Lịch sử , Văn hóa - xã hội

11/09/2023
Từ xa xưa Đầm Hà thuộc phần đất của Nhà nước Lạc Việt. Thời Hùng Vương thuộc bộ Ninh Hải, nước Văn Lang. Đến thời phong kiến độc lập tự chủ Đầm Hà thuộc lộ Hải Đông.Tuy nhiên do sự phát triển hạn chế của các phương tiện giao thông đương thời nên Đầm Hà vẫn được xem là vùng đất xa, còn ít được khai thác.

 

1.Khái quát lịch sử hình thành huyện Đầm Hà qua các thời kỳ

Đầm Hà là vùng đất cổ, có vị trí chiến lược quan trọng, địa bàn hiểm yếu nên nhiều Triều đại phong kiến đã chọn nơi đây để lập trại, xây thành, đắp luỹ, gây dựng địa bàn, tuyển mộ quân sỹ luyện tập chống giặc phương Bắc xâm lược.  

Từ xa xưa Đầm Hà thuộc phần đất của Nhà nước Lạc Việt. Thời Hùng Vương thuộc bộ Ninh Hải, nước Văn Lang. Đến thời phong kiến độc lập tự chủ Đầm Hà thuộc lộ Hải Đông.Tuy nhiên do sự phát triển hạn chế của các phương tiện giao thông đương thời nên Đầm Hà vẫn được xem là vùng đất xa, còn ít được khai thác.

Dưới thời nhà Lý, Trần, Triều Đình đã phái nhiều đạo binh lên xây thành đắp lũy, mở rộng về khu vực đồng bằng ven biển gắn liền một vùng sản xuất nông nghiệp lúa nước với những cư dân từ đồng bằng đến sinh sống, đóng góp vào sự hình thành làng, xã tập trung ở khu vực ven biển.

Dưới thời nhà Nguyễn, Đầm Hà là một Tổng, thuộc phủ Hải Đông, sau này phủ Hải Đông đổi tên thành Hải Ninh. Đến năm 1891 (Tân Mão, Thành Thái thứ 3), Phủ toàn quyền Pháp ra nghị định tách phủ Hải Ninh khỏi tỉnh Quảng Yên, lập khu quân sự Móng Cái - là một trong bốn đạo quan binh lớn ở Bắc Kỳ, thời kỳ này Đầm Hà thuộc khu quân sự Móng Cái.

Ngày 10-12-1906 (Bính Ngọ, Thành Thái năm thứ 18), Phủ toàn quyền Pháp ra nghị định tách phủ Móng Cái thành 3 Châu: Móng Cái, Hà Cối và Tiên Yên, Đầm Hà là một Tổng thuộc Châu Hà Cối, tỉnh Hải Ninh. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà xoá bỏ cấp Tổng, mở rộng cấp xã, Tổng Đầm Hà được nâng cấp thành huyện Đầm Hà. Thời kỳ này huyện Đầm Hà gồm các xã Thanh Y, Nà Pá, Đầm Hà, Mộc Bài, Đầm Hà Động, Tân Bình, Đại Bình, Dực Yên và Thị trấn Đầm Hà, sau đó một thời gian để phù hợp với địa bàn hành chính, hình thành thêm xã Tân Lập từ một phần đất của xã Đầm Hà và xã Đại Bình.

Được khu Việt Bắc giúp đỡ và sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự tỉnh Hải Ninh, ngay sau khi huyện Đầm Hà được giải phóng, ngày 28 tháng 1 năm 1946, đồng chí Nguyễn Ngân, đại biểu khu Việt Bắc, đồng chí Lê Bảy - đại diện cho Uỷ ban hành chính tỉnh Hải Ninh cùng với các đồng chí trong Ban chỉ huy chiến dịch E đã tiến hành họp bàn, ra quyết định thành lập Uỷ ban hành chính lâm thời huyện Đầm Hà, chỉ định đồng chí Đặng Bình làm Chủ tịch, đồng chí Đinh Trần làm phó Chủ tịch; đồng chí Lê Sơn làm Uỷ viên thư ký và đồng chí Chu Quang Khải, Uỷ viên phụ trách quân sự; thống nhất việc thành lập các Uỷ ban hành chính lâm thời cơ sở và các tổ chức trong Mặt trận Việt Minh từ huyện tới xã.

