Đồng chí Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND nhân dân huyện đã nghe cơ quan chuyên môn báo cáo về Kế hoạch triển khai chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm năm 2023 và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện Đầm Hà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó năm 2023 huyện Đầm Hà sẽ đăng ký phát triển thêm ít nhất 3 sản phẩm mới theo chu trình OCOP chuẩn gồm lạc đỏ Thành Mến, dưa cải nén, khoai khô Xóm Giáo. Phấn đấu 70% đơn vị sản xuất có sản phẩm phát triển mới được đào tạo, tập huấn, tư vấn hoàn thiện đạt yêu cầu để dự thi đánh giá và xếp hạng. Củng cố, nâng cao chất lượng 15 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận đạt từ 3- 4 sao, phấn đấu tham gia dự thi cấp tỉnh và được công nhận/chứng nhận thêm từ 3 sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Củng cố và nâng cao chất lượng 21 cơ sở sản xuất đã có, phát triển mới ít nhất 1 cơ sở sản xuất tham gia chu trình OCOP. Đưa ít nhất 2 sản phẩm OCOP vào tiêu thụ tại chuỗi các Trung tâm thương mại, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Có 100% sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên được dán tem điện tử, hoặc có mã số, mã vạch để truy suất nguồn gốc theo quy định. 100% sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên được giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử.
Lãnh đạo Phòng NN&PTNT báo cáo Kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP năm 2023
Về Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện Đầm Hà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu sẽ hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của huyện. Nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của các loại nông sản, thực phẩm, khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế của địa phương về phát triển bền vững, gắn sản xuất với chế biến, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Riêng năm 2023 mục tiêu xây dựng 1 vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình hữu cơ, quy mô tối thiểu 5 ha; lựa chọn triển khai các mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ để được chứng nhận hữu cơ vào năm 2025. Triển khai 1 khu vực chăn nuôi lợn hữu cơ quy mô đàn tối thiểu 100 con/lứa; 1 khu vực chăn nuôi gà bản Đầm Hà tối thiểu 1.000 con/lứa; 1 khu vực chăn nuôi vịt đẻ trứng hữu cơ quy mô tối thiểu 2.000 con/lứa….
Sau khi nghe ý kiến các đại biểu, kết luận cuộc họp, đồng chí Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện đề nghị các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn, các cơ sở sản xuất tập trung nâng cao chất lượng, nâng hạng sao các sản phẩm OCOP hiện có như củ cải, gà bản Đầm Hà.. củng cố, phát triển mới một số sản phẩm như dưa cải nén, khoa khô Xóm Giáo, phát triển thêm các sản phẩm chế biến từ gà bản Đầm Hà. Nghiên cứu cải tiến bao bì, mẫu mã các sản phẩm. Khuyến khích động viên các tổ chức cá nhân tham gia phát triển các sản phẩm OCOP. Rà soát xây dựng mã vùng trồng, triển khai một số dự án kho bảo quản, nhà sấy phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản các sản phẩm. Tư vấn các doanh nghiệp, HTX lựa chọn địa điểm để sản xuất các sản phẩm OCOP. Tiếp tục củng cố trung tâm OCOP huyện, chợ nông sản Dực Yên, đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Đối với và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện Đầm Hà, đồng chí Chủ tịch UBND huyện giao mỗi xã có ít nhất một mô hình phát triển sản phẩm hữu cơ hiệu quả, từng bước phát triển và nhân rộng các mô hình hữu cơ trên địa bàn huyện.
Các đại biểu cũng đã nghe và cho ý kiến vào kết quả phân tích, đánh giá thổ nhưỡng tại tiểu khu 328 thuộc xã Quảng Lâm; đề xuất phương án lựa chọn và triển khai nguồn kinh phí hỗ trợ xây, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn huyện do Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại Thương chi nhánh Quảng Ninh tài trợ.
Mai Thắm (Trung tâm TT&VH)