Bác ở, một số hình ảnh chụp lúc Bác ra thămđảo cùng một số hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Nhà nước Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh. Một số bản trích lời nói chuyện, căn dặn của các đồng chí lãnh đạo: bản trích bài nói chuyện của Hồ Chủ tịch, bản trích lời căn dặn của cố Tổng bí thư Lê Duẩn.

Đặc biệt là bút tích của đồng chí cố Tổng bí thư Lê Duẩn trong Sổ lưu niệm nhân ngày đồng chí ra thăm đảo Cô Tô ngày 15/6/1977, nội dung: “Cô Tô là một cảnh xinh đẹp của đất nước Việt Nam, các đồng chí và tất cả các cháu ở trên hòn đảo quý báu này của đất nước phải cố gắng xây dựng hòn đảo tươi đẹp hùng vỹ này xúng đáng với truyền thống anh hùng của nhân dân Việt Nam”. Kèm theo ảnh chụp với nhân dân trên đảo Cô Tô.

Một số cờ, huân huy chương, danh hiệu Anh hùng lao động và quân đội của Nhà nước phong tặng cá nhân, đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong quá trình bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Hai gian thông bên trái: trưng bày những thành tựu kinh tế, chính trị, quân sự của quân dân, các đồng bào trên đảo, gồm 52 ảnh, tài liệu khoa học phụ cũng là nơi đặt bộ bàn ghế chữ U làm nơi hội họp, tọa đàm mỗi khi có khách tới thăm và làm việc với huyện đảo.

Bên trái nhà lưu niệm là nhà khách, được tôn tạo xây dựng năm 1975. Nhà cấp 4, lợp ngói 5 gian, lòng nhà rộng 6,3m 2 gian đầu hội thò, 3 gian giữa tường bao hiên, hiên rộng 1,3m. Hai gian giữa thông, rộng 3,7m lát gạch hoa, vừa là nơi đón khách vừa là nơi ở làm việc của Ban quản lý.

Nhà bếp được nối liền với nhà khách bằng một hành lang gồm 3 gian dài 7,3m, lòng rộng 3,25m, phía trước tường bao hiên, rộng 1,6m. Trong khu khuôn viên nhà lưu niệm các công trình xây dựng được thiết kế rất hài hòa với không gian trong khu di tích, nhìn thẳng ra tượng đài Bác qua hồ sen.

  1. Cánh đồng muối

Cánh đồng muối thuộc khu 1 thị trấn Cô Tô (trước là thôn Hồng Vàn). Trước cửa trung tâm y tế huyện Cô Tô. Từ nhà lưu niệm rã phải 1km là tới di tích. Cánh đồng muối là một thung lũng bằng phẳng xung quanh là đồi núi bao bọc, có các cửa thông ra biển, diện tích đầm xấp xỉ 100.000m2. Trong đàm xây dựng một số cột bê tông lắp cánh quạt, mỗi cột cách nhau 50m. Chính nơi đây Bác Hồ đã ra thăm và Người quay cánh quạt. Một kho chứa muối nền cao 2m, xây bằng đá cuội, toàn bộ phần trên đã bị đổ vỡ.

Hiện nay, cánh đồng muối không sản xuất nữa, đất dần dần bồi cao, mực nước ít vào.

 


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 66
Đã truy cập: 6182813