Ngày 25/7/1950 Liên khu Việt Bắc ra Quyết định số 664 - P3 sáp nhập các xã Hoa kiều thuộc tổng Bát Tràng, huyện Móng Cái, huyện Đầm Hà và các xã Hoa kiều thuộc huyện Hà Cối thành một khu Hoa Kiều thuộc tỉnh Hải Ninh.

Ngày 30/10/1963 Quốc Hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa II kỳ họp thứ 7 phê chuẩn hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh, tỉnh lỵ là thị xã Hòn Gai, huyện Đầm Hà là một trong 11 huyện trực thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 4/6/1969, để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và giải phóng đất nước Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 85 - CP hợp nhất huyện Đầm Hà và huyện Hà Cối thành huyện Quảng Hà để đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và giải phóng miền Nam.

Ngày 16/1/1979, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 17-CP đổi tên một số xã  thuộc huyện Quảng Hà. Xã Mộc Bài đổi tên thành xã Quảng Tân, xã Nà Pá đổi tên thành xã Quảng An, xã Thanh Y đổi tên thành xã Quảng Lâm, xã Đầm Hà Động đổi tên thành xã Quảng Lợi.

Ngày 10/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 63-HĐBT giải thể xã Tân Lập để sáp nhập vào xã Đầm Hà và xã Đại Bình huyện Quảng Hà; giải thể thị trấn Đầm Hà, sáp nhập vào xã Đầm Hà.

Ngày 25/5/1991, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ ra Quyết định số 284- BTCCBCP tách 100 ha đất tự nhiên và 3.528 nhân khẩu của xã Đầm Hà, huyện Quảng Hà để tái lập thị trấn Đầm Hà.

Ngày 29/8/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2001/NĐ-CP chia huyện Quảng Hà thành 2 huyện Đầm Hà và Hải Hà. Huyện Đầm Hà được tái lập với 9 đơn vị hành chính gồm thị trấn Đầm Hà và 8 xã (Quảng Tân, Đầm Hà, Quảng Lợi, Quảng An, Quảng Lâm, Dực Yên, Tân Bình, Đại Bình).

Năm 2006, Chính phủ ra Nghị định số 58/2006/NĐ-CP thành lập thêm xã Tân Lập thuộc huyện Đầm Hà. Huyện Đầm Hà có 10 đơn vị hành chính gồm 01 thị trấn và 09 xã: Quảng Tân, Dực Yên, Quảng Lợi, Đại Bình, Quảng Lâm, Quảng An, Tân Bình, Tân Lập, Đầm Hà và thị trấn Đầm Hà.

2.Văn hoá, xã hội

Đầm Hà có vốn văn hoá dân gian nhiều sắc thái riêng. Các xã người Kinh có Đình, Miếu thờ Thành Hoàng làng và có lễ hội hàng năm. Tín ngưỡng dân gian với tục thờ cúng tổ tiên có từ lâu đời chiếm vị trí chủ yếu trong đời sống văn hoá của người dân nơi đây. Phong tục tập quán ở làng, xã thể hiện rõ sự gắn bó với nông nghiệp và văn minh lúa nước, văn hoá Làng của vùng đồng bằng Sông Hồng nhưng vẫn có những nét đặc trưng riêng như tục làm đám chay, tục tôn trọng các thầy mo, tục hát đối giao duyên trong đám cưới, hát ví trong những ngày lễ hội...

