Di tích khảo cổ Núi Hứa là di tích có qui mô lớn, khu vực có các di tích khảo cổ nằm ở sườn phía Nam của núi có tọa độ 21° 19' 27,6" vĩ Bắc, 107° 32' 52" kinh Đông, tập trung nhiều ở khu vực giữa Lạch Voi đến khe Hố Đen, xung quanh gò Đâm Gạo thuộc loại hình di tích khảo cổ, thuộc Trung kỳ đá mới (văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn) có niên đại 6.000 đến 7.000 năm cách ngày nay. Các di vật khảo cổ phân bố trên chiều dài khoảng 500m, chiều rộng khoảng 20m đến 30m; với diện tích hơn 10.000 m2 các yếu tố gốc của di sản khảo cổ còn gần như nguyên trạng, nhiều loại hình hiện vật độc đáo, trong đó điển hình công cụ mũi nhọn 2 đầu. Đây là một loại hình công cụ duy nhất được phát hiện tại núi Hứa cho đến hiện nay. Di tích Núi Hứa có chiều dài trên 2,2km, chỗ rộng nhất gần l km; núi có một số điểm nhô cao, trong đó đỉnh cao nhất khoảng 90m so mặt nước biển là gạch nối giữa Trung kỳ đá mới với Hậu kỳ đá mới ở Quảng Ninh, điểm giữa của các vùng văn hoá khảo cổ tiền sử dày đặc ở Móng Cái,Vân Đồn, Cẩm Phả và Hạ Long.
Di tích khảo cổ tại Núi Hứa là loại hình di tích khảo cổ tiền sử rất đặc biệt bởi tầng văn hoá chứa di vật nằm dưới mực nước thuỷ triều. Về mặt địa chất, đây là một địa chỉ rất sinh động minh họa cho tác động của nước biển dâng cách đây hàng nghìn năm, được coi là loại hình di tích khảo cổ rất hiếm có của Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung
Di tích kháng chiến hang Hố Đen nằm giữa một thung lũng sâu ở sườn phía Nam của Núi Hứa thượng nguồn của khe Hố Đen, tại vị trí có chiều cao khoảng 60m so với mặt biển, có tọa độ 21° 19' 37,37 " vĩ Bắc, 107° 32'52 " kinh Đông. Hang Hố Đen là một mái đá dài khoảng 20m, rộng khoảng 3m. Diện tích toàn bộ khu vực Hố Đen rộng khoảng 5.000m2(0,5 ha). Đây là căn cứ chiến đấu của du kích và của lực lượng vũ trang huyện Đầm Hà là điển hình cho loại căn cứ trong lòng địch. Nơi đây, ngày 28 tháng 10 năm 1948, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đầm Hà được thành lập. Ngày đầu, Chi bộ có 4 đồng chí do đồng chí Hoàng Thịnh làm bí thư”. Có Đảng lãnh đạo, phong trào kháng chiến của nhân dân huyện Đầm Hà nói chung, xã Đại Bình nói riêng ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Danh thắng "Vườn Cò” Núi Hứa hiện là một khu vực được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt, là nơi duy nhất hiện nay có các loài cò sinh sống tập trung của huyện Đầm Hà nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Nơi đây, hàng ngàn con cò đã về sinh sống, tạo ra một cảnh quan hết sức sinh động; đàn cò xuất hiện từ cuối những năm 70, sau này do điều kiện khí hậu trong lành, thức ăn dồi dào, chúng phát triển lên tới hàng ngàn con, đông nhất là cò ruồi, cò ngàng nhỏ, ngàng nhỡ, cò lùn xám... Khu vực sinh sống chính của đàn cò được chia thành 3 tầng khác nhau: Tầng trên cùng là những ngọn cây cao là nơi cò đỗ; Tầng giữa là chạc, cành cây để cò làm tổ; Tầng dưới cùng là những cành cây sát mặt đất - nơi con cò nhỏ tập kiếm ăn, tập bay. Thời điểm thích hợp nhất để ngắm cò ở đây là mùa hè. Khi đó cò vào mùa sinh sản và phát triển, không gian trở nên náo nhiệt hơn, nhất là thời điểm sáng sớm và chiều tối.
Nếu tổng hợp cả 3 loại hình di tích khảo cổ - lịch sử - danh thắng trong một địa điểm núi Hứa, thì đây là một di tích độc đáo duy nhất trong tỉnh Quảng Ninh có được cả giá trị tự nhiên và giá trị văn hoá, mà cụ thể là giá trị về khảo cổ học, về lịch sử và về danh thắng.