Quang cảnh cuộc họp
Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2023 diễn ra trong 6 ngày (từ 28/4 – 3/5/2023). Tham gia Hội chợ, huyện Đầm Hà có 6 gian hàng với các sản phẩm: Gà bản Đầm Hà, Ngan sao Đầm Hà, Trứng vịt biển Tân Bình, Củ cải phên, Củ cải khô, Củ cải ăn liền Đầm Hà, Rượu sim và rượu khoai Quý Chuẩn, Chân giò nướng Ba Miền, Dao pản, các sản phẩm nông sản đặc trưng, các loại bánh truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc huyện Đầm Hà.
Cuộc họp được kết nối trực tuyến với một số chuyên gia tư vấn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh
Để chuẩn bị cho Hội chợ lần này, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch cho từng sản phẩm đặc trưng của địa phương; chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan tăng cường công tác phối hợp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đôn đốc các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất chuẩn bị sản phẩm, chuẩn bị tốt nguồn hàng cho hội chợ; đóng gói, dán nhãn, tem mác các sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn. Các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, đảm bảo chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Gian hàng các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện Đầm Hà được đánh giá cao, thu hút rất đông khách hàng đến thăm quan, mua sắm. Trong 6 ngày tham gia hội chợ, tổng doanh thu bán hàng đạt trên 500 triệu đồng.
Các đại biểu tham gia ý kiến tại cuộc họp
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và một số vấn đề, giải pháp liên quan đến quảng bá, phát triển sản phẩm, cải tiến nhãn mác, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối tiêu thụ.v.v.
Đồng chí Hoàng Vĩnh Khuyến – Chủ tịch UBND huyện kết luận tại cuộc họp
Kết luận tại cuộc họp, đồng chí Hoàng Vĩnh Khuyến – Chủ tịch UBND huyện đã đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh trong công tác chuẩn bị, tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh – Hè 2023. Đồng chí nhấn mạnh: Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng, hiệu quả, được thực hiện bài bản. Hội chợ OCOP là cầu nối hiệu quả, là kênh xúc tiến thương mại quan trọng; tạo cơ hội cho các địa phương giao lưu, quảng bá sản phẩm, tiềm năng kinh tế, dịch vụ của địa phương; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP thúc đẩy doanh số bán hàng, tăng cường tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng chí đề nghị: các xã, thị trấn cần tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng sản xuất. Tăng cường liên kết giữa người dân - chính quyền địa phương – các chuyên gia, nhà khoa học - doanh nghiệp, hợp tác xã. UBND dân các cấp thiết lập, triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất. Nâng cao vai trò trách nhiệm, tăng cường sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các phòng, cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn. Các doanh nghiệp, cá nhân, chủ thể OCOP phát huy vai trò chủ thể, chủ động liên kết với các chuyên gia phát triển sản phẩm; làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị hàng hóa, tổ chức sản xuất. Trong đó, Phòng NN&PTNT quan tâm hướng dẫn sản xuất; Phòng Kinh tế & hạ tầng hỗ trợ tiêu thụ, thương hiệu, mẫu mã, khoa học công nghệ. Các xã quan tâm tổ chức sản xuất, triển khai các dự án, tăng cường liên kết chuỗi, hỗ trợ theo chương trình, theo mục tiêu; lựa chọn mô hình nòng cốt để liên kết phát triển. Các các doanh nghiệp, HTX xuất sản phẩm OCOP phải tổ chức sản xuất theo quy trình, liên kết với người dân để thực hiện; phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn có chất lượng cao, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem mác, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Thanh Nga (Trung tâm TT&VH)