Văn hóa và ý thức hệ cũng được phát triển đáng kể ở Đầm Hà dưới thời Lê - Trịnh tại các xã vùng ven biển Đại Bình, Đầm Hà, Tân Bình được thể hiện qua việc xây dựng Đình Làng như: đình Đầm Hà, đình Tràng Y, đình Làng Ruộng, đình Cái Giá, đình Cái Mắm, đình Cái Tó, đình Cúc Xục... Vào cuối thế kỷ thứ XVII (cuối thời Hậu Lê, Tiền Nguyễn) miếu Rừng Hè đã được cư dân lập thờ, thời gian sau đó đình Đầm Hà được xây dựng tại phía Nam Núi Chùa (khu Đầm La). Đến đầu thế kỷ thứ XIX, kể cả đình Đầm Hà, chùa Đầm Hà ở khu vực Núi Chùa đều bị giặc Tàu Ô đốt phá. Đến cuối thế kỷ XIX đầu thể kỷ XX, đình Đầm Hà được nhân dân Tổng Đầm Hà xây dựng lại và được trùng tu vào năm 1943. Đình Đầm Hà đã được các vua Triều Nguyễn ban tặng 7 sắc phong: 02 bản do vua Tự Đức ban tặng, 03 bản do vua Thành Thái ban tặng và 02 bản sắc phong do vua Đồng Khánh ban tặng.

Năm 1957, do hoàn cảnh xã hội lúc đó lễ hội đình Đầm Hà không còn được tổ chức, đến năm 1963, đình Đầm Hà bị tháo rỡ. Thể theo nguyện vọng của nhân dân Đầm Hà, ngày 19 tháng 5 năm 2008 Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 1445/QĐ - UBND cho phục dựng lại đình Đầm Hà và tổ chức lễ hội bắt đầu vào mùa xuân năm 2009.

Sau 52 năm thất truyền, lễ hội đình Đầm Hà được phục dựng lại, theo truyền thống văn hoá của vùng quê Đầm Hà. Trong lễ hội các lễ nghi truyền thống vẫn được duy trì, nhưng thời gian tổ chức lễ hội được rút ngắn lại trong 3 ngày 2 đêm. Hiện nay đình Đầm Hà được xây dựng khang trang ngay trên nền đất Đình cũ trước đây, toàn thể khuôn viên rộng 5.000m2. Đình xây theo hướng Tây - Nam, cấu trúc kiểu Cổ Chuôi vồ gồm 3 gian hậu cung, 5 gian tiền đường.

Ngoài ra, văn hóa Hán, chữ Hán, Nho giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo cũng du nhập vào Đầm Hà từ rất sớm và phát triển mạnh mẽ dưới thời nhà Nguyễn cuối thế kỷ thứ XVIII đầu thế kỷ XIX và sau này là Thiên Chúa Giáo; dấu ấn còn lại cho đến ngày nay như nhà thờ Xóm Giáo, chùa Khánh Vân, chùa Suối Sâu...hình thành nên những nét văn hóa đặc trưng ở vùng đất Đầm Hà và đã có những đóng góp quan trọng cho đời sau như việc tôn thờ các anh hùng dân tộc, những người có công với quê hương, các công trình văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống được tu bổ, sửa sang hoặc làm mới… góp phần khắc sâu vẻ đẹp tình làng nghĩa xóm, phản ánh những tập quán sinh hoạt thôn quê, sắc thái riêng của từng dân tộc; làm phong phú, da dạng truyền thống văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Quá trình phát triển đã hình thành nên những nét văn hoá đặc trưng trong từng dân tộc ở Đầm Hà: người Kinh có sắc thái văn hóa riêng trong lễ hội Đình làng: lễ rước cỗ chay, lễ rước Thành Hoàng, lễ dâng hương, lễ cáo trạng, múa đèn, múa bông, có điệu hát Nhà tơ, hát ví trong những ngày lễ hội, họ hàng đáp lễ, đôi bên nam nữ trao duyên, hẹn hò. Ở các xã vùng cao, đặc biệt là vùng dân tộc Dao có những phong tục tập quán riêng trong đám cưới, đám tang, tục ở rể, tục nhận đồng niên và những ngày lễ tết theo mùa vụ. Người Tày rất coi trọng thờ cúng tổ tiên, nhằm giáo dục, nhắc nhở con cháu luôn hướng về cội nguồn, giữ gìn truyền thống gia tộc, gia đình, đồng bào còn thờ thần cửa, thổ công, vua bếp. Đây là những vị thần bảo hộ, không cho các ma quỷ vào trong nhà, phù trợ cho các thành viên trong gia đình được mạnh khoẻ. Người Tày có miếu thờ thổ công, có nhiều lễ hội thường được tổ chức vào đầu Xuân, khai hội mùa cày cấy mới. Người Tày có điệu hát then du dương; người Dao thiên về hát sán cố âm vang sôi động; người Sán Dìu, Sán Chỉ lại có những nét văn hóa đặc trưng riêng... với sự giao thoa giữa các dân tộc, vùng miền văn hóa, tạo nên nét đặc trưng của từng dân tộc, góp phần làm phong phú thêm tinh hoa văn hóa của các dân tộc đất Đầm Hà.

