Diện tích

28/02/2021
Đầm Hà có diện tích tự nhiên rộng 41.436 ha, trong đó trên 80% diện tích là đồi núi. Núi Đại Hoàng Mô (Tài Voòng Mố lẻng) 1106m, núi Tế Hoàng Mô (Say Voòng Mố lẻng) 1025m. Địa hình thấp dần về phía nam. Vùng phía nam huyện là một cánh đồng trung du đông dân cư và là một vùng trọng điểm nông nghiệp. Sông Đầm Hà dài 25km bắt nguồn từ nhiều dòng suối trên các triền núi phía bắc đổ về, mùa mưa hay có lũ lớn. Phù sa của sông Đầm Hà và sông Đồng Cái Xương đã bồi tụ nên một dải bãi triều ven biển, tạo nên một tiềm năng nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản.

 

Vùng đồi núi chủ yếu tập trung ở phía Bắc của huyện, núi Say Voòng Mố Lẻng cao 1.025m (xã Quảng Lâm), đồi núi đan xen nhau tạo thành những lòng chảo, độ cao thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Đồi ở Đầm Hà có tầng đất đỏ dày, màu mỡ thích hợp trồng các loại cây công nghiệp như: quế, thông, chè, keo, cây ăn quả và sản xuất vật liệu xây dựng.

Trồng dưa lưới trong nhà màng của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà 

Vùng đồng bằng trung du chủ yếu tập trung ở phía Đông và Nam của huyện, là vùng chuyên canh nông nghiệp trồng cây lương thực, thực phẩm, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đây cũng là nơi tập trung đông dân cư, làng xã trù phú và hình thành thị trấn Đầm Hà -Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện.

Nuôi trồng thủy sản

Vùng ven biển đan xen với các cửa sông, cửa lạch, hàng năm được bồi đắp lượng phù sa màu mỡ, rất thích hợp với việc nuôi trồng thuỷ sản. Vùng biển Đầm Hà rộng, được các hòn đảo phân thành hai tuyến, tuyến trong tạo thành vùng vịnh, tuyến ngoài trải rộng hòa nhập với Biển Đông. Biển Đầm Hà có nhiều hải sản quý như: tôm, mực, cua, sò huyết, sá sùng, cá song, cá ngừ, hồng, thu, chim, nhụ… với trữ lượng lớn, mở ra triển vọng phát triển cho ngành ngư nghiệp trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện.

Thả tôm giống trong nhà bóng của tập đoàn Việt Úc tại huyện Đầm Hà

Đầm Hà có hệ thống các con sông chảy theo hướng Tây Bắc xuống Đông Nam như sông Đầm Hà, Đồng Lốc, sông Cái Đá Bàn…, trong đó lớn nhất là sông Đầm Hà dài 25 km bắt nguồn từ nhiều dòng suối trên các triền núi phía Bắc đổ về. Sông suối ở Đầm Hà ngắn, nhỏ, hẹp, độ dốc cao, nhiều thác ghềnh nên rất thuận lợi trong việc cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp, sinh hoạt và phát triển thuỷ điện nhỏ, góp phần phục vụ đời sống sinh hoạt của đồng bào vùng sâu, vùng xa của huyện.

Đầm Hà có hệ thống đường bộ, đường thuỷ toả đi các nơi. Đường thuỷ có các cảng, bến bãi ngày càng được mở rộng như: Cảng Đầm Buôn, Phúc Tiến rất thuận lợi cho các tàu nhỏ và vừa qua lại giao thương buôn bán. Đường bộ, có Quốc lộ 18 nối liền giữa thành phố Hạ Long và cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, cùng với đường liên huyện, đường liên xã, liên thôn tạo thành một mạng lưới giao thông liên hoàn thuận tiện cho việc đi lại và trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa giữa các vùng trong huyện.

Khoáng sản ở Đầm Hà chủ yếu là đất đỏ, đất sét, có trữ lượng lớn, độ dẻo cao, thích hợp cho việc sản xuất vật liệu xây dựng, gốm, sành sứ. Ngoài ra ở Đầm Hà còn có một lượng than non, đá chịu lửa, cát trắng, … phục vụ cho ngành công nghiệp địa phương.

Nhà máy chế biến gỗ Thanh Lâm

 Với sự đa dạng và phong phú về tài nguyên khoáng sản rừng, biển, đồng bằng… tạo ra cho Đầm Hà có khả năng phát triển kinh tế khá toàn diện với cơ cấu nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.



Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 467
Đã truy cập: 3606347