Vùng đồng bào DTTS được tỉnh xác định là khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Thời gian qua công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS được tỉnh đẩy mạnh, qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...
Người dân thôn Đồng Cậm (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Ảnh: La Nhung (CTV)
Với 94,36% dân số là đồng bào DTTS, huyện Bình Liêu tập trung phát huy vai trò người có uy tín trên địa bàn. Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đã phát huy tốt vai trò là “cầu nối” đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Để người dân làm theo, họ gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động; tích cực vận động người dân giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Hoàng Ngọc Hoa (thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) là một trong những người uy tín của thôn, thường xuyên chủ động tuyên truyền cho người dân trong các cuộc họp thôn nêu cao cảnh giác, phát hiện, tố giác những trường hợp vi phạm các quy định nhập cảnh để đơn vị chức năng kịp thời xử lý; vận động bà con ăn ở hợp vệ sinh và tích cực tham gia xây dựng xã NTM nâng cao. Ông Hoa chia sẻ: "Để người dân nghe và làm theo, trước tiên bản thân phải gương mẫu. Công việc của thôn, của xã thì phải tuyên truyền tích cực để bà con cùng có trách nhiệm tham gia; đồng thuận thì việc gì cũng thành”.
Để phát huy hiệu quả công tác dân vận trong đồng bào DTTS, thời gian qua các cấp MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đổi mới nội dung, phương pháp vận động với nhiều hình thức, lồng ghép với các phong trào của các đoàn thể, kết hợp giữa vận động tập trung với vận động cá biệt, chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng thôn, làng. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được quan tâm triển khai trong vùng đồng bào DTTS, gắn với chương trình MTQG giảm nghèo, xây dựng NTM, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...; phát huy vai trò của người có uy tín, đoàn viên, hội viên là người DTTS trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên cử cán bộ bám sát địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để tham mưu giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Hiện toàn tỉnh có gần 400 người có uy tín trong đồng bào DTTS là bí thư chi bộ, trưởng thôn (bản), trí thức, nghệ nhân dân gian, người cao tuổi đi đầu trong sản xuất, kinh doanh giỏi… được nhân dân tín nhiệm. Bằng những việc làm cụ thể, đội ngũ người có uy tín thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương, là "cầu nối" giữa Đảng với nhân dân. 5 năm qua, người có uy tín luôn phát huy vai trò nòng cốt duy trì tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tổ tự quản (trên 1.000 lượt người tham gia). Qua các mô hình, phong trào đã cung cấp nhiều tin quan trọng giúp lực lượng chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm hiệu quả; huy động hàng nghìn lượt người dân tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo đảm sự bình yên của thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo...
Lực lượng vũ trang, nhất là bộ đội biên phòng, công tác dân vận vùng đồng bào DTTS được tăng cường, góp phần phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân. Các đơn vị thực hiện hiệu quả phương châm "4 cùng" với đồng bào (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), từ đó lựa chọn phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phù hợp. Công tác dân vận được tập trung vào các nội dung: Thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu; bảo vệ đường biên, cột mốc; đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh...
Công tác dân vận vùng đồng bào DTTS thời gian qua được thể hiện rõ nhất trong chương trình xây dựng NTM. Từ dân vận, hàng chục nghìn m2 đất, hàng vạn ngày công đã được người dân tự nguyện đóng góp để làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa, công trình dân sinh..., góp phần thay đổi nhanh chóng diện mạo nông thôn của tỉnh, nhất là ở các xã, thôn khó khăn; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân, chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu, đóng góp xây dựng quê hương.
Thu Hòa: theo Trung tâm Truyền thông tỉnh