Cư dân sớm nhất Đầm Hà là người Kinh sinh sống bằng khai thác hải sản và canh tác đất đai ở vùng ven biển. Về sau có thêm người từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ di cư đến. Sau đó là các dân tộc thiểu số thuộc nhóm Bách Việt gồm người Tày Nùng, người Dao, người Sán Chay, người Sán Dìu, cuối cùng là người Hoa từ Quảng Tây, Quảng Đông và một số tỉnh Đông Nam Trung Quốc di cư sang.

Người Kinh từ vùng miền xuôi đến cư trú từ lâu đời, chiếm đa số; có cuộc sống bao dung, chan hòa, tôn trọng tập quán của các dân tộc khác, có tinh thần yêu nước. Họ định cư ở những vùng đồng bằng ven biển gắn với sản xuất nông nghiệp, đánh bắt các nguồn lợi từ biển; do quá trình khai hoang, phục hóa đã hình thành lên những làng mạc, những khu dân cư tập trung, cùng nhau xây dựng và tổ chức phát triển kinh tế.

Người Tày có cội nguồn từ vùng núi Tấn Mài với tập quán văn minh, lịch lãm và kho tàng truyện cổ dân gian đầy sức thuyết phục, cần cù, thông minh và sức sáng tạo cùng các dân tộc anh em xây dựng quê hương.

Các dân tộc ít người như Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ sống chất phác; do hoàn cảnh, điều kiện sinh hoạt tạo cho họ những tập tục, phong thái riêng. Người Sán Dìu có lễ Đại Phan, người Dao có lễ Cấp sắc, lễ cúng cơm mới của người Tày...Đồng bào dân tộc di cư từ nhiều vùng miền đến xây dựng nên những bản, làng, họ sống tập trung ở những khu vực rẻo cao, thường là lưng chừng đồi hay chân rừng, có núi đồi, có thung lũng đồng bằng nhỏ hẹp. Việc khai thác lâm thổ sản, săn bắn, đánh bắt, lấy măng, lấy củi, hái các loại quả, nấm và các loại cây thuốc dược liệu quý... đã cung cấp những nhu cầu thiết yếu cho đời sống của đồng bào. Trong sản xuất nông nghiệp đồng bào có truyền thống làm ruộng bậc thang, từ lâu đời đã biết thâm canh và áp dụng rộng rãi các biện pháp thuỷ lợi như đào mương, bắc máng, đắp phai, làm cọn lấy nước tưới ruộng. Họ có tập quán đập lúa ở ngoài đồng trên những máng, đồng bào còn trồng lúa khô, hoa màu, cây ăn quả... Để chăm bón cây trồng cho năng suất cao, cư dân nơi đây đã biết tận dụng các loại phân từ vật nuôi và các cây thảo mộc trên rừng tận dụng làm phân xanh bón cho cây trồng. Các loại gia súc, gia cầm được đồng bào chăn nuôi theo phương thức hộ gia đình, phương pháp chăn nuôi chủ yếu là chăn thả tự nhiên, biết tận dụng mặt nước ở ao, hồ nuôi các loại cá nước ngọt. Các nghề thủ công trong thời kỳ này cũng tương đối phát triển như: nghề dệt thổ cẩm, đan lát, nghề rèn, nghề mộc…

