Thực hiện chủ đề công tác năm 2024 của xã về “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; chất lượng giáo dục; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh; phát huy truyền thống văn hóa địa phương”, sáng ngày 4/3, UBND - Đoàn Thanh niên xã Đầm Hà đã tổ chức ra mắt câu lạc bộ hát nhà tơ trong trường học (tiểu học, THCS)
Mô hình câu lạc bộ hát nhà tơ được thành lập tại 02 trường tiểu học, THCS với 50 em học sinh đăng ký tham gia đợt đầu, tổ chức học tập 01 tuần/01 buổi thứ năm hàng tuần bắt đầu từ tháng 3/2024 với sự hướng dẫn trực tiếp Nghệ nhân nhân dân Đặng Thị Tự và các thành viên CLB của xã và tham gia các chương trình giao lưu văn nghệ với các câu lạc bộ trong và ngoài huyện. Thông qua đó, giúp các em hiểu kế thừa phát huy thế mạnh của văn hóa địa phương hát nhà tơ, thêm yêu, thêm tự hào về quê hương mình, bồi đắp tâm hồn trong sáng, nhân văn và tình yêu văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.
Được biết, Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình bắt nguồn từ ca trù Việt Nam, không gian hát nhà tơ - hát, múa cửa đình chỉ diễn ra tại các đình làng trong ngày hội đầu Xuân, hát nhà tơ - hát, múa cửa đình có múa dâng hương, dâng hoa, dâng nến lên các vị thần với những bài hát mang đậm yếu tố tâm linh. Nội dung các bài hát ca ngợi các vị anh hùng dân tộc, những người có có công với nước, với làng. Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình là một loại hình nghệ thuật diễn xướng trước thần thánh, trước các vị anh hùng dân tộc nên biểu diễn Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình mang tính kỷ luật cao. Các đào hát không chỉ hát hay, múa dẻo mà còn phải biết kết hợp nhuần nhuyễn với các loại nhạc cụ thật ăn ý; Những câu hát chúc thần như lời chào của người hát với thần linh sẽ bắt đầu buổi trình diễn. Sau đó, các đào hát sẽ hát những bài hát hay câu hát có nội dung ca ngợi lòng trung của bề tôi với vua, răn dạy về đạo đức, lòng thủy chung, khuyên bảo con cái về đạo hiếu, về tình làng nghĩa xóm… Năm 2015, Bộ VH,TT&DL đã có quyết định công nhận hát nhà tơ - hát, múa cửa đình của Quảng Ninh là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.