Người Hoa Kiều chiếm số lượng đáng kể trong số các thành phần dân tộc anh em cùng chung sống, họ đến định cư bằng nhiều con đường, được đùm bọc, che chở họ đã tạo lập và hòa nhập cùng với dân tộc khác làm ăn sinh sống.  Bị thực dân, đế quốc, bọn phản động kích động, đa số người Hoa Kiều trong những năm 1954-1955, 1956 - 1957, 1966 - 1967, 1978-1979 di cư vào Nam hoặc đi ra nước ngoài sinh sống. Sự biến động lớn nhất diễn ra trong hai năm 1978 - 1979 đối với  các huyện miền Đông, tỉnh Quảng Ninh nói chung, huyện Quảng Hà nói riêng, do sự kích động của các thế lực phản động ngoài nước đại đa số các hộ người Việt gốc Hoa lũ lượt rủ nhau ra đi khỏi địa bàn để qua biên giới đi Trung Quốc. Từ năm 1978 đến tháng 2/1979 có 5,8 vạn Hoa Kiều đi khỏi địa bàn huyện Quảng Hà bỏ lại nhà cửa hoang tàn, ruộng đồng hoang hóa, nhiều xã trở thành địa bàn trắng không có dân cư, thầy giáo không có học sinh để dạy học, sức lao động thiếu, phân bố không hợp lý giữa các địa bàn, nhiều xã dân số chỉ còn lại vài trăm người…đó là những khó khăn lớn trong bước đường phát triển của Đầm Hà giai đoạn này.

Trước tình hình đó, đầu năm 1978 Trung ương đã có nghị quyết điều động dân cư trên địa bàn cả nước với phương châm “Tổ quốc đẹp giàu đâu cũng là quê hương”. Cục điều động dân cư Trung ương đã phân bổ chỉ tiêu cho các tỉnh, thành phố để vận động san dân cho tỉnh Quảng Ninh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ tháng 5/1978 Thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thái Bình, Hải Hưng đã đưa nhiều đợt các hộ dân đến xây dựng kinh tế mới tại huyện Quảng Hà. Số lượng hàng vạn lao động, hơn 300 cán bộ, đồng thời Trung ương và tỉnh cũng cử gần 200 cán bộ tăng cường cho huyện để ổn định dân cư và củng cố tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền ở các xã chỉ đạo ổn định dân cư. Song giai đoạn này huyện gặp nhiều khó khăn, vất vả trong việc bố trí, sắp xếp nơi ăn, ở để dân cư lập nghiệp, nhất là khi xẩy ra chiến tranh biên giới phía Bắc, tư tưởng của dân mới chuyển đến hoang mang, nhiều hộ đã bỏ về quê cũ. Lúc này cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tập trung vận động để nhân dân sớm ổn định, khó khăn chỉ là tạm thời, cần xác định kiên trì bám trụ để xây dựng cuộc sống lâu dài. Với nhiều chủ trương sát đúng, hợp lòng dân, sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị sau 5 năm tình hình dân cư ở các xã đã dần ổn định trở lại, các hộ dân đã có nhà ở không phải ở ghép nhiều hộ như trước đây.

Đồng bào ở miền xuôi di cư ra xây dựng kinh tế mới đã mang theo sắc thái văn hoá của cư dân đồng bằng Sông Hồng, hội nhập với những nét văn hoá bản địa tạo ra sự đa dạng, giao thoa văn hoá giữa các vùng miền, sự kết hợp giữa văn hoá miền đồng bằng và miền núi ven biển, cùng với những nét đặc trưng của từng dân tộc…hội nhập vào nhau tạo ra sắc thái văn hoá riêng cho cư dân Đầm Hà, góp phần làm phong phú thêm tinh hoa văn hóa của các dân tộc ở vùng đất Đầm Hà ngày nay. 

Nhìn chung, con người Đầm Hà thật thà chất phác, lao động cần cù sáng tạo, có tình cảm sâu sắc, thủy chung gắn bó với quê hương, đất nước. Vùng đất nơi đây đã sản sinh biết bao người con dũng cảm kiên cường tham gia đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước qua các thời kỳ lịch sử. Ngày nay con người Đầm Hà tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng của quê hương đất tổ, đoàn kết một lòng, xây dựng, chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước, xứng đáng với truyền thống của miền quê Anh hùng.


Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 102
Đã truy cập: